Côn Đảo, ngày giải phóng

Thứ Năm, 22/04/2010, 16:35
Côn Đảo là tên gọi chung một quần đảo gồm 16 đảo lớn nhỏ nằm ngoài khơi biển Đông, phía đông nam Tổ quốc, cách Vũng Tàu 97 hải lý (180km), cách cửa sông Hậu 43,5 hải lý (84km), có cùng một kinh độ với TP HCM (1060 36’ kinh Đông) và cùng một vĩ độ với tỉnh Cà Mau (80 46’ vĩ Bắc). Tổng diện tích 76,71km2. Dân cư sinh sống hiện nay khoảng 4.000 người. Độ cao trung bình 3m so với mặt biển.

Côn Đảo vốn là một quần đảo có phong cảnh rất kỳ thú. Nhưng trước đây, như mọi người đều biết, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã nhẫn tâm biến nó thành "địa ngục trần gian"...!

Một chút lịch sử

Côn Đảo thời Nguyễn gọi Côn Lôn, dân gian phát âm trại là Côn Nôn, thuộc tỉnh Gia Định. Sử cũ cho biết, năm 1839 khi Bố Chánh Gia Định là Hoàng Quýnh đi xét việc thành Trấn Tây trở về, Vua Minh Mạng hỏi sơn xuyên hình thể Gia Định, Quýnh tâu: "Cù lao Côn Lôn cách Gia Định xa mà đến Vĩnh Long gần, nên cho thuộc về Vĩnh Long cho tiện". Ngài bèn cho Côn Lôn thuộc về Vĩnh Long quản hạt...

Còn nhớ, khi thực dân Pháp đánh lấy Định Tường tháng 4/1861, theo lệnh của Đô đốc Hải quân Bonard,  Trung úy Lespès trực tiếp chỉ huy chiến hạm Norgazaray tiến chiếm, rồi tự lập biên bản, ngang nhiên xác lập chủ quyền Pháp trên quần đảo Côn Lôn, vào ngày 28/11/1861.

Ngày 1/2/1862, Đô đốc Bonard ban hành nghị định thiết lập nhà tù Côn Đảo để giam những tội nhân mang án tù từ 1 đến 10 năm... Từ đó cho đến năm 1975 Côn Đảo trở thành "địa ngục trần gian" ở xứ Đông Dương (113 năm).

Ngày 16/5/1882, Tổng thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh đặt Côn Đảo là một cấp hành chính như một quận của Nam kỳ. Lúc bấy giờ người Pháp vẫn gọi nơi này là Ile d'orleans như Renault, phái viên của Hội buôn Pháp ở Ấn Độ đã gọi trước đó, nhưng trên bản đồ họ ghi là Poulo Condor.

Tháng 3/1955, thực dân Pháp bàn giao quần đảo Côn Lôn cho chính quyền Ngô Đình Diệm.

Ngày 22/10/1956 Diệm ký Sắc lệnh số 143/NV ("Minh định địa giới toàn quốc") thành lập nơi này là tỉnh Côn Sơn (tỉnh nhưng không có quận, huyện, xã, phường).

Ngày 21/4/1965, Thủ tướng Sài Gòn Phan Huy Quát, ký Sắc lệnh số 75/NV bãi bỏ tỉnh, xem đây là "cơ sở hành chính trực thuộc chính quyền trung ương" Sài Gòn. Chúa đảo tất nhiên không còn là tỉnh trưởng nữa mà là Đặc phái viên hành chính.

Dãy chuồng cọp ở nhà tù Côn Đảo.

Ngày 7/11/1974 "cơ sở hành chính" Côn Sơn được đổi thành thị trấn Phú Hải, trực thuộc tỉnh Gia Định.

