Cổ tích giữa đời thường

Thứ Sáu, 29/08/2014, 18:20

Hơn 30 năm sau ngày đứa con trai bị địch bắt quân dịch đăng lính chế độ cũ, một bà mẹ già ở miệt vườn quê xa thẳm bất ngờ biết tin người con là liệt sĩ cách mạng. Câu chuyện cổ tích giữa đời thường đầy tính nhân văn khiến cho nhiều người phải ngạc nhiên và xúc động, vì hàng chục năm trời gia đình bà cụ phải chịu tiếng "oan" có con trai theo địch đã mất tích. Và người viết nên câu chuyện cổ tích đó là những cán bộ chiến sĩ Phòng hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh Phú Yên. Câu chuyện xảy ra cách đây 12 năm nhưng mỗi khi nhắc lại, những người trong cuộc vẫn thấy ấm long.

Cuộc tìm kiếm cội nguồn

Trong nắng sớm của một ngày mới, tôi cùng Thượng tá Phạm Như Tùng - Phó Chánh thanh tra Công an tỉnh Phú Yên rời thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An xuôi theo đường lộ phía hữu ngạn sông Cái hơn chục cây số đã chạm chân núi Hòn Bù chồm mình vươn ra phía biển, tạo nên danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa bốn mùa lộng gió và rì rào sóng vỗ.

Hơn chục năm liền, năm nào Thượng tá Tùng cũng về với căn nhà nhỏ chông chênh bên hương lộ vắt ngang lưng núi, thăm bà cụ gầy gò, nhưng rất minh mẫn, ẩn sau nếp nhăn thời gian xếp dày trên gương mặt và mái tóc bạc trắng là vẻ phúc hậu, nhân từ. Gần hai năm nay chủ nhân căn nhà này đã về cõi vĩnh hằng nhưng anh vẫn về thắp nén hương tưởng nhớ người phụ nữ ấy, đó là cụ Nguyễn Thị Thích - một trong những nhân vật của câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

… Hơn 12 năm về trước, vào một buổi sáng đầu tháng 3/2002, có hai người khách lạ tìm đến Phòng Hồ sơ (PV27) Công an tỉnh Phú Yên. Người đàn ông trung niên trình chứng minh thư mang tên Trịnh Anh Cách, còn cậu thanh niên là Nguyễn Thanh Quang. Họ là cậu cháu ruột, cùng trú ở thôn Bình Lâm, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Trước đó, hai cậu cháu ông Cách đã vất vả ngược xuôi từ Bình Thuận ra Phú Yên hàng chục lần, lặn lội đến nhiều thôn xóm ở các xã phía nam huyện Tuy An để dò tìm cội nguồn tộc họ người thân, nhưng mọi hy vọng đều tắt tịt. Không còn cách nào khác nên hai cậu cháu  phải đến Công an tỉnh Phú Yên để nhờ tra cứu tàng thư hồ sơ.

Ông Cách cho biết, người anh rể của mình họ tên là Nguyễn Văn Tùng, sinh năm 1947, quê ở Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; có cha mẹ là Nguyễn Thiện - Nguyễn Thị Thích. Bị bắt quân dịch vào năm Mậu Thân - 1968, ông Tùng nhập ngũ ở KBC 4074, Sư đoàn 23 bộ binh - Quân đoàn 2 Quân lực Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Vài năm sau đó, ông Tùng đào ngũ đi theo cách mạng, tham gia kháng chiến chống Mỹ và đã hy sinh, bây giờ người cháu cùng đi với ông Cách muốn tìm ông bà nội…

Thượng tá Phạm Như Tùng trong một lần về thăm cụ Nguyễn Thị Thích khi cụ còn sống.

Với những thông tin đơn giản như thế thật khó có thể tìm kiếm, nhưng Thượng tá Võ Chùm - Phó trưởng phòng, nay là Trưởng phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh Phú Yên, đã nghỉ hưu vẫn giao cho Thiếu tá Phạm Như Tùng, Đội phó Đội Hồ sơ an ninh - nay là Thượng tá, Phó Chánh thanh tra Công an Phú Yên tiến hành tra cứu tàng thư. Sau một buổi sáng cẩn trọng rà soát, dò kiếm trong hồ sơ lưu trữ nhưng không tìm đâu ra tên tuổi, nhân thân, quê quán và bố mẹ của ông Nguyễn Văn Tùng như những thông tin do ông Trịnh Anh Cách cung cấp.

