Có một “Truông Bồn” của thời kháng chiến chống thực dân Pháp

Thứ Bảy, 06/06/2009, 14:36
Họ là những dân công rất trẻ, nhiều thiếu nữ chưa chồng, có chị vừa cưới chồng ít bữa. Rời ruộng đồng làng xóm, họ đi bộ cả trăm cây số ra tiền tuyến mở đường, tiếp vận, phục vụ chiến trường kháng chiến chống Pháp với tất cả nhiệt tình của sức trẻ tuổi hai mươi. Và họ cùng chết tang thương trong chiếc hang đá Co Phường, ở bản Sại, xã Phú Lệ (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) sau một trận bom ác liệt của địch.

Sự hy sinh của họ, sau 56 năm, vẫn cần thêm những nén tâm nhang tri ân của người còn sống.

Hang Co Phường - chứng tích đau thương

Ông Hà Văn Nhậm (81 tuổi) chống gậy tre đưa chúng tôi đến bên dấu tích hang đá Co Phường, theo bậc tam cấp hướng lên nhà bia tưởng niệm cùng thắp nén hương cho những người đã khuất. Ông Nhậm là người sinh ra và lớn lên ở bản Sại, xã Phú Lệ (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa), từng tham gia kháng chiến từ giai đoạn tiền khởi nghĩa. Ngày 2/4/1953, ông Nhậm đang là Trưởng bản Sại, phụ trách dân quân của xã Phú Lệ, nên tận mắt chứng kiến sự cố đau thương.

Ông chia sẻ với chúng tôi: "Theo tiếng người Thái địa phương, hang Co Phường tức là hang Cây Phượng, vì trước đây trên núi đá và ngoài cửa hang rất nhiều cây phượng nở hoa. Thời ấy, chúng ta mở đường đánh sang Thượng Lào, lên Tây Bắc, nên hàng ngàn dân công theo tuyến đường 15A này để mở đường, tiếp vận phục vụ kháng chiến. Xã Phú Lệ ngày ấy có vị trí chiến lược rất quan trọng, là đầu mối huyết mạch nối với các tuyến đó, lại là nơi đất địa đầu của vùng tự do nên là địa bàn trung chuyển quân đội, vũ khí, đạn dược, lương thực ra tiền tuyến.

Bộ đội, dân công từ vùng tự do qua bản Sại này rất đông, có khi lên tới hàng ngàn người, thường tìm những vị trí tương đối thuận lợi như hang Co Phường để làm nơi nghỉ ngơi ban ngày, ban đêm đi làm nhiệm vụ. Họ thường chỉ dừng nghỉ một đôi ngày, nhận nhiệm vụ rồi lại đi tiếp, nên chúng tôi chỉ biết họ là người tham gia kháng chiến và tận tình giúp đỡ.

Thực dân Pháp biết đây là địa bàn trung chuyển nhân lực và vật lực của ta, nên bắn phá các khu vực này cực kỳ ác liệt, đồng ruộng làng bản chỗ nào cũng chi chít vết bom, cây cối bị phạt trụi hoang tàn, dân phải sơ tán vào trong núi. Thỉnh thoảng lính Pháp đóng đồn bên Co Lương (Hòa Bình) lại càn sang, đánh nhau ác liệt với bộ đội, du kích, nhiều khi chúng tàn sát cả người dân. Hang Co Phường cũng bị giặc ném bom nhiều lần, nhưng chỉ có ngày hôm đó là tang thương nhất".

Đôi mắt của người già bản Sại như nhòe đi: "Sáng hôm đó (tức ngày 2/4/1953), tầm 9h vì mặt trời mới mọc qua ngọn cây thôi, thì máy bay ném bom của giặc Pháp kéo đến. Lúc ấy, ở khu vực hang Co Phường này có nhiều bộ đội và dân công. Do máy bay quân Pháp đến đánh bất ngờ, lại nhằm lúc buổi sáng sớm nên khá nhiều người bị hy sinh.

