Chuyện về người thư ký Việt của Tổng Bí thư Lào: Trên chiến trường Lào - Việt

Thứ Bảy, 13/06/2015, 12:10
Đoàn võ trang công tác Liên khu 3 phần lớn là đoàn quân Tây Tiến bất hủ. Trong đó có một trung đội người Lào lấy phiên hiệu là DIKOP, gồm các tiểu đội là D, I, K, O, P về sau có thêm một J. Đội O, Tiểu đội trưởng là ông Thâu Ma, trong đội này có cả người Việt và người Lào. Họ có nhiệm vụ xây dựng cơ sở từ thượng du Thanh Hóa sang Sầm Nưa theo sông Luồng để đi lên Mường Xuôi…

Vào vùng địch hậu

Năm 1948, trung đội của ông phục kích chặn viện binh địch từ Mường Xia xuống chi viện cho đồn Poọng Nưa. Cùng phối hợp với đơn vị ông có một trung đội khác tăng viện. Chờ một ngày không thấy địch tới, đơn vị bạn rút đi, đơn vị ông được lệnh ở lại chờ địch.

Sáng hôm sau, địch kéo lên. Ông ra lệnh giật mìn chôn giữa đường và ném lựu đạn. Địch tháo lui. Tiểu đội trưởng người dân tộc Thái tên là Hà Văn Páo xung phong xuống trận địa lấy được mấy khẩu súng. Sau đó, địch quay lại bao vây đơn vị ông. Ông quyết định cho anh em rút lên một quả đồi khác rồi cử một nhóm dùng súng tiểu liên luồn trở lại sau lưng địch, đánh vào. Địch bỏ chạy qua suối, cùng lúc đó Ban chỉ huy cho một đại đội xuống tăng viện. Địch tháo chạy tán loạn. Sau trận đó, Đào Văn Tiến được thăng lên Trung đội trưởng. Ngày 14/12/1948, chàng chỉ huy Đào Văn Tiến được kết nạp Đảng.

Thời gian sau, địch nống ra một đồn mới với ý đồ sẽ cắt đứt hậu phương của Đại đội 72. Đó là đồn Cổ Lũng thuộc huyện Bá Thước, Thanh Hóa do tay đạo Thắng và hai phìa Điền Lự làm chỉ huy. Đạo Thắng và hai phìa Điền Lự trước đây từng làm Tổng chỉ huy 5 châu của Thanh Hóa, sau đó bị ta đánh bỏ chạy lên Hòa Bình lập xứ Mường tự trị. Khi Pháp lập đồn Cổ Lũng, chúng trở về vào sống trong đồn Cổ Lũng. Phạm Quang Đăng, một người Thái, làm đồn phó đồn này. Chúng liên hệ với đồn Vạn Mai nhằm khóa đuôi, chặn, cô lập đơn vị ông để dần tiêu diệt.

Ông Đào Văn Tiến.

Nắm được ý đồ của địch, cấp trên đã hai lần tổ chức đánh đồn Cổ Lũng nhưng không thành. Sau đó đơn vị ông cùng với một đơn vị 78 là bộ đội địa phương được lệnh tiêu diệt đồn này. Ông đề nghị Đại đội 78 ở lại giữ Cành Nành, Đại đội 72 vào vùng địch hậu sau lưng địch ở đồn Cổ Lũng để quấy rối, tiêu hao địch. Cấp trên chấp thuận, đơn vị ông vào ba bản của vùng Lũng Cang, một trung đội khác ở phía sau hỗ trợ. Ông cho người liên hệ với bản Dộc, bản Xím, bản Bốn và bản Bố thuộc huyện Bá Thước, Thanh Hóa.

