Danh tướng Mỹ trên đất nước Mặt trời mọc: Người lính già quay về

Thứ Bảy, 14/10/2017, 10:07
Giữa lúc lòng căm thù phát xít Đức và quân phiệt Nhật vẫn còn đang dâng tràn khắp nơi, sự khoan dung của MacArthur đối với kẻ thù vừa buông súng quy hàng - sâu xa hơn là để đạt được mục tiêu biến nước Nhật thành một "Thụy Sĩ ở Viễn Đông" - đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ các nước Đồng minh, ngay trong chính giới Mỹ, Anh, nhất là từ phía Liên Xô.

Ngoại trưởng Liên Xô Molotov và Trung tướng Derevyanko - trưởng đoàn Liên Xô tại Hội đồng Đồng minh về Nhật - nhiều lần cáo giác rằng, chính sách chiếm đóng thiên về tạo dựng những giá trị dân chủ của Tướng MacArthur sẽ khiến "chủ nghĩa quân phiệt Nhật dễ dàng phục hồi" và đòi Tổng thống Mỹ phải cách chức vị tướng này. Tuy nhiên, do Tổng thống Truman phớt lờ yêu cầu nên MacArthur ung dung thực hiện các kế hoạch của mình.

Từ mùa thu năm 1947, Chính phủ Mỹ nhận thấy đã đến lúc có thể trao trả lại chủ quyền cho Nhật Bản để thiết lập mối quan hệ tốt với nước này nên đã quyết định xúc tiến việc ký hòa ước với Nhật.

Ngày 12-8, Mỹ chính thức gửi công hàm cho Liên Xô và các nước Đồng minh khác về vấn đề này, trong đó thông báo một số nội dung cho bản hòa ước sẽ được ký với Nhật trong tương lai (phi quân sự hóa Nhật Bản trong 25 năm, bồi thường chiến tranh cho các nước Đồng minh theo kế hoạch do Mỹ gợi ý)…

Tướng Douglas MacArthur trong phiên điều trần trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ: "Tôi đang khép cánh cửa một đời 52 năm theo binh nghiệp…".

Vì Nhật không được hưởng chương trình viện trợ Marshall như một số nước Châu Âu, Thống tướng MacArthur kêu gọi chính phủ Mỹ thực hiện một hiệp ước bình đẳng để giúp Nhật Bản phát triển kinh tế như với các quốc gia khác. Từ lúc này, trên chính trường Mỹ bắt đầu vang lên những lời công kích cho rằng, MacArthur đã quên mình là một vị tướng mà cho mình là một nhà kỹ trị.

Ngày 25-6-1950, chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Quân Đại Hàn tháo chạy xuống Pusan, thị trấn cực Nam của đất nước, Thống tướng MacArthur một lần nữa được cử làm Tư lệnh tối cao quân đội các nước Liên Hiệp Quốc (chủ yếu là quân Mỹ) nghênh chiến với Bắc Triều Tiên.

MacArthur không tính ngay đến việc bằng mọi giá phải đẩy lui quân Triều Tiên trở lại vĩ tuyến 38 vì điều này có thể khiến quân Mỹ phải tổn thất ít nhất trên trăm ngàn quân, nên ông nghĩ ra một chiến thuật táo bạo: bỏ mặt trận phía Nam, đánh tập hậu quân Triều Tiên ở hải cảng Inchon gần vĩ tuyến 38, cách Seoul 20 dặm về hướng Tây Nam và cách Pusan 130 dặm nhằm cắt đứt nguồn tiếp vận lương thực, vũ khí và binh lính.

Ông gửi kế hoạch này về Bộ Tổng tham mưu Liên quân, yêu cầu tăng viện một sư đoàn Thủy quân lục chiến. Bộ Tổng tham mưu không tin tưởng vào kế hoạch táo bạo này nên cử một phái đoàn gồm 3 tướng tư lệnh hải, lục, không quân đến gặp MacArthur để trình bày những điểm bất lợi về địa thế, thời tiết và tiếp vận mà nguyên tắc chiến thuật không cho phép.

