Chuyện quanh một bản báo cáo được "giải mật"

Thứ Hai, 30/07/2007, 12:00
... Bây giờ thì vô số loại giấy nội ngoại nõn nà dành cho các bản báo cáo nhưng hồi đó, hình như sang nhất chỉ có loại giấy nứa Việt Trì in rônêo mà thôi! Vậy nên nó ngả màu vàng xuộm tự bao giờ, căng hết nhỡn lực thì mới đọc được...

Bản báo cáo ấy hiện có tại bộ phận lưu trữ của Trung ương Đoàn. Không có số. Góc trái đóng dấu "MẬT" ghi ngày 9/6/1983 mang tiêu đề "Báo cáo kết quả khảo sát nghiên cứu tình hình ở một số đơn vị thuộc Liên hiệp Xí nghiệp Xây dựng giao thông số 8 đang giúp Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào xây dựng cầu đường tại 2 tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng của Đoàn công tác Trung ương Đoàn".

Người cán bộ phụ trách bộ phận lưu trữ ấy tôi có quen, về hưu từ lẩu lâu rồi... Anh cán bộ mới làm công việc này đang soạn ra từng thứ, từng khoản... cái thì sang vào đĩa CD vào ổ cứng máy tính, thứ thì đem hủy... Cái cười của anh cán bộ được đào tạo bài bản về ngạch văn thư lưu trữ đến là tươi khi vỗ vỗ vào bản báo cáo vàng xuộm, anh nói: "Những thứ này giải mật từ lâu!".

"Giải mật”! Hai từ gọn lỏn ấy là để gọi, để chỉ một tình thế, một cục diện, một vấn đề nay đã khác trước, đã đổi thay... Nhưng khi ấy, để có được bản báo cáo trên 30 trang vàng xuộm này, nhóm công tác chúng tôi phải mất 36 ngày len lỏi, gập ghềnh qua những cánh rừng Lào rậm rịt những muỗi và vắt để tới được các đơn vị của Liên hiệp Xí nghiệp Xây dựng giao thông 8, Đội cầu 75, rồi các xí nghiệp 572, rồi 574, 575...

Các thành viên khác của đoàn công tác, mỗi người có một việc, nhưng làm cái thân anh nhà báo đi theo chẳng thể dừng ở việc tham gia góp ý xây dựng bản báo cáo ấy coi như là xong việc được mà phải viết!

Nhưng viết gì? Tất nhiên chẳng phải là một thứ nối thêm bản báo cáo ấy!  Mà khi  ấy tôi đương hăng. Ấn tượng của cả chuyến đi dằng dặc rừng rú đang còn hôi hổi...

Ông Tổng biên tập áp bàn tay nặng trịch lên xấp bản thảo hai mươi trang viết tay của tôi: “Khủng khiếp, nặng nề quá...”. “Nhưng thưa anh... đấy mới là một phần sự thật thôi ạ...”. Tôi hốt hoảng... “Sự thật? Đây rặt chỉ thấy cây chứ chẳng thấy rừng... Chả phải ngẫu nhiên mà trong bản báo cáo chuyến công tác của các cậu phải đóng chữ "MẬT"?!.

Vậy là chuyến bươn rừng trên đất bạn 36 ngày đêm ấy rốt cuộc chỉ “khuôn” lại vẻn vẹn có... một trang báo với cái “tít” vừa củ mỉ cù mì vừa kêu choang choang:Lớn lên từ những con đường”.

Tôi chẳng thể khẳng định bản báo cáo do một phần mình đóng góp ấy là... hay nhưng chất lượng, hồn cốt của nó là sự thật! Sự thật trần trụi lúc ngồn ngộn, lúc bàng bạc qua những trang rônêo! Xin trích ra một vài đoạn:

"...Đoàn công tác đã tới Đơn vị Cầu 75, các xí nghiệp 572, 675, 674 thuộc Liên hiệp Xí nghiệp Xây dựng giao thông 8. Lực lượng lao động gồm 3.091 người, có 632 nữ. Đông nhất là đơn vị 572 có 1.150 người, trong đó 257 là nữ.

...Tình hình tư tưởng: Hiện nay hầu hết các xí nghiệp cán bộ, công nhân không yên tâm công tác, lo lắng nhiều tới tương lai và cuộc sống. Thời gian công tác là không có thời hạn. Muốn chuyển công tác về nước thì không có cơ quan nào nhận, ngay cả chánh, phó giám đốc.

