Cuộc sống của Thủ tướng Chu Dung Cơ sau ngày về hưu

Thứ Năm, 06/12/2007, 05:40
Tháng 3/2003, Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ về nghỉ hưu. Từ đó, vẻ mặt nghiêm khắc xưa kia đã bớt dần và trông ông rất hiền lành. Nguyên tắc lớn nhất của ông giờ đây là không bàn chuyện công tác với bất cứ ai, nhưng lại thích chuyện gẫu với dân thường. Ông thích đọc sách, luyện thư pháp, kéo đàn nhị. Khi vui, ông còn cùng vợ là Lao An "vợ ca chồng xướng" vài đoạn kinh kịch.

Nguyên tắc lớn nhất: Không bàn chuyện công tác

Sau khi về hưu, nguyên tắc lớn nhất của ông Chu Dung Cơ là không bàn chuyện công tác. Ông nói rõ ràng: “Tôi đã nghỉ hưu, yêu cầu mọi người không đến bàn công tác với tôi nữa”.

Chu Dung Cơ cũng không ở cố định tại Bắc Kinh. Ông đi Thượng Hải, đi Hồ Nam và Quảng Đông. Bất kể ở Bắc Kinh hay đến nơi nào, ông thường tránh tiếp xúc bàn công tác với quan chức địa phương.

Theo thông lệ của Trung Quốc, vị lãnh đạo nào của Nhà nước đã về hưu mà về địa phương thì những người đứng đầu địa phương phải tổ chức đến thăm hỏi. Hễ có vị nào còn đang công tác đến thăm, Chu Dung Cơ nói thẳng: không bàn chuyện công tác.

Khi còn công tác, Chu Dung Cơ nổi tiếng là người say mê công việc. Từ năm 1951, sau khi Chu Dung Cơ rời Đại học Thanh Hoa, đi nhận công tác khác, kể cả thời gian bị quy là “phái hữu” phải cải tạo, tổng cộng ông đã làm việc suốt nửa thế kỷ có lẻ. Thói quen làm việc đã trở thành máu thịt trong ông. Thế mà giờ đây ông không một chút luyến tiếc, đủ thấy cá tính cương quyết của ông thế nào.

Sở dĩ Chu Dung Cơ nêu ra phương châm “không bàn công tác” là có sự suy nghĩ sâu sắc. Là người tiền nhiệm, ông đã bàn giao tất cả công việc cho Thủ tướng Ôn Gia Bảo rồi, nếu bây giờ ông còn lưu luyến cao đàm, khoát luận, không những bất lợi cho êkíp lãnh đạo mới mà cũng không phù hợp với phong cách làm người của ông.

Do vậy, một người thông minh như Chu Dung Cơ thường né tránh gặp gỡ bàn bạc công tác với bất cứ ai, không muốn làm ảnh hưởng đến những người lãnh đạo đương chức.

Để đảm bảo chắc chắn, ông còn yêu cầu những trợ lý của ông giúp ông “canh cửa”, khéo léo từ chối những cuộc thăm viếng của những người không phải là bạn thân của ông.

Tiếc cho người có văn tài nhưng không chịu viết

Khi còn đương chức, dù bận mấy, Chu Dung Cơ mỗi ngày đều dành thời gian đọc sách. Ngoài văn kiện, báo cáo, ông kiên trì đọc các báo trong nước, Hồng Công và nước ngoài, đặc biệt là một số báo viết bằng tiếng Anh. Thời ấy, các phóng viên và chính khách nước ngoài đến thăm và chuyện trò với ông, họ đều khâm phục tầm hiểu biết và trí nhớ của ông.

Giờ đây, khi đã rời bỏ chính trường, nhưng thói quen đọc sách có từ thuở trẻ vẫn không hề thay đổi. Có điều, ông không còn phải đọc văn kiện, báo cáo nữa, ông dành thời gian cho những cái gì mà ông thích đọc như thư tịch cổ, văn sử triết, khoa học, nhân vật...

