Chuyện kể trên cánh đồng xương người

Thứ Ba, 28/01/2014, 14:30

Tháng 4/1975, người dân Campuchia đứng trước họa diệt chủng. Từ rừng sâu, các nhóm quân do Pol Pot làm thủ lĩnh tràn vào thủ đô Phnôm Pênh bắt đầu chiến dịch tàn sát man rợ. Trong 3 năm 8  tháng và 20 ngày cai trị của Pol Pot, đất nước Campuchia phải đối mặt với những tháng ngày đen tối, đau thương nhất trong lịch sử với khoảng 2 triệu người (30% dân số của đất nước) đã chết do bị bỏ đói, tra tấn hoặc hành quyết... Hầu hết các gia đình Campuchia đã bị mất ít nhất một người thân trong vụ tàn sát khủng khiếp này.

Lịch sử đau thương, tang tóc của đất nước Campuchia sẽ còn kéo dài nếu như không có sự quên mình của Quân tình nguyện Việt Nam. Ngày 7/1/1979, từ sự chiến đấu ngoan cường của nhiều lực lượng, trong đó có Quân tình nguyện Việt Nam, nhân dân Campuchia đã được giải phóng khỏi chế độ Khmer Đỏ của Pol Pot. Khi tàn quân của Pol Pot bị tiêu diệt, rất nhiều sự thật khủng khiếp được kiến tạo bởi đội quân khát máu được phơi bày, mà một trong số đó là cánh đồng xương người Choeung Ek.

Trước khi vào Choeung Ek (xã Choeung Ek, huyện Dankoar), tôi được khuyến cáo không được cho trẻ em và người yếu tim đi cùng. Bởi  dưới bàn tay máu của quân diệt chủng Khmer Đỏ, làng Choeung Ek hòa bình và xinh đẹp với những cánh đồng thơ mộng, phì nhiêu đã biến thành cánh đồng chết khét tiếng và đau khổ. Bị lùa lên cánh đồng này, các nạn nhân bị giết hại không thương xót và những hình ảnh đau thương nhất đến nay vẫn còn hiện hữu ở cánh đồng chết!

Khi đã chính thức ở Choeung Ek, tôi mới rõ lời khuyến cáo của các bạn người bản xứ sinh sống tại thủ đô Phnôm  Pênh là có cơ sở. Những gì mà chúng tôi chứng kiến trên cánh đồng diệt chủng này quả là kinh hoàng ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai. Đây là nơi mà Khmer Đỏ bắt tù binh của chúng - những người dân thường không có khả năng tự vệ tự đào hố để chôn mình.

Nhiều tư liệu lịch sử ghi các tù nhân khi được đưa đến đây chỉ được sống không quá 24 giờ, cuộc đời khổ đau của họ bị khép lại bởi một cú đánh vào đầu hoặc bị cắt cổ. Khi giết người, quân diệt chủng phân loại nam riêng, nữ riêng. Có đến hơn 17.000 người bị giết hại tại cánh đồng này nhưng qua quá trình khai quật, người ta chỉ có thể phân loại, nhận dạng được 8.985 nam giới, phụ nữ và trẻ em. Số nạn nhân còn lại chỉ là vô số mảnh vỡ của đầu lâu, những mảnh xương vụn vỡ…

1. Cách trung tâm thủ đô Phnôm Pênh khoảng 15km, chúng tôi đang ở giữa cánh đồng xương người - nơi được cả thế giới biết đến với tên gọi Killing Field (Cánh đồng chết). Lúc này 9 giờ sáng, có nhiều du khách phương Tây đang lặng người trước ngôi mộ tháp khổng lồ chứa hơn 8.000 đầu lâu của người dân vô tội bị quân diệt chủng Pol Pot sát hại được sắp xếp theo độ tuổi, giới tính. Mộ tập thể này được dựng lên vào năm 1988 - một mộ tháp rùng rợn nhất thế giới loài người.

Một góc nhà tù diệt chủng Tuol Sleng.

Lặng bước giữa cánh đồng chết chóc tang thương một thuở, anh Thok Som có "mẹ Việt - bố Campuchia" cho biết, nhiều người thân của anh đã bị Khmer Đỏ sát hại dã man trên cánh đồng này sau một thời gian bị chúng giam cầm, bỏ đói và tra tấn tại nhà tù Toul Sleng: "Nếu không có bộ đội Việt Nam thì tôi cùng nhiều người dân Campuchia cũng đã bị chúng giết hại, con số chắc là hơn 2 triệu người, có thể là chẳng còn ai vì chủ trương của Pol Pot là giết sạch, diệt sạch". 

Thok Son năm nay 45 tuổi, có vợ và 3 con, kiếm sống bằng nghề chạy xe tuk tuk. Theo hồi ức kinh hoàng của Son, bố mẹ cùng 4 anh chị em của anh và hàng chục người thân, họ hàng đã bị quân  Pol Pot gom lùa vào nhà tù Tuol Sleng trước khi đem ra cánh đồng chết tàn sát: "Khi quân Pol Pot tràn vào thành phố, tôi với một người bác đang ở vùng Xiêm Riệp (cách Phnôm Pênh hơn 300km - PV) nên may mắn thoát chết" - Son nhớ lại.

