Cuộc vượt ngục thần kỳ

Thứ Hai, 23/01/2012, 17:25

Trong tù, Xu-pha-nu-vông và các đồng chí của ông nhận được tín hiệu rất phấn khích. Nhưng đề phòng có thể đây là một âm mưu của địch, nên phải kiểm tra thông tin mà U-đon đưa vào. Kết quả kiểm tra thấy được đây chính là đường dây của Tỉnh ủy. Thế là đường dây liên lạc qua U-đon được thiết kế để tiến trình cho cuộc vượt ngục.

Từ Viên Chăn trở về…

Đại tá tình báo Phan Dĩnh sinh năm 1931, tại Viên Chăn. Cha ông, một viên chức ngành viễn thông sang Lào công tác từ trước năm 1945. Quê ông thuộc Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây, nay là Hà Nội.

Tuổi thơ và thời thanh niên của ông trải qua trên đất nước triệu voi. Ông coi Tổ quốc Lào như quê hương thứ hai của mình vậy. Năm 1946, dù mới 15 tuổi, ông đã tham gia mặt trận Itxala và chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Pathet Lào. Ông tham gia hoạt động nội thành Viên Chăn và trở thành Ủy viên Ban cán sự Tỉnh ủy Viên Chăn.

Thời gian Phan Dĩnh hoạt động nội thành, phong trào phản chiến, bãi khóa của học sinh, sinh viên Viên Chăn lên rất cao. Lãnh tụ của phong trào sinh viên đó là Xiêng Xổm (tên thật là Khăm Bang) - một cán bộ của Ty Bưu điện.

Xiêng Xổm sau đó bị chính quyền phái hữu truy nã, phải bỏ trốn sang Thái Lan. Phan Dĩnh nhận chỉ thị của Tỉnh ủy Viên Chăn đi tìm móc nối với Xiêng Xổm, đưa anh về Tỉnh ủy.

Từ đó, họ trở thành đôi bạn chiến đấu, cả hai sau này đã là hai thành viên chủ chốt của cuộc giải cứu Hoàng thân Xu-pha-nu-vông khỏi nhà tù Phôn Khênh đêm 23 rạng sáng ngày 24/5/1960. Về sau họ trở thành hai anh em kết siều.

Phan Dĩnh tham gia Tỉnh ủy Viên Chăn và chiếu đấu ở đó cho tới năm 1957 thì mới trở về Hà Nội.

Tự bạch của Phan Dĩnh:

- Tôi về nước năm 1957. Sau một thời gian nghỉ ngơi, tôi được Tổng cục II, lúc đó do đồng chí Trần Hiệu làm thủ trưởng, đưa đi học một lớp nghiệp vụ ba tháng về nghề tình báo. Học xong, tổ chức cho tôi đi học Trường Nguyễn Ái Quốc.

Chưa hết khóa học thì một hôm có xe ôtô của Bộ Tổng tham mưu đến tìm tôi. Thế là tôi nhận được lệnh tạm thôi học để về nhận nhiệm vụ quốc tế mới.

Xe chở Phan Dĩnh đi từ Trường Nguyễn Ái Quốc về thẳng đại bản doanh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc này Phan Dĩnh mới biết tình hình Lào đang diễn biến hết sức phức tạp. Ngày 2/7/1958, Phủi-xa-na-ni-kon đã đảo chính phế bỏ chính phủ 3 phái do Hoàng thân Phu-ma làm Thủ tướng, ngày 26/7/1959 đã vô cớ bắt Hoàng thân Xu-pha-nu-vông và các nghị sĩ Pathét Lào trong chính phủ Liên hiệp.

Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao đổi gặp gỡ, giao nhiệm vụ cho Phan Dĩnh trở lại Viên Chăn, làm nhiệm vụ lịch sử cùng các đồng chí Lào, giải cứu Hoàng thân Xu-pha-nu-vông thoát khỏi nhà tù Phôn Khênh.

Đáp ứng yêu cầu của Đảng bạn và chấp hành chỉ thị của Quân ủy Trung ương ta, tổ công tác đặc biệt phía Việt Nam được thành lập gồm 9 đồng chí cán bộ của Cục Nghiên cứu cán bộ, Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu do Phan Dĩnh, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng Viên Chăn làm tổ trưởng, đồng chí Trương Văn Quý tổ phó, đồng chí Nguyễn Ngôn phụ trách nhóm đặc công (bao gồm các đồng chí Kiều Thanh Đăng, đồng chí Du và đồng chí Lâu), đồng chí Trần Văn Điển lái xe, đồng chí Nguyễn Văn Vinh báo vụ vô tuyến điện, đồng chí Trần Thanh Khiết cơ yếu.

