Có một điệp viên như thế: Trận địa mới

Thứ Bảy, 06/06/2020, 13:18
Buổi sáng, tôi báo cáo với Ban lãnh đạo Cụm toàn bộ tình hình về Thủy và đề xuất ý kiến của mình. Cụm trưởng nhấn mạnh thêm: “Rất tiếc trường hợp này không thể xóa dấu vết được, đành phải bố trí ở căn cứ. Chiều nay, đồng chí Ba Dương đưa Thủy về khu A, giới thiệu với anh em – đồng chí này là cán bộ của đơn vị bạn, được cấp trên điều về Cụm ta, công tác ở bộ phận căn cứ. Ba Dương tiếp tục động viên và giúp đỡ Thủy về mọi mặt”.

Trước bữa cơm chiều, tôi đưa Thủy về lán của mình ở Khu A rồi sang lán cấp dưỡng gặp gỡ anh em và giới thiệu như gợi ý của Cụm trưởng. Khi anh chị em có mặt gần đông đủ¸tôi dẫn Tư Thủy tới: “Thưa các đồng chí! Thừa ủy nhiệm của lãnh đạo Cụm, xin được giới thiệu đây là đồng chí Tư… Cao (chả hiểu sao lúc đó tôi lại “bốc đồng” đổi tên Thủy thành Cao, nhằm tránh cái tên dễ gợi nỗi đau buồn của Thủy? 

Sau này anh em cứ Tư Cao mà kêu. Ngẫm lại, cái sự “bốc đồng” của tôi kể cũng được, hợp với tướng hình dáng bộ của anh – dáng thư sinh, Cao như Tây (1m85) gầy như ta, lúc vui đùa, anh em mô phỏng về Thủy như vậy).

Pháo tay nổi lên, có tiếng vui đùa của ai đó: “Tốt quá rồi! Từ rày dựng lán, đặt cây nóc đã có anh Tư Cao không còn cảnh công kênh nhau nữa”. Bữa cơm đón “tân binh” ngó bộ rôm rả hơn mọi ngày. Ngoài các món ăn “cổ điển”: Bí đỏ xào, khô cá ruồng chiên, canh chua lá rừng, có thêm món thịt hộp 3 khoanh. Phác chạy về lán, xách ra một bịch rượu (thời đó làm gì có can và chai, rượu đựng trong bịch nilon trắng hai, ba lớp rồi cột bằng 2 sợi dây thun, có quăng quật mấy cũng không sợ bể). 

Thoáng chốc, rượu đã san đều ra các bát ăn cá nhân. Bình quân mỗi người cũng phải nửa bát “B52”. Người tửu lượng thấp hay không uống được cũng phải lãnh phần như nhau rồi nhờ đồng đội trợ giúp. Một bữa cơm chiều vui như tết. Tôi ép hoài, Tư Cao chỉ “gánh” được một phần ba định lượng “phân phối” mặt đã đỏ tưng bừng. Anh nói nhỏ với tôi – “Ở căn cứ không biết công việc ra sao nhưng vui, anh em mình vui thiệt”.

Họp mặt truyền thống Giao thông viên Cụm Tình báo H67 tại Bảo tàng Phụ nữ TP Hồ Chí Minh.

Về lán, khi đã nằm yên trên võng rồi, anh hỏi tôi – “Ba Dương ơi! Ở căn cứ công việc ra sao, ví thử như tôi sẽ làm gì” – “Yên tâm đi, thủng thỉnh rồi sẽ biết. Bài học “nhập môn” tôi xin khái lược như sau: Nội thành có cái căng thẳng của nó, nhưng ở căn cứ cũng không kém phần căng thẳng, ác liệt, khó khăn. Phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ căn cứ. 

Hằng ngày, bộ phận trinh sát theo dõi hoạt động của địch. Nếu nó càn vào khu vực căn cứ, lực lượng ít, ta mai phục chống càn; lực lượng chúng đông, ta tránh né sang cánh rừng khác, tất nhiên đó là địa điểm đã khảo sát và chấm định trước vài ba nơi, coi đó là căn cứ B, C… Tới nơi phải nhanh chóng xây dựng hầm trú ẩn, công sự chiến đấu, đào giếng nước, làm nhà bếp, lán ở…

Riêng cái món đào và xây dựng hầm tốn nhiều công sức lắm, khó khăn và vất vả nhất là tổ đào giếng. Đường kính giếng nhỏ nhất cũng phải 80cm, tùy theo khu vực, có nơi đào sâu cả chục mét mới có nước, thậm chí sâu hơn mà vẫn khô ran, đành phải đào chỗ khác. 

