Chuyện với một “thợ săn” cao niên Hà thành

Thứ Sáu, 23/10/2015, 13:15
Hình như cái nghề cái ngạch tình báo đã từng hút kha khá những chàng trai hào hoa tinh túy nhất của Hà thành buổi đầu dân quốc ấy? Diplom Trường Bưởi. Gia đình thuộc dạng máu mặt đất Kinh kỳ, hơn 10 tuổi đã từng được học nhạc, luyện đàn với các thầy giáo Pháp nổi danh. Cách mạng tháng Tám đã ngoặt chàng trai tài hoa ấy sang hướng khác…

Hà thành còn được bao nhiêu ông lão tầm thất tuần như thế?

Cái câu vẻ lẩn thẩn ấy cứ thoáng riết lấy tôi khi làn nắng cữ trọng thu vàng sánh òa choán lấy khung cửa một căn nhà cổ Hà thành.

Nửa người nhô ra khoảng nắng. Kiểu đứng của ông bất thần gợi ra một lợi thế của hội họa nhất là cây đàn violon duyên dáng đậu trên vai. Giai điệu chi đó rất quen réo rắt… Động thái hất đầu ra đằng trước giới thiệu rất nhã khi bất đắc dĩ phải làm cái việc dịch cho khách có thứ tai trâu như tôi rằng đây là một tổ khúc “Bốn mùa” của Vivandi…

Đại tá Hà Mai.

Cung cách rung cổ tay, cánh tay cùng kiểu gẩy vuốt  như có chi đó ma thuật trên cây violon khó nghĩ động thái ấy của tuổi ngoại cửu tuần? Người gầy mảnh. Vẻ nhẹ nhõm thanh thản toát lên từ dáng đi cho đến kiểu chuyện trò. Và cả cái tên của ông, Hà Mai nữa. Hình như âm thanh vĩ cầm và âm nhạc luôn là cứu cánh để cự kháng lại tật bệnh cùng tuổi tác? Tôi đang nói về ai đây nhỉ? Một nhạc sĩ, một nhạc công vionist cao niên? Không phải. Ông là một điệp viên có hạng từng phụ trách tình báo mạng bắc Hà Nội.

Hình như cái nghề cái ngạch tình báo đã từng hút kha khá những chàng trai hào hoa tinh túy nhất của Hà thành buổi đầu dân quốc ấy?  Diplom Trường Bưởi. Gia đình thuộc dạng máu mặt đất Kinh kỳ, hơn 10 tuổi đã từng được học nhạc, luyện đàn với các thầy giáo Pháp nổi danh. Cách mạng tháng Tám đã ngoặt chàng trai tài hoa ấy sang hướng khác… Ngoặt nhưng hào hứng say mê.  Từ tự vệ thành Hoàng Diệu trở thành một quân báo viên của một trung đoàn Vệ quốc đoàn rồi chững chạc ở cương vị phụ trách công tác tình báo phía bắc Thủ đô là cả một câu chuyện dài, lắm những bất ngờ thú vị.

… Cựu điệp viên Đại tá Hà Mai đang kể về cái duyên được may mắn thọ nghề với nhiều điệp viên đàn anh tên tuổi, trong đó có Đào Phúc Lộc với bí danh Hoàng Minh Đạo sau này khi đó là  thủ trưởng đầu tiên của ngành tình báo quân sự. Chàng trai Hà Mai thấm  và thích thú với cái nghề đặc biệt mà bậc huynh trưởng Hoàng Minh Đạo đã từng thở dài mà rằng cái nghề của chúng mình là nghề đi săn. Săn tin. Cô đọng như thế nhưng Hà Mai biết rằng người tình báo lẫn cái nghề này phải có những tố chất đặc biệt thì mới có thể trở thành những thợ săn giỏi. Nghề nó chọn người chứ không phải người chọn mà được.

Đã đành phải học hành luyện rèn này khác nhưng kiểu không có trâu bắt bò đi dầm hoặc gượng ép này khác thì chẳng chóng thì chày sẽ bật bãi. Cái nghề đặc biệt này sẽ thải loại ra. Mà đâu chỉ có sự lặng lẽ thải loại mà sẽ là hoại bại tai họa biết bao cho tổ chức. May mắn ông đã trụ lại được. Mà trụ vững. Cho đến cả khi về hưu, về già… Gẫm mà phục cho ông cụ nhà mình. Từ cái buổi đầu trứng nước của nghề tình báo, cụ đã răn dạy hết nhời nói trực tiếp lại gửi bao nhiêu là thư cho ngành tình báo quân sự rằng các chú phải tuyệt đối tẩy sạch những chứng ba hoa, khoe khoang, cẩu thả, hấp tấp lộ bí mật, làm việc luộm thuộm, sơ suất hoặc sa vào tệ làm việc bàn giấy.