Chỉ trong một tuần, dưới sự hướng dẫn của Cục trưởng Trần Hiệu, đồng chí Phan Dĩnh đã soạn thảo xong kế hoạch giải cứu.

Sau đó, kế hoạch giải cứu của đồng chí Phan Dĩnh được đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt.

Hôm sau, xe commăngca đưa Phan Dĩnh và tổ công tác đặc biệt qua Mường Xén sang căn cứ nước bạn để gặp đồng chí Cayxỏn phônvihẳn, xin chỉ thị trước khi lên đường.

Trở lại Viên Chăn

Xe commăngca đưa đồng chí Phan Dĩnh - lúc này đã mang một tên Lào là Khăm Sỉnh - vào Ròn, một địa điểm ở Quảng Bình, đường dây A25 - do Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu thiết kế, đưa Khăm Sỉnh vượt Trường Sơn sang Lào thuộc tỉnh Khăm Muộn. Rồi đến một điểm hẹn ở phía nam Thà Khẹt đối diện với đất Thái Lan. Tới đây, mọi hành trang đi rừng đã được bỏ lại. Khăm Sỉnh hóa trang thành một người dân đánh cá bản địa, vượt sông vào 9h đêm. Vậy tính từ lúc ra đi tới khi đặt chân lên đất Thái Lan là vừa đúng 10 ngày, sớm hơn dự tính 3 ngày.

Đêm hôm đó, Khăm Sỉnh đã gặp đồng chí Lê Văn Đại, lãnh đạo Việt kiều toàn Thái. Các đồng chí lãnh đạo Việt kiều toàn Thái đều đã từng làm việc với đồng chí Khăm Sỉnh trước kia, nay gặp lại rất vui trong tình đồng chí nhưng không ai biết về nhiệm vụ đặc biệt bí mật mà Khăm Sỉnh đang thực hiện.

Hôm sau, Khăm Sỉnh đóng vai một thanh niên Thái đi thăm bà con và kiếm việc làm. Đón xe đò đi Sakônnakhon, rồi đến Uđon, từ đó đi tàu hỏa tới Noọng Khai - Ta Bo, tìm đường vào Viên Chăn và đến ở trạm giao liên do Tỉnh ủy Viên Chăn thiết kế là  nhà bà mẹ Lan.

Tại nhà bà mẹ Lan, Khăm Sỉnh chờ tin liên lạc của Tỉnh ủy nhưng vì địch khủng bố trắng các cơ sở tan rã, không liên lạc được. Khăm Sỉnh rời nhà mẹ Lan đến nhà ông Phobôt, một thợ nề làm việc ở sân bay Vattay và là cơ sở mà hồi xưa Khăm Sỉnh đã gây dựng. Tại đây, Khăm Sỉnh đã liên lạc được với Tỉnh ủy Viên Chăn và nhờ mẹ Phăn đưa tin.

Đúng ngày hẹn giao liên Tỉnh ủy Viên Chăn là 2 đồng chí Phòpha và Phòbuasỉ đến đón Khẳm Sỉnh đi Loongtòn, một căn cứ của Tỉnh ủy Viên Chăn.

Một mũi khác do đồng chí Trương Văn Quý, Tổ phó chỉ huy đi theo đường Xiêng. Khoảng sau 1 tháng 7 ngày thì tới Văngmạ - một cơ sở, từ đó đến Loongtòn đi theo đường dây cũ của Tỉnh ủy Viên Chăn và thế là hai mũi - một của Phan Dĩnh (tên Lào là Khăm Sỉnh); một mũi do Trương Văn Quý, Tổ phó chỉ huy đều đã hội nhập tại Loongtòn. Chuẩn bị cho cuộc giải cứu.

Tỉnh ủy Viên Chăn lập ra ban chỉ đạo kế hoạch giải thoát do đồng chí Saly Vông-khăm-sao phụ trách. Phía quân tình nguyện Việt Nam do Phan Dĩnh (Khăm Sỉnh) phụ trách.

Người được Tỉnh ủy Viên Chăn móc nối liên lạc với Xu-pha-nu-vông là viên quản U-đon. Đây là một hiến binh yêu nước, đã từng đi chùa và hoàn tục. U-đon có người em ruột là Chăn-thạ-vi làm Tỳ kheo ở chùa, cũng là một người yêu nước.

Sau nhiều lần Xiêng Xổm và Khăm Sỉnh thử thách, thấy U-đon đã giác ngộ, có thể tin tưởng được. Ngoài ra còn thông qua đường dây liên lạc từ bà Viêng Khăm Xu-pha-nu-vông, ngày đó người con út của ông bà Hoàng thân là Xi-xa-nạ mới có mấy tháng, mỗi lần vào thăm chồng, bà thường giấu thư từ trong tã lót của con.