Trước đây, người ta biết nhiều về tài ăn nói và trí nhớ của ông, nhưng lại biết rất ít về văn tài của ông. Thực ra thời trẻ ông cũng rất giỏi văn. Theo những người cùng học với ông thì hồi ở trung học, Chu Dung Cơ có năng khiếu về văn và ngoại ngữ. Những bài tập làm văn tiếng Trung Quốc và tiếng Anh của ông thường được coi là bài văn mẫu và được đưa vào khung  kính của nhà trường cho học sinh đọc.

Khi lên đại học, Chu Dung Cơ tuy học công nghiệp nhưng vẫn thích hoạt động báo chí. Tờ nội san “Hiểu Lộ” của Đại học Thanh Hoa do ông phụ trách. Ông vừa là tổng biên tập, là phóng viên, là người chế bản, vừa là người trả lời độc giả, công việc rất bận nhưng ông rất vui, không biết mệt.

Cho đến bây giờ, Chu Dung Cơ vẫn chưa thể hiện văn tài của mình, thật là đáng tiếc! Mọi người đang trông chờ một cuốn hồi ký của ông.

Những người đứng đầu quốc gia ở nước ngoài, sau khi về hưu thường viết hồi ký kể lại một giai đoạn lịch sử cầm quyền và kinh nghiệm làm việc của mình, điều đó là rất tốt, giúp ích những người đi sau. Nhưng theo giới truyền thông cho biết, Chu Dung Cơ quyết không viết hồi ký.

Cựu Thủ tướng Lý Bằng, tháng 6/2003 cho ra đời cuốn "Nhật ký Tam Hiệp Lý Bằng"; Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Tiền Kỳ Tham, tháng 11/2003 cũng xuất bản cuốn "Mười mẩu chuyện ngoại giao".

Là một người thông minh và có văn tài như Chu Dung Cơ, tại sao lại tránh né  không viết hồi ký? Người dân Trung Quốc đang mong Chu Dung Cơ nghĩ lại, bắt tay viết hồi ký để giúp hậu thế biết thêm về một giai đoạn lịch sử.

Thích hát kinh kịch và kéo nhị

Chu Dung Cơ sinh ngày 1/10/1928, thân phụ ông ốm chết khi ông còn nằm trong bụng mẹ. Mười tuổi, mẹ đi bước nữa, ông được người bác nuôi nấng cho ăn học.

Theo cuốn "Truyện Chu Dung Cơ" do NXB Minh Báo ấn hành năm 1998, thì người bác của Chu Dung Cơ rất thích kinh kịch, biết kéo nhị, nên ông cũng thích đàn hát từ hồi nhỏ.

Sau này, lên trung học gặp thầy giáo cũng mê kinh kịch nên Chu Dung Cơ càng có điều kiện thể hiện mình. Được thầy giáo dạy dỗ, Chu Dung Cơ không những biết hát kinh kịch mà còn biết kéo nhị thành thạo.

Ông thường biểu diễn ở những cuộc liên hoan văn nghệ nhà trường và thường vui hát cùng các bạn học. Vào ngày lễ, ngày nghỉ hễ Chu Dung Cơ có mặt là trong phòng vang lên tiếng đàn, tiếng nhị.

Những thú vui thời trẻ, bây giờ trở thành thú vui của tuổi già. Khi Chu Dung Cơ còn làm Phó thủ tướng và Thủ tướng, ông ít có dịp đàn hát, nên mọi người không biết tài nghệ của ông. Về hưu có điều kiện luyện tập, ông trở thành cao thủ trong việc kéo nhị và hát kinh kịch. Bà Lao An, phu nhân của ông cũng là người mê kinh kịch.

Hai vợ chồng Chu Dung Cơ khi còn ở Đại học Thanh Hoa đều đã từng tham gia đội kinh kịch của trường. Bây giờ, khi nào vui vẻ, hai ông bà thường biểu diễn kinh kịch. Bà cất cao giọng hát, ông ngồi bên kéo nhị. Nhìn cảnh “chồng đàn vợ hát” thật là hạnh phúc!--PageBreak--

Thích chuyện trò vui vẻ

Những người quen biết gia đình cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ đều nói, vợ chồng họ rất đẹp đôi. Lao An là em gái một người bạn học của ông. Tính tình Lao An dịu dàng và tháo vát. Khi Chu Dung Cơ gặp sóng gió về chính trị, bà không xa rời ông mà cùng ông chia sẻ hoạn nạn.