Ghê chưa, cái tật khốn đầu tiên mà cụ răn là chứng ba hoa khoe khoang…

Và ông đã học được cách im lặng từ bấy đến nay.  Ông cười bảo rằng đã học được cách im lặng của loài… cá! Nơi sở làm mà tôi tòng nhiệm đâu có xa nhà ông. Và đã may mắn được ngồi ké vài lần trong các hội nghị công khai này khác của ngành nhưng có thấy cựu Đại tá tình báo Hà Mai xuất hiện cao đàm khoát luận này khác?May nữa, như ông nói là thuở ấy được quen biết và gần gũi với những đồng nghiệp tốt tính lại giỏi giang. Như  Đại tá Nguyễn Minh Vân tên thật là Nguyễn Đình Quản (Minh Vân là biệt danh do ông Hoàng Minh Đạo, thủ trưởng đầu tiên của ngành tình báo quân sự lấy tên của con gái đặt cho ông. Sau này được ông sử dụng làm tên hoạt động cũng như chính thức, nhưng đổi thành họ Nguyễn cho đúng với dòng họ).

Quê ông ở Quảng Nam, nhưng sống chủ yếu ở Huế bởi cha ông là cụ Nguyễn Đình Hiến làm quan ở Huế từng đảm nhận chức Phủ doãn Thừa Thiên. Nhờ vậy mà từ bé, Nguyễn Đình Quản được học hành tử tế, có bằng tú tài Tây học và vốn tiếng Pháp lưu loát. Làm quan, nhưng cha ông có tư tưởng chống Pháp và rất thân với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Được cha gửi gắm nên sau khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Huỳnh đã giới thiệu ông làm thư ký cho ông Phan Bôi (Thứ trưởng Hoàng Hữu Nam)  Được ít lâu, Minh Vân được điều sang Phòng tình báo do ông Hoàng Minh Đạo phụ trách. Tháng 12/1946, được giao trọng trách Trưởng ban Tình báo Hà Nội. Khi đó Minh Vân mới 23 tuổi cùng lứa với Hà Mai.

Rồi Minh Vân vào Nam bị chỉ điểm sa vào ngục Chín hầm của Ngô Đình Cẩn. Nhiều năm trời ở địa ngục trần gian ấy một kỳ tích không kém việc giữ khí tiết bí mật không khai báo là ông Minh Vân đã nhẩm luôn nằm lòng 3.000 câu thơ do ông sáng tác. Mà khi may mắn thoát khỏi ngục Chín hầm, được nhà thơ Tố Hữu khuyến khích ông đã chép lại và sau này NXB Hội Nhà văn đã in thành tập với cái tên “Sống trong mồ”.

… Vị cựu Đại tá tình báo chỉ thật sự sôi nổi hứng khởi khi nói về bạn bè đồng đội. Còn về mình thì rất kiệm lời… Cũng cần nói thêm, sở dĩ tôi có cơ duyên được gặp được ngồi với ông là do một trong những sĩ quan liên lạc của các thủ trưởng Tổng cục 2 trực tiếp đưa đến. Thế mà ông chỉ vắn tắt về chiến công của đường dây điệp báo do ông phụ trách ở địa bàn mênh mông mấy tỉnh bắc Hà Nội. Tôi hy vọng sẽ có một dịp để Đại tá Hà Mai tỉ mỉ chi tiết… Chả hạn về đường dây điệp báo ấy đâu chỉ những đồng đội chỉ anh em dưới quyền mưu trí thông minh ra sao mà còn rất nhiều thành phần như ngụy binh, nhà tư sản, người bán hàng rong, bán báo, đánh giày…

Cùng những người thân.

Ngay bà cụ thân sinh ra ông cũng là một cơ sở cung cấp tin tức là nơi đi về của nhiều nhân mối liên lạc (sau này ông Mười Hương lần ấy ra Bắc người rất yếu sau đận tai biến nhưng cứ nằng nặc đòi ông đưa ra mộ thắp hương cho cụ bà Trần Thị Kim thân mẫu ông Hà Mai, một cơ sở nội thành đã từng chở che giúp đỡ ông Trần Quốc Hương cùng nhiều đồng chí của ông nữa).

