Chuyện về những bệnh nhân "xù" tiền viện phí

Chủ Nhật, 08/11/2009, 08:40
Chuyện trốn viện, trốn luôn tiền viện phí không chỉ xảy ra ở BV Từ Dũ, mà nó gần như là chuyện thường ngày ở hầu hết các BV trong thành phố - kể cả BV tuyến quận, huyện - với nhiều hình thức khác nhau...

Xin được bắt đầu bài phóng sự này bằng câu chuyện của một bệnh nhân – mà tôi gọi tắt là T. Mới chỉ 17 tuổi, T. đã có người yêu, rồi kết quả là cô mang bầu. Ác nỗi, phôi thai khi hình thành lại không chịu theo quy luật bình thường như bao người khác – mà nó chọn ngay đoạn vòi trứng trên để làm tổ - Y học gọi là “ chửa ngoài tử cung”. Tới hồi đau bụng quằn quại, T. đến phòng mạch của một bác sĩ tư . Kiểm tra các dấu hiệu lâm sang xong, bà bác sĩ hỏi T. đã quan hệ tình dục bao giờ chưa?

Thấy cô mếu máo gật đầu, bà bảo cô vào Bệnh viện (BV) Từ Dũ gấp vì trong trường hợp này, nếu không mổ cấp cứu ngay thì nguy cơ tử vong là cái chắc.

Bước ra khỏi phòng mạch, T. leo lên chiếc xích lô. Tới hồi vào được phòng cấp cứu BV Từ Dũ, T. nằm vật ra, mặt xanh xám vì cơn đau càng lúc càng dữ dội. Nó đau đến nỗi khi cô điều dưỡng hỏi, T. chỉ phều phào nói tên, tuổi mình. Tiến hành kiểm tra và làm các xét nghiệm cần thiết, T. được đưa lên bàn mổ.

Ba ngày sau, sức khỏe T. tạm thời ổn định. Vài lần, khi nghe BV nhắc đến khoản viện phí, T. than thở rằng gia đình cô ở xa, và cô đã nhắn về nhà, gọi người đem tiền vào đóng. Một sáng, khi bác sĩ vừa  thăm bệnh xong, và mấy cô điều dưỡng cũng đã đi kiểm tra cho bệnh nhân ở những phòng khác, T. thay bộ quần áo của BV bằng bộ quần áo mà cô đã mặc lúc vào. Cô nói với mấy người chung phòng, rằng cô đi dạo một chút vì "nằm suốt mấy ngày, oải quá".

Thế rồi, bằng một thái độ cố tỏ ra bình thường y như người vào BV thăm thân nhân, cô đi thẳng ra cổng. Số tiền viện phí 6 triệu đồng, coi như cô "xù" luôn.

Dược sĩ Thủy, Phó giám đốc BV Từ Dũ, nói với tôi: "Chỉ tính từ tháng 1/2009 đến nay, BV Từ Dũ đã mất 459 triệu tiền viện phí mà nguyên nhân chính là do bệnh nhân trốn viện". B, 33 tuổi, mắc bệnh nan y, vào Từ Dũ mổ “bắt con”. Mổ xong, cô bỏ con rồi... "biến" bởi lẽ nếu đem đứa bé ra cổng, cô sẽ phải xuất trình giấy chứng sinh, giấy ra viện vì nếu không có hai loại giấy tờ này, nhân viên bảo vệ BV sẽ ngăn cô lại, rồi báo cho Phòng Y vụ giải quyết. Mà nếu muốn có 2 loại giấy ấy, thì phải đóng tiền. Dược sĩ Thủy, nói tiếp: "Tiền viện phí trong trường hợp này, coi như huề luôn".

Vì sao người bệnh "xù" tiền viện phí?

Chuyện trốn viện, trốn luôn tiền viện phí không chỉ xảy ra ở BV Từ Dũ, mà nó gần như là chuyện thường ngày ở hầu hết các BV trong thành phố - kể cả BV tuyến quận, huyện - với nhiều hình thức khác nhau. Một bệnh nhân nữ người Campuchia, được chuyển từ Phnompenh sang BV Từ Dũ vì có bệnh lý về máu khi đang mang thai.

Những điều dưỡng đã trực tiếp săn sóc cho bệnh nhân này, kể: "Hàng ngày, BV vừa điều trị, vừa nuôi ăn cho cả bà lẫn chồng bà". Đến lúc  bình phục, tổng số tiền thuốc men là 30 triệu đồng - không kể tiền ăn. Khi biết bệnh nhân không có khả năng đóng viện phí, BV Từ Dũ đã thông báo cho Lãnh sự quán Campuchia ở TP HCM nhưng nơi đây "đẩy" lại cho BV. Kết quả, BV thất thu số tiền trên.