Một việc không kém phần quan trọng, có khi phải thực hiện ngay khi tới căn cứ mới, đó là xây dựng hệ thống bếp Hoàng Cầm. Việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn ngặt nghèo, khi đun nấu khói chỉ bay là là trên mặt đất, nếu không, dễ làm mục tiêu cho phi pháo địch…

Đó mới là một thứ việc. Nhiệm vụ thứ hai, là công tác hậu cần. Tất cả mọi người đều phải tham gia. Định kỳ một tuần hoặc nửa tháng phải luân phiên ra cửa ngõ nơi có dân sinh sống để mua lương thực, nhu yếu phẩm, gặp lúc địch càn quét lâu ngày, không khéo phải về tay không. 

Nếu không nắm được thông tin, mà thư thứ dẫn nhau vào là mất mạng như chơi. Cuối cùng, xin nói qua về công tác nghiệp vụ. Tất cả các bộ phận công tác đều là “họ nhà vạc” – làm việc chủ yếu ban đêm – Từ bộ phận nghiên cứu, tổng hợp tin tức tới cơ yếu, điện đài, trinh sát địa bàn…

Vất vả và sôi động nhất, tập trung quân số nhiều nhất là hầm điện đài. Ngoài Đài trưởng, hiệu thính viên, cơ công (sửa điện đài) chiếm số đông lại là lực lượng phục vụ, những người tạo ra nguồn điện để phát sóng. Trong vùng có điện, máy thu, máy phát, cắm phích vô là xong. 

Ở cái xứ làm việc dưới hầm bằng ánh sáng đèn dầu cá nhân tự tạo thế này, điện hóa thành chuyện viễn tưởng, vậy mà chẳng phiên liên lạc nào về Trung tâm bị gián đoạn. Dùng máy nổ ư? Chỉ là ảo tưởng! Phải dùng máy phát điện quay tay. Quay từ giây phút hiệu thính viên rà sóng nối về trung tâm tới nhịp ma níp cuối cùng “gút bai” đài bạn.

Cái "món" giã gạo, xay lúa ở nông thôn chẳng thấm vào đâu so với quay máy phát điện. Mỗi kíp quay 2 người. Chừng hai chục phút, thay ca. Ngày nhiều tài liệu, phải huy động toàn đơn vị hỗ trợ. Có hôm hình thành 5 kíp quay, mỗi kíp thay ca tới lần thứ tư mới xong việc. Chưa hết đâu! Còn một việc phụ nữa, thường diễn ra vào dịp ta và địch “hưu chiến” (nghỉ lễ Quốc tế Lao động và tết Nguyên đán) đơn vị tổ chức giao lưu với cơ quan bạn; đi chúc tết bà con ngoài thôn ấp, thực ra là đi làm công tác dân vận, địch vận, thăm gia đình cơ sở bí mật…

Tác giả (bên phải) trở lại chiến khu xưa gặp cơ sở bí mật tại Củ Chi, tháng 6/2001.

Đó là những ngày vui phơi phới thắm tình quân dân cá nước. Các cô thôn nữ trưng diện như đi hội, làm các cậu nhà ta bịn rịn tới khuya mới chia tay được. Tạm vậy thôi nghen. Mà không, vẫn còn một nhiệm vụ quan trọng nữa, đó là làm cấp dưỡng (nấu ăn). Đơn vị đã có “chị nuôi” rồi, song định kỳ mỗi tháng nam giới phải đảm nhiệm 3 ngày. Đó là vào “thời điểm đặc biệt” của chị em. 

“Chị nuôi” trở thành “cố vấn”, không được mó tay vào công việc. Nghe chừng đó nhiệm vụ đã ù tai chưa?” Tư Cao thốt lên – “Cha!... Công việc bao la vậy, mai nhờ “thầy” giảng lại để ghi vào giấy thôi”.

