Đại tướng Võ Nguyễn Giáp: Con người huyền thoại

Thứ Năm, 10/10/2013, 17:10

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam qua đời lúc 18 giờ 09 ngày 4/10 tại Viện Quân y 108 (Hà Nội) khi ông vừa bước sang tuổi 103. Những ngày qua, không chỉ các trang nhất của tất cả các tờ báo trong nước mà trên hàng trăm tờ báo lớn nước ngoài đều viết về ông, một huyền thoại sống đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam và thế giới. Tên tuổi và hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được ghi lại như là một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất. NXB Thames & Huson chọn ông là 1 trong 59 nhân vật danh tiếng nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh của thế giới trong 2.500 năm qua.

Ông như một đỉnh núi cao vời vợi là thế, nhưng trong đời thường, ông vẫn được gọi là "anh Văn" giản dị, thân yêu của những thế hệ người Việt Nam, là người chồng, người cha mẫu mực, là điểm tựa của niềm tin, của một sức mạnh tinh thần không lùi bước trước khó khăn, gian khổ…

Không chỉ hàng chục nghìn người khắp đất nước tìm đến số nhà 30 Hoàng Diệu chờ đợi được đến lượt mình thắp nén tâm nhang kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà căn nhà nhỏ của vợ chồng Trung tướng Phạm Hồng Cư và PGS Đặng Thị Hạnh, em gái bà Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp những ngày này cũng bận rộn đón khách hoặc trả lời điện thoại liên miên. Nhiều nhà báo tìm đến hỏi han, nhiều bạn bè, đồng đội tìm về như thể dựa vào nhau để vượt qua nỗi mất mát không dễ gì nguôi ngoai trước sự ra đi của vị tướng tài ba.

Gương mặt đượm buồn, PGS Đặng Thị Hạnh kể lại: "Từ lúc đến bệnh viện tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp lần cuối cùng trở về nhà, chị Hà tôi ngủ rất ít, cứ tỉnh dậy lại khóc ròng vì nhớ thương chồng. Sáng 5/10, tôi đến thăm chị, chị nói trong nước mắt: "Anh Văn mất rồi, dẫu biết sinh ly tử biệt nhưng sao chị thấy đau khổ quá, buồn quá. Cuộc đời là thế đấy, vừa dài vừa ngắn!".

PGS Đặng Thị Hạnh trân trọng những ký ức cũ: "Tôi gặp anh Văn ít lâu trước khi anh vào bệnh viện. Anh ngồi trong phòng, anh vừa tập thiền xong, mặt anh thanh thản một cách lạ thường, đôi mắt nâu và to vẫn trong suốt. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt ấy tất cả những gì mà anh đã trải qua trong cuộc đời: những trận đánh, những quyết định khó khăn, nỗi thương xót đồng đội...; còn vinh quang, tôi có cảm giác là anh đã đặt nó ở đâu đấy trong phòng, tôi không biết nữa. Một tâm hồn đủ rộng để dành tất cả cho dân cho nước; (cho đến gần đây, anh cũng đã làm mọi điều anh có thể); nhưng trong tình cảm lại không bỏ sót một ai, anh không bao giờ quên một đứa cháu nhỏ ở xa trong một ngôi làng hẻo lánh. Còn đối với chị tôi, đó là mối tình êm ả và đẹp nhất mà tôi được biết.

Hôm vừa rồi, đứa cháu gái của tôi nói với tôi: cách đây dăm bảy năm, có một lần mẹ nó đến dẫn bà Hà đi cắt tóc. Lúc bà ra đi, ông hỏi: "Mấy giờ Hà về?". Bà Hà trả lời: "Hà sẽ về muộn, anh ăn cơm trước đi". Ông đặt tay lên tay bà và nói rằng: "Anh sẽ đợi". Một mối tình qua bao năm tháng vẫn nguyên vẹn như thời ở Liễu Trang. Tháng 12/2006, chị em chúng tôi mang hoa đến chúc mừng ngày hôn lễ kim cương của anh chị. Anh Văn nói: "Đối với anh, ngày nào cũng là ngày hôn lễ kim cương".

Trung tướng Phạm Hồng Cư, người em rể và cũng là người đồng đội của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại lần cuối cùng ông gặp Đại tướng: "Đối với tôi, một cựu chiến binh, thì sự ra đi của Đại tướng là một nỗi bàng hoàng, đau khổ tột độ. Bởi vì, nếu không có sự thay đổi chiến thuật của ông trong trận đánh Điện Biên năm ấy, thì chúng tôi có lẽ đã nằm lại chiến trường chứ không thể có ngày hôm nay. Ông không chỉ là người anh cả của lực lượng vũ trang, mà còn là người anh cả đáng kính trong gia đình, là niềm tự hào và điểm tựa tinh thần vững chắc.