Theo nguyên tắc, tất cả mọi bệnh nhân khi vào viện - nếu không xuất trình thẻ bảo hiểm y tế, thì phải đóng một khoản tiền tạm ứng. Tùy theo BV (dĩ nhiên là không kể BV tư), số tiền tạm ứng này dao động trong khoảng 200 nghìn đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, với những trường hợp hiểm nghèo, tất cả các BV đều chủ trương "cứu người trước, tiền bạc tính sau" nên vì thế, có những bệnh nhân khi vào viện, chỉ đóng tiền tạm ứng rồi lúc sắp sửa bình phục, thì... trốn.

Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng cấp cứu và khi qua khỏi cơn nguy hiểm, cũng trốn luôn. Điều cần ghi nhận là tuyệt đại đa số những bệnh nhân trốn tiền viện phí, đều là những người cận nghèo, nghèo hoặc rất nghèo nên vì thế, BV làm mạnh tay thì không đành lòng. Hơn nữa, nếu có làm mạnh tay, bệnh nhân cũng chẳng biết đào đâu ra mà trả - nếu không muốn nói biện pháp ấy sẽ càng đẩy người bệnh vào bước đường cùng. Thế nên, BV đành chịu lỗ!

Một bác sĩ ở BV Nguyễn Tri Phương kể cho tôi nghe câu chuyện cười ra nước mắt: Số là sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u dạ dày, viện phí của bệnh nhân K là gần 15 triệu đồng. Lúc nghe Phòng Y vụ mời lên đóng tiền để làm thủ tục xuất viện, chồng bệnh nhân ngập ngừng chìa ra cái... thẻ giữ xe: "Em còn chiếc "Uây Tầu" gửi ngoài bãi. Bác sĩ lấy xe trừ tiền cho em". Giời đất ơi, bố bảo cũng chẳng bác sĩ nào đủ can đảm để cầm thẻ giữ xe vì quy định không cho phép. Hơn nữa, lại còn trăm thứ rắc rối chung quanh giấy tờ chủ quyền xe, và một chiếc Wave Trung Quốc mới tinh, mua chỉ khoảng hơn 4 triệu đồng. Cuối cùng - vị bác sĩ kể tiếp: "Họ viết đơn xin nợ viện phí nên phải cho họ xuất viện nhưng ai cũng biết món nợ ấy sẽ chẳng bao giờ trả được".

Một chuyện nữa: Bác sĩ Nguyễn, Khoa Ngoại tổng quát, lầu 4 BV Chợ Rẫy, kể: "Mổ túi mật xong, bữa trước bữa sau ổng trốn mất tiêu. BV thất thu hơn 6 triệu đồng. Khoảng gần một tháng, trong lúc đang ngồi ăn sáng, thì có người mời tôi mua vé số". Ngước nhìn lên, 4 mắt chạm nhau, người đàn ông bán vé số vừa thấy mặt bác sĩ Nguyễn, liền vội vã lùi ra rồi đi như chạy.

Bác sĩ Nguyễn kể tiếp: "Thiệt tình là tôi chỉ muốn hỏi ổng mổ xong, trốn về thì săn sóc ra sao, thuốc men như thế nào, ai cắt chỉ vết mổ, có bị nhiễm trùng không. Ai dè ổng tưởng tôi đòi tiền viện phí...". Những bác sĩ, điều dưỡng mà tôi gặp gỡ, nói: "Có trường hợp người ta chuẩn bị trốn thì mình biết vì quần áo, đồ đạc, họ gửi người nhà mang về trước. Nhưng cũng có những người trốn, và bỏ lại tư trang - là những thứ gần như vô giá trị". Lại có trường hợp BV biết bệnh nhân sẽ trốn - mà đành phải để cho họ trốn vì nếu nằm lại ngày nào, BV phải nuôi họ ngày đó trong lúc tiền bạc, họ chẳng còn một đồng.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng 2 BV Bình Dân và BV Chấn thương Chỉnh hình mỗi tháng mất trên dưới 1 tỉ đồng do bệnh nhân trốn viện phí. Có bệnh nhân buộc phải trốn vì quá nghèo như vừa nói ở trên, nhưng cũng có trường hợp BV thất thu vì thân nhân người bệnh tị nạnh nhau, không ai chịu trả.