Khi nghe tin bộ đội sẽ vào bản Bốn, địch cho ném bom na-pan thiêu rụi cả bản. Địch phản tuyên truyền, nói do bộ đội đến nên bản mới bị bom (!). Trước luận điệu đó, ông Tiến làm công tác dân vận và dặn anh em cho gạo, cho muối và ở ngay trong nhà của các già làng, trưởng bản để vận động tuyên truyền họ ủng hộ, giúp đỡ bộ đội. Để tránh địch phát hiện và đánh phá, mỗi đêm họ chuyển chỗ ở nhiều lần. Sau đó, ông cho tổ chức đội võ trang tuyên truyền, tổ chức các đội du kích, tổ phụ nữ… vận động dân làng ra rừng sản xuất trồng sắn, trồng lúa... liên lạc bí mật với bộ đội.

Ban chỉ huy của đơn vị ông đóng trong rừng ở bản Dộc, bản này giáp xã Phú Lễ của huyện Quan Hóa, Thanh Hóa.

Trong thời kỳ hoạt động ở trong rừng ở bản Dộc, ông Tiến và đồng đội suýt bị địch đánh úp, tiêu diệt, nếu không nhờ một người phụ nữ. Ông Tiến kể: "Một hôm, một phụ nữ người Thái, quen gọi là chị Hai là con gái một già làng, vừa đi hầu cho lính ở đồn về liền chạy vội vào lán của ban chỉ huy báo tin có giặc đến. Tôi hỏi làm sao chị biết? Chị nói: Các anh có nghe thấy tiếng gì không? Tôi nói đó là tiếng vượn hú mà. Chị nói: Không phải tiếng vượn đâu, bọn lính giả tiếng vượn để báo tin cho nhau, chúng bao vây để bắt các anh đó. Nghe vậy, tôi liền cho anh em chuẩn bị chiến đấu. 5 phút sau, địch bắn vào, chị Hai bị trúng đạn và chết ngay tại chỗ. Chúng tôi phải di chuyển vào rừng. Địch đưa dân bản đi theo len vào đội hình nên chúng tôi không dám bắn chúng, sợ trúng dân bản.  Chúng tôi phục kích, chờ cho dân bản qua hết mới nổ súng. Sau trận tập kích đó, chúng tôi cảnh giác hơn, luôn phải lưu động di chuyển lán chỉ huy, chôn mìn giả để đánh lạc hướng địch…".

Mưu trí giữa trận tiền

Khi chiến dịch Hòa Bình nổ ra, địch co cụm trong đồn Cổ Lũng. Đơn vị ông được lệnh phối hợp với đơn vị chủ lực đánh đồn Cổ Lũng. Trong thời gian đơn vị chủ lực chưa lên, ông đề nghị nên tổ chức binh vận. Bởi theo ông, nếu đánh ngay, địch sẽ bỏ chạy lên Mộc Châu, Sơn La, ta khó truy bắt và di hại về sau. Cấp trên chấp thuận, ông tổ chức dùng tình báo, vận động anh em lính trong đồn theo cách mạng, cung cấp tin tức, tình hình của đồn cho cách mạng.

Lễ ký kết bàn giao công trình Nhà văn hóa Cay-xỏn Phôm-vi-hản sáng ngày 7/1/2014 cho nước bạn Lào.

Thông qua họ, ông vận động Phó đồn Phạm Quang Đăng về theo cách mạng. Yêu cầu đặt ra là ông Đăng phải bắt được 3 tên Pháp trong đồn. "Sau đó, chúng tôi nhận được thư của ông Đăng hẹn gặp ở suối, mỗi bên đi 3 người không mang theo vũ khí.

Tại buổi gặp mặt, ông Đăng đưa ra 4 yêu cầu: Một là, sau khi hàng, xã Cổ Lũng, Lang Thành do lang đạo quản lý. Hai là, lực lượng của đồn thành quân đội quốc gia Việt Nam. Ba là, cán bộ chính quyền cũ được gia nhập vào ban chỉ huy hoặc Ủy ban 5 châu. Bốn là, cho phép đi lại tự do. Tôi hứa với ông Đăng là sẽ nghiên cứu, báo cáo lên trên và trả lời. Chúng tôi thỏa thuận hai ngày sau ông Đăng sẽ ra hàng. Tôi tính nếu không thấy dấu hiệu của Đăng ra hàng thì sẽ đánh đồn. Hai ngày sau, chúng tôi nghe ba tràng súng tiểu liên từ trong đồn vọng ra, nhưng không thấy ai ra. Chúng tôi chuẩn bị đánh địch thì thấy lính đồn đi ra ngoài. Mờ sáng thì ông Đăng ra báo cáo đã giết chết 3 tên Pháp vì không thể bắt sống được.