Tôi đã thực hiện lời hứa với ông viết cuốn "Tuổi trẻ Võ Nguyên Giáp", tập 1 đã được phát hành và may mắn đã có bút tích của Đại tướng, tập 2 tôi vừa hoàn thành trong những ngày Đại tướng bị bạo bệnh và đã được chị Bích Hà thông qua, sẽ được NXB Thế giới in trong thời gian tới với phần dịch tiếng Anh của bà Lady Borton.

Tôi nhớ lần cuối cùng tôi vào viện thăm Đại tướng, dù đã bị mở khí quản song tôi vẫn nghe thấy ông hỏi: "Đi đâu mà mặc quân phục?". Tôi trả lời: "Dạ em đi hội thảo khoa học anh ạ!". Ông nắm tay tôi rất chặt, gật gật đầu đồng ý. Khi tôi chào ông về, ông giơ ngón tay ra ám hiệu, ghi trong không khí, mà theo tôi hiểu là ông ghi chữ "VIẾT", ý của Đại tướng có lẽ muốn tôi sẽ thực hiện viết tiếp cuốn sách còn đang dang dở. Và giờ đây, trước anh linh Đại tướng, tôi mong ông yên nghỉ vì những gì đã hứa, chúng tôi, những người ở lại đã và sẽ hoàn thành trọn vẹn, chu đáo".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Đặng Bích Hà (năm 1958).

PGS Đặng Anh Đào, người em thứ 3 của bà Đặng Bích Hà thì không ngăn nổi dòng nước mắt khi nhắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ngày ông ra đi cũng là ngày bà sắp phải làm lễ 49 ngày cho người chồng yêu quý của mình, Trung tướng Phạm Hồng Sơn: "Từ hai năm nay, anh Văn đã sống xa mọi âm thanh và cuồng nộ, nhiều khi nhìn chị Hà, tôi cũng thấy chị đã có một vẻ thanh thản và xa vắng, dường như chị cũng đã có một thế giới riêng và ít nói hẳn. Điều ấy trái với tính cách của chị, vốn là người sôi nổi và hay nói. Thế nhưng có một lần, khi chị Hạnh hỏi chị Hà: “Ý nghĩa hạnh phúc lớn nhất của đời chị là gì?" thì tôi thấy chị đáp lại ngay lập tức: "Là chị đã có anh Văn".

Qua bao nhiêu năm, chúng tôi không chú ý đến ngày cưới dẫu là vàng hay bạc của anh chị. Nhưng vào ngày 27/11/2011, tự nhiên lại rủ nhau đến ăn một cái bánh ga-tô có 65 bông hồng màu hồng bằng kem ở trên. Bệnh viện không cho phép mang hoa tươi vào phòng anh, chỉ có những bông hoa thắt bằng lụa. Vẻ mặt chị Hà thật vui và thanh thản.

Tự nhiên chị kể: "Câu tỏ tình đầu tiên của anh Văn với chị là: - Anh sẽ cưới Hà bằng một đĩa xôi và một con gà. Anh nói thế vào một lần đèo xe đạp cho chị đi chơi lung tung khi đến Septo (Sân vận động Hàng Đẫy), nơi anh Giáp tập võ. Khi đó anh đã có vị hôn thê là chị Quang Thái. Lúc ấy chị Hà mới 8 tuổi, anh thân với ba tôi, giáo sư Đặng Thai Mai, nên coi chị em tôi như người một nhà, tưởng là nói đùa cho vui, ai dè như là một định mệnh mà số phận đã sắp đặt, điều đó cuối cùng cũng xảy ra. Khi anh chị lấy nhau rồi, anh Văn, theo thói quen cũ vẫn gọi ba tôi là anh, mãi khi chị Hà sinh cháu Hòa Bình, anh mới gọi ông thay cho con.

Trong số các con mình, tôi có cảm giác anh Văn dành tình cảm đặc biệt cho người con gái đầu, tiến sĩ Võ Hồng Anh, con gái của anh và người vợ đã hy sinh, liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (em gái liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai). Có lẽ anh thương Hồng Anh mất mẹ khi còn quá nhỏ, bố thì lại biền biệt đi xa.

TS Võ Hồng Anh, trong bài phỏng vấn của báo chí trước khi qua đời cũng từng chia sẻ: "Khi Ba tôi chia tay hai mẹ con để sang Trung Quốc thì tôi còn quá bé, chưa biết gì. Người đầu tiên gợi lại hình ảnh người cha trong tôi là bà nội. Điều bà nói nhiều nhất về Ba với tôi là: Từ lúc Ba tôi còn bé cho đến lúc đi hoạt động cách mạng, bà luôn tin những điều Ba tôi làm… Vì thế trong suốt thời gian xa cách, tôi đã luôn nghĩ về Ba với niềm tự hào thơ trẻ và tình cảm tin yêu gần gũi".