Những năm Chu Dung Cơ còn đương chức, lúc cần xuất hiện với thân phận là phu nhân thủ tướng, bà thường mỉm cười đi cùng chồng. Chu Dung Cơ rất hãnh diện về vợ mình. Ông từng công khai nói: “Cô ấy rất đáng yêu!”.

Trong cuộc sống, bà Lao An chăm sóc chồng rất chu đáo, từ nơi ở đến ăn mặc. Khi còn làm việc, lúc không cần thiết, ông thường về nhà ăn cơm. Bà lo cho ông món rau cải và món măng là hai món ông thích nhất. Chu Dung Cơ không hút thuốc, không uống rượu, rèn luyện thân thể chủ yếu là đi bộ.

Năm nay đã 79 tuổi, Chu Dung Cơ không tránh khỏi một số bệnh tật. Sau khi về hưu, ông đã trải qua một lần tiểu phẫu thuật, cắt bỏ một cái u lành.

Trước kia, Chu Dung Cơ rất nghiêm nghị, thế mà giờ đây đi khám bệnh, đến khoa mắt, khoa răng... nơi nào cũng nghe thấy tiếng cười của ông, khiến các y bác sĩ cũng vui lây. Nhân viên bệnh viện phản ánh rằng, cựu Thủ tướng rất thích chuyện gẫu như một người dân bình thường vậy.

Một số cán bộ Trung ương Đảng đến dự lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Đại học Thanh Hoa, mọi người vỗ tay đón chào đoàn, khi phát hiện ra Chu Dung Cơ, tiếng vỗ tay vang lên như sấm. Ông cúi đầu, không nhìn mọi người, nhưng tiếng vỗ tay vẫn không ngớt. Tim đập rộn ràng, ông khôi hài nói: “Đó chẳng phải là hại tôi ư?”.

Một khi Chu Dung Cơ đã chuyện trò thì không sao mà dứt được. Có khi ông tự trào nói: "Bây giờ không phải sợ tôi không có thời gian chuyện trò, mà là sợ bà con không có thời gian...".

Thư pháp viết rất đẹp, nhưng ít khi cho chữ

Chu Dung Cơ từng là giáo sư hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ của Đại học Thanh Hoa, và còn là Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế. Năm 1987, được nhà nước cử làm Phó chủ nhiệm UB kinh tế quốc gia, sau đó được điều đến Thượng Hải làm Thị trưởng, rồi làm Phó thủ tướng Quốc vụ viện, tuy bận thế, nhưng ông vẫn tiếp tục chỉ đạo các nghiên cứu sinh ông đã hướng dẫn hoàn thành luận án.

Nét chữ ông viết rất phóng khoáng. Mọi người hết sức tán thưởng 4 chữ “Thanh Chính Liêm Minh” do chính ông viết khi ông tròn 60 tuổi. Bốn chữ này là mục tiêu phấn đấu của đời ông. Thư pháp của ông khá điêu luyện, nhưng khi còn tại chức ông chưa tặng cơ quan nào cả. Sau khi về hưu, do có nhiều thời gian luyện, nên chữ ông viết càng ngày càng đẹp.

Nhiều người muốn xin ông chữ, nhưng ông đều khéo léo từ chối. Chu Kinh Dã - anh họ Chu Dung Cơ ở Thượng Hải, nhiều lần xin ông viết cho một câu đối, nhưng suốt 10 năm ông không viết, mãi đến khi ông Dã 90 tuổi, ốm nằm bệnh viện, ông mới viết tặng.

Chu Dung Cơ không thích xem những bài và truyện viết về mình. Thậm chí, có người đưa cả tác phẩm của họ đến cho ông duyệt, ông cũng nói: “Không xem”. Nhưng ông lại rất quan tâm đến một cuốn truyện viết bằng tiếng Anh của người nước ngoài viết về ông.

