Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn: Tận tụy anh minh

Thứ Ba, 22/04/2014, 08:35

Trong bài viết "Nhớ anh Trần Quốc Hoàn" ngày 25/11/2004, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: "Trong hai tám năm anh Hoàn phụ trách ngành Công an, giữa tôi và anh Hoàn đã có sự phối hợp hiệp đồng rất tốt. Tôi thường nói với anh, Quân đội và Công an là anh em sinh đôi, cần có sự phối hợp chặt chẽ. Anh Hoàn đã có công rất lớn trong việc xây dựng, lãnh đạo lực lượng Công an làm tròn nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội…".

Đồng chí Trần Quốc Hoàn tham gia cách mạng từ tuổi thiếu niên và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ rất sớm, năm 18 tuổi. Và cũng vì sớm làm cách mạng nên đồng chí đã bị thực dân Pháp giam cầm từ khi còn rất trẻ. Nhưng ngay từ lúc đó ông đã bộc lộ bản lĩnh kiên cường và bất khuất cao độ của một nhà cách mạng tầm cỡ.

Nhà báo Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, cũng từng bị giam ở Hỏa Lò cùng giai đoạn với đồng chí Trần Quốc Hoàn đầu thập niên 40 thế kỷ trước, nhớ lại, mặc dù thực dân Pháp sử dụng mọi ngón đòn dã man thâm độc nhất để nhằm làm hao mòn và dần dà tiêu diệt tinh thần chiến đấu của những người chiến sĩ cách mạng, nhưng: "Anh Hoàn vượt qua thử thách và rất kiên cường. Trong thời gian bị giam ở Hà Nội, anh hoạt động không mệt mỏi, gần gũi với mọi người, cùng với các đồng chí khác vững dạ, trung thành, an ủi và giúp đỡ những người yếu đuối. Gần như mọi lúc anh ở bên cạnh người này hoặc người khác...".

Phải nói rằng, thực dân Pháp đã đối xử rất tệ hại với các tù chính trị: "Hạn chế giờ mở cửa, trại giam quá chật và không đủ nước dùng, nhiều người ghẻ lở kiết lị vẫn phải nằm chung với buồng vệ sinh hôi thối nồng nặc; ăn uống thì cực khổ mà cần phải cố gắng nuốt trôi, mấy món lần lượt thay nhau: cá mắm, cá khô, đậu phụ đều là những thứ tồi nhất. Cá mục ăn vào sinh bệnh…".

Cùng với các bậc đàn anh giàu kinh nghiệm hơn, đồng chí Trần Quốc Hoàn ngay trong nhà tù cũng đã góp phần quan trọng vào việc tập hợp, đoàn kết các thành phần rất khác nhau trong giới tù nhân để cùng nhau đấu tranh  chống lại chế độ dã man hà khắc của nhà tù…

Phẩm hạnh của người chỉ huy đã sớm bộc lộ ở đồng chí Trần Quốc Hoàn ngay từ những ngày cơ cực trong tù đó… Và đồng chí cũng sớm được chi bộ trong tù bầu vào cấp ủy. Tới năm 1944, tại nhà tù Sơn La, đồng chí đã được bầu làm  người đứng đầu chi bộ và nhận trách nhiệm lo liệu những sự chuẩn bị đối phó với tình hình có thể có nhiều biến động mới nhằm tránh bị động và giảm hy sinh… Những người tù cộng sản ở nhà tù Sơn La đã làm tốt được việc này và trong đó có phần đóng góp không nhỏ của đồng chí Trần Quốc Hoàn…

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chuẩn bị chi viện chiến trường Miền Nam.

Cũng theo hồi ức của đồng chí Hoàng Tùng, ngay trong thời gian ở nhà tù Sơn La, năm 1942, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã bộc lộ ý thích về công việc tương lai của mình.