Cho đến nay đã có hàng trăm đơn xin chuyển công tác của cán bộ và hàng ngàn đơn xin thôi việc của công nhân mà Liên hiệp Xí nghiệp Xây dựng giao thông 8 không thể giải quyết được. Bởi giải quyết sẽ không còn lực lượng sản xuất nữa... Đặc biệt là số đông nữ lo lắng cho tương lai hạnh phúc sau này... Nói chung, tư tưởng của anh chị em công nhân là muốn thôi việc, trở về quê sản xuất".

Một vài ví dụ năm 1982: Xí nghiệp 572 có 2 xe đi phép gồm 69 người lúc trả phép còn được 20 người.

Xí nghiệp 674 có 2 xe đi phép 71 người, khi trả phép còn 30 người.

Công trường 675 có 2 xe đi phép 48 người khi trả phép còn 3 người.

Tình hình trên vẫn tiếp tục xảy ra.

Mặc dù các đơn vị đã coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tìm mọi biện pháp để hạn chế, song kết quả không thực hiện được vì đời sống và chế độ không đáp ứng yêu cầu tối thiểu để đảm bảo sức khỏe, không động viên được người lao động.

Nếu như tốc độ giảm 10% như hiện nay thì tính đến năm 1983 sẽ mất  khoảng trên 1.000 lao động.

...Xin nêu cụ thể một số bữa ăn của anh chị em: Quý I năm 1981 có 80% bữa ăn bằng muối tức là 19.200/24.000 bữa. Quý II năm 1981 có 1.300 bữa ăn không có muối ở các đơn vị của 2 xí nghiệp 674, 675 vì mưa, xe không vận chuyển vào được. Quý III năm 1981 có 20.000 bữa ăn toàn mắm tôm...

100% cán bộ, công nhân có ký sinh trùng sốt rét, một số người đã chết do sốt rét ác tính. Đặc biệt, nữ công nhân do khí hậu khắc nghiệt và điều kiện làm việc vất vả, dụng cụ và trang bị vệ sinh thiếu hoặc không có nên 100% chị em đều mắc bệnh phụ khoa. Một số đông do làm việc ở địa bàn sốt rét, dầm nước liên tục nên đã dẫn tới tình trạng mất kinh kéo dài, hư chân huyết rất đáng lo ngại cho tương lai hạnh phúc sau này...

...Tổ công tác chúng tôi, 6 người lèn trên một chiếc Uoát, khi đó đã là sang!

Trung tá Công an Nguyễn Văn Hồ (không biết bây giờ anh đang làm ở nơi nào) là Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đoàn công tác ở Bộ Nội vụ phụ trách chung.

Từ cửa khẩu Na Mèo, chúng tôi bỏ lại con đường 217 lổn nhổn đá cắt chéo qua miền Tây Thanh Hóa. Xe bắt đầu đổ dốc rồi lại cheo leo ngoằn ngoèo trên những con dốc mà độ cao “cho phép” ù cả tai của con đường 6 Bắc Lào...

Mười năm trước, nơi đây chỉ là con  đường mòn cắt chéo vùng rừng hiểm trở phía bắc dẫn tới khu căn cứ địa Cách mạng Lào Khang Khay Viêng Xay thuộc tỉnh Hủa Phăn. Ban 64 của Chính phủ được thành lập, tiền thân của Tổng Công ty Xây dựng giao thông 8 bây giờ, bắt đầu thời điểm làm đường gian nan giúp cách mạng Lào của Lực lượng Thanh niên xung phong - những người thợ tình nguyện Việt Nam.

Phía cực bắc, B142, một bộ phận của Ban 64 mở con đường gần như mới tinh từ Tây Trang đi Mường Khoa dài 75km. Từ Na Mèo, những chàng trai, cô gái của 572, 674, rồi 675... năm này qua năm khác, tháng này qua tháng khác cứ ròng rã như vậy từ năm 1965... bắt đầu kiến tạo con đường số 6 huyền thoại của Bắc Lào xuyên qua căn cứ địa Viêng Xay, băng qua Sầm Nưa, xuyên xuống Phu Lau Mường Hiềm, vượt qua Nậm Nơn thẳng tới Bản Ban của Phum Xa Vẳn thuộc Xiêng Khoảng để nối với đường 7 của vùng Trung và Nam Lào.

Mới chỉ kể một hơi những địa danh trên cũng đã đủ hụt hơi và trúc trắc thì nói chi từng ngần ấy năm con đường rộng 3,5m đoạn rải đá, đoạn tráng nhựa dài non 300 km cứ thế mà âm thầm bền bỉ xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh rồi những đèo dốc trùng điệp của nước Lào.

Chỉ có choòng, cuốc, xẻng, búa tạ quai đá và thuốc nổ và bàn tay con gái vùng chiêm, vùng bãi xứ Thanh, Hà Nam, Nghệ An, Nam Định... tới thời điểm bọn tôi sang thì mới có mấy cái máy gạt và đoạn từ Nậm Nơn đi Mường Hiềm đang vào giai đoạn thi công quyết liệt.

