Ra mắt bộ sưu tập “Các bức thư trong tù” của cố Tổng thống Nam Phi:

Có một Nelson Mandela của hôn nhân và tình yêu

Thứ Hai, 23/07/2018, 15:40
Năm 2018 là một năm đặc biệt với Nam Phi. Ngày 18-7-2018 là tròn 100 năm ngày sinh của nhà tranh đấu chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Nelson Mandela.

Nhân dịp này, một bộ sưu tập hơn 225 bức thư trong tù của cố Tổng thống Nelson Mandela, trong đó đa số lần đầu tiên ra mắt, viết bằng tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Hà Lan, tiếng Italy đã ra mắt công chúng.

Bản dịch tiếng Pháp “Các bức thư trong tù” (Les Lettres de prison de Nelson Mandela), do nhà xuất bản Robert Laffont ấn hành, chính thức lên kệ vào ngày 12-7 vừa qua.

Ngọn lửa tình yêu và hy vọng

Từ năm 1964 đến năm 1990, Nelson Mandela bị khép tội khủng bố và bị bắt giam tại nhà tù Robben Island. Trong suốt thời gian ngồi tù, ông đã viết hàng trăm bức thư gửi cho gia đình, những người ủng hộ, chính quyền Nam Phi và cả những quản giáo trong nhà tù. Những lá thư này chủ yếu là kêu gọi những người ủng hộ đứng lên chống phân biệt chủng tộc, để cổ vũ tinh thần của người thân.

Nhà lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela. Ảnh: Metrotime.be.

Trong 27 năm tù đày đằng đẵng, chính xác là 10.052 ngày, thư từ gần như là cách duy nhất để ông liên lạc với bên ngoài. Những năm đầu tiên, ông chỉ được phép gửi hoặc nhận 6 tháng một lần, mỗi bức không quá 500 chữ. Tất cả thư từ ông gửi ra đều bị kiểm duyệt chặt, rất nhiều bức bị giữ lại, không bao giờ đến tay người nhận.

Bất chấp các giới hạn ngặt nghèo, Mandela đã tận dụng những cơ hội ấy để chuyển đến gia đình, đến các con, các cháu sau đó, cho người vợ Winnie, cho bè bạn, ngọn lửa của tình yêu và niềm tin. Những lá thư của Tổng thống Nam Phi tương lai đã góp phần đánh thức nhân tính của không ít con người trong bộ máy cầm quyền.

Bộ tuyển tập “Các bức thư trong tù” dày 752 trang mà Nhà xuất bản Robert Laffont phát hành đầu tháng 7 này là kết quả của hơn 10 năm làm việc của nhà nghiên cứu Sahm Venter, giúp công chúng đến với một Mandela thầm kín, với tiếng lòng của nhà tranh đấu bất khuất.

Theo cuốn hồi ký trên, trong 10 năm tù đầu tiên, Mandela đã trải qua cuộc sống trong tù khắc nghiệt hơn các tù nhân khác. Ông phải sống trong cái lạnh thấu xương, cái nóng ngột ngạt, bụi bẩn và tẻ nhạt, thậm chí là nhục nhã. Trong suốt những năm đó, ông chỉ được phép gửi hoặc nhận thư 6 tháng một lần, mỗi bức không quá 500 chữ; 6 tháng được thăm thân một lần và không được nhìn thấy con cái trong suốt 16 năm.

Tuy nhiên, những bức thư mà ông gửi đi thường xuyên bị kiểm duyệt, thậm chí một số bức không được gửi đi. Biết vậy, ông ngồi chép lại thư, đề phòng nếu không gửi được thì sẽ gửi lại. Ông đau đớn khi biết con gái không nhận được lời chúc sinh nhật của ông. “Họ tìm cách làm tôi thất vọng, làm mất tinh thần của tôi hòng làm tôi gục ngã", Mandela từng nói với luật sư của mình như vậy.

Trong lá thư gửi người vợ Winnie ngày 23-6-1969, ông Mandela viết: “Thứ quý giá nhất mà tôi có ở đây, đó là lá thư mà em viết cho tôi hôm 20-12-1962, ít ngày sau khi tôi bị kết án lần đầu tiên. Suốt 6 năm rưỡi sau đó, tôi đã đọc đi đọc lại nó. Với tôi, những tình cảm trong đó vẫn tha thiết và tươi mới như cái ngày tôi nhận được thư”. Khi viết lá thư này, Mandela đã trông đợi được gặp lại Winnie, sau hơn 6 tháng cách mặt, thế nhưng Winnie bất ngờ bị bắt.