Đồng chí Hoàng Tùng kể: "Năm 1942 ở Sơn La, anh Hoàn, anh Dũng (tức đồng chí Văn Tiến Dũng - TG), tôi và hai người khác, ngày hai buổi kéo xe bò đến quả núi ở gần chợ Chiềng Lề, đục đá, nổ mìn, lấy đá rải đường. Khi dừng lại đục lỗ thì thay nhau cắm chồng và quai búa. Nổ mìn đã có cai lục lộ. Những khi nghỉ tay, thường tán chuyện cho đỡ mệt và đói nữa. Chúng tôi thường hỏi nhau: Cách mạng thành công rồi thì cậu thích làm gì? Dũng thích làm lính, Hoàn thích làm gián điệp, tôi nói thích viết báo…".

Quả thật về sau,  đồng chí Hoàng Tùng đã trở thành một một nhà báo cách mạng lỗi lạc, đồng chí Văn Tiến Dũng trở thành Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, còn đồng chí Trần Quốc Hoàn đã là nhà lãnh đạo xuất sắc của Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trong gần 30  năm liền…

Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong công tác Đảng. Năm  1952, đồng chí được cử làm  Giám đốc Nha Công an. Một năm sau, khi Nha Công an được chuyển thành Thứ Bộ Công an, đồng chí đã trở thành Thứ  Bộ trưởng Bộ Công an.

Một thời gian ngắn sau, cũng trong năm 1953, khi Thứ Bộ Công an được đổi tên thành Bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn được cử làm Bộ trưởng Bộ Công an. Và đồng chí đã đảm nhận vị trí này cho tới năm 1981. Rời Bộ Công an, đồng chí làm Bí thư Trung ương Đảng, rồi Trưởng ban Dân vận Trung ương cho tới khi qua đời ngày 5/6/1986… Đồng chí cũng từng là Ủy viên Bộ Chính trị các khóa 3 (Ủy viên Dự khuyết từ năm 1960 đến 1972) và khóa 4…

Nhớ lại Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn, những ai từng có may mắn được biết đồng chí trong công việc đều phải công nhận rằng, nói theo cách của đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, đồng chí "đã  làm việc rất nhiều, rất tận tụy, rất có hiệu quả trong mọi công việc được giao", "vừa chỉ đạo xây dựng Lực lượng Công an nhân dân vững mạnh, vừa chỉ đạo hoạt động kiên cường, mưu trí, sáng tạo và có hiệu suất chiến đấu cao...".

Đồng chí Vũ Oanh cũng nhận xét, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã "đặc biệt… quan tâm xác lập sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của các cấp ủy Đảng đối với lực lượng và công tác an ninh nhân dân, quan tâm trực tiếp chỉ đạo sát sao công tác tổ chức đào tạo bồi dưỡng cán bộ…".

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn với cán bộ, chiến sĩ CAND lập công xuất sắc ở “Đại hội Tuổi trẻ Anh hùng Bảo vệ Tổ quốc năm 1979”.

Đồng chí Trần Quốc Hương cũng đánh giá rằng, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn là người "đóng góp nhiều nhất vào việc xây dựng lý luận, xây dựng nền nếp làm việc của ngành Công an…".

Theo hồi  ức của đồng chí Trần Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an trong 20 năm liền (trong đó có 13 năm làm việc dưới quyền của đồng chí Trần Quốc Hoàn), Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn "rất chú ý đến việc sàng lọc, tuyển chọn những người có nguồn gốc từ giai cấp cơ bản, lý lịch trong sạch để bổ sung cho ngành. Trong các chương trình huấn luyện, đồng chí đặc biệt chú ý tới phần lý luận chính trị. Các chương trình chính trị thường chiếm khoảng một phần ba chương trình học tập. Đối với các khóa đào tạo cơ bản, đồng chí Hoàn yêu cầu chú trọng cả các môn văn hóa, ngoại ngữ…".