Và tính tới thời điểm đó đã hơn 200 chàng trai, cô gái  của Liên hiệp Xí nghiệp Xây dựng giao thông 8 đã vĩnh viễn nằm lại dọc con đường số 6 huyền thoại. Thôi thì bom đạn ác liệt đã đành một nhẽ... Nhưng số anh chị em hy sinh vì bom đạn “sốt” (trong thời kỳ chiến tranh) và bom đạn "nguội" (bom mìn nổ chậm trên tuyến đường phải thi công sau thời gian chiến tranh) cũng chỉ nhỉnh hơn những người chết tức tưởi vì tai nạn lao động vì sốt rét ác tính vì tật bệnh vì thiếu thuốc, vì rắn cắn, vì ong đốt...

Giữa thời bình, người ta cứ phải giật thột lên rằng, sao cái mạng sống  lại có thể bất trắc và mong manh nhường ấy (?!).

Tôi còn nhớ... cái buổi trưa mùa mưa rừng Lào ở quãng Mậm Nơn - Mường Hiềm mà tự dưng có nắng sáng bừng lên ấy, tới đoạn đang làm dở của Xí nghiệp 572, đường rất khó đi.

Một bên là vực “taluy” âm hun hút thăm thẳm... Một bên “taluy” giương cao ngất sừng sững. Một chiếc máy gạt cổ lỗ loại ĐT-75 đang nổ máy tằng tằng đưa đất mà thuốc nổ vừa hất ra từ “taluy” giương sang bên mép vực. Một “ca” thi công mà người ngoài ngó thoạt có vẻ hơi mạo hiểm nhưng là thường đối với dân chuyên làm đường bên này.

Đường lúc ấy chưa thông. 6 anh em chúng tôi rời chiếc Uoát lèn chặt những người một tí cho thoáng. Dằng dặc cả ngày đường chỉ thấy cây rừng với màu xanh lét trùng điệp gần xa. Giờ ngó chiếc máy gạt màu lửa này thấy đỡ tẻ vì nó gợi cái không khí văn minh và tiếng động cơ phố phường...

Anh chàng lái cái máy gạt trẻ măng còn một thoáng giơ tay vẫy chúng tôi. Hút chưa tàn nửa điếu thuốc, bây giờ kể lại như vẫn mồn một trước mắt tôi vậy, chiếc ĐT-75 chỉ khẽ nhao đi một tẹo rồi chả nghe tiếng vèo hoặc tiếng ầm nào cả, nó và người lái bay vèo vào khoảng không của cái vực thăm thẳm! Cả bọn chúng tôi tất thảy sững sờ chết lặng không kêu được một tiếng...

Một lúc lâu sau, anh nào anh nấy mới lẩy bẩy men ra phía miệng vực thử ngó xuống: một màu đen lẫn xanh  om om...

Chiếc Uoát chở chúng tôi như thất thần bò mãi mới tới được một đơn vị của 572. Chiều đó, cả bọn lại nghe thêm chi tiết nữa: Anh em trong đội làm đường nhao xuống vực để tìm. Nhưng vực sâu quá, thêm nữa một khối lượng đất đá vụn khổng lồ do nổ mìn và san gạt xuống đọng ở đáy vực đã nuốt trôi chiếc máy gạt.

Cho tới mấy ngày sau, rồi nghe nói mấy năm sau nữa, và cho tới tận bây giờ, người ta vẫn chưa tìm thấy anh công nhân Phạm Đây và chiếc máy gạt ĐT-75 nọ...

Rồi cái buổi trưa 30/4/1983... Một ngày ở rừng Lào thật lạ: buổi sáng lành lạnh se se. Non trưa sang chiều bỗng nhoáng nhoàng lên thứ nắng chói chang gay gắt, cây cối chỗ thoáng không bị cớm, lá cứ oặt như bị té nước sôi. Còn đêm thì bốn mùa, nửa đêm về sáng dứt khoát phải có chăn bông thì mới chịu được... Mùa đông xuống tới 00C, nước đóng băng là thường.

Viết tới đây, tôi lại sực nhớ một đoạn trong bản báo cáo: “Phần lớn hiện nay không có chăn bông, áo bông hoặc áo ấm vì chế độ trang cấp không có. Xí nghiệp 674: 27%, Xí nghiệp 572:  32%, Xí nghiệp 675: 45% không có áo bông, chăn bông hoặc áo ấm”.