Nghe tiếng bom nổ dứt, tôi cùng nhiều anh em chạy hộc tốc đến hiện trường. Cảnh tượng lúc bấy giờ kinh khủng lắm. Nhiều người hy sinh bên ngoài cửa hang, còn hang Co Phường thì bị bom đánh sập mất cửa ra vào. Chúng tôi chỉ cứu được những người bị thương ở ngoài hang. Còn những người ở trong hang thì đành gạt nước mắt, đau đớn mà bất lực. Chúng ta làm gì có xe xúc, xe ủi mà vận chuyển ngay được hàng trăm khối đá ấy? Đến nay, tôi vẫn còn ám ảnh như văng vẳng bên tai tiếng anh chị em kêu cứu trong hang ngày hôm đó".

Ông Hà Văn Ngại trước cửa hang Co Phường.

Cách cửa hang Co Phường chừng hơn 30 bước chân là một vỏ quả bom đã hoen gỉ. Ông Hà Văn Ngại (70 tuổi) nhìn đám trẻ con trong bản đang ngồi vui đùa trên đó, nói: "Nó là vỏ của một trong những quả bom đã đánh sập cửa hang Co Phường. Mấy mươi năm trước, chúng tôi treo nó lên, dùng làm kẻng báo cho bà con đến giờ lao động sản xuất, họp dân, hay báo động khi có máy bay Mỹ. Gần đây chẳng dùng nữa, cứ kệ nó nằm trơ ở đó thôi. Bà con trong bản đều nghĩ, đó là chứng tích đau thương tưởng nhớ những người đã hy sinh trên mảnh đất này, để đó mà nhớ vậy".

Cách đây 56 năm, ông Ngại lúc ấy mới chừng 14 tuổi, đã biết tiếp nước, làm liên lạc phục vụ cho bộ đội, dân công, nên ông cũng được chứng kiến sự kiện đó. Ông Ngại cũng như bà con bản Sại đều không ai nhớ rõ có bao nhiêu dân công bị vùi trong hang, bao nhiêu người trúng bom bên ngoài.

"Chúng tôi chỉ có thể xác định được phần nào số người đã hy sinh do chính các thân nhân của họ tìm đến. Ban đầu là một vài gia đình ở huyện miền xuôi Thiệu Hóa tìm đến thắp hương. Rồi lâu lâu, lại thấy thêm nhiều thân nhân khác đến thăm hang đá. Trò chuyện với họ, dân bản mới biết những liệt sĩ khuyết danh đó là ai, quê quán nơi nào" - ông Ngại cho biết thêm - "Chúng tôi thỉnh thoảng vẫn đến thắp hương, dọn dẹp lau lách, cỏ lá sạch sẽ cho các anh chị ấy yên nghỉ. Gần đây, huyện Quan Hóa lập một tấm bia tưởng niệm để tri ân, chúng tôi cũng thấy thanh thản hơn, đỡ tủi cho những người đến nay vẫn còn nằm trong lòng núi".

16 dân công chung một ngày giỗ

Theo con đường làng ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Viết Đông ở thôn Nguyên Thắng, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa để tìm hiểu thêm về những dân công hy sinh còn lại trong hang Co Phường. Ông Đông luôn miệng nói "sợ lắm" như một nỗi ám ảnh, và nhớ rành mạch từng chi tiết mà ông đã trải qua.

"Những ngày ấy, khí thế cách mạng của cả nước rất cao, ai cũng cố gắng làm thật tốt việc của mình để phục vụ kháng chiến. Tuổi thanh niên, nam thì đi bộ đội, nữ thì vào du kích, dân công. Do thấp bé nhẹ cân, chỉ có hơn 40 kg, nên tôi không được vào bộ đội chủ lực, đành ở xã làm dân quân thôi.

Năm 1953, tôi lúc đó 30 tuổi, đang là Trung đội trưởng Trung đội du kích xã Duy Tân (nay là ba xã Thiệu Nguyên, Thiệu Hợp, Thiệu Duy), thì được phân công phụ trách đưa một nhóm dân công địa phương ngược sông Mã lên Phú Lệ để mở đường cho bộ đội. Việc đưa dân công lên hỏa tuyến, tôi đi hàng chục lần rồi, lần nào cũng vui phơi phới dù biết ra tiền tuyến thì sự vất vả hy sinh là không nhỏ.