Bà B., 76 tuổi, vào cấp cứu tại BV Chợ Rẫy vì tai biến mạch máu não. Sau khi đóng khoản tiền tạm ứng, ba người con của bà "xù" luôn, vì: "Thằng A. nó giàu nhất, nó phải đóng". A., thì: "Con C. chồng nó là Việt kiều, vài trăm đôla xá gì mà nó tiếc với má". Cuối cùng, gần đến ngày xuất viện, một trong ba người con bà B. xì ra cái giấy xin miễn giảm viện phí vì "gia đình quá nghèo", có chính quyền địa phương đóng dấu đỏ chói. Thế đã xong đâu, được BV xét giảm cho 50% viện phí, 50% còn lại, các con bà vẫn cứ chơi trò “ban bóng”! --PageBreak--

Ở Khoa Cấp cứu BV Trưng Vương, nửa đêm có hai chiếc xe gắn máy đỗ xịch trước cửa, rồi ba, bốn thanh niên dìu vào một người, cánh tay phải máu me đầm đìa - hậu quả của một vết chém. Một mặt, bác sĩ trực cấp cứu tiến hành thăm khám, rửa, khâu vá vết thương, đồng thời báo cho lãnh đạo trực để nơi đây thông tin cho Công an phường, mặt khác điều dưỡng đề nghị những người đi cùng, đóng tiền tạm ứng nhưng họ nói họ chỉ là bạn bè với nhau, thấy bị nạn nên giúp chứ họ không có tiền. Tới hồi khâu xong, vừa bước từ phòng tiểu phẫu ra, nạn nhân nhanh chóng leo lên chiếc xe đang chờ sẵn, nổ máy, phi thẳng. Thế là chưa kể tiền công, chỉ tính tiền vật tư tiêu hao (găng tay, thuốc tê, chỉ khâu, bông băng gòn gạc, xét nghiệm máu...), đã gần 200 nghìn đồng, coi như mất trắng.

Có thể nói, bên cạnh chuyện trốn viện phí vì nghèo, thì chuyện thất thu ở các BV còn do một nguyên nhân nữa: Đó là thất thu do đơn xin miễn giảm viện phí. Theo quy định, bệnh nhân khi nhập viện, đều được phổ biến về nguyên tắc làm đơn xin miễn giảm viện phí nên có khá nhiều người lợi dụng chủ trương này, để khỏi phải đóng đủ tiền.

Một bác sĩ ở BV Chấn thương Chỉnh hình kể: "Có bà lúc vào viện, vàng đeo đỏ tay. Nằm bữa trước bữa sau, nghe nói về chuyện miễn giảm nên lập tức, bà tháo hết ra, đưa người nhà mang về. Khoảng 1 tuần, khi gần xuất viện, bà nộp tờ đơn xin miễn giảm viện phí, có chính quyền địa phương đóng dấu ký tên nên BV buộc phải giảm cho bà 30%". Lại có người khi vừa vào viện, thì bèn... chìa ngay ra cái giấy xin miễn viện phí cho chắc ăn mặc dù ngay cả bác sĩ trực tiếp điều trị cũng chưa biết tổng số tiền sẽ là bao nhiêu.

Một bác sĩ ở BV Bình Dân, nói: "Chuyện xác nhận vào đơn xin miễn giảm viện phí ở một vài địa phương đã được thực hiện một cách hết sức dễ dãi mà chẳng cần thẩm tra", chưa kể sự xác nhận ấy đôi lúc vì cả nể, vì những quan hệ thân quen, dòng tộc, vì: "Ký một chữ chẳng mất gì, lại được mang ơn mang nghĩa". Trao đổi về vấn đề này, tất cả các cán bộ y tế mà tôi đã tiếp xúc, đều cùng chung quan điểm là nên dẹp bỏ việc "chứng nhận gia đình nghèo" vì điều đó đồng nghĩa với việc tạo thêm gánh nặng cho BV, mà thay vào chứng  nhận  là thẻ bảo hiểm y tế.

Giải quyết chuyện "xù" viện phí bằng cách nào?

Các BV chống thất thu từ việc trốn viện phí ra sao? Một số BV mỗi khi có bệnh nhân trốn, căn cứ vào hồ sơ bệnh án, BV gửi công văn về địa phương nhưng có địa phương trả lời, rằng chỗ chúng tôi không có ai tên đó, tuổi đó, hoặc nếu có thì địa phương cho biết là họ quá nghèo, ăn còn chưa đủ thì lấy đâu ra tiền trả BV. Có BV bù qua sớt lại bằng nguồn thu từ các dịch vụ như giữ xe, bán căng tin, khám chữa bệnh theo yêu cầu.

Chờ khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế.

