Di tích Đấu trường Hoàng cung: Đang từng ngày hoang phế

Thứ Tư, 28/12/2011, 13:30

Sử cũ chép lại rằng: Trận đấu cuối cùng tại Hổ Quyền diễn ra vào năm 1904, dưới thời Vua Thành Thái như sau: "Hôm đó, một con voi cái hiên ngang đi vào trường đấu, con voi cất tiếng rống to. Nhìn thần thái con vật, nhà vua buông lời: "Con voi này can đảm lắm".

Những trận thư hùng trong hổ quyền

Đối với các nhà nghiên cứu sử học nói chung, các nhà nghiên cứu Huế nói riêng và những người có trách nhiệm với Huế, Hổ Quyền - một đấu trường của hoàng cung (les Arenes Royales) có chỗ đứng hết sức quan trọng trong quần thể di tích Huế. Có người đã ví von rằng: Ngoài đấu trường giác đấu nổi tiếng thời La Mã cổ đại như Coloseum, không đâu tìm được một đấu trường quy mô như Hổ Quyền.

Hổ Quyền là một đấu trường giữa voi và cọp được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830) dưới triều Vua Minh Mạng. Vị trí ở gần đồi Long Thọ, thuộc thôn Trường Đá, làng Nguyệt Biều, xã Thủy Biều, Tp Huế (Thừa Thiên - Huế), cách kinh thành 4 km về phía tây nam. Hổ Quyền vừa là chỗ vua quan nhà Nguyễn giải trí đồng thời cũng là nơi luyện tập cho voi quen với không khí chiến đấu lúc lâm trận.   

Dưới thời Vua Gia Long (1802-1819), các trận thư hùng giữa voi và cọp được tổ chức ngay trên dải đất trống trước mặt Kinh thành. Đấu trường không có phòng thành, nhà vua bắt lính đứng vây quanh thành một vòng tròn để làm hàng rào cho đấu trường hết sức nguy hiểm. Một người được xem cuộc thư hùng ấy là ông Michel Đức Chaingeau.

Về sau viết cuốn hồi ký Hoài niệm Huế (Souvenirs de Huế), ông đã thuật lại một kỷ niệm hết sức rùng rợn: Trong trận đấu hôm ấy, mặc dù con cọp đã bị tước bỏ hết nanh vuốt và cột chặt vào một cái cọc đóng kiên cố... Nhưng không ngờ nó mạnh và dữ quá, nó gồng mình bứt đứt sợi dây rồi nhảy phóc lên tát anh nài đang ngồi trên đầu voi. Anh nài hoảng hốt chưa kịp kêu cứu thì đã bị tấn công bay xuống đất và bị con voi của chính anh giẫm chết tại chỗ. Đến như thế con cọp hung dữ vẫn chưa hả cơn giận, nó lao tiếp xuống đám lính đang đứng làm hàng rào xung quanh, gây cho nhiều binh sĩ bị thương và vua quan triều Gia Long phải một phen thất kinh hồn vía.

Qua thời Minh Mạng, vào năm 1829, nhân lễ Tứ tuần Đại khánh (mừng thọ vua 40 tuổi) triều đình cũng tổ chức một trận đấu giữa voi và cọp ở bờ bắc sông Hương. Nhà vua ngự trên thuyền rồng gần bờ để xem. Con cọp cũng bị buộc chặt vào một cây cọc trước khi đấu với voi. Nhưng khi đang đấu, con cọp giật đứt được sợi dây và nhảy xuống sông bơi về chiếc thuyền ngự. Khán giả gồm vua quan và dân chúng một phen hoảng hốt. Không có vũ khí trong tay, chính Vua Minh Mạng phải dùng một cây sào để đẩy lùi con cọp và sai lính tượng dịch nhảy xuống một chiếc thuyền nhỏ chèo xáp lại gần con cọp và giết chết nó giữa dòng sông.

Đấu trường Hổ Quyền nhìn từ bên ngoài.

Về sau này, để bảo đảm an toàn cho người xem, năm Canh Dần (1830), Vua Minh Mạng đã cho xây dựng Hổ Quyền ở gần đồi Long Thọ và Thành Lồi của người Chiêm Thành xưa. Vị trí xây Hổ Quyền ở gần với miếu Long Châu, nơi thờ những con voi từng chiến đấu giúp Nguyễn vương dựng nghiệp. Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn. Vòng tường ở bên trong cao 5,90m và vòng tường bên ngoài cao 4,75m (kể cả lan can) có khuynh độ 1/10 chúc đầu vào nhau, ôm chặt lấy mô đất ở giữa. Bề dày đỉnh tường ngoài dày 35cm và đỉnh tường trong 47cm. Cả hai cộng với mô đất ở giữa tạo thành một bề dày 4m ở đỉnh và 5m ở mặt đất thường.