Thủy được đưa về bộ phận do tôi phụ trách, nên mọi việc tôi phân công anh, tôi cũng chọn cung đoạn nhẹ nhàng hơn. Tỷ như xây dựng căn cứ, giao Thủy ngồi đan ky đựng đất, khi “cất nóc” các lán, lợp mái… Thủy thông minh, sáng dạ, “học việc” rất nhanh, hướng dẫn đan ky chỉ mấy phút là đan được ngay, sau này trở thành “thợ đan” của đơn vị, anh đòi tham gia tổ đào hầm, chặt cây, đào giếng với lý sự - “anh em làm được thì tui cũng phải được làm chớ!”. Người ta dùng cuốc, xẻng, xà beng quen, tay có chai có sạn cả, tò te như Thủy chỉ buổi đầu thôi hai bàn tay bỏng rộp cả lên, mấy đêm liền tôi phải pha nước muối loãng cho anh ngâm tay.

Tình hình chiến trường ngày thêm căng thẳng. Mấy tháng sau, căn cứ đơn vị bị bom tàn phá. Đêm hôm đó phải hành quân rời cứ sáng hôm sau mới tới một cánh rừng bên kia sông. Lại dốc lực xây dựng căn cứ mới. Bám trụ được mấy tháng, xét thấy cung đường ra cửa ngõ Chánh Lưu, Nhà Đỏ để bắt liên lạc với giao thông viên nội thành quá xa, nên lãnh đạo quyết định chuyển về cửa ngõ chiến khu “D” để tiếp cận cửa ngõ Bình Cơ – Bình Mỹ.

Tình hình chiến trường Đông Bắc Sài Gòn ngày càng căng thẳng, việc liên lạc với nội thành gián đoạn, cấp trên quyết định nhập B48 vào cụm B49 do ông Mười Tùng (Trương Phụng Cơ) là Cụm trưởng, căn cứ bám trụ tại khu vực Bến Chùa Thanh An (tả ngạn sông Sài Gòn). Anh em được phân bổ về các bộ phận của B49. Tôi xa Tư Thủy từ đó, dẫu rằng cùng đơn vị.

Đầu năm 1969, xét thấy cần phải có một đơn vị trở lại bám trụ chiến trường Đông Bắc. Cụm “V8” được thành lập, tôi được giao trách nhiệm phụ trách bộ phận căn cứ của “V8”, làm tiền trạm về chiến trường cũ Bình Dương. Không ngờ danh sách “V8” có cả Tư Thủy, mà anh còn là thành viên đoàn tiền trạm của tôi. Cấu tạo đoàn gồm 6 người, có điện đài đem theo. Nguyễn Xuân Mùi, quê xóm Bắc, xã Lưu Kiếm, Thủy Nguyên, Hải Phòng, đài trưởng. Nguyễn Văn Giới (quê Phú Thọ) – hiệu thính viên. Trinh sát có Tư Phòng, Tư Thủy và Út Mây (cô giao thông viên mới tuyển).

Cuối tháng 2 năm 1969 chúng tôi xuất phát từ Bến Chùa, vượt sông Sài Gòn sang đất Củ Chi về xóm Trại Dàn Bầu tá túc nhờ Cụm ông Tám Nam, chờ vượt sông trở lại Nam Bến Cát rồi vượt sông Thị Tính để về Châu Thành (nơi chấm định tìm và xây dựng căn cứ bám trụ). 

Đúng thời điểm địch giăng tàu chiến án ngữ sông Sài Gòn. Hơn một tuần chờ đợi, tối ngày 6/3, giao liên thông báo tàu địch đã rút, yêu cầu 7 giờ tối ngày 7/3 có mặt tại khu vực Bến Dược để vượt sông. Đêm hôm đó chúng tôi chuẩn bị cơm nắm cho cả ngày hôm sau. 

Địa hình An Phú và 2 bờ sông Sài Gòn nằm trong khu vực hủy diệt của địch. Rừng chồi xác xơ, không thể hành quân ban ngày, nên 4 giờ sáng chúng tôi đã phải dời xóm Trại. Tới bờ sông tìm khu vực có hầm trú ẩn cách Bến Dược chừng nửa cây số về phía thượng lưu tạm trú chờ tới giờ vượt sông.

Tháng 3, buổi trưa trời Củ Chi nắng như đổ lửa, anh em chui xuống hầm tránh nắng. Tôi tìm một lùm cây còn sót lại vừa trú nắng, vừa cảnh giới. Tránh nóng bằng cách bỏ hết quần áo dài. Quần đùi, súng ngắn đeo bên hông, khoác chiếc sắc-cốt tài liệu vào người, súng AK báng gấp trên tay, ngồi nghe con đầm già (máy bay trinh sát L19) tỉ tê trên không trung. Đúng 12 giờ, nó nhào xuống, phóng một trái pháo điểm khói vàng bao trùm cả khu vực. Tôi hét lớn: “Tất cả xuống hầm, bom đó!” rồi nhảy xuống công sự. 