Hai ngày sau, chúng tôi lên tiếp quản đồn, thu được 180 khẩu súng và nhiều đạn dược, quân trang. Phạm Quang Đăng được tham gia vào Ủy ban 5 châu. Sau đó, các đồn kia địch cũng rút lui hết. Ngày 19/12/1949, vùng miền Tây Thanh Hóa được giải phóng", ông Tiến nhớ lại.

Sát cánh tình anh em

Trước đó, vào ngày 30/10/1949, đơn vị bộ đội tình nguyện được thành lập, hoạt động ở vùng thượng Lào gồm 3 phân khu A, B, C. Phân khu A là vùng Sầm Nưa, Phân khu B là Xiêng Khoảng, Phân khu C là Luông pha bang. Lực lượng này được thành lập nhằm giúp lực lượng kháng chiến Lào. Ông Tiến được phân công về Phân khu B nên phải trở vào Nghệ An rồi qua Lào hoạt động. Ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm hậu cần, ông Nguyễn Tài làm Chính ủy kiêm Trưởng phòng Biên chính (nghĩa là Chính sách biên giới) Liên khu 4. Ông Nguyễn Tài quê ở huyện Đô Lương, Nghệ An, từng đưa Bác Hồ đi hoạt động ở Lào, Thái Lan. Năm 1928, ông Tài tham gia Đảng Cộng sản Thái Lan.

Nhà văn hóa Cay-xỏn Phôm-vi-hản ở Lào.

Năm 1948, Lào chỉ có hai đội du kích. Một đội do ông Thâu Tu ở Noong Hét làm chỉ huy, toàn người Mông. Đội kia do ông Xiêng Xinh ở Sầm Nưa chỉ huy có 30 người. Đây là những nhóm du kích tự phát. Thời đó ở Lào có những tù trưởng theo Pháp, có tù trưởng không theo, cả hai phía đều tập hợp lực lượng để bảo vệ lãnh địa và quyền lợi. Khi Pháp quay trở lại, những nhóm người không theo Pháp đưa lực lượng của mình qua Việt Nam.

Ông Xiêng Xinh dẫn quân đi theo sông Nậm Nơn vào Việt Nam, ông Thâu Tu (có khi viết Thotou) theo sông Nậm Mô. Họ tập hợp ở vùng núi huyện Anh Sơn và huyện Con Cuông, Nghệ An. Tỉnh ủy Nghệ An cho người của hai huyện này cử cán bộ đến đón họ và tiếp quản lực lượng du kích này và nuôi họ. Trước đó, người Lào đã sang lẻ tẻ, nhưng đến năm 1948 thì sang với những tổ chức chính thức. Cán bộ ta vận động nhân dân nhường đất cho những người bạn Lào sinh sống. Họ phát rừng làm rẫy. Ta cử cán bộ vào huấn luyện họ về quân sự, tổ chức hai đội võ trang tuyên truyền số hiệu là 219, 210.

Đoàn võ trang công tác Liên khu 3 phần lớn là đoàn quân Tây Tiến bất hủ. Trong đó có một trung đội người Lào lấy phiên hiệu là DIKOP (tức đi kộp, tiếng Lào nghĩa là đi đánh), gồm các tiểu đội là D, I, K, O, P về sau có thêm một J. Đội O, Tiểu đội trưởng là ông Thâu Ma, trong đội này có cả người Việt và người Lào. Họ có nhiệm vụ xây dựng cơ sở từ thượng du Thanh Hóa sang Sầm Nưa theo sông Luồng để đi lên Mường Xuôi. Địa bàn trung đội Lào hoạt động cũng chính là địa bàn ông Đào Văn Tiến đang hoạt động. Sau 3 tháng hoạt động, ông Thâu Ma vào được nội địa nước Lào. Sau này, ông Thâu Ma làm Chủ tịch tỉnh Sầm Nưa.

