Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng

Thứ Ba, 23/12/2008, 14:00

Nhà nghỉ cán bộ lão thành cách mạng Đại Lải sương chiều bàng bạc trải trên cánh rừng thưa, thoảng mùi hương thơm dìu dịu của các loài hoa nở cánh khi chiều về. Những giọt mưa ngâu chảy rì rầm hòa cùng tiếng kể chuyện đều đều của cụ Phí Văn Bái (tức Phan Kỳ Đức)...

Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ nhà cho biết đó là Lê Trọng Tố. Tôi ngờ ngợ đã gặp anh này từ trước ở đâu đó. Sau mới nhớ, anh Tố là một cầu thủ đá bóng giỏi của đội Eclair (Tia chớp) ở vị trí tiền vệ. Anh đá rất hay với những pha lấy bóng rất kỹ thuật, tài cản bóng và khéo léo dắt bóng vào khu vực ít đối phương để đồng đội tung hoành dễ dàng trước khung thành đội bạn.

Anh Trần Ất, một người bạn dạy chữ Quốc ngữ buổi tối với tôi từ năm 1938 ở chùa Hộ Quốc làng Thanh Nhàn cho biết: Anh Lê Trọng Tố là con cụ Đồ Lê, người đã từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Khi phong trào bị đàn áp, cụ về làng Thanh Nhàn mở lớp dạy chữ Nho, anh Trần Ất là trưởng tràng (lớp trưởng).

Năm 1926, cụ Đồ Lê và Nhượng Tống đã tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh mới tạ thế, tại đền Hai Bà Trưng làng Đồng Nhân. Năm sau nổi lên sự kiện bài thơ “Chiêu hồn nước” của Phạm Tất Đắc. Cứ cuối mỗi buổi học, cụ Đồ Lê lại dạy cho học trò của mình học thuộc lòng 10 câu thơ trong bài.

Sau khi biết anh Lê Trọng Tố là con một gia đình yêu nước, tôi nhờ gia đình cơ sở cách mạng đưa báo Cứu Quốc và báo Cờ giải phóng cho anh. Anh Tố rất vui và mong được nhận báo luôn. Mùa đông năm 1943, đồng chí Lưu Đức Hiểu (tức Lưu Quyên), trước là Bí thư Thành ủy Hà Nội, vượt ngục Sơn La về Hà Nội biết chuyện này đã bảo tôi giao việc thử thách anh Tố, nếu kết quả tốt thì kết nạp vào tổ chức Mặt trận. Đầu tiên anh Lê Trọng Tố mua hai tín phiếu của Việt Minh...

Theo chỉ thị của đồng chí Lê Quang Đạo - Bí thư Ban Cán sự Hà Nội - tôi và đồng chí Nguyễn Trí Uẩn chuẩn bị ra một tờ báo: tờ Khởi nghĩa. Qua người em trai của anh Lê Trọng Tố là Lê Quý Giả (sau Cách mạng tháng Tám 1945 đổi tên là Trịnh Quý Đông, làm Bí thư Tỉnh ủy Đảng Dân chủ tỉnh Hưng Yên, Đại biểu Quốc hội khóa I) - một thanh niên Cứu quốc trong tổ do anh Nguyễn Trí Uẩn phụ trách - vận động anh Tố nhận để cơ sở in bí mật tại nhà anh ở phía ngoài đê sông Hồng giữa những hàng cây um tùm kín đáo, xung quanh toàn người lao động đi làm suốt ngày. Không chỉ riêng anh mà cả chị vợ là Nguyễn Thị Mùi (tức Nguyễn Thị Minh Sơn) nhận lời và người em trai chị cùng tham gia, về sau là Thượng tướng Lê Ngọc Hiền. Anh chị còn nuôi hai người làm việc trong nhà in và bảo vệ chu đáo. Bây giờ nhắc lại thấy đơn giản, nhưng lúc ấy, dưới quyền thực dân Pháp, đó là công việc nguy hiểm vô cùng. Nếu không phải gia đình có nhiệt tình với cách mạng thì anh em hoạt động gặp rất nhiều khó khăn.