MacArthur bình tĩnh trả lời từng câu hỏi chất vấn và đánh tan mọi sự hồ nghi của ban tham mưu bằng lời cam kết: "Ðây là một ván cờ khó khăn, 1 đối đầu với 5.000, nhưng tôi chấp nhận. Nếu như thất bại, tôi xin chịu mọi trách nhiệm, lúc đấy quý vị không mất gì cả, còn danh tiếng của tôi sẽ bị chôn vùi. Tôi chỉ xin quý vị đồng ý cấp cho tôi một sư đoàn thủy quân lục chiến".

Ðến ngày 15-9-1950, Thống tướng MacArthur đứng trên chiến hạm tiến về hải cảng Inchon. Bờ biển Inchon bình thường rất cạn, nước triều mỗi ngày lên xuống 2 lần là những lúc tàu có thể vào bờ. Khi cơn triều thứ nhất dâng lên vào lúc 8 giờ sáng, một đơn vị thủy quân lục chiến chiếm được hòn đảo nhỏ gần hải cảng Inchon. Khi đợt thủy triều tiếp lên cách 8 giờ sau, thì cả sư đoàn trên các tàu đổ bộ đã nhanh chóng tiến vào bờ và cũng không gặp phải sự kháng cự đáng kể nào.

Trong phòng lưu niệm Thống tướng Douglas MacArthur: Tượng bán thân, chiếc bàn làm việc không ngăn kéo và ghế da sờn cũ.

Bị tấn công bất ngờ, Triều Tiên phải thu quân trở lại vĩ tuyến 38. Chiến thắng này của tướng MacArthur đối với nhiều người được xem là chiến công hiển hách, nhưng cũng có không ít nhà quân sự cho rằng, chẳng có gì đáng phải ngợi ca, nếu không muốn nói là từ đây, bản chất kiêu mạn của ông đã bộc lộ.

Vạch ra "sự tầm thường" của MacArthur, họ nhắc nhở rằng, khi ấy hải cảng Inchon chỉ có một đơn vị nhỏ của quân Triều Tiên bảo vệ. Phần lớn quân đội nước này đang chiến đấu với lực lượng của Liên Hiệp Quốc quanh Pusan, điều đó có nghĩa là chỉ có một vị tướng kém cỏi mới có thể thất bại trong việc chiếm Inchon.

Ngày 27-9-1950, tướng MacArthur nhận được văn bản mật của Tổng thống Harry Truman nhắc nhở ông "thận trọng với các hoạt động quân sự trên bộ qua bên kia vĩ tuyến 38". Các hoạt động vượt qua vĩ tuyến 38 chỉ được phép khi không có dấu hiệu về sự can thiệp của Trung Quốc hoặc Liên Xô.

Ngày 30-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ George Marshall gửi thông điệp cho tướng MacArthur ám chỉ rằng: "Chúng tôi muốn ngài cảm thấy không bị cản trở về chiến thuật, chiến dịch để tiến lên phía bắc vĩ tuyến 38".

Đầu tháng 10-1950, các lực lượng Liên Hiệp Quốc vượt qua biên giới tiến vào Triều Tiên. Quân đoàn 10 của Mỹ đổ bộ lên Wonsan và Iwon, hai nơi quân Đại Hàn đã tấn công chiếm được trước đó. Các lực lượng còn lại của Mỹ sát cánh với quân Đại Hàn tiến quân theo phía bờ tây của Triều Tiên, chiếm được Bình Nhưỡng ngày 19-10 và đến cuối tháng, 135.000 binh lính Triều Tiên đã bị quân Liên Hiệp Quốc bắt làm tù binh.

MacArthur dường như không quan tâm đến những lời cảnh báo từ trước vì ông cho rằng, Bắc Kinh sẽ không can thiệp. Vả lại, tướng MacArthur thấy rằng, cần phải mở rộng chiến tranh Triều Tiên vào Trung Quốc để tiêu diệt các kho vũ khí cung cấp cho Triều Tiên. Tổng thống Truman kịch liệt phản đối điều này.