Ông viết tiếp: “Phần lớn mọi người không biết là con người bằng xương bằng thịt của em với tôi không có ý nghĩa gì cả, nếu như những lý tưởng mà vì nó em đã hy sinh cuộc đời mình, không trở thành hiện thực. Tôi hiểu, sống với hy vọng là một điều tuyệt diệu. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi được chung sống cùng nhau, em thương yêu, cuộc sống của đôi ta đã luôn tràn đầy hy vọng... Trong những năm tháng kinh khủng và tàn bạo này, tôi đã càng yêu em hơn bao giờ hết... Không gì quý giá hơn là được tham gia vào cuộc vận động lịch sử của một đất nước. Chính những hạt kim cương nằm trong bức thư ấy khiến tôi một lần nữa cảm thấy ngây ngất, sau khi đọc thư ngày 17-5 (tức ngày mà Nelson Mandela biết Winnie bị bắt)... Những giá trị bất tử của xã hội và tư tưởng không thể nào được tạo nên bởi những con người thờ ơ hay chống lại với những khát vọng thực sự của một dân tộc...”.

Thấm đẫm tình cha con

Bà Winnie Mandela (vợ ông Mandela) cùng hai con gái Zenani và Zindzi. Ảnh: Reuters.

Trong số hàng chục bức thư của ông Nelson Mandela gửi cho các con, có một bức thư ông gửi tới con gái thứ hai Zenani và con gái út Zindzi Mandela vào ngày 4-2-1969 với tất cả tình yêu thương và sự quan tâm dành cho các con. Nội dung bức thư viết:

Các con yêu quý!

Cha đã nhận được bức thư của Zindzi và cha thực sự rất vui khi biết rằng bây giờ con đã học cấp 2. Khi mẹ đến thăm cha vào tháng 12 năm ngoái, mẹ con nói với cha rằng hai con đều vượt qua kỳ thi và bây giờ Zeni đã học tới cấp 3 rồi. Giờ thì cha tin rằng Kgatho và Maki cũng sẽ thi đỗ thôi. Cha rất hài lòng khi thấy tất cả các con đều đang làm tốt.

Cha hy vọng con thậm chí sẽ làm tốt hơn nữa vào cuối năm. Cha hạnh phúc khi biết rằng, Zeni giờ có thể nấu cơm và làm nhiều món ăn khác. Cha mong chờ đến ngày mình có thể thưởng thức tất cả các món ăn mà con nấu.

Zindzi từng nói rằng, trái tim con cảm thấy chua xót khi cha không có nhà và muốn biết rằng khi nào cha sẽ trở về. Cha cũng không biết, con yêu ạ, rằng khi nào mình sẽ về nhà. Con còn nhớ bức thư cha đã viết vào năm 1966 không? Cha đã nói với con rằng tên thẩm phán người da trắng nói cha sẽ ở mãi trong tù trong suốt phần đời còn lại.

Có thể còn lâu nữa cha mới trở về nhưng cũng có thể sớm thôi. Đâu có ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra, thậm chí cả tên thẩm phán da trắng - kẻ đã nói rằng tốt nhất cha nên bị giam giữ ở đây. Cha chắc chắn rằng, một ngày nào đó mình sẽ về nhà và sống hạnh phúc với các con cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời mình.

Giờ thì đừng lo lắng cho cha nữa nhé. Cha vẫn mạnh khỏe, vui vẻ cũng như tràn đầy sức mạnh và niềm hy vọng. Điều duy nhất cha mong mỏi đó là được gặp các con. Mỗi khi thấy cô đơn, cha lại xem ảnh các con, bức ảnh với khung trắng và viền đen mới thật đáng yêu làm sao. Hai năm qua, cha đều nói mẹ con gửi thêm cho cha những bức ảnh của Zindzi, Zeni, Maki, Kgatho, Nomfundo (cháu gái của Mandela - PV) và Kazeka nhưng đến giờ cha vẫn chưa nhận được. Những bức ảnh sẽ khiến cha cảm thấy hạnh phúc hơn khi nghĩ về các con.

Cha cảm ơn các con rất nhiều về những tấm thiệp Giáng sinh tuyệt vời các con đã gửi cho cha. Ngoài các con, cha cũng đã nhận được những tấm thiệp từ Kgatho và mẹ các con. Cha mong rằng các con cũng sẽ nhận được nhiều thiệp hơn nữa.

Mẹ con đã đến thăm cha 2-3 lần/năm. Mẹ cũng sắp xếp để Kgatho và những người khác gặp cha nữa. Cha xứ nhà thờ St Patrick ở Mowbray, Cape Town vẫn ghé thăm cha mỗi tháng một lần. Ngoài ra, cha cũng được phép nhận và viết một bức thư vào mỗi tháng. Tất cả những điều này khiến cha thêm hạnh phúc và hy vọng.