Nhà tù Tuol Sleng có mật danh là S-21, nằm giữa trung tâm thủ đô Phnôm Pênh. Tiền thân của nhà tù này là một trường trung học nhưng dưới bàn tay vấy máu của quân Khơmer Đỏ do Pol Pot làm thủ lĩnh, trường học bị biến thành địa ngục trần gian theo đúng nghĩa đen của nó, một địa ngục với đám ngọa quỷ vô lương, bạo tàn - một quái thai của thế giới loài người. Tù nhân  S-21 là những người bị chế độ Khmer Đỏ kết tội phản bội. Khi đến S-21, họ bị chụp ảnh, bị tra tấn cho đến khi thú nhận với bất cứ điều gì mà đội quân đồ tể ép buộc.

"Từ năm 1975 đến năm 1978, S-21 là "nhà mồ" của gần 20.000 người, họ gồm nhiều giới, có cả phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh. Tại trường học - nhà tù này, có những tù nhân quan trọng và đặc biệt bị giết hại như Keo Meas (một nhà cách mạng kỳ cựu), Ney Saran (Bộ trưởng Nông nghiệp), Hu Nim (Bộ trưởng Bộ Thông tin), Cheng An (Thứ trưởng Bộ Công nghiệp), Von Veth (Phó thủ tướng), và 9 người nước ngoài mang các quốc tịch Canada, Mỹ, Úc và Anh..." - trích một tư liệu của người phương Tây khi nói về S-21.

Báo chí quốc tế viết, tiếng là nhà tù nhưng kỳ thực S-21 là cỗ máy giết người, một địa ngục mà các ác quỷ mặc sức tra tấn, thẩm vấn, cáo buộc bất kỳ người dân nào là kẻ phản bội. Trong khoảng 20.000 người đã bị giam cầm tại S-21, chỉ có 7 người sống sót.

Thống kê của các tổ chức quốc tế cho thấy trong quá trình đày đọa đất nước Campuchia vào thời kỳ đen tối của lịch sử, quân Pol Pot đã thiết lập ít nhất 20 nhà tù diệt chủng như thế trên khắp cả nước và S-21 ngày nào nay là Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng - điển hình của tội ác bạo tàn ấy.

2. Trở lại chuyện diệt chủng chính người dân của mình trên cánh đồng Choeung Ek của Khmer Đỏ. Chuyện rằng sau khi bị tra tấn, phần lớn các nạn nhân được chở bằng xe tải ra Choeung Ek vào ban đêm. Trước khi bị chuyển đi, lính canh tù nói với họ rằng họ được chuyển đi nơi khác. Lời nói dối này được tạo ra để ngăn chặn các tù nhân không chịu đi hoặc tìm cách trốn thoát ra ngoài. Bình quân mỗi ngày số lượng tử tù tại Choeung Ek bị sát hại từ vài chục đến vài trăm người.

 

Cận cảnh ngôi mộ tháp chứa hơn 8.000 đầu lâu của thường dân bị sát hại.

"Tù nhân bị dẫn theo từng nhóm nhỏ đến mương và hố đã được đào trước. Họ được lệnh phải quỳ xuống và sau đó lần lượt bị lính Pol Pot đập trên cổ, đầu với các công cụ như cuốc, gậy hoặc bất cứ điều gì khác được xem như vũ khí của cái chết. Đôi khi họ bị đâm bằng dao hoặc kiếm, hoặc bị cắt cổ họng để tiết kiệm đạn. Có khi hàng chục nạn nhân bị đánh đập, bị trói quặt tay ra sau và bị dồn vào các rọ sắt thả xuống nước...". --PageBreak--

Theo một nhân chứng đến Choeung Ek chỉ 2 ngày sau khi Campuchia được giải phóng thì tại hiện trường, ông và nhiều người phát hiện quanh cánh đồng chết có nhiều thùng đựng chất hóa học được đám đao phủ rải lên xác nạn nhân để ngăn mùi hôi thối từ xác đang phân hủy. Sau khi thực hiện xong từng vụ tàn sát, đám đao phủ tẩy uế, rửa sạch cơ thể của chúng và các công cụ giết người trong một con mương gần đấy.

Không chỉ Son mà bất kỳ ai khi bước trên cánh đồng xương người đều đi nhẹ nói khẽ, bởi trên từng tấc đất của cánh đồng này, từng dáng cây ngọn cỏ đâu đâu cũng tắm máu xương người dân bị quân Pol Pot sát hại: "Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm nhưng nỗi đau vẫn chưa ngủ yên" - Son nhìn vào hố mắt của một hộp sọ người đàn ông trong ngôi mộ tháp khổng lồ với đỉnh đầu bị vỡ chứng tỏ người ấy bị sát hại bằng màn dùng cuốc đập đầu, giọng phẫn nộ.