Tỉnh ủy Viên Chăn móc nối vào trại Phôn-Khênh qua đường dây quản U-đon và Viêng Khăm.

Trong tù, Xu-pha-nu-vông và các đồng chí của ông nhận được tín hiệu rất phấn khích. Nhưng đề phòng có thể đây là một âm mưu của địch, nên phải kiểm tra thông tin mà U-đon đưa vào. Kết quả kiểm tra thấy được đây chính là đường dây của Tỉnh ủy. Thế là đường dây liên lạc qua U-đon được thiết kế để tiến trình cho cuộc vượt ngục.

Ngày 20/5/1960, chúng tổ chức mít tinh ở Thủ đô Viên Chăn do Inpeng Sunhathay cầm đầu hô hào, đòi sớm xét xử và đòi kết án tử hình Hoàng thân Xu-pha-nu-vông cùng các lãnh tụ Neo Lào Hắc Xạt đang bị giam giữ. Được tin này, chi bộ trong tù xin ý kiến Trung ương: "Bao giờ thì nên tổ chức trốn ra?". Trung ương trả lời: "Ra càng sớm càng tốt". Quản U-đon đã được trong tù cử ra gặp bà Khăm-pheng Bu-pha để nhận ý kiến của ban chỉ đạo về kế hoạch giải thoát. Ban chỉ đạo đã đáp ứng đúng đề nghị của chi bộ trong tù quyết định lấy 0h30 ngày 24/5/1960 là thời điểm sẽ vượt ngục. Bởi đêm đó là đúng phiên gác trại giam của tiểu đội U-đon. Các đồng chí trong tù yêu cầu giải thoát ra tất cả cùng một lúc và bên ngoài phải cử một đồng chí vào dẫn đường mang theo 30 ổ bánh mì, 30 tấm nilông đề phòng mưa, đồng thời làm vật mang theo để nhận nhau khi có bất trắc.

Ban chỉ đạo cử đồng chí Xiêng Xổm chiều tối ngày 23/5/1960 lọt vào trong trại giam với sự nội ứng của U-đon để đúng 0h30 ngày hôm sau dẫn đường cho các đồng chí trong tù thoát ra khỏi trại giam.

Từ 18h ngày hôm trước đó, đồng chí Xiêng Xổm đóng vai anh họ của quản U-đon từ quê Tha-khec lên thăm em, đến địa điểm gặp gỡ theo quy ước ở một quán cà phê gần Phôn Khênh, hai người nhận nhau qua những tấm vải mưa và U-đon dẫn Xiêng Xổm qua vọng gác của trại Phôn Khênh:

- Người nhà ở quê lên. U-đon nháy mắt ra hiệu.

Hiểu ý, người hiến binh gật đầu. Thế là lọt vào khu nhà giam một cách dễ dàng. U-đon còn cho chuyển 16 bộ quần áo hiến binh vào trong nhà giam để chuẩn bị cho các đồng chí trong tù thay.

Xiêng Xổm trình bày vắn tắt tình hình bên ngoài, kế hoạch và đường đi cụ thể, sau đó đồng chí Nủ-hắc đưa Xiêng Xổm vào ở tạm trong buồng vệ sinh ở để chờ giờ xuất phát. Hội ý chớp nhoáng trong chi ủy rồi phân công phổ biến kế hoạch hành động trong tất cả mọi đồng chí.

Vào thời gian đó, xung quanh Viên Chăn có nhiều lễ hội Lăm Vông, nhân dân ca hát, nhảy múa suốt đêm, U-đon đã khôn khéo cho phép một tên lính chưa thật tin cậy được đổi phiên để vào bản nhảy múa, đánh bạc qua đêm. Hắn ra đi phấn khởi và tiểu đội cũng nhẹ người. 0h, Đại tá Lăm Ngơn - Chỉ huy trưởng hiến binh theo lệ đến kiểm tra lần cuối trong ngày. Hắn ngó vào từng buồng giam không thấy có hiện tượng gì lạ và trở về nhà riêng. Anh em bắt đầu hành động mau lẹ, thay quần áo hiến binh. Tới 0h30, toàn bộ 16 tù nhân và tiểu đội canh gác xuất phát, chia làm 3 tổ lần lượt đi ra khỏi nhà giam. Mọi người trong lòng đều hồi hộp, vừa sung sướng, vừa lo âu.

Đoàn "tuần tra" ra khỏi khu nhà giam, cứ cách 3 phút một tổ, lặng lẽ vượt qua những bụi chuối xung quanh doanh trại rồi nhanh chóng vượt qua các lớp rào dây thép gai. Hàng rào phía sau này chỉ để ngăn trâu bò vào, nên rất sơ sài rồi băng qua những vạt ruộng để tới đúng khu vực tập kết. Lúc qua cổng, mấy tên lính thiết giáp thấy giữa đêm có đoàn hiến binh đi ra, ngẩng lên nhưng lại nghĩ họ đi tập nên thôi, lại chúi đầu vào đánh bạc.