Chuyện đau thương nhất mà tôi chứng kiến là ngày 2/4/1953 ấy, bom giặc vùi lấp dân công của ta ở hang Co Phường. Dù những người trong trung đội ấy không phải do tôi quản lý, nhưng đều là người quen biết ở cùng làng xã, và tôi tận mắt chứng kiến, nên đến giờ vẫn không quên được".--PageBreak--

Trong câu chuyện của người già 86 tuổi này, hình như những đồng đội của ông sau 56 năm đều vẫn như đang ở tuổi đôi mươi cả. Ông Nguyễn Viết Đông gọi các đồng đội nam là "cò" hoặc "anh cò", còn đồng đội nữ thì duy nhất chỉ là "chị", như cách họ xưng hô với nhau thời ấy.

"Chúng tôi đã tham gia mở đường ở khu vực xã Phú Lệ từ nhiều ngày trước. Bữa ấy, chúng tôi đến bản Sại, tập trung quanh hang Co Phường, mỗi người được lĩnh 9 ngày lương thực gồm gạo tẻ, gạo nếp để tiếp tục nhận nhiệm vụ mới. Bản Sại nằm trong vùng tự do, nhưng đúng là một bãi chiến trường với hố bom chi chít, nhà đổ, cây cối hoang tàn, người dân sơ tán vào sống trong núi, chỉ có du kích và dân công ở lại giữ bản và tăng gia sản xuất.

Thấy bên kia sườn núi Co Phường có ba cái lán mà những tốp dân công khác từng ở, tôi bảo anh em trong đội sửa lại để làm nơi trú chân. Trước cửa hang Co Phường có một cây cổ thụ đổ nghiêng sát đất nên một số thanh niên nam nữ cùng leo lên ngồi vắt vẻo trên thân cây chuyện trò, nói cười rôm rả. Những người có tuổi thì ngồi riêng một góc, hút thuốc lào, bàn chuyện ngày mai họp hành sẽ phân công cụ thể công việc. Một số dân công thì vào trong hang núi tranh thủ nghỉ ngơi. Thế rồi bỗng nghe một tiếng "véo" của quả đạn bắn vào vách núi, rồi máy bay địch kéo đến trút bom ầm ầm. Ai nấy đều khẩn trương tìm chỗ trú ẩn".

Ngừng một chút, ông Đông nói tiếp: "Khi máy bay đánh bom xong, mọi người hớt hải chạy sang hang Co Phường. Cả một vạt núi đá bị bom đánh đổ sạt xuống, cây cối, đất đá ngổn ngang, người bị chết, bị thương hết sức tang thương. Gương mặt ai cũng ngơ ngác, thất thần vì thảm trạng quá lớn và bất ngờ. Rồi mọi người thắp lửa tìm vào các kẽ núi để tìm cách cứu các đồng đội bị kẹt trong hang. Tôi thấy thi thể của hai chị dân công cùng xã bị đá đè lên người chỉ thò ra đôi chân, nhưng không có cách gì lấy xác của hai chị ấy ra, vì khối đá quá lớn. Các chị ấy là người thôn Đông Mỹ. Không lấy được xác ra, chúng tôi cùng hai người chú ruột của họ đành phải chặt lá cây kè và nhặt đá nhỏ chèn vào kẽ đá để che đậy xác. Một số anh em chết ở phía ngoài hang thì cũng đành chôn vùi tạm bằng đá như thế, vì không có phương tiện gì để mai táng cả. Đau thương quá" - ông Đông nói, hai dòng nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo vì tuổi tác.