Theo dõi tình hình chiến sự, qua các nhà ngoại giao trung gian, Trung Quốc bắn tiếng cảnh cáo các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ rằng, họ sẽ can thiệp để "bảo vệ nền an ninh quốc gia". Từ ngày 8-10-1950, một ngày sau khi quân đội Liên Hiệp Quốc vượt vĩ tuyến 38, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã phát lệnh tập kết Chí nguyện quân Nhân dân Trung Quốc.

Ngày 19-10, Bình Nhưỡng thất thủ, lực lượng Liên Hiệp Quốc tấn công tới Chosan trên sông Áp Lục, biên giới giữa Triều Tiên với Mãn Châu của Trung Quốc. Chạng vạng tối đúng ngày này, trong cơn mưa lạnh, 3 quân đoàn và 3 sư đoàn pháo binh Quân Chí nguyện nhân dân Trung Quốc lần lượt vượt sông Áp Lục bí mật tiến vào Triều Tiên. 

Ngày 25-10, đối mặt với quân đội Trung Quốc, quân Liên Hiệp Quốc ngỡ như đối mặt với 270.000 quân "Thiên binh" dưới quyền của tướng Bành Đức Hoài. Từ đây, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch phản công.

Quyết định của Trung Quốc đã làm thay đổi thái độ của Liên Xô. 12 ngày sau khi Trung Quốc tham chiến, Moscow cho phép không quân hỗ trợ trên không, chi viện hỏa lực cho quân đội Trung Quốc. Tức giận trước việc Trung Quốc và giờ đây cả Liên Xô cũng tham chiến, MacArthur lớn tiếng vận động mở rộng chiến tranh, liên tục yêu cầu triển khai chiến dịch không kích các mục tiêu quân sự tại Trung Quốc. Thất bại liên tiếp của quân Liên Hiệp Quốc càng khiến người ta thêm hồ nghi những lời kêu gọi của ông, thậm chí vị thống tướng còn muốn Tổng thống Truman chuyển cho mình… bom nguyên tử.

Ý định của MacArthur là sẽ thả các quả bom nguyên tử xuống khu vực Mãn Châu và từ biển Nhật Bản đến Hoàng Hải, tạo ra vành đai bức xạ hạt nhân để ngăn ngừa các cuộc tấn công từ miền Bắc, làm gián đoạn tuyến hậu cần của quân đội Trung Quốc và Liên Xô cho quân dân Triều Tiên.

Lo sợ thái độ quá khích của tướng MacArthur có thể châm ngòi Thế chiến thứ ba, ngày 11-4-1951, Tổng thống Truman ra thông báo phế chức Tư lệnh liên quân của MacArthur vì thách thức mệnh lệnh của tổng thống cũng là Tổng Tư lệnh quân đội. Tướng Matthew Ridgway, Tư lệnh Sư đoàn lính dù 82 trong Thế chiến thứ II được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy lực lượng Liên Hiệp Quốc. Sự kiện này chỉ được thông báo cho một số quan chức cấp cao người Nhật biết.

Nhưng sáng  ngày 15-4, khi MacArthur vừa ngồi lên ôtô ra sân bay quay về Mỹ thì nhận được tin đích thân Thiên hoàng Hirohito và Thủ tướng Yoshida đến văn phòng tiễn chân vị "Shogun" (sứ quân) mà họ vô cùng cảm phục. Trên suốt hai bên con đường dẫn đến sân bay Atsugi, hàng trăm ngàn người Nhật Bản cũng đứng chờ để vẫy chào tạm biệt Thống tướng Douglas MacArthur, tay họ giơ cao những tấm biểu ngữ ghi dòng chữ "Chúng tôi thương mến và cảm ơn ông" và khi đoàn xe đi qua, đám đông hô vang "Sayonara! Sayonara!".

Lần xuất hiện cuối cùng trước công chúng của tướng Douglas MacArthur là lần ông ra điều trần trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ. Bài phát biểu của ông bị gián đoạn hàng chục lần vì những tràng vỗ tay đến nỗi, lãnh đạo phiên điều trần hôm ấy là Thượng nghị sĩ Joe Martin phải thốt lên: "Trong suốt gần 50 năm nghị trường, tôi chưa từng thấy có chính khách nào được hoan nghênh nồng nhiệt như vậy".