Lúc này, cha muốn gửi lòng biết ơn tới đức cha Borelli và đức Mẹ bề trên vì những gì người giúp đỡ và chỉ dẫn cho cha cũng như chị em các con. Có lẽ một ngày nào đó cha có thể làm điều gì đó để đáp lại lòng tốt của người.

Vào tháng 12-1965, cha đã nhận được một bức thư của Zeni rằng con muốn cha về nhà và giờ Zindzi cũng viết như vậy. Tiếng Anh của con đã tốt hơn và chữ viết cũng rõ ràng nữa. Tuy nhiên, cha vô cùng ngạc nhiên khi nhận được bức thư của Zindzi. Tiếng Anh của con cũng tốt và chữ cũng rõ ràng không kém chị con. Các con yêu của cha đều đang làm rất tốt. Hãy tiếp tục phát huy nhé.

Gửi đến các con thật nhiều tình yêu và triệu nụ hôn.

Thân mến!

Tạm biệt”.

Theo nhà văn Jean Guiloineau, dịch giả tuyển tập “Những bức thư trong tù”, bộ sưu tập thư đã cho phép độc giả phát hiện ra một con người hoàn toàn tự do.

“Nelson Mandela hiểu rằng chân lý thuộc về ông ấy. Cuộc đời của Mandela trước khi ông vào tù đã là một cuộc sống nằm ngoài hệ thống xã hội kỳ thị chủng tộc. Trong các bức thư ông ấy viết, chúng ta nhận ra điều này. Thế giới của ông ấy gồm các nhà trí thức. Bạn bè ông ấy là các luật sư, bác sĩ, các giảng viên đại học. Một cộng đồng những con người hiện đại sống bên trong một xã hội Nam Phi lạc hậu với lịch sử”, nhà văn Jean Guiloineau nhận xét.

27 năm tù đày đằng đẵng không khuất phục được Nelson Mandela. Thư từ đã trở thành vũ khí tranh đấu của nhà lãnh đạo tương lai. Bằng lời lẽ, người cha tương lai của quốc gia Nam Phi dân chủ đã đóng góp phần quyết định, hạ bệ chế độ Apartheid, đặt nền móng cho một xã hội đa văn hóa, công bằng sau này.

Ngọn hải đăng cho cuộc chiến vì nền dân chủ

Tổng thống Nelson Mandela qua đời đã 5 năm, nhưng công chúng còn biết rất ít về đời sống của nhà chính trị kỳ lạ này - ngọn hải đăng cho cuộc chiến vì nền dân chủ Nam Phi.

Sinh ngày 18-7-1918 trong một gia đình tù trưởng thuộc bộ tộc Thembu, người thanh niên Nelson Mandela tham gia các hoạt động chính trị từ khi học đại học, gia nhập đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), trở thành thành viên sáng lập của Liên đoàn Thanh niên trực thuộc ANC. 

Sau khi phái dân tộc chủ nghĩa Afrikaner trong đảng Dân tộc lên nắm quyền năm 1948 ở Nam Phi và coi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid làm nền tảng cho mọi chính sách, chàng thanh niên Nelson Mandela đã chọn con đường đứng về phía những người bị áp bức, kỳ thị. 

Từ thành lập một hãng luật để bảo vệ quyền lợi cho người nghèo, khi trở thành lãnh đạo ANC, Nelson Mandela đã đưa chính đảng này giữ vai trò tiên phong trong cuộc đấu tranh bền bỉ và gian khổ của nhân dân Nam Phi vì quyền bình đẳng của con người.

Những đóng góp to lớn của nhà lãnh đạo Nelson Mandela trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid, chống đói nghèo, bất bình đẳng đã được đất nước Nam Phi cùng nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới vinh danh bằng hơn 250 giải thưởng, trong đó có giải Nobel Hòa bình năm 1993, giải thưởng Lenin của Liên Xô và giải thưởng Tự do của Mỹ. 

Đặc biệt, tháng 11-2009, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 64 đã thống nhất lấy ngày 18-7 là “Ngày quốc tế Nelson Mandela”. Khi ông mất tháng 12-2013, cộng đồng quốc tế nghiêng mình thương tiếc ông, "người chiến sĩ đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid không mệt mỏi" với lòng dũng cảm, sự kiên nhẫn và nhân cách đáng ngưỡng mộ, truyền cảm hứng cho thế giới.

Yên Bình
.
.