Chất giọng ông chùng xuống khi nhắc đến những đồng đội những nhân mối chiến công đã thầm lặng và sự hy sinh cũng lặng thầm. Một đồng chí tung hầm bí mật ném lựu đạn vào bọn địch đi càn rồi hy sinh nhưng không ai làm chứng cho hành động hy sinh dũng cảm ấy. Vậy phải những thủ tục gì để hợp pháp chế độ quyền lợi cho những người thân của họ? Và ông đã phải trực tiếp làm những gì…  Một chị ZT (giao thông) trên đường làm nhiệm vụ bị Tây bắn chết. Ai chứng? Một điệp viên quân của ông hy sinh trong trận càn ở Bắc Ninh. Một điệp viên trong vỏ bọc lính ngụy hy sinh lặng lẽ. Hòa bình, con cái thiệt thua học hành phấn đấu nhiều năm. Nói sao hết lòng biết ơn của người thân đồng chí ấy khi ông trực tiếp làm cái việc chứng thực minh oan. Một tình báo viên kiêm giao thông là nữ đồng chí T. bị nghi ngờ chỉ điểm.

Kỷ luật nghiêm khắc dành cho những kẻ phản bội như thế nào, trong đó có hình thức thức thủ tiêu. Nhưng ông đã tĩnh trí suy xét trường hợp thoát hiểm cứ ngỡ như tình cờ sắp đặt bố trí của đối phương đối với chị T. Ông Hà Mai đã trực tiếp điều tra, thử thách… Nói đến đây ông lục cặp lấy ra một tấm ảnh đen trắng đã xuộm vàng thời gian. Chỉ vào một chị vấn khăn đen môi ăn trầu cắn chỉ chụp chung với tổ điệp báo giao thông mấy chị nữa, ông Hà Mai cho hay suýt nữa chị T. bị oan và sau này vẫn là một cán bộ quân báo đắc lực… niềm tin vào đồng chí đồng đội. Lòng tin vào phần thiên lương của con người hình như đã khiến ông có những ứng xử mau lẹ nhân văn trong tình huống nghiệt ngã của một cái nghề khắc nghiệt?

Chất giọng chùng ấy của chủ nhà lại thấp thoáng những đồng chí đồng đội những thiệt thua mất mát chung riêng này khác vì nghĩa lớn của cuộc kháng chiến. Một động thái làm tôi phát hoảng bởi như thấy mình có lỗi khi ông vội đưa ngón tay lên miệng và quay mặt đi để ghìm những tiếng nấc…

Tôi biết cái chất đa cảm, những cảm xúc tích cực của một violonist cần thiết khi phát lộ hồi nãy ở những Đa Nuýp xanh - blue Danube của Johann Strauss và của Mozart này khác nhưng có vẻ như hơi bị nguy hiểm khi những cảm xúc đau buồn, tiêu cực đột ngột phát tác ở cái tuổi cửu thập này! Anh bạn cùng đi vội đưa đến cho ông cốc nước… mãi một lúc vị cựu Đại tá mới trấn tĩnh lại. Bà vợ ông từ gian trong có mặt rất kịp thời. Con chăm cha không bằng bà chăm ông.

Cô gái duyên dáng ở Hội Phụ nữ Phú Thọ và đám cưới ở chiến khu ngày nào nay thoắt đã là một bà lão ở tuổi bát tuần chỉ kém ông vài tuổi nhưng may còn mạnh. Tới lúc này tôi mới biết bà vợ ông tên là Mai Điểm.  Bí danh Hà Mai theo mãi ông đến giờ. Tên thật của ông là Hà Thái. Người con trai của ông bà hình như đang theo được cái nghề của bố? Anh đang là kiến trúc sư từng có mặt ở những công trình xây dựng quan trọng của đất nước. Như vậy nhà này vinh hạnh tam đại đồng đường là nhà quân sự.

Câu chuyện của ông như giăng ra một đầu mối để người nghe nắm bắt về những thời điểm, tình huống khó khăn cam go ngày ấy? Và những đầu mối ấy đã vây bọc đã cẩn mẫn, thông tuệ kết dệt từng sợi từng sợi một thành mạng lưới trăm tai nghìn mắt thành thiên la địa võng giăng mắc để mạng lưới tình báo quân sự bắc Hà Nội đối phó hữu hiệu với âm mưu quỷ quyệt của tình báo Phòng Nhì Pháp góp sức đắc lực với lực lượng quân sự kịp thời chặn đứng các chiến dịch hiểm độc của tướng De Lattre de Tassigny và sau này là Navar nhằm đánh gục  các sư đoàn chủ lực Việt Minh.

Tiếp quản Thủ đô chưa kịp nghỉ ngơi ông đã phải bươn bả cùng ông Mười Hương bí mật vào Nam. Tại một căn cứ bí mật ở R. ông và những cán bộ khác có trách nhiệm đào tạo huấn luyện những cán bộ cốt cán nhập môn nghề tình báo.

