Chuyện về những người con dòng họ Ngô Gia (kỳ 1)

Thứ Năm, 31/03/2016, 16:05
Ngô Gia Tự (1908- 1935) sinh tại làng Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, nay là xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tham gia cách mạng và bị đày ra Côn Đảo, vượt ngục sau đó mất tích. Nhưng ít người biết rằng, Ngô Gia Tự là hậu duệ nhiều đời của Ngô Quyền và cha, anh của ông đều làm quan.


Hiện nay, một số người cháu của Ngô Gia Tự đã và đang sinh sống ở TP HCM, trong đó có những người nổi tiếng như cố GS.TS Ngô Gia Hy.

Danh gia vọng tộc

Ông Ngô Gia Lễ là anh của ông Ngô Gia Tự. Làm tri huyện Ninh Bình, ông Ngô Gia Lễ sống rất thanh liêm, hết lòng vì dân, tận tụy với công việc. Ông mất vì bạo bệnh khi đang cùng dân chống vỡ đê.

Chúng tôi gặp ông Ngô Gia Thạch, con út của ông Ngô Gia Lễ cùng một người cháu của ông Ngô Gia Lễ là ông Ngô Gia Lương. Ông Lương là con trai cố GS.TS Ngô Gia Hy. Cả hai ông hiện sống ở TP Hồ Chí Minh. Nhờ họ, chúng tôi được biết về những câu chuyện rất thú vị về con cháu của Ngô Quyền, về tổ tiên, cha ông họ.

Ông Ngô Gia Lễ.

Theo lời ông Ngô Gia Lương (Thạc sĩ Quản trị học, hiện làm việc ở Trường Đại học Hùng Vương, con ông Ngô Gia Hy, cháu gọi ông Ngô Gia Thạch là chú), dòng họ Ngô của họ xuất xứ từ Ngô Quyền. Tổ tiên của dòng họ Ngô có từ thời Hùng Vương dựng nước.

Theo phả tộc họ Ngô, khởi tổ của họ là cụ tổ Ngô Nhật Đại vốn là một hào trưởng ở châu Phúc Lộc (Cửa Sót, Hà Tĩnh). Tham gia khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (722), khi cuộc khởi nghĩa thất bại, cụ Nhật Đại đã chuyển cư vào châu Ái (Thanh Hóa) sống bằng nghề nông. Con cụ là Ngô Nhật Du, đến đời thứ 5 là Ngô Mân (tên khác là Ngô Đình Mân, thân phụ Ngô Quyền) đã chuyển đến sinh sống ở Đường Lâm, Hà Tây (nay là Hà Nội).

Ông Ngô Gia Tự.

Sau khi đánh tan quân Hoằng Tháo trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền lên ngôi được ít lâu thì mất. Con cháu nối ngôi không được bao lâu thì xảy ra loạn 12 sứ quân.

Sau loạn 12 sứ quân, con cháu Ngô Quyền phải đi nơi khác ẩn cư. Ngô Xương Sắc (con của Ngô Xương Xí, cháu nội Thiên sách Vương Ngô Xương Ngập, chắt nội của Ngô Quyền) vào châu Ái (Thanh Hóa), truyền tới đời 18, 19 là Ngô Kinh và Ngô Từ (con Ngô Kinh). Ngô Kinh là gia thần của Lê Khoáng (cha của Lê Lợi - Lê Thái Tổ). Ngô Từ là công thần của Lê Lợi, con gái Ngô Từ là Ngô Thị Ngọc Dao, vợ của vua Lê Thái Tông, mẹ của vua Lê Thánh Tông.

Ngô Ích Vệ (con của Ngô Xương Xí, cháu nội Thiên sách Vương Ngô Xương Ngập, chắt nội của Ngô Quyền) vào châu Hoan (Nghệ An) ẩn cư, sau ra Thăng Long đầu triều Lý làm quan, sinh hai con là Ngô Tuấn (Lý Thường Kiệt) và Ngô Chương (Lý Thường Hiến).

Chi phái của ông Ngô Gia Thạch và ông ngô Gia Lương có nguồn gốc từ người con trưởng của Ngô Quyền là Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập. Vào đời thứ 21, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, ông Ngô Bá Di, vì tránh nạn kiêu binh nên về Tam Sơn, Đông Ngàn, Bắc Ninh để sinh sống. Ông Di đổi tên thành Ngô Hải Sơn, đó là ông tổ của chi phái của hai ông Ngô Gia Thạch và Ngô Gia Lương.

Ông Ngô Gia Lương và cuốn gia phả dòng họ Ngô.