Tức thời, bọn phản lực từ đâu lao tới cắt liền 3 trái bom xăng, lửa khói ngút trời. Sau bom xăng là tới nhiều đợt bom phá và hỏa tiễn. Đợi khi bọn giặc trời bỏ đi, tôi vội nhào lên. Đau xót trước cảnh Phòng và Mây hy sinh ngay từ đợt bom xăng do lửa dội xuống hầm. Tôi chạy sang chỗ Mùi và Giới, vừa lúc 2 người chui từ hầm lên. Tôi hỏi: “Anh Tư Cao đâu” – “Không ở cùng chúng em. Có lẽ ở hầm cá nhân”. Tôi lục tìm tất cả các hầm xung quanh, không thấy đâu, liền cất tiếng gọi – “Tư Cao ơi!... Tư Cao.. ơ.. ơ… ơi!”. Có tiếng trả lời xa xa từ hướng Bến Dược – “Tư Cao đây! Tôi đâ… ây Ba Dương ơ… ơ… ơi!”.

Tôi vội lao về phía ấy và phát hiện anh đang nằm trong một lùm cây, bị bỏng toàn thân. Anh ngước nhìn tôi, thều thào: “anh… anh em mình có… có sao không” – “Yên tâm đi, bình an cả” – “Lửa lùa xuống… mình thoát…. Thoát ly công sự… Vĩnh… Vĩnh… biệt các… đồng… chí...".

Nước mắt tôi trào ra. Sau giây phút đau buồn, vuốt mắt cho anh rồi chạy vội về chỗ Mùi – Giới –“anh Tư hy sinh rồi, bị cháy toàn thân. Kiểm tra xem đài có ảnh hưởng gì không. Hai em cứ ngồi đây để anh đi tìm du kích địa phương nhờ giúp đỡ”. Tôi tìm được tới căn cứ du kích, được anh em cho biết có một đại đội pháo DKB cũng chờ vượt sông, bị thương và hy sinh hơn mười đồng chí. Họ nói: "Anh em chúng tôi huy động hết để chuyển thương tới trạm cấp cứu tiền phương. Chỉ còn cách chúng tôi cho mượn phương tiện để các đồng chí tự mai táng”.

Sáu người, chỉ còn 2 bộ tăng, võng của Mùi và Giới, vo véo cũng đủ để liệm cho 3 người. Đất khô như rang phải dùng xà beng và cuốc chim mới đào được. Từ năm giờ chiều cho tới chín giờ tối mới đào xong 3 huyệt. Tới hơn mười giờ mới mai táng xong. Chúng tôi làm lễ truy điệu anh em. Không hương, không hoa, giữa cảnh tan hoang, dù một nhánh hoa rừng cũng không kiếm được. 

Ba anh em đứng nghiêm trước 3 nấm mộ, tôi nói vo mấy lời – “Đồng chí Tư Thủy, Tư Phòng, Út Mây ơi! Hôm nay là ngày 7/3/1969, ngày kẻ thù sát hại các đồng chí. Chúng tôi nguyện ghi tâm khắc cốt mối thù này, sẽ chiến đấu quên mình để trả thù cho các đồng chí. Thay mặt đồng đội, đồng chí và gia đình, xin vĩnh biệt các đồng chí”.

Chúng tôi trở lại xóm Trại Dàn Bầu vào thời khắc sang ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), nhờ anh Tám Nam cưu mang, điện về “R” báo cáo và xin chỉ thị. Anh huy động ngay cho tôi một bộ quần áo. Tới lúc đó tôi mới sực nhớ từ trưa tới giờ mình ở trần với chiếc quần đùi. 

Đêm miền Đông, đêm trên đất thép thành đồng đã khắc ghi trong tâm khảm tôi suốt dặm dài chinh chiến và luôn tâm niệm rằng cả cuộc đời này sẽ không làm điều gì tạo thành nỗi đau cho đồng đội tôi – những người đã hiến dâng tuổi trẻ của mình cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại – giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Hồi ức chiến trường của Thiếu tướng Khổng Minh Dụ
.
.