Mặt trên của mô đất ấy cao bằng tường ngoài, tạo thành con đường chạy vòng tròn (chỉ gián đoạn ở khán đài nơi vua ngồi xem) để khán giả đi quanh trên đấu trường và để xem voi cọp đánh nhau trong lòng chảo. Mô đất chạy vòng ấy cũng đã được dùng để trổ thành 5 chuồng cọp và hệ thống các cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây từ trên xuống. Ngoài ra, có một cửa vòm lớn dành cho voi ra vào chiến đấu, rộng 1,90m, cao gần 4m, có hai cánh lớn, bản lề bằng đá. Đường kính trong lòng chảo đo được 44m, chu vi ngoài Hổ Quyền là 140m.     

Khán đài vua ngồi, theo nguyên tắc của Dịch học, quay mặt về hướng Nam, xây cao hơn khán đài bình thường chạy quanh đấu trường và cơi nới ra sau tạo một không gian tương đối rộng. Bên trái khán đài là cầu thang A có hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và các hoàng thân quốc thích, quốc khách và đại thần. Hai bên có hai hệ thống tường xây bằng gạch hoa đúc rỗng. Bên phải khán đài là cầu thang B có một hệ thống 20 bậc cấp được xây tương tự dành cho quan chức, binh lính và thường dân.

Theo quan niệm của triều Nguyễn, voi vừa tượng trưng cho sức mạnh của vương quyền vừa là một loài thú có ích cho xã hội, còn cọp lại là ác thú của rừng xanh, luôn đi phá hoại mùa màng và sinh mạng. Vua Minh Mạng là ông vua đã từng áp dụng chính sách trung ương tập quyền và thường dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại. Những kẻ chống đối chế độ đương thời đều bị trừng trị một cách lạnh lùng.

Voi có sức mạnh vô địch trong các loài thú, vua nghĩ mình cũng phải có một quyền lực tối thượng trong thiên hạ. Vì vậy, trong các trận đấu ở Hổ Quyền, voi giết chết cọp là một vấn đề tiên quyết. Cuộc đấu phải được kéo dài cho đến lúc nào voi giết chết được cọp mới thôi. Trước mỗi trận đấu, cọp còn bị cắt nanh, bẻ vuốt, nói chung là bị con người chủ định tước đoạt đi những vũ khí lợi hại của nó.

Hổ quyền xưa.

Thời kỳ hưng thịnh, các trận đấu tại Hổ Quyền được tổ chức hàng năm, nhưng cũng tùy sở thích của từng ông vua triều Nguyễn, có khi một năm tổ chức vài ba trận đấu nhưng cũng có khi vài ba năm mới tổ chức một trận. Sử cũ chép lại rằng: Trận đấu cuối cùng tại Hổ Quyền diễn ra vào năm 1904, dưới thời Vua Thành Thái như sau: "Hôm đó, một con voi cái hiên ngang đi vào trường đấu, con voi cất tiếng rống to. Nhìn thần thái con vật, nhà vua buông lời: "Con voi này can đảm lắm".

Trong trận đấu, con cọp lớn dữ tợn nhảy lên tát mạnh vào đầu voi, con vật lắc mạnh nhưng con hổ vẫn cố sức bám chặt hòng cắn xé giết chết địch thủ. Trong cơn giận dữ, con chiến tượng đã dùng cả uy mãnh ngàn cân của mình húc thẳng đầu vào thành Hổ Quyền, ép mạnh con cọp vào đó. Lúc voi ngẩng đầu lên, con cọp rơi phịch xuống đất và sau đó nó đã bị chà nát".  Từ đó về sau, một phần vì kinh tế khó khăn không thể chi phí cho việc săn bắt thêm voi, cọp để thi đấu, một phần vì sự mâu thuẫn ngày càng trầm trọng giữa Vua Thành Thái với chính quyền bảo hộ, nên Hổ Quyền cũng bị bỏ hoang cho đến ngày nay.      

Nằm cách di tích Hổ Quyền chỉ 150m là Điện Voi Ré. Đây là chứng tích một thời của đội Kinh Tượng nhà Nguyễn. Dưới triều Vua Minh Mạng, người ta kể lại rằng một voi trận bị thương chạy về phủ phục trước điện rống lên mấy tiếng rồi ngã lăn ra chết. Dân gian quen gọi nơi này là Điện Voi Ré. Nhưng thực ra tên viết chữ Hán ở bức hoành phi treo chính giữa gian tiền tế là miếu Long Châu. Từ đó, các con voi có công trong trận mạc thường được nhà vua sắc phong chức tước, khi chết cũng được đắp mộ và dựng bia.

Cụ bà Nguyễn Thị Huê, là người đã sống trọn cuộc đời ở vùng đất này, cho biết: Lúc còn nhỏ, bà đã từng gánh chuối qua Long Châu miếu mỗi lần có lễ trọng. Theo như lời của bà Huê thì dòng họ của bà đã có đến 4 đời chăm lo, coi sóc Long Châu miếu. Ông Nguyễn Hữu Kiệt, cha của bà Huê là người cuối cùng lo việc cúng tế ở đây. Rồi bà cụ Huê còn chỉ cho khách thấy cái mả voi to đùng chôn ngay sau chân Hổ Quyền đang bị chìm lấp trong cỏ cây hoang phế: "Cái mả đó là của "ông" voi chết khi đánh nhau trong Hổ Quyền đó.