Chú mới ở Hà Nội vô hả? - Ông Hà Mai giật bắn mình khi ở một chòi lá bên con kinh, một học viên ngó ông lom lom rồi bất thần hỏi ông câu ấy… Sau đó người ấy mới bộc bạch rằng khó gì đâu chỉ ngó cái chân trắng của chú là tôi biết liền là mặc dầu chú đã  phơi nắng và chân chú đã lội sình, trét bùn. Một kinh nghiệm về hoạt động mật trong này…

Bế giảng nhiều khóa học, ông lại bí mật điều trở ra Bắc…     

Khi miền Bắc luôn trong tầm bom đạn của Không quân Mỹ, ông Hà Mai trực ở một bộ phận đặc biệt của Cục 2. Cái vốn tiếng Anh tiếng Pháp của ông đâm đắc dụng. Một thời gian dài ông chuyên làm công việc hỏi cung giặc lái Hoa Kỳ…

Thời điểm yên hàn cùng tuổi tác có lẽ cho phép đậu trên tường nhà ông một số bức hình?

Có hai bức với Đại tướng Võ Nguyên Giáp hình như là trao đổi báo cáo công việc…

Một bức hình đen trắng. Một phụ nữ nước ngoài trong tấm ảnh cười tươi… Quanh là đồng đội là quân của Đại tá Hà Mai. Thì ra là một lớp nâng cao tiếng Anh thời chống Mỹ. Người phụ nữ phương Tây là một nhà báo kiêm nhà nghiên cứu, bạn thân của nhà báo nổi tiếng người Úc Wilfred Burchett và cũng là người quen của ông do công việc. Ông đã mời được giảng viên đặc biệt đó.

Đặc biệt tấm ảnh màu chụp năm 1995, thời điểm Cục Tình báo Quân sự kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Phải kê biên ra những nhân vật trong tấm ảnh.

Ông Hà Mai với các nhà tình báo nổi tiếng.

Hai hàng, từ trái sang là Vũ Ngọc Nhạ, Trần Hiệu (Cục trưởng Tình báo đầu tiên) ông Trần Quốc Hương (Mười Hương), bà Điểm (Mai) vợ chủ nhân. Vũ Hữu Ruật (trong lưới A.22) Văn Tiến Mạnh  (nguyên Trưởng ban Tình báo Hải Phòng).

Hàng sau, từ trái sang: Vũ Chấn, Hà Mai, Phạm Xuân Ẩn, Cao Khúc (nguyên Tham tán Thương mại ở New Delhi).

Phải làm cái việc kê biên ấy bởi chi tiết tên tuổi cuộc đời của một số nhân vật tình báo cộm cán ấy hẳn bạn đọc đã từng biết đến qua các phương tiện truyền thông.

Một cuộc gặp gỡ thân tình tại nhà ông Hà Mai, nhân dịp các đấng tình báo ấy ra Hà Nội dự kỷ niệm. Bây giờ sắp kỷ niệm 70 năm, ông Hà Mai chỉ vào từng vị trong tấm ảnh giọng ngậm ngùi mới 20 năm mà đã  khuyết đi nhiều vị quá. Những Trần Hiệu, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ…

Một việc cuối từ háo hức đến hẫng hụt. Ấy là muốn được ông kể cho nghe trường hợp nhà văn Vũ Bằng. Một tình báo viên nội thành Vũ Bằng âm thầm hằng bao nhiêu năm ở đất Sài Gòn phương Nam đau đáu “Thương nhớ mười hai” và “Miếng ngon Hà Nội”… Cảm giác hẫng hụt cũng như chủ nhân khi ông thở dài vẻ tiếc nuối cho hay nhà văn Vũ Bằng không thuộc lưới của ông. Phụ trách trực tiếp nhà văn Vũ Bằng là các tình báo viên khác như ông Ba Hội, ông Nguyễn Vũ. Tiếc thay hai ông đều đã mất!

Chiều thu muộn đã sậm lại bên khung cửa sổ. Mong muốn có dịp khác cuốn tự vị sống, pho sử sống Hà Mai mở lòng nhiều dịp cho hậu thế, trong đó có kẻ viết bài này? Ngoài việc được thưởng thức ngón vĩ cầm điêu luyện còn bao thứ còn đang dùng dắng lưu luyến đằng sau khung cửa sổ này. Chả hạn như tấm ảnh ghi lại thời điểm ông đang làm việc với phi công Hoa Kỳ ở Khách sạn Hilton - Hỏa Lò.

Thoắt như hiển hiện một chứng nhân lịch sử Hà Mai…

X.B.
.
.