Theo tài liệu của dòng họ Ngô, cũng vào đời 21, ông Ngô Sử Hậu lánh nạn về vùng Tả Thanh Oai, Hà Đông, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông Hậu đổi tên thành Ngô Phúc Cơ là ông tổ của chi phái Ngô Thời ở đây, tổ tiên của danh thần Ngô Thời Nhiệm...

Cũng theo con cháu họ Ngô, còn nhiều chi phái họ Ngô khác cũng có gốc từ Ngô Quyền, trong đó có dòng họ Ngô Đình với Tổng thống của Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm. Nhà thơ Xuân Diệu, tên thật là Ngô Xuân Diệu cũng có gốc từ Ngô Quyền…

Trở lại với câu chuyện của ông tổ chi phái họ Ngô ở Tam Sơn, Đông Ngàn, Bắc Ninh. Đời thứ 4 của chi phái này là ông Ngô Gia Du (chắt của ông Ngô Hải Sơn), là một nhà Nho dạy học, từng tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục. Ông Du có 10 người con, 6 trai và 4 gái. Con trưởng của ông Du là ông Ngô Gia Lễ, người con thứ 9 của ông Du là Ngô Gia Tự. Ông Lễ có 5 người con trai, 1 người con gái. Con trưởng của ông Lễ là ông Ngô Gia Hy (cha của ông Ngô Gia Lương).

Một vị quan thanh liêm yêu dân

Ông Ngô Gia Lễ (1897- 1943) từng làm tri huyện ở nhiều nơi, nơi cuối cùng là huyện Kim Sơn, Ninh Bình dưới triều Nguyễn vào thời Pháp thuộc. Ông nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, yêu dân. Ông Ngô Gia Lễ đỗ bằng thành chung, thông thạo Pháp văn, giỏi Hán văn, thi đậu Thạm biện tài chính ở Hà Nội rồi làm tri huyện ở huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), ở huyện Tam Nông (Phú Thọ), ở huyện Gia Viễn rồi phủ Kim Sơn (đều thuộc tỉnh Ninh Bình).

Cuốn gia phả họ Ngô.

Theo những tài liệu của dòng họ và lời kể của ông Ngô Gia Thạch, Ngô Gia Lương, ông Ngô Gia Lễ rất thương người, không hề gắt mắng ai bao giờ, thường lấy điều nhân nghĩa khuyên răn. Ông làm việc suốt ngày, bao giờ cũng mang khăn xếp, áo dài the thâm, lắng nghe dân trực tiếp giãi bày những nỗi oan ức, cơ cực của mình. Một tháng 20 ngày, ông đi xuống làng xã để tìm hiểu tình hình thực tế, nhưng không báo trước cho ai, cũng không ghé vào nhà ai ăn uống.

Bữa cơm hàng ngày của ông rất đạm bạc, chủ yếu là rau dưa, tương cà, thi thoảng mới có thịt, cá. Mỗi lần đi kinh lý, ông cho người giúp việc mang theo gạo, bánh chưng hoặc cơm nắm, muối vừng, cà muối. Nếu phải nghỉ lại, ông thường ghé nhà những ông huấn đạo, ông giáo, hoặc vào đình chùa, miếu mạo. Ông và người giúp việc tự nấu ăn. Mỗi khi đi ông thường đi bộ hoặc đi xe kéo, không có xe hơi như những vị quan khác.

Là một vị quan thanh liêm, ông ngăn cấm cấp dưới ăn hối lộ, nhũng nhiễu người dân. Ông nói với các chức sắc trong làng xã như chánh tổng, lý trưởng rằng: “Tôi không ăn hối lộ của ai thì dưới quyền tôi không ai được ăn hối lộ. Tôi sẽ thẳng tay trừng trị những người ăn hối lộ của dân”.

Tính giản dị, không thích nghi lễ cầu kỳ của ông cũng trở nên nổi tiếng. Lúc ông về nhận chức ở Gia Viễn, nha lại và người dân làm cổng chào để đón ông. Thế nhưng ông đã vào đến công đường rồi mà không ai hay biết. Ở Kim Sơn hồi đó có lệ là nhiều phủ huyện khác, các chánh tổng, lý trưởng thường đặt tiền vào đĩa để dâng lễ ra mắt quan phủ mới. Khi họ dâng lễ cho ông, ông từ chối không nhận và nói: “Tiền này nếu không phải là của các thầy đóng góp thì cũng là lấy của dân. Từ nay tôi nghiêm cấm, không được bắt dân đóng góp”.