Nhiều bậc cao niên ở khu vực gần Hổ Quyền và Long Châu miếu còn kể lại rằng: mỗi viên gạch của Hổ Quyền đều rất linh thiêng. Nghe đâu trước đây có nhiều người đem gạch ở đây về xây nhà, chẳng hiểu vì lý do gì có người làm ăn lụn bại, người bị tai nạn chết, từ đó chẳng còn ai dám lấy gạch ở Hổ Quyền về làm nhà nữa(?).

Di tích dần bị hoang phế

Di tích văn hóa quý giá này đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 2009/1998 QĐ/BVHTT, ngày 26/9/1998 đang ngày một xuống cấp nghiêm trọng. Lớp phong hóa của thời gian và sự tàn phá của con người đã và đang làm cho nơi đây hoang tàn nhanh chóng. Hiện tại, hệ thống tường thành của đấu trường đã bị nứt gãy nhiều đoạn, những bậc cấp để bước lên khán đài đã bị bung sụt, đang được rào chắn lại một cách tạm bợ với những cảnh báo nguy hiểm…

Trước đây, bên cạnh Hổ Quyền, phía trước mặt Long Châu miếu có hồ sen rất rộng, đó là nguồn nước ăn của cả vùng Long Thọ. Ngoài ra, lợi tức bán hạt sen của cái hồ này cộng với tiền cúng tế do triều đình cấp cũng đủ để dùng vào việc lễ tế voi diễn ra khá lớn hàng năm ở đây.

Sau này, cùng với sự thờ ơ của người đời, mặt nước linh thiêng biến thành hồ nuôi cá, hương sen thơm ngát bị lấn át bởi vô vàn mùi xú uế của rác thải sinh hoạt khiến cho mạch nước hồ ô nhiễm và cạn dần. Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, rất nhiều nhà dân đã lấn chiếm xây trùm lên đất đai di tích. Muốn vào thăm chốn này, du khách phải chui qua cái kiệt 373 nhỏ bé nằm khuất lấp trên đường Bùi Thị Xuân.

Xin được nhắc lại rằng: Khắp các nước Đông Á, kể cả Trung Quốc và Nhật Bản, không thấy ở quốc gia nào có đấu trường tương tự. Hổ Quyền ở Huế chẳng những là một di tích đặc biệt và độc đáo của Việt Nam, mà còn là một di tích quý hiếm của thế giới.                           

"60 tỉ đồng tuy lớn, nhưng sẽ không đủ..."

Trao đổi với PV Chuyên đề An ninh thế giới về vấn đề một số di tích quan trọng trong quần thể di tích đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng ở Cố đô Huế, TS Phan Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết:

"Đúng là hiện nay có một số di tích quan trọng nằm trong quần thể di tích của Cố đô Huế đang lâm vào tình trạng bị hư hại và xuống cấp nghiêm trọng rất cần được bảo vệ và trùng tu. Tất cả những di tích đang xuống cấp đó chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi, lập hồ sơ và có phương án bảo vệ khẩn cấp. Tuy nhiên, với nguồn kinh phí được cấp hàng năm chừng trên dưới 60 tỉ đồng, trong đó khoảng 30 tỉ từ nguồn ngân sách của địa phương và các nguồn tài trợ khác, số còn lại là nguồn ngân sách được cấp từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Con số 60 tỉ đồng tuy lớn, nhưng sẽ không đủ đối với một quần thể di tích đồ sộ mà tỉnh Thừa Thiên Huế đang sở hữu. Vì lẽ đó, việc trùng tu các di tích đang xuống cấp ở Huế cũng sẽ được chúng tôi tiến hành thực hiện theo thứ tự ưu tiên đúng với tinh thần của Kết luận số 48 ngày 25/5/2009 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển đối với tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điểm 4.3 của Kết luận này nêu rõ "Phục hồi, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản Cố đô Huế là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thừa Thiên Huế và cả nước. Bộ Chính trị đồng ý với chủ trương ưu tiên vốn (từ nguồn trái phiếu hoặc nguồn vốn đặc biệt từ chương trình hỗ trợ có mục tiêu của quốc gia) để tập trung tôn tạo di tích. Trước mắt, từ nay đến năm 2012, ưu tiên vốn để trùng tu khu vực Đại nội và giải tỏa dân cư lấn chiếm trên Kinh thành. Sau năm 2012 sẽ tiếp tục đầu tư để đẩy nhanh, hoàn thành dứt điểm việc tôn tạo, trùng tu Cố đô Huế nhằm tạo bước đột phá cho phát triển dịch vụ, du lịch".

Phan Bùi Bảo Thy
.
.