MacArthur kết thúc bài phát biểu của mình bằng đoạn: "Tôi vẫn còn nhớ điệp khúc một bài ca quen thuộc nhất thời chúng tôi phục vụ trong quân ngũ, bài ca được hát một cách kiêu hùng: "Người lính già không bao giờ chết, chỉ tan biến vào hư không". Và giống như người lính già của câu hát đó, tôi đang khép cánh cửa một đời 52 năm theo binh nghiệp, và người lính già đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Chào tạm biệt mọi người!".

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1952, nhiều người đoán chắc, với uy tín to lớn trên chính trường và sự nghiệp quân sự lẫy lừng, Douglas MacArthur sẽ ra tranh cử, tuy nhiên sau này trong hồi ký Reminiscences, MacArthur luôn nói rằng, ông không có những tham vọng về chính trị. MacArthur trở thành lãnh đạo của Công ty chế tạo máy Remington Rand và trải qua phần còn lại của cuộc đời mình tại New York.

Năm 1962, khi xảy ra vụ khủng hoảng Vịnh Con lợn, Tổng thống John F. Kennedy đã có cuộc hội kiến với MacArthur. Vị danh tướng năm nào đã chỉ trích gay gắt bước đi liều lĩnh của Lầu Năm Góc cùng ban cố vấn quân sự cho Kennedy. MacArthur cũng nhắc nhở vị tổng thống trẻ nên tránh một cuộc gia tăng quân sự của Hoa Kỳ tại Việt Nam, chỉ rõ rằng nên ưu tiên hơn các vấn đề của nội tại nước Mỹ.

Ông mất ngày 5-4-1964 tại bệnh viện Quân y Walter Reed ở tuổi 84 vì bệnh xơ gan. Ngày 7-4, linh cữu vị danh tướng được chuyển đến đồi Capitol ở Washington trong nghi thức quốc tang với sự tham dự của hơn 150.000 người và được an táng tại khu tưởng niệm Douglas MacArthur ở Norfolk, bang Virginia.

1 năm sau, chính phủ Nhật tặng cho thủ đô Washington DC 3.800 cây anh đào trồng phủ kín xung quanh bờ hồ Tidal Basin, để hàng năm vào cuối tháng 3, hai thủ đô Tokyo và thủ đô Washington cùng bước vào mùa hoa anh đào, hàng triệu người đổ về, rạng rỡ đi dưới những tán hoa tươi thắm xóa đi nỗi đau chiến tranh tàn khốc giữa hai dân tộc Nhật-Mỹ.

Năm 2012, văn phòng của tướng McArthur tọa lạc trên tầng 6 tòa nhà Công ty bảo hiểm Dai-Ichi Life ở thủ đô Tokyo được mở cửa cho công chúng tham quan (Dai-Ichi Life đã bỏ trống căn phòng khi MacArthur dọn tới và tiếp tục giữ nguyên trạng như thế khi ông rời đi).

Căn phòng hiện vẫn còn nguyên chiếc bàn không có ngăn kéo vì theo những người thân cận kể lại, MacArthur bỏ ngăn kéo đi để giấy tờ không bị tồn đọng, và chiếc ghế bành bọc da đã cũ sờn, nơi MacArthur từng ngồi làm việc với cương vị Tư lệnh tối cao Tổng lực lượng Đồng minh tại Nhật Bản.

Chính từ nơi đây, ông phóng tầm mắt nhìn ra hoàng cung tráng lệ, ra lệnh viết lại hiến pháp Nhật Bản rồi ung dung rít tẩu thuốc, bình thản dõi theo với niềm tin vững chắc rằng, đất nước Mặt trời mọc sẽ mạnh mẽ vươn lên từ tro tàn của Thế chiến thứ II…

Quang Hiếu (lược dịnh từ quyển 'Hồi tưởng' - Reminiscences - của Douglas MacArthur)
.
.