Thanh quan lưu danh

Quê gốc Chu Dung Cơ ở nông thôn tỉnh Hồ Nam, sau khi gia đình làm ăn lụn bại, bố ông là Chu Hy Thánh rời lên thành phố Trường Sa, nên từ nhỏ, ông lớn lên ở Trường Sa. Cho đến khi tốt nghiệp đại học, Chu Dung Cơ chưa về lại quê hương lần nào.

Ông Chu Dung Cơ - Thị trưởng Thượng Hải năm 1995.

Từ 18 tuổi trở đi, Chu Dung Cơ làm việc gì cũng nhiệt tình hăng say: Khi giải phóng Bắc Kinh, là lớp trưởng thuộc Khoa Điện cơ Đại học Thanh Hoa, ông đi đầu vào tiếp quản thủ đô. Sau khi thành lập nước, ông xin gia nhập Đảng Cộng sản; thời kháng Mỹ viện Triều, ông là sinh viên đầu tiên nộp đơn xin ra mặt trận, nhưng không được chấp thuận; khi bầu chủ tịch Hội sinh viên trường, ông được cao phiếu nhất; hồi “đại nhảy vọt”, ông chính trực, chân thành góp ý kiến với Đảng, hậu quả bị quy là “phái hữu”; đầu thập niên 90 thế kỷ XX, kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn, ông là Phó thủ tướng kiêm Thống đốc ngân hàng ra sức ngăn chặn lạm phát.

Khi ông còn làm Thủ tướng, bà con quê Hồ Nam rất mong ông về thăm quê một chuyến. Sau khi ông về hưu, cán bộ ở quê càng nhiệt tình mời ông về, nhưng ông vẫn chưa về.

Không phải ông không nhớ quê hương, nhưng trong lòng ông vẫn còn đắn đo do dự. Khi còn tại chức, ông sợ dân làng trống rong cờ mở đón tiếp linh đình, về hưu rồi, lại sợ dân làng bao mọi chi phí cho chuyến về quê của ông.

Trường hợp từ nhỏ xa quê hương nhưng chưa về thăm quê lần nào như Chu Dung Cơ không phải chỉ có mình ông, Đặng Tiểu Bình từ nhỏ cũng xa làng Quảng An, Tứ Xuyên vừa kiếm sống vừa học tập, cho đến lúc lìa trần vẫn chưa một lần về quê hương.

Chu Dung Cơ hay nhắc lại một câu châm ngôn khắc trên bia ở Tây An từ thời nhà Thanh cho cán bộ dưới quyền mình nghe. Câu đó là: “Lại bất úy ngô nghiêm, nhi úy ngô liêm; dân bất phục ngô năng, nhi phục ngô công; công bất tắc bất cảm mạn, liêm tắc lại bất cảm khi. Công sinh minh, liêm sinh uy” (Quan lại không sợ ta nghiêm mà sợ ta liêm khiết; dân không phục năng lực của ta mà phục ta công tâm; công tâm dân sẽ không dám chậm chạp lười nhác, liêm khiết thì quan lại không dám ức hiếp dân. Công tâm sẽ sinh ra sáng suốt, liêm chính sẽ sinh ra uy nghiêm).

Chu Dung Cơ nói hồi trẻ ông đã thuộc lòng câu châm ngôn đó, ông mong mỗi một viên chức hãy hiểu rõ và thực hiện đạo lý ấy. Ông từng nói với các phóng viên nước ngoài rằng, sau khi về hưu, nhân dân ban tặng cho tôi hai chữ “thanh quan” là tôi mãn nguyện rồi.

Trong buổi nhậm chức Thủ tướng, ông hùng hồn tuyên bố: “Bất kể phía trước là bãi mìn hay là hố sâu vạn dặm, tôi sẽ không lùi bước. Xin cúc cung tận tụy, chết cũng không từ nan”.

Khi nhập thế, ông hăng say theo đuổi nhiệt tình. Khi xuất thế, ông sống đúng cương vị của mình, không muốn xuất hiện trước công chúng nữa.

Nhưng Chu Dung Cơ không ở ẩn mà vẫn sống với nhân dân cuộc sống bình yên, giản dị

Lê Huy Tiêu (tổng hợp)
.
.