Thượng tá Phạm Như Tùng nhớ lại: "Lúc đó, nhìn dáng vẻ thất vọng của ông Cách và đôi mắt hiện rõ nét buồn của cháu Quang, tôi thật sự cảm thông và bỗng thấy lòng mình day dứt. Tôi đã từng đi tìm người thân, nên thật sự thấu hiểu tâm trạng của cậu cháu ông Cách. Chính vì vậy tôi tranh thủ ý kiến của lãnh đạo đơn vị trước khi đưa họ đến nhà một số người đã từng đi lính ở Sư đoàn 23 VNCH để dò tìm tung tích người thân ông Tùng theo kiểu cầu may, nhưng rồi cũng không một ai biết".

Giấy chứng nhận hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Tùng.

Trong nắng gió buổi trưa tháng 3, Thiếu tá Phạm Như Tùng tiễn cậu cháu ông Cách ra bến xe liên tỉnh về lại Bình Thuận, lòng thầm hứa với họ sẽ dành thời gian, công sức tìm kiếm nguồn gốc, quê quán ông Tùng. Hai ngày sau đó, trong cuộc họp giao ban ở đơn vị, Thiếu tá Tùng đã đề xuất lập phiếu yêu cầu tra cứu tàng thư gửi về Cục Hồ sơ nghiệp vụ - Bộ Công an tại phía Nam. Qua đó mới biết ông Nguyễn Văn Tùng, sinh ngày 2/1/1947, quê quán Tuy Hòa, Phú Yên; thẻ căn cước số 06263335, do Ty Cảnh sát quốc gia tỉnh Bình Thuận cấp ngày 5/2/1971. Tháng 10/1968, ông Tùng nhập ngũ Sư đoàn 23 bộ binh, Quân đoàn 2 VNCH, số quân 67/407395. Đến ngày 9/8/1972, đương sự đào ngũ khi đang mang cấp bậc hàm hạ sĩ ở KBC 4896, nên bị Quân cảnh ra lệnh tầm nã.

Điều đáng nói là ngoài những thông tin về cá nhân ông Tùng và tên tuổi cha mẹ, chị em ruột, nội dung kết quả tra cứu của Cục Hồ sơ nghiệp vụ Tổng cục Cảnh sát nhân dân còn cung cấp thêm tên tuổi người vợ trước của ông Tùng là bà Hồ Thị Ẩm, sinh năm 1945. Mặc dù đã có thêm thông tin tra cứu, nhưng quê quán đương sự chỉ xác định ở Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên chứ không rõ xã, phường nào.

Được sự đồng ý của lãnh đạo đơn vị, Thiếu tá Tùng tiếp tục tra cứu tàng thư chứng minh nhân dân để dò tìm người vợ trước của ông Tùng. Bằng cách này đã xác định được địa chỉ thường trú của bà Hồ Thị Ẩm ở thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An.

Quyết định của Sở LĐ - TB&XH Phú Yên trợ cấp và truy lĩnh chế độ thân nhân liệt sĩ đối với cụ Nguyễn Thị Thích và bà Hồ Thị Ẩm.

Dù không phải người thân của mình, nhưng khi tìm được địa chỉ của bà Ẩm, Thiếu tá Phạm Như Tùng thật sự mừng vui, nên anh tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để về xã An Ninh Đông. Sau hơn một giờ hỏi chuyện bà Ẩm và cụ Thích để đối chứng những thông tin thu thập được, Thiếu tá Tùng đưa ra tấm ảnh ông Nguyễn Văn Tùng chụp vào năm 1971 do cậu cháu ông Trịnh Anh Cách cung cấp trong chuyến ra Phú Yên trước đó.

Cụ Thích hết sức ngạc nhiên khi nhận ra người trong ảnh chính là con trai mình, còn bà Ẩm nhìn ảnh chồng mà đôi mắt ngấn lệ mừng vui. Khi ông Nguyễn Văn Tùng mất liên lạc gia đình, đứa con lớn là Nguyễn Văn Minh mới vừa chập chững, đứa út là Nguyễn Văn Lan còn trong bụng mẹ, lớn lên không hề biết gì về người cha, nên hai chàng trai làng biển cũng ngạc nhiên không kém bà nội và mẹ của mình.

Nhiều người dân ở làng chài An Vũ nghe tin cũng bàng hoàng xúc động. Lúc đầu cụ Thích và con cháu cứ tưởng người thân của mình lưu lạc qua nhiều vùng miền và vẫn còn sống ở đâu đó. Đến khi nghe người sĩ quan công an kể lại mọi chuyện, họ càng ngạc nhiên đến mức nghi ngờ, bởi không hiểu vì sao ông Tùng bị bắt quân dịch vào lính chế độ cũ, nhưng bây giờ lại là liệt sĩ cách mạng.