Sau Cách mạng tháng Tám, Côn Lôn được coi là một bộ phận của tỉnh Hậu Giang, tuy nhiên trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, để thuận tiện và nhanh chóng, trên một số mặt, Côn Đảo được liên hệ trực tiếp với cục R thông qua Tỉnh ủy Tây Ninh - địa bàn Trung ương Cục đang đóng.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, Chính quyền Cách mạng xóa bỏ thị trấn Phú Hải do chính quyền Sài Gòn đặt gọi. Côn Đảo là một đơn vị hành chính cấp tỉnh. Sau trở thành một huyện của TP HCM; rồi lại trở thành một huyện của tỉnh Hậu Giang (nay đã tách ra hai tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng). Đến tháng 5/1979 sáp nhập với Vũng Tàu thành đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, trực thuộc Trung ương - Côn Đảo là một quận của đặc khu.

Từ tháng 10/1991 đến nay Côn Đảo là một huyện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Côn Đảo ngày 30/4/1975

Nguyên nhân dẫn đến việc người tù tự giải phóng và tiếp thu Côn Đảo là, vào ngày 29/4/1975 khi hay tin Sài Gòn giải phóng thì ở Côn Đảo, các chúa đảo, cố vấn Mỹ và cai ngục đã nhanh chân tẩu thoát bằng canô và trực thăng để đến những chiến hạm Mỹ đang chờ chực ngoài khơi. Lúc bấy giờ cả đất trời Côn Đảo như náo loạn. Tiếng ì ầm của hàng chục máy bay trực thăng, và tiếng kinh hoàng tháo chạy dẫm đạp lên nhau để thoát thân của những tên giám thị, cai tù cùng những tiếng la í ới của vợ con họ, làm cho cảnh hoảng loạn càng khẩn trương, nhốn nháo hơn.

Trong khi đó, bên trong các trại tù, người tù không hề hay biết bên ngoài có biến động. Tuy nhiên, qua những khe kẽ vốn rất hiếm hoi ở nhà tù, họ rất ngạc nhiên, vì hằng ngày, lúc nào cũng có bọn cai tù, giám thị đi qua đi lại để kiểm tra, theo dõi những hành động của người tù; nay vì sao tự nhiên tất cả đều biến mất? Sự im lặng đáng sợ ấy bao trùm tất cả các trại tù. Và, tiếng động cơ ì ầm, tiếng kêu la í ới vô cùng hỗn độn kia chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định, để rồi sau đó bỗng nhiên ngừng hẳn. Tất nhiên người tù vẫn không thể đoán biết chuyện gì sẽ xảy ra. Bằng cảm tính, họ đều nghĩ rằng bọn cai tù đang chuẩn bị triển khai một cuộc đàn áp mới sẽ diễn ra vào ngày 1/5, chắc khủng khiếp lắm! Không ai bảo ai, tất cả đều trong tư thế chuẩn bị tinh thần để đối phó với đòn roi, khủng bố...

Sáng ngày 30/4, không khí vẫn rất ngột ngạt, hoang mang. Tuy nhiên, tất cả những người tù đều tập trung suy nghĩ kế hoạch đấu tranh thực hiện việc tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5, ngay trong sáng hôm sau.

Cho đến gần giữa đêm ngày 30/4/1975, khoảng 22h, ở phòng 20, khu H (trại 7, Phú Bình) - nơi giam giữ những người tù lãnh đạo, bỗng nhiên có tiếng đập cửa rất dồn dập. Họ nhìn ra, thấy những người giám thị cùng với linh mục Phạm Gia Thụy và Đại úy Kiều Văn Dậu, đến báo cho người tù biết tình hình bên ngoài Côn Đảo như thế, đồng thời cho hay, tên chúa Đảo, bọn cai tù, những tên trật tự đều đã tẩu thoát. Họ còn cho biết thêm, hiện những tên tù thường phạm đã lợi dụng thời cơ, thừa lúc tình hình hỗn độn, nổi lên cướp phá, giết heo gà, ăn nhậu, gây náo loạn khắp nơi trên đảo.