Tôi vẫn nhớ, vào tháng 10/2010, khi tôi đang ở Pháp, đột nhiên các con tôi báo sang cho tôi biết tin dữ mà tôi không thể tưởng tượng được: Hồng Anh ốm nặng và đã mất. Sau này, về nước, tôi được biết rằng, đúng vào thời gian anh Giáp nằm viện, Hồng Anh cũng vào chữa bệnh, thăm cha, nhưng được về nhà dùng thuốc. Có ngờ đâu vì một chút chủ quan… Sợ anh Giáp bị sốc, tới hôm đưa tang con gái cưng, mọi người chỉ dám nói với anh rằng Hồng Anh ốm rất nặng. Đang nằm ốm liệt giường, anh bật dậy, hét to: "Có phải nó chết rồi không?". Kể từ đó anh cũng không thể trở dậy để đi viếng mộ con, và đã không thể về nhà".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ sống mãi trong lòng những người dân.

Đại tá Nguyễn Huyên, người đã có hơn 40 năm làm trợ lý thân cận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi được hỏi về đời thường của Đại tướng, đã cho biết: Từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được coi là một trong những danh tướng hàng đầu thế giới nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là người rất dung dị, đời thường. Đằng sau ánh hào quang của chiến trận oai hùng, người ta vẫn gặp một "anh Văn" rất thương vợ, yêu con. Ông chưa bao giờ thấy Đại tướng cáu bẳn hay to tiếng với vợ con. Mỗi lần có chuyện gì không hài lòng, Đại tướng thường rất nhỏ nhẹ nhắc nhở.

Theo Đại tá Nguyễn Huyên, Đại tướng cũng là người hết mực yêu thương vợ con. Tuy một tay bà Hà chăm sóc các con nhưng ông vẫn là người luôn định hướng, nhắc nhở các con. Đại tá Nguyễn Huyên cũng kể khá nhiều về sở thích của Đại tướng. Ông sống khá giản dị và có thói quen ăn uống không cầu kỳ. Món mà Đại tướng thường xuyên ăn nhất là thịt kho trứng. Ông cũng thích nhiều món ăn có xuất xứ từ quê hương Quảng Bình như bánh đa xúc hến, sò huyết nướng và bánh bèo. Đây là những món mà lần nào về quê ông cũng ăn.

Loài hoa mà Đại tướng yêu thích là hoa phong lan, vì thế, ông tự tay trồng, chăm bón những giò phong lan trong vườn nhà, đến hôm nay, hàng trăm giò phong lan vẫn tốt tươi mơn mởn. Chỉ tiếc rằng, chủ nhân của những giò lan ấy giờ không còn có thể trực tiếp hàng ngày chăm sóc, tưới tắm và ngóng đợi từng bông hoa bừng nở nữa.

Giờ đây, sau tất cả những thăng trầm của đời sống chiến tranh gian khổ, sau tất cả những chiến công vẻ vang một thời lừng lẫy của người anh cả của lực lượng vũ trang Việt Nam, Đại tướng sẽ yên giấc ngàn thu ở quê hương yêu dấu của ông, tại Vũng Chùa - Đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch), Quảng Bình.

Anh Võ Hồng Nam, người con trai út của Đại tướng nói trong nước mắt: "Ba tôi như người đã đi hết quãng đường, như ngọn đèn đã cạn dầu để rồi ra đi một cách nhẹ nhàng. Bên cạnh ông những giây phút cuối có đầy đủ con, cháu và những người thân cận nhất".

Tôi thì tin rằng, ở đâu đó trên bầu trời cao xanh vời vợi kia, ông đang mỉm cười nhìn xuống trần gian, nhìn xuống đầy mãn nguyện và thanh thản. Xin Đại tướng hãy yên nghỉ, ông sẽ sống mãi trong lòng Tổ quốc, trong lòng những dòng người đang nối chân nhau dài hàng cây số để đến viếng anh linh ông lần cuối như đến với niềm tin, ý chí và lòng tự hào của một dân tộc đã vượt qua tất cả mọi gian nguy để làm nên lịch sử… như trong bài thơ "Vĩ nhân" nhà thơ Hồng Thanh Quang đã viết: "Vĩ nhân khi phải ra đi/ Sau lưng để lại những gì yêu thương/ Để đau nhưng chẳng u buồn/ Để nước mắt cũng sáng phương mặt trời.../ Hồng tang may một kiếp người/ Thênh thang nhẹ bước đẹp đời chúng sinh/ Vĩ nhân sống chẳng riêng mình/ Thác về, ghép nối nhân tình trước sau...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.