Việc thử thách đã có kết quả tốt, tôi và ông Nguyễn Trí Uẩn báo cáo lên ông Lê Quang Đạo - Bí thư, và ông Vũ Quý - Ủy viên Ban Cán sự Đảng Hà Nội (Khi ông Lê Quang Đạo đi công tác xuống Hải Phòng, ông Vũ Quý làm Quyền Bí thư). Hai ông Lê Quang Đạo và Vũ Quý quyết định đồng ý kết nạp Lê Trọng Tố vào Mặt trận Việt Minh...

Anh Nguyễn Thế Cát là người gặp anh Tố nói chuyện trực tiếp về Mặt trận. Vì anh Lê Trọng Tố là quân nhân nên đi đâu cũng thu hút sự chú ý của mọi người. Tôi và anh Nguyễn Trí Uẩn suy nghĩ nhiều, cuối cùng đi đến thống nhất: mời anh Tố đến nhà hát cô đầu ở phố Khâm Thiên, tuyên bố công nhận Lê Trọng Tố gia nhập Mặt trận Việt Minh. Sau đó đề nghị đồng chí Vũ Quý chuyển anh Tố vào hoạt động trong tổ chức Binh sĩ Cứu quốc.

Sau Cách mạng tháng Tám, mỗi người được Đảng phân công công tác một nơi khác nhau. Tôi được cử làm Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Ninh Bình, rồi được điều động lên Cục Địch vận – Tổng cục Chính trị. Ông Lê Trọng Tố đổi tên thành Lê Trọng Tấn tham gia quân đội, làm Trung đoàn trưởng E209 (Sông Lô), rồi Tư lệnh Đại đoàn 312.

Đầu những năm 60, một hôm tôi ở trong ngõ nhà anh Giang Đức Tuệ đi ra phố Lý Nam Đế - cụ Phí Văn Bái kể tiếp - một chiếc xe ôtô lướt qua rồi dừng lại. Cửa xe mở ra, một vị đeo quân hàm cấp tướng mời tôi lên xe: anh Lê Trọng Tấn. Anh đưa tôi về nhà anh ở 36C Lý Nam Đế. Sau khi nhờ đồng chí bảo vệ đưa tôi vào phòng khách, còn mình đi cất tài liệu và rửa mặt, anh trở ra ôm tôi rất lâu. Anh hỏi từng anh em cùng hoạt động trước ngày Nhật đảo chính Pháp. Riêng tôi, anh nói nhỏ: “Anh Bái trong chỉnh quân, chỉnh huấn, cải cách ruộng đất có làm sao không?”.

Anh dẫn tôi xuống nhà dưới thăm chị đang ốm. Anh hỏi chị: “Bà có nhớ ai đây   không?”. Chị Nguyễn Thị Mùi (tức Nguyễn Thị Minh Sơn) nắm tay tôi, mỉm cười, khẽ nói: “Anh Phí Văn Bái cùng anh Văn Cao xuống nhà ta nhiều lần”. Khi tiễn tôi về, trước khi ra cổng, anh nhờ tôi hỏi thăm từng người và hẹn một ngày gần sẽ gặp nhau đầy đủ.

Lúc chia tay ra về, anh Lê Trọng Tấn hẹn sau khi về già, đất nước thống nhất hòa bình, nghỉ hưu, có thời gian rảnh rỗi chúng tôi sẽ gặp nhau cùng tâm sự những nỗi truân chuyên đã trải qua. Tiếc thay anh mất đột ngột trên cương vị công tác, công việc còn dang dở, ước mong của anh chưa vẹn tròn...

Cụ Phí Văn Bái trầm ngâm, một thoáng im lặng bao phủ khắp căn phòng: “Chúng tôi rất tự hào về anh Lê Trọng Tấn, một vị chỉ huy quân sự  tài ba trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, một con người luôn được nhân dân quý mến, kính trọng và cảm phục. Mọi người nhớ anh là Đại tướng Lê Trọng Tấn, còn tôi luôn nhớ anh là một đồng chí có tình cảm chân thành với bạn bè, đồng đội”

Kiều Mai Sơn (ghi)
.
.