Họ đến để mời anh em ra bàn bạc cách giải quyết ổn định tình hình. Cảnh giác thủ đoạn mờ ám của địch, anh em nhất định không tin, vì chưa có một bằng chứng nào cụ thể về việc Sài Gòn cũng như Côn Đảo đã được giải phóng. Tất nhiên càng không tin bọn ác đã tẩu thoát hết. Thế là để có cơ sở xác định thông tin và hỗ trợ đắc lực cho những người tù, Kiều Văn Dậu và giám thị Nguyễn Văn Trương tức tốc mang chiếc radio đến trao  cho những người tù để tự họ rà lấy Đài Tiếng nói Việt Nam. --PageBreak--

Khi đã nghe tin chính xác từ radio về việc Sài Gòn đã được giải phóng, những người tù không thể không sửng sốt, bởi với họ, đó là sự kiện thắng lợi hết sức bất ngờ - một tin mừng khôn tả của những người bền bỉ đấu tranh giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, nay đã trở thành hiện thực. Và, còn nỗi mừng vui nào hơn khi họ đều cảm nhận được rằng mình và các đồng chí thân yêu của mình từ nay sẽ được tự do. Cho nên không ai bảo ai, từ khu 4, những người tù liên tục reo hò vang dội, làm cho các khu bên cạnh phải hồi hộp lo lắng. Trước là những người tù các khu A, B, C, D... rồi sau đó lan nhanh ra toàn trại Phú Hải, Phú Sơn... Toàn bộ đều nhanh chóng đón nhận tin vui tột cùng ấy.

Từ trại 7, anh em lần lượt tỏa ra giải phóng tất cả các trại. Mọi cửa tù kiên cố được mở toang. Những đòn tra tấn máu đổ, thịt rơi ở nơi được mệnh danh "địa ngục trần gian"; những kiểu khám xét tù nhân diễn ra thường ngày như vũ khúc thuở hồng hoang (mà anh em gọi phiếm "điệu múa phụng hoàng")... từ nay không còn lý do tồn tại. Kiếp tù triền miên khổ nhục được giải phóng hoàn toàn. Có giây phút nào, niềm vui nào trong cuộc đời sánh được niềm vui trào dâng đến mức nghẹn ngào?! Họ hồn nhiên nhảy lên, la hét mừng vui khản cả cổ! Trong đêm tối dưới ánh đèn vàng quạch, lờ mờ họ ôm siết lấy nhau trong khi nước mắt trên những khuôn mặt xanh xao, khô đét cứ tuôn trào...

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, tạo ra thời cơ lớn cho bước phát triển đỉnh cao của tư tưởng vũ trang tự giải phóng Côn Đảo của những người tù chính trị tại đây!

Tuy tất cả những người tù đã nhanh chóng ổn định trật tự, làm chủ được tình hình Côn Đảo ngay trong đêm 30/4/1975 mà không cần phải nổ một phát súng nào, nhưng để đề phòng tình thế có thể đảo ngược, ngoài việc tự vũ trang cho mình bằng gậy gộc và những khẩu súng địch bỏ lại, sáng hôm sau, ngày 1/5 họ xúc tiến ngay việc đào công sự phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu, quyết không để địch quay trở lại cai trị mình lần thứ hai. Trạm vô tuyến Côn Đảo liên tục phát sóng báo tin, "Côn Đảo đã được hoàn toàn giải phóng, tù chính trị đang đợi lệnh của Trung ương"...

Thế là tối 2/5/1975 trạm bắt được tín hiệu từ đất liền, ở đó mọi người vô cùng ngạc nhiên, không ngờ rằng các đồng chí của mình ở Côn Đảo đã nhanh chóng đứng lên làm chủ tình hình trong điều kiện vô cùng tốt đẹp như thế. Ngay sau những lời hoan hô chúc mừng thắm thiết, ngập tràn tình cảm, Thành ủy (TP HCM) đề nghị anh em cho biết trước mắt đang cần gì? Tăng cường thêm lực lượng? Hay lương thực, thuốc men? Đặng "trong này" sẵn sàng khẩn trương chi viện. Thật không còn gì xúc động cho bằng khi nghe "đảo" trả lời: "Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ"!