Phẩm hạnh trí thức bẩm sinh đã bộc lộ ở Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn rất rõ. Và chính phẩm hạnh đó đã khiến đồng chí  hình thành được một phong cách lãnh đạo mang đậm tính anh minh và dân chủ, trọng người có năng lực, mặc dù điều hành ở một lực lượng phải tuân thủ các nguyên tắc "kỷ luật thép" hơn ở bất cứ đâu khác trong bộ máy chính quyền.

Đồng chí Nguyễn Tài,  nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nhớ lại lời chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn khi nói tới cách ứng xử, xử lý đối với những ý kiến thiểu số và trái chiều: "Thái độ của chúng ta, trước hết là những người lãnh đạo, phải hoan nghênh bất kỳ sáng kiến nào, miễn là ý kiến đề xuất với động cơ xây dựng, động cơ cải tiến công tác, tuyệt đối không được có thái độ thô bạo, dù rằng ý kiến đó trái ngược với ý kiến mình, dù thấy ý kiến đó không thật đúng đắn, không thật thích hợp. Không chỉ hoan nghênh mà còn phải tổ chức một cách nghiêm túc, phân tích toàn diện, khoa học để xem xét một cách chu đáo. Chính những ý kiến đối lập, khác nhau đó lại càng làm cho sáng tỏ vấn đề giúp cho lãnh đạo suy nghĩ được tốt hơn, tránh được tình trạng phiến diện một chiều…".

Đồng chí Trần Quốc Hương đã tâm sự rằng, làm việc dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn,  đồng chí rất "quý mến, nể phục anh bởi tác phong giản dị, cởi mở, những suy nghĩ sâu sắc và luôn quan tâm đến mọi người…". Ngay khi đã ở tuổi cao niên, đồng chí Trần Quốc Hoàn vẫn "có thói quen luôn luôn tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm những việc đã làm, xem việc nào hiệu quả, việc nào cần khắc phục…”.

Trung tướng Trần Quyết thì từng nhận xét: "Đồng chí Hoàn làm công tác Đảng lâu năm, rất chú ý đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, chăm lo giữ gìn đoàn kết nội bộ. Các kỳ họp tổng kết năm hoặc sơ kết 6 tháng, đồng chí thường để một hai ngày cho mọi người phát biểu ý kiến…".

Những năm tháng dài làm lãnh đạo cao nhất trong lực lượng không khiến đồng chí trở nên chủ quan, tự mãn. Và câu nói quen thuộc mà đồng chí thường phát biểu trong các cuộc họp sơ kết hay tổng kết là: "Bộ trưởng còn nhiều khuyết điểm lắm. Các đồng chí cứ thẳng thắn phê bình góp ý cho…". Đó không chỉ là lời nói hình thức vì có những lần thời gian góp ý của cấp dưới kéo dài tới 2-3 ngày, Bộ trưởng vẫn chăm chú lắng nghe. Chỉ tới khi không còn ai có ý kiến gì khác nữa, Bộ trưởng mới kết thúc hội nghị…

Cũng theo hồi ức của Trung tướng Trần Quyết, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã là một tấm gương sáng về tự học không ngừng và không ngừng tự nâng cao trình độ cá nhân: "Đồng chí quan tâm theo dõi nhiều bộ phim, vở kịch, nhất là những tác phẩm nói về công tác công an, xem xong có những góp ý cụ thể. Đồng chí còn mời các chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực khác nhau đến thuyết trình về các lĩnh vực mà đồng chí quan tâm. Từ đó đồng chí nắm những điều căn bản để ứng dụng vào công tác công an…".

Theo chứng nhận của nhà báo Hoàng Tùng, đã có lần đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Đảng ta, đã nói với Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn: "Công an của ta là loại giỏi đấy!". Đồng chí Hoàng Tùng cho rằng đó là một lời khen chân thành từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng… Để có được lời khen đó, đã có đóng góp từ không ít những nỗ lực, trau dồi và tài năng lớn của người từng 28 năm đứng đầu Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn…

Trần Thanh Tịnh
.
.