Và cổ tích về một liệt sỹ

Hơn một tuần sau khi nhận được điện thoại của Thiếu tá Tùng, ông Trịnh Anh Cách cùng cháu Nguyễn Thanh Quang vội vã lên đường ra Phú Yên. Cuộc gặp gỡ giữa họ và gia đình cụ Thích đã lý giải sự thật về câu chuyện tưởng chừng như cổ tích giữa đời thường.

Theo lời kể của những người trong cuộc đã được một số nhân chứng và các cơ quan chức năng thẩm tra xác nhận, hai năm sau khi gia nhập Sư đoàn 23 VNCH và bị điều xuống Trung đoàn 44 ở tỉnh Bình Thuận. Đầu xuân năm 1970, ông Nguyễn Văn Tùng tình cờ gặp bà Trịnh Thị Nguyệt (thường gọi là Bình) - một cơ sở cách mạng ở xã Hàm Chính, quận Thiện Giáo - nay là huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Được sự đồng ý của tổ chức, bà Nguyệt đã tiếp cận, vận động và thuyết phục ông Tùng từ bỏ hàng ngũ địch, lấy trộm vũ khí thoát ly vào vùng giải phóng từ tháng 8/1972 và đã trở thành chiến sĩ du kích xã Hàm Chính. Cũng từ đó, mối liên lạc giữa ông Tùng và gia đình bị cắt đứt, và thời điểm này do hoàn cảnh chiến tranh nên gia đình ông Tùng tản cư vào sinh sống ở ấp Bình Hòa, xã Tuy Hòa, quận Tuy Hòa.

Duyên nợ đưa đẩy ông với bà Nguyệt yêu thương nhau rồi trở thành vợ chồng và được chính quyền xã Hòa An, quận Thiện Giáo, tỉnh Bình Thuận lúc đó cấp trích lục chứng thư hôn thú.

Trong chuyến công tác truy bám theo toán lính địch tại một khu rừng ở Hàm Thuận Bắc vào ngày 9/5/1974, không may biệt kích địch phát hiện ra ông Tùng và đồng đội, bao vây nổ súng. Tình huống cấp thiết buộc ông Tùng cùng đồng đội phải đánh trả bằng một trận chiến đấu kiên cường. Sau trận đánh đó, ông Tùng đã anh dũng hy sinh bên một con suối cạn.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông Tùng đã nói cho đồng đội của mình biết trước khi chung sống với bà Nguyệt, ông đã có vợ và hai đứa con tại quê nhà ở Phú Yên.

Ngày 17/6/1978, liệt sĩ Nguyễn Văn Tùng đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công số 266-192K. Trong 5 năm chung sống với ông Tùng, bà Nguyệt sinh hai đứa con nhưng chỉ còn một là Nguyễn Thanh Quang, sinh năm 1971. Dù rất day dứt nỗi lòng, nhưng do tất bật lo toan cuộc sống đời thường, nên hàng chục năm sau ngày miền Nam giải phóng, bà Nguyệt chưa có điều kiện đi tìm gia đình nhà chồng.

Đến đầu năm 2002, em ruột bà Nguyệt là ông Trịnh Anh Cách cùng đứa con trai khăn gói về Phú Yên tìm kiếm quê cha. Với sự giúp đỡ tận tình của những cán bộ ở  Phòng PV27 Công an tỉnh Phú Yên, bà Nguyệt đã tìm được mẹ chồng và người vợ trước của ông Tùng. Trong bữa cơm đạm bạc nhưng rất giàu nghĩa nhân tại ngôi nhà nhỏ trên sườn núi Hòn Bù, anh Nguyễn Thanh Quang xúc động không nói nên lời, vì đã gặp được bà nội và hai anh của mình.

Một tháng sau ngày tìm được gia đình nhà chồng, bà Trịnh Thị Nguyệt đã gửi đơn đề nghị các cơ quan chức năng bổ sung thân nhân liệt sĩ. Sau khi nhận bản sao toàn bộ hồ sơ liệt sĩ Nguyễn Văn Tùng và giấy giới thiệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận, ngày 6/6/2002, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên đã có quyết định trợ cấp thường xuyên đối với mẹ và vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Tùng là cụ Nguyễn Thị Thích và bà Hồ Thị Ẩm.

Trước khi xuống núi Hòn Bù khi ánh chiều gieo ráng đỏ phía tây, thắp nén hương thơm trên bàn thờ cụ Thích, tôi lặng nhìn di ảnh của cụ, cảm nhận trong ánh mắt cụ vẫn sáng lên niềm vui hạnh phúc khi không còn nặng nợ với bản lý lịch có người thân đi lính cho chế độ cũ, mà thay vào đó là màu sáng dòng tên liệt sĩ Nguyễn Văn Tùng

Phan Thế Hữu Toàn
.
.