Thế là rạng sáng ngày 4/5, 500 bức ảnh Bác Hồ được chuyển ra. Buổi lễ rước ảnh Bác Hồ cực kỳ trang nghiêm long trọng được tổ chức  tại bến cầu lịch sử 914, tất cả những "cựu tù" đều rơi nước mắt khi được "gặp" lại Bác Hồ vô vàn thương kính! Và, hơn ai hết, họ là những người cảm nhận rất rõ ý nghĩa đích thực câu nói "Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do" của Bác!

Các ngày tiếp theo (4 và 5/5/1975) nhiều chuyến tàu lần lượt cập bến đưa các cựu tù về đất liền để chữa trị an dưỡng.

Tại thời điểm giải phóng Côn Đảo, nhà tù Côn Đảo có 7.448 người tù, trong số đó những người tù chính trị là 4.234 người (494 là phụ nữ). Đặc biệt, khi tiến hành đưa cựu tù về đoàn tụ với gia đình, theo phân công của Ủy ban Quân quản tỉnh Côn Sơn (thành lập chiều tối ngày 7/5/1975) có 153 người tình nguyện ở lại. Đến nay còn khoảng 10 người, trong đó có các ông như ông Phạm Hoàng Oanh, Trưởng ban Di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo; ông Hứa Phúc Vinh, Chủ tịch huyện Côn Đảo... là những người bị Mỹ - ngụy cầm tù tại "chuồng cọp kiểu Mỹ", tức trại Phú Bình)...

Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày miền Nam và Côn Đảo được hoàn toàn giải phóng (30/4/1975 - 30/4/2010), xin kể lại đôi nét tình tiết một khúc quanh lịch sử đầy bi hùng dân tộc mang tính dấu ấn, đời đời người Việt Nam không thể nào quên.

Đã 35 năm trôi qua, thế mà cho đến hôm nay người ta vẫn chưa thấy các nhà cầm quyền hai nước Pháp, Mỹ chính thức nhìn nhận và can đảm chịu trách nhiệm về những lỗi lầm nghiêm trọng trước chủ trương hủy diệt nhân phẩm, chà đạp nhân quyền của những bộ máy cai trị phi nhân tính, mà họ đã chuyền tay nhau trong suốt hơn trăm năm cố công thiết dựng một "địa ngục trần gian" này!

Nếu còn chút lương tri, có chút đạo lý, hẳn họ đã mau mau xin được đến Côn Đảo quỳ xuống mà sám hối. 

Huyện Côn Đảo với một số nét đặc trưng khá ấn tượng:

- Là huyện, nhưng không có xã, ấp như các nơi khác.

- Dân số huyện Côn Đảo hiện có khoảng trên 4.000 người - ít nhất so với các huyện trong cả nước - trong đó nữ ít hơn nam (địa bàn có tỉ lệ trái ngược các nơi khác).

- Côn Đảo không có trộm cắp và các tệ nạn xã hội khác.

- Nếu trước ngày giải phóng 30-4-1975, Côn Đảo là nhà tù lớn nhất Đông Dương thì nay nơi đây không có trại giam nào (nếu có người phạm tội chỉ tạm giữ, hoặc đưa về đất liền - hoàn toàn trái ngược với trước: "phạm nhân" bị đưa từ đất liền ra đảo).

- Từ sau ngày miền Nam và Côn Đảo hoàn toàn giải phóng, chính quyền Cách mạng từng bước chỉnh trang, không chỉ tôn tạo thành điểm tham quan du lịch, mà còn gìn giữ, bảo vệ toàn vẹn từng di vật vốn chứa đựng nhiều thông tin giá trị của quá khứ. Hiện Côn Đảo được xem là "Hòn đảo ngọc" của Tổ quốc.

Nguyễn Hữu
.
.