Sau giây phút lặng người trước hàng ngàn sọ người mà Son nghĩ trong số đó có người thân, có mẹ cha của mình, Son hướng dẫn chúng tôi dừng trước một cây bồ đề khổng lồ cành lá sum suê đầy sức sống.

Trước gốc cây này, phía sau tấm bảng ghi dòng chữ Killing tree (Cây chết chóc - PV) là những hình ảnh rợn người với quần áo dính máu đã úa màu cùng những mẩu xương người trắng hếu nằm lổn ngổn dưới gốc cây: "Quân Pol Pot giết người chẳng khác gì thời Trung cổ. Chúng bắt những người lớn kề đầu bên gốc cây rồi hạ lưỡi chém" - cô gái tên Sana người Campuchia khi đưa đoàn du khách người Pháp đến tham quan cánh đồng chết không giấu được sự phẫn nộ và xúc động dâng trào lúc giải thích về nguồn gốc của tên gọi Killing tree.

Cây chết chóc và hố chôn tập thể 166 nạn nhân không đầu ở cánh đồng chết.

Sana nói với các vị khách rằng trên cánh đồng xương người này, có rất nhiều cây chết chóc như thế. Nổi bật là những cây thốt nốt cổ thụ mà ở dưới gốc, trên thân mỗi cây có vô số vết chém dọc ngang. Mỗi vết chém là mỗi một sinh mạng người dân bị quân diệt chủng tước đoạt. Bên cạnh những cây chết chóc như bồ đề, thốt nốt..., trên cánh đồng xương người có những cái hố tử thần được bảo vệ bởi hàng rào gỗ, phía trong từng chiếc hố như thế cũng là những hình ảnh rợn người với quần áo bê bết máu cùng xương người vụn vỡ. Chẳng cần phải nghe giải thích, thuyết trình, chỉ cần nhìn vào những hình ảnh ấy ai cũng biết đó là những mồ chôn tập thể. Có những mồ chôn toàn trẻ em, đàn ông hay phụ nữ.

Những thông tin ban đầu cho chúng tôi biết được qua quá trình khai quật, người ta đã phát hiện có đến gần 100 hố chôn tập thể lổn ngổn mảnh vỡ của xương người và những mảnh vải nằm rải rác xung quanh các hố khai quật.

Lúc này 10 giờ sáng, tôi bắt gặp những gương mặt du khách người phương Tây trầm ngâm trước những dòng chữ hiển thị tội ác bên những hố chôn tập thể. Có hố chôn người ta đếm được cả trăm bộ cốt trẻ sơ sinh và mẹ, có mộ chứa đến 450 xác người, mộ 87 người không có tay chân, mộ 166 người không đầu... "Khi lùa người dân ra đây, để che đậy tội ác của mình, quân Pol Pot đã ma mãnh treo lên những chiếc loa phóng thanh trên các ngọn cây mở phát ra những bài hát vui tươi để át tiếng la hét, ta thán của người bị hành hình" - Sana căm phẫn.

3. Khó có thể diễn tả tội ác man rợ của quân diệt chủng Pon Pot - những kẻ mất hết tính người khi đã tàn sát dân tộc mình bạo tàn như thế!

"Nếu không có Quân tình nguyện Việt Nam, người Campuchia chúng tôi đã không có cuộc sống thanh bình như hôm nay. Vì nhân dân Campuchia, đã có nhiều chiến sĩ Việt Nam ngã xuống trên đất này, nhiều người về sau đồng đội, người thân sang tìm đã không thấy xác. Từ trong sâu thẳm, người dân Campuchia luôn tri ân nghĩa cử quốc tế cao đẹp của các bạn Việt Nam".

Trong những ngày ở Campuchia, tìm hiểu về tội ác diệt chủng chúng tôi ghi nhận được nhiều tâm sự của những người bạn Campuchia như thế - những người đã may mắn sống sót sau thảm họa diệt chủng kinh hoàng hơn 3 thập niên trước. Những người bạn Campuchia mà tôi gặp tâm sự, ngày nay Choeung Ek hay Cánh đồng chết được nhiều người dân và các tổ chức giáo dục trên thế giới xem là nơi để nhận thức và nhớ về những bài học của nạn diệt chủng, thúc đẩy hòa bình và khoan dung để không làm sống lại những ngày đen tối.

Bây giờ, Choeung Ek là vùng đất thanh bình. Nhưng tội ác của Khmer Đỏ vẫn còn sờ sờ ra đó qua mộ tháp chứa hơn 8.000 đầu lâu, những ngôi mộ tập thể và cây chết chóc… Những hình ảnh tội ác ấy, liệu có đủ để thức tỉnh lương tri loài người thôi không hành xử bạo tàn với đồng loại?!

N.Thành Dũng
.
.