Đến gò tập kết, U-đon kêu thiếu một người, đó là em ruột U-đon đang tu ở chùa Thạt Luông, chú này xin theo anh ra rừng chiến đấu, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đã chấp nhận. U-đon hẹn đúng 0h có mặt tại gò này mà giờ đã gần 30 phút vẫn chưa thấy, mọi người đều bồn chồn sốt ruột vì nếu không chờ được, cậu ta ở lại và do giận dữ không được đi thì sẽ lộ hết việc. Sau đó khoảng ít phút, xuất hiện một bóng đen, chính là cậu ta. Sở dĩ cậu đến chậm vì phải chờ vị sư trụ trì chùa Thạt Luông (cơ sở của Neo Lào Hắc Xạt) làm lễ phá giới cho cậu ta, xong mới được cởi áo vàng. Cậu gấp chạy ra theo kế hoạch, tuy đến chậm nhưng vẫn kịp.

Đoàn tiếp tục đi đến khoảng 3 giờ sáng gặp một nương rẫy dân mới đốt nên mất dấu vết mà Xiêng Xổm đã chém trên thân cây làm dấu. Khoảng 4 giờ sáng, đoàn mới đến cánh đồng bản Noọng Niêng, trời đổ mưa ngày càng to.

Còn phía trung đội đi bảo vệ đến điểm hẹn đã dàn hàng ngang nằm chờ ở bìa rừng ven đường 13 (cách Viên Chăn 19km) từ nửa đêm đến sáng rõ không thấy động tĩnh gì. Sáng hôm sau, vào nội thành tìm hiểu tình hình được biết là đoàn đã thoát ngục rồi, sáng ra địch mới biết và đang tung quân đi lùng sục các ngả đường số 10 lên Tha Ngòn - Bản Kơn, đường 13 đi Pak-săn và đi Phôn-hông. Ban chỉ đạo nhận định có thể đoàn đã gặp trở ngại gì, bị kẹt giữa đường và có thể đã bí mật ẩn nấp đâu đó để đến tối sẽ đi tiếp. Ban chỉ đạo đã lệnh cho trung đội đi bảo vệ tiếp tục chờ và vẫn mai phục chỗ cũ từ chập tối ngày 25/5/1960.

Trong khi đó, ở nội đô Viên Chăn, địch báo động khắp nơi và cho đi lùng sục khắp vùng phía bắc và đông Viên Chăn để tìm dấu vết, chúng nghi ta dùng ôtô chở những người trong tù đi. Chúng không tìm được tin tức gì vì nhờ trận mưa to trong đêm đã xóa sạch dấu vết của đoàn vượt ngục.

Tối đến, đoàn vượt ngục tiếp tục lên đường, đội đi đón đến phục sẵn chỗ cũ, 21h anh em thấy bóng người vượt qua đường 13 từ ruộng chạy sang vùng rừng thưa cách điểm hẹn khoảng 100m, trung đội trưởng nhận định đó là đoàn của ta đã đi hơi chệch hướng, nên cho anh em đuổi theo những bóng đen đó. Nghe thấy tiếng chân người đuổi theo, tưởng là địch tuần tra nên đồng chí Xiêng Xổm cho đoàn nhanh chóng tản ra trong rừng, còn mình phục lại để kiểm tra và hỏi mật khẩu, đồng chí Khăm Phổn đội trưởng đi đón vừa chạy tới nghe hỏi đã trả lời đúng mật khẩu và nhận ra tiếng của đồng chí Xiêng Xổm.

Thế là hai bên ôm chầm lấy nhau trong đêm tối.

Sau cuộc giải cứu thành công, hai nhân vật chủ chốt của cuộc giải cứu là Phan Dĩnh (tên Lào là Khăm Sỉnh) và Xiêng Xổm (tên thật là Khăm Bang sau là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào). Trở thành hai anh em kết siều (kết siều là phong tục văn hóa đặc sắc chỉ có Lào mới có. Kết siều là hai anh em cùng tuổi, cùng chí hướng).

Sau tháng 4/1975, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân  Lào được thành lập.

Sau ngày thành lập nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng và là Chủ tịch nước. Nhiều đồng chí thoát trong cuộc giải thoát năm đó, sau này giữ các cương vị trọng trách của Lào.

Năm 2009, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Xu-pha-nu-vông và 49 năm sự kiện Phôn-khênh, những anh hùng làm nên sự kiện này đều có mặt. Xiêng Xổm và Đại tá Phan Dĩnh cũng có mặt trong cuộc hội ngộ này

Mai Vũ (Chi hội Điện ảnh CAND)
.
.