Người dân hồi đó kể rằng, mẹ ông mỗi khi từ quê Tam Sơn lên thăm ông thường đến các quán nước ở chợ hỏi dò về ông huyện mới có thanh liêm hay không, có thương yêu dân không, có ăn hối lộ mà ức hiếp dân không… Khi biết ông không có tai tiếng gì, bà mới vào thăm con mình.

Ông Ngô Gia Lương đang kể lại câu chuyện về ông Ngô Gia Tự.

“Hồi đó, các quan phủ huyện mới nhậm chức thường mở tiệc mời các quan chức cấp trên về dự. Ông không mở tiệc mời ai mà các quan huyện, quan phủ khác mời ông dự tiệc, ông cũng từ chối không dự. Không phải vì ông không nể trọng họ, nhưng vì ông sống liêm khiết, không chịu lấy tiền của dân để cung phụng quan trên, do vậy ông không tới dự vì sợ không có khả năng “trả nợ miệng”, phải mời tiệc lại họ. Quan Pháp về kiểm tra công việc, ông cũng không mời ăn, họ phải về tỉnh rồi sau đó lại xuống làm việc. Từ những việc làm, cung cách sống và lối hành xử như thế nên dân chúng ở những nơi ông làm việc thời đó đều nói rằng ông chủ trương làm cách mạng trong giới quan trường”, ông Ngô Gia Lương kể.

Năm 1939, vùng Kim Sơn bị vỡ đê, nước lũ tràn ngập khắp vùng, dân tình nheo nhóc, nhốn nháo vì đói rét, cực khổ. Suốt ngày nắng chang chang, ông ở trên đê. Buổi trưa, ông ăn cơm nắm muối vừng với cà do người nhà chuẩn bị cho ông từ sáng sớm. Sau nhiều ngày đêm vật lộn với chuyện vỡ đê, lũ lụt, ông bị kiệt sức, nhiễm bệnh lao nặng rồi qua đời sau đó. Nhân dân hai huyện Gia Viễn và Kim Sơn đã khóc thương ông rất nhiều. Họ gọi ông là “đại cách mạng gia”.

Nhiều giai thoại của người dân nơi ông nhậm chức cho biết ông là một vị quan khảng khái, không khuất phục quan Pháp. Nhiều lần bị quan Pháp khiển trách là lười biếng không chịu di dân theo mức đã ấn, không chịu truy lùng Cộng sản, Việt minh, ông trả lời là: “Không biết Việt minh ở đâu cả” và viết đơn xin từ chức. Quan Pháp đã phải nhượng bộ, không cho ông thôi việc. Khi làm tri huyện ở Tam Nông, Thông sứ Pháp bắt các huyện phải xem xét những người nào nghi là Cộng sản hay có hành động phá rối an ninh thì phải có tờ trình với tỉnh để bắt họ đi phát vãng ở Lai Châu và những vùng nước độc. Ông đã viết báo cáo bằng tiếng Pháp nhưng rồi lại xé đi, vì sợ những người đi phát vãng sẽ phải chết, làm khổ cho gia đình họ nên ông báo lên cấp trên là nơi ông không có ai như thế.

Tri huyện Ngô Gia Lễ muốn em cố học để ra làm quan, nhưng đồng chí Ngô Gia Tự kiên quyết đi theo con đường cách mạng, cứu dân, cứu nước. Đồng chí Ngô Gia Tự hoạt động cách mạng ở nhiều nơi, trong đó có vùng Nam Kỳ, Sài Gòn cũ. Đến cuối năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn. Ngày 2-5-1933, sau hơn hai năm bị giam cầm ở nhiều nơi, thực dân Pháp đưa đồng chí Ngô Gia Tự ra phiên tòa “đại hình đặc biệt” xử cùng với 120 chiến sĩ cộng sản và đày ra Côn Đảo.

Vào một đêm năm 1935, chi bộ nhà tù tổ chức cho đồng chí Ngô Gia Tự cùng một số đồng chí nữa vượt ngục Côn Đảo, về khôi phục lại phong trào. Nhưng chuyến vượt ngục đó không thành, Ngô Gia tự cùng các đồng chí mất tích giữa biển.

Ông Ngô Gia Lương cho biết, vào khoảng những năm 1960, một đoàn khách nước ngoài người Đông Nam Á là khách mời của Chính phủ Việt Nam đã đến Tam Sơn, Bắc Ninh. Trong đó có một người đã về thăm nhà thờ họ Ngô ở đây và dừng lại rất lâu mới đi.

(Còn tiếp)

Phạm Huy Văn
.
.