Có BV lại trông vào ngân sách trên cấp, hoặc đề nghị bệnh nhân viết giấy nợ nhưng số người quay lại trả nợ, xem ra chưa được 1/10. Lại có BV chống thất thu bằng cách... trừ tiền cán bộ, công nhân viên: Tại phòng mổ của BV X, hàng tháng BV trích cho một số tiền thu từ tiền phẫu thuật để làm quỹ phúc lợi. Nhưng lắm khi có tháng, phòng mổ lại mất khoảng 5, 10 triệu đồng do bệnh nhân trốn viện phí. Thế là trừ.

Một bác sĩ làm việc ở đây, cho biết: "Thường thì BV trừ 10 hoặc 20% trên tổng số tiền phúc lợi trong lúc vấn đề bệnh nhân trốn không trả tiền viện phí, đâu phải là do lỗi của phòng mổ chúng tôi". Có lẽ vì thế mà tại một buổi họp, rồi sau khi nêu lên chuyện trừ tiền phúc lợi nhưng không được lãnh đạo BV giải quyết thỏa đáng, 2 cán bộ làm đơn xin  nghỉ việc!

Để ngăn chặn tình trạng "xù" tiền viện phí, đã có nhiều giải pháp được đưa ra thảo luận, chẳng hạn như giải pháp 2.000 đồng/ngày. Theo đó, mỗi người dân chỉ cần tiết kiệm mỗi ngày 2.000 đồng, thì sẽ mua được thẻ bảo hiểm y tế có giá trị trong 1 năm, không phải tốn kém hàng triệu - thậm chí hàng chục triệu đồng một khi phải nằm viện. Lại có giải pháp huy động lòng từ tâm của xã hội: Khoảng 3 năm trước, BV Ung bướu TP HCM mỗi năm thất thu khoảng 6,7 tỉ đồng - phần lớn là trốn viện phí. Bây giờ, hiện tượng này hầu như đã hoàn toàn chấm dứt nhờ BV biết kêu gọi tấm lòng nhân ái của cộng đồng.

Một cán bộ lãnh đạo BV, cho biết: "Bằng các chương trình cụ thể, năm 2008 Quỹ tấm lòng vàng của BV đã quyên góp được gần 6 tỉ, giúp cho hơn 3 nghìn lượt bệnh nhân mà cụ thể là bệnh nhi dưới 6 tuổi được miễn viện phí hoàn toàn, bệnh từ 7 đến 14 tuổi miễn phí 75%, bệnh người lớn, nghèo, được giảm từ 25 đến 100% tùy trường hợp. Bên cạnh đó, mỗi tuần BV còn trích ra 30 triệu đồng, để lo bữa ăn cho những người không có khả năng". Tương tự như vậy, BV Nhi Đồng 1 cũng có bộ phận bảo trợ xã hội nên theo lời Bác sĩ  - Giám đốc Tăng Chí Thượng, thì: "Mấy năm gần đây, chuyện trốn viện phí hầu như không còn xảy ra".

Dược sĩ Thủy, Phó giám đốc BV Từ Dũ, nói: "Theo tôi, cách tốt nhất để khắc phục tình trạng trốn tiền viện phí, là đối với những người thật sự nghèo khó, thì chính quyền địa phương nên giải quyết bằng cách căn cứ  vào chế độ, chính sách, hoặc vận động những cá nhân khá giả, chung tay góp sức mua bảo hiểm y tế cho họ".

Cuối cùng, xin hỏi các BV tư có bị thất thu vì bệnh nhân trốn tiền viện phí hay không? Câu trả lời là: "Hiếm lắm". Ở một bệnh viện tư được xếp hạng "top ten" tại TP HCM hiện nay, bệnh nhân khi vào mổ sỏi túi mật chẳng hạn, thì việc đầu tiên là đóng tạm ứng 3 triệu đồng để làm các xét nghiệm. Lúc lên lịch mổ, bệnh nhân tạm ứng thêm 7 triệu nữa. Mổ xong, bệnh viện tính toán tất cả các chi phí rồi trả lại cho bệnh nhân - nếu thừa, còn nếu thiếu thì bệnh nhân phải đóng thêm. Vấn đề là các khoản tạm ứng này, bệnh viện đều cộng trừ  rất sát sao nên có xảy ra... trốn viện phí, mất mát cũng không đáng kể. Hơn nữa, khi bước vào bệnh viện tư, người bệnh đều biết là họ phải... có tiền!

Vì thế, chuyện thất thu ở các BV công vì bệnh nhân trốn viện phí vẫn có thể sẽ là chuyện dài nếu việc mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, chưa được thực hiện chu đáo

Vũ Cao
.
.