Giọng cụ Đông chùng xuống: "Lúc ấy, không có gì đau thương bằng biết đồng đội sẽ chết trong hang mà không thể cứu được. Điểm danh quân số, xã tôi mất 16 người sau loạt bom đó, đều bị vùi trong hang. Không rõ có thêm người nào của đơn vị khác vào trong hang không, chúng tôi không nắm được. Tôi chỉ nhớ, những người chết trong hang núi ấy còn rất trẻ, đều đang ở lứa tuổi đôi mươi. Các chị Nguyễn Thị Diễu (SN 1933), Nguyễn Thị Tố (SN 1932), Nguyễn Thị Mứt (SN 1932), Nguyễn Thị Vận (SN 1935)... chưa ai có chồng. Có chị Nguyễn Thị Toản (SN 1933) thì mới cưới chồng được ít bữa đã tham gia đoàn dân công. Trong số 16 liệt sĩ ấy, riêng ở Thiệu Nguyên có tới 12 người, còn 4 người khác ở Thiệu Duy và Thiệu Hợp. Thế là chúng tôi có 16 dân công chung một ngày giỗ".

Cần những nén tâm nhang

Đám trẻ vô tư nô đùa trên vỏ một trái bom được ném xuống hang Co Phường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Quan Hóa cho biết: "Năm 1998, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, chính quyền huyện Quan Hóa, xã Phú Lệ đã tiến hành khảo sát, dự kiến dùng thuốc nổ phá đá tìm kiếm, quy tập hài cốt dân công hỏa tuyến hy sinh trong hang Co Phường. Tuy nhiên, vị trí hang quá gần khu dân cư, mặt khác, một số ý kiến cho rằng không nên xáo trộn tâm linh người đã khuất nên đề xuất phương án chỉ xây dựng nhà bia tưởng niệm.

Những năm gần đây, vào dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), đại diện cấp ủy, chính quyền các địa phương vẫn về đây dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ. Cũng từ năm 1998, khi hai địa phương Quan Hóa và Thiệu Hóa kết nghĩa, do đường đất đã tương đối thuận tiện, những thân nhân của các dân công hy sinh còn nằm lại trong hang Co Phường đều được hai địa phương bố trí phương tiện đến thăm nom, hương khói".

Ông Hùng cho biết thêm: "Phú Lệ là mảnh đất anh hùng trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Xã Phú Lệ nằm trong vùng trọng điểm đánh phá ác liệt của địch vì Phú Lệ có vị trí chiến lược rất đặc biệt đối với vùng Tây Bắc, Thượng Lào và Trung Lào. Đây còn là điểm tập kết, trung chuyển quân lương, đạn dược của quân đội ta trong chiến tranh giữ nước. Tuyến đường 15A thời bấy giờ là tọa độ lửa, vùng trọng điểm đánh phá của máy bay địch, nên chiến công và những gian khổ hy sinh tại Phú Lệ của người dân địa phương nói riêng và cả nước nói chung là rất to lớn.

Nhưng tổn thất to lớn nhất mà người dân Phú Lệ còn nhớ chính là sự kiện ngày 2/ 4/1953, bom đạn của địch đã vùi lấp nhiều dân công của chúng ta ngay tại hang Co Phường. Điều đau lòng nhất là đến tận hôm nay, tất cả các thi thể đều đang nằm trong hang núi. Chúng tôi luôn coi đây như một "Ngã ba Đồng Lộc" hay "Truông Bồn" của miền tây Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp, rất cần được tôn vinh, ghi nhớ".

Riêng tôi không khỏi chạnh lòng khi đứng bên tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ  nghi ngút khói hương, thấy đám trẻ vô tư nô đùa trên vỏ một trong những trái bom ném xuống hang Co Phường. Những người già kể cho tôi nghe câu chuyện bi tráng về hang Co Phường như ông Hà Văn Nhậm, Hà Văn Ngại, Nguyễn Viết Đông... đều đã qua tuổi "cổ lai hy".

Liệu một mai, đám trẻ đang nô đùa trên vỏ bom kia lớn lên có còn hiểu biết chuyện ở hang Co Phường và ghi nhớ? Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục khảo sát, lập hồ sơ đề nghị công nhận, xếp hạng di tích cách mạng cho hang Co Phường nhằm tôn vinh những người có công với nước, đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ hôm nay mai sau

Lê Quân
.
.