Nhiệm vụ của họ lúc đó là tiễu phỉ Vàng Pao. Để tiễu phỉ hiệu quả, ông Tiến đề nghị nên thu phục phỉ bằng cách vận động người dân kêu gọi con em trở về. Lúc đó, giữa người dân Lào bình thường và phỉ, nếu nhìn bề ngoài không thể phân biệt được. Họ đều mặc đồ đen, mang cái bế (như cái gùi của người Êđê) sau lưng và khoác súng hỏa mai tự chế.

Do đó, nếu tiểu phỉ mà chỉ dùng quân sự thì có thể bắn nhầm, không hiệu quả mà có thể phản tác dụng. Vì thế, ông Tiến đề nghị biện pháp quân sự chỉ là hỗ trợ, dùng chính trị là chính, kinh tế làm đòn bẩy, tặng muối gạo cho dân. Phải tin dân, tôn trọng dân, tôn trọng phong tục tập quán của họ. Có khi đồ ôi cũng phải ăn, rồi để tóc dài, đóng khố, phơi nắng cho cháy da để dễ hòa đồng với dân. Người Lào ăn đồ ôi không phải vì phong tục mà vì họ thiếu muối để bảo quản, chế biến thực phẩm nên lâu ngày thực phẩm bị hư. Còn người Mông ở Lào có tục "ăn cơm với người chết". Nhà nào có người chết họ không chôn hay hỏa táng ngay mà để dựa nơi góc bếp một thời gian. Khi ăn xôi (người lào chủ yếu ăn xôi) thì cầm nắm xôi đút cho người chết, sau đó mới ăn nắm xôi… Nhờ biện pháp tuyên truyền, thu phục đó mà thắng một phần.

Không chỉ với việc thu phục phỉ, mà trong hoạt động cách mạng, việc biết, tôn trọng và tuân theo phong tục, tập quán của người dân cũng mang lại hiệu quả. Nếu không biết phong tục để làm theo, thì dân không tin, không theo cách mạng. "Một lần có mấy anh em người Lào đến xin gạo của một gia đình người Lào. Đây là một bản khác với quê họ nên phong tục tập quán khác. Chúng tôi chờ mãi mới thấy anh em về, nhưng ai cũng đi tay không. Anh em nói là vào nhiều nhà xin gạo nhưng họ không cho.

Anh Trưởng ban Tuyên huấn của đơn vị là người Lào hỏi họ vì sao không xin được gì? Anh em nói cũng chào hỏi bình thường nhưng khi xin gạo thì không được. Anh Trưởng ban hỏi: Các anh có ôm con gái của chủ nhà không? Anh em nói không ôm. Anh Trưởng ban nói: Vậy là họ không cho là phải rồi. Anh giải thích, ở đây có tục ôm con gái gọi là sao cọt. Khách đến chơi nhà đầu tiên là phải ôm con gái chủ nhà, sau đó mới đến chào hỏi, chuyện trò với cha mẹ… Điều đó thể hiện sự tôn trọng với con gái họ và gia đình, vì con gái họ được khách quý mến. Ai đến chơi mà không ôm con gái họ, thì họ sẽ mang tiếng, con gái họ mất giá.

Đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn nói xong thì nói để mình vô bản xin gạo cho, mấy anh đi theo nhưng chỉ đứng xa xa dưới sàn. Đến nơi, anh thấy cành lá cắm nơi cầu thang, dấu hiệu không muốn tiếp khách, nhưng vẫn đi lên cầu thang, bước lên sàn. Thấy cha mẹ và cô gái ngồi bên bếp lửa, mặt buồn bã, đồng chí Trưởng ban tuyên huấn mạnh dạn bước đến ôm cô gái thân mật. Cha mẹ cô thấy thế liền vui vẻ, nói chuyện và anh xin được gạo.

Phạm Huy Văn
.
.