Tôi đang nói dở cái buổi trưa 30/4 năm ấy ở Nậm Nơn nơi Xí nghiệp 572 đứng chân... Đang cố quên đi cái nóng hanh hao khó chịu nhưng không thể đổ mồ hôi được thì hết thảy đều giật nảy cả mình lên vì một tiếng nổ đanh như sét. Định thần lại thấy sấm sét đâu giữa trời quang mây tạnh thế này? Họa là bom mìn bộc phá chi đó?  Mà bộc phá thật.

Tất cả nhao ra phía suối nơi phát ra tiếng nổ. Mắt tôi nhòe nhoẹt, đầu óc choáng váng trước một cảnh tượng hãi hùng: Hai công nhân thân hình be bét máu. Một chết tại chỗ. Một bị thương nặng... Hai cậu công nhân trộm được ít thuốc nổ nhồi vào lon sữa hộp tra kíp vào định làm một mẻ cá ra trò ở khúc suối sâu này để cải thiện mừng ngày nghỉ lễ...

Chắc chưa có kinh nghiệm, bởi dây cháy chậm mà cái giống ấy đã cháy trong nắng là rất khó nhìn thấy, lửa lan tới ống bơ lèn chặt thuốc mà họ không phát hiện ra chứ nói gì đến việc kịp ném đi!

hương thay. Cái chết do khối nổ bùng lên chỉ trong chớp mắt. Đêm xuống, cái lán đối diện phía nhà ngủ của chúng tôi cứ một chặp lại vang lên tiếng khóc tức tưởi, tấm tức của mấy chị cùng làng với một anh bị tai nạn: “Em ơi, dễ đến hai năm sang đây mà em chưa được ăn cá...”.

Những trưa mùa mưa ong ong, oi oi xuội và nhão cả người ra ở rừng Lào. Những trưa dai dẳng cho những nguy cơ tiềm ẩn chẳng lành dễ bùng phát.

Sau cái trưa bi thảm ấy hai hôm, tôi đang lơ mơ nửa thức nửa ngủ thì có tiếng la hét huyên náo ở ngoài sân bóng chuyền của xí nghiêp. Tiếng con gái lúc lanh lảnh, lúc the thé... tôi vùng dậy. Trời đất ơi, gì thế kia?

Cô T quê ở Đông Anh đã đứng tuổi, sang Lào đã được 5 năm làm ở Phòng Thống kê của xí nghiệp tóc tai xõa xượi, cô đang vừa cười vừa khóc la hét đuổi theo Bùi Văn Khải một thành viên trong tổ công tác của chúng tôi. 

Khải hồi đó mới ở Liên Xô về, to con đẹp trai trắng trẻo nhất tổ, Khải đang công tác Ban Thanh niên ngoài nước. Khải tới các đơn vị của Liên hiệp Xí nghiệp Xây dựng giao thông 8 nói chuyện thời sự khá hay lại có duyên nữa, anh chị em bên này đương đói tình hình thời sự nên rất mê các buổi nói chuyện của Khải...  Mê là mê cung cách chuyện trò của Khải vậy thôi chứ chẳng có chuyện gì xảy ra cả!

Lúc này Khải đang mặt mày tái mét, to con vậm vạp là thế mà không bứt nổi những bước đuổi gấp gáp của T vốn mảnh mai. Hai người cứ vòng vèo quanh sân bóng như thế không biết bao nhiêu lượt...

Anh Bỉnh, Giám đốc Xí nghiệp (anh mất đã vài năm nay) đang ngủ trưa, nghe huyên náo cũng vùng dậy... Vừa thoáng thấy cảnh ấy anh Bỉnh giậm chân thở dài mà như rên: “Khổ con bé... ếchtơri  mất rồi...”.

(Sau này tôi được biết không riêng ở Xí nghiệp 572, có rất nhiều cô sang Lào làm việc do khó khăn thiếu thốn cả về vật chất, nhất là những thiệt thòi thiếu thốn tình cảm hoặc do dồn nén ức chế nên thi thoảng lại bột phát những thể tâm thần nhẹ mà như anh Bỉnh gọi là “ếchtơri”.

Cắt được cơn “ếchtơri” này, người chóng chỉ vài phút, người lâu có đến vài tiếng. Tùy thể trạng thần kinh mỗi người. Thời tiết khí hậu cũng đóng vai trò đáng kể. Chứng bệnh này nghe nói thường phát vào mùa mưa, nhất là những buổi trưa ong ong, oi oi nắng.

Mà cắt được cơn cho họ bằng cách nào? Đơn giản thôi, người thể nhẹ thì chỉ một cốc nước thật lạnh, nặng hơn thì mấy viên thuốc ngủ hoặc an thần. Nhưng nặng hơn... có lẽ để tôi kể tiếp...

(Xem tiếp ANTG số 673, thứ Bảy ra ngày 21/7/2007)

.
.