Đi tìm "kho báu của Nghĩa hội Quảng Nam"

Thứ Tư, 04/09/2013, 21:25

Một ngày đầu thu, trời Quảng Nam nắng đến nhức mắt, người viết cùng với một anh bạn đồng nghiệp vốn là dân bản địa, đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng nhằm hướng đèo Le. Đến nơi, anh bạn khoát một vòng tay chỉ cho tôi xem thung lũng Quế Lộc nằm ngay dưới chân đèo Le, nơi ngày xưa vốn là căn cứ Tân Tỉnh Trung Lộc của Nghĩa hội Quảng Nam với vị thủ lĩnh tài danh Nguyễn Duy Hiệu.
>> Bí ẩn kho báu của Nghĩa hội Quảng Nam

Dừng chân ở thôn Lộc Tây 2, thuộc xã Quế Lộc, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi không những được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên sông núi hữu tình mà còn được nhiều người dân lớn tuổi ở đây kể lại những câu chuyện xưa liên quan đến Nghĩa hội Quảng Nam và kho báu của ông Hường Hiệu.

Dường như câu chuyện kho báu nằm trên núi ông Hường đã trở thành một câu chuyện quá khứ quan trọng đối với người dân nơi đây, vì hầu hết những người dân trong thôn dẫu tuổi tác cách xa nhau nhưng vẫn kể chuyện "kho báu trên núi ông Hường" một cách say sưa và khúc chiết. Mặc dù, những người trực tiếp tham gia Nghĩa hội dưới trướng ông Hường Hiệu bây giờ không ai còn sống, nhưng những thế hệ hiện tại ai cũng kể vanh vách rằng: Sau khi bị quân của bọn gian thần Nguyễn Thân, Phan Liêm cùng quân Pháp với khí giới hiện đại liên tục vây ráp, tấn công… nhiều người tham gia Cần vương không có lý tưởng đã lá mặt, lá trái, chạy trốn khỏi hàng ngũ của Nghĩa hội để đầu hàng theo giặc. Biết được thực lực của Nghĩa hội khó lòng kéo dài kháng chiến, lãnh tụ của phong trào đã cẩn trọng cho những binh sĩ thân cận của mình vận chuyển số vàng, bạc còn lại bí mật mang đi  cất giấu trong lòng núi.

Có người kể rằng: Ông nội tôi là người đã từng tham gia phong trào Nghĩa hội và là một trong số ít những người biết rất tường tận về kho báu trong núi ông Hường. Khi tôi còn nhỏ lắm, ông tôi đã kể cho cha con tôi nghe rằng: sau khi thất trận, ông Hường Hiệu đêm đêm cho người của mình gánh rất nhiều những chiếc hòm gỗ mang đi chôn trong núi. Những người thực thi nhiệm vụ đặc biệt này đã rỉ tai nhau, trong số đó có vàng bạc của nhân dân đóng góp để khích lệ phong trào Nghĩa hội, một phần là vàng bạc trước đó do quan đại thần Tôn Thất Thuyết cho mang từ ngoài Huế vào cất giấu ở căn cứ sơn phòng Quảng Nam. Một mật lệnh đã được ban ra dành cho những người đi chôn kho báu là không ai được hé răng kể lại dù chỉ một thông tin nhỏ bị rò rỉ ra bên ngoài là ngay lập tức người đó đầu lìa khỏi cổ, không những thế mà họ hàng thân thích của người đắc tội cũng phải chịu nhiều hệ lụy đau lòng…

Có người còn cụ thể hơn khi cho chúng tôi hay, ngày ấy, đoàn người đi chôn kho báu đã băng qua một ngôi làng nằm dưới chân núi Hóc Phẩm, ở khu vực Miếng Kho, từ đó cứ 8 đến 10 người hợp thành một nhóm lặng lẽ khiêng một chiếc rương to tiến lên đỉnh núi, rồi mất hút dưới những tán cây cổ thụ.

Nhiều người còn khẳng định, họ từng được nghe người lớn trong làng kể chuyện: sau sự kiện những đoàn người đêm đêm đốt đuốc gánh vàng bạc vào rừng chôn một thời gian thì ở khu vực núi ông Hường xuất hiện một võ tướng của Nghĩa hội cải dạng làm dân thường sống rất bí ẩn ở khu vực Miếng Kho, qua sự chắp nối của nhiều dữ kiện, người dân địa phương chắc chắn là vị võ tướng này được lãnh tụ của Nghĩa hội cử ở lại đây để canh chừng kho báu. Thế rồi, chiến tranh loạn lạc, ngày tháng trôi qua, không ai trong làng còn nhìn thấy bóng dáng của vị võ tướng ấy nữa…

Trong rất nhiều lần trà dư tửu hậu, người viết vẫn thường đưa câu chuyện kho báu của Nghĩa hội Quảng Nam để trao đổi cùng với một người bạn thân của mình là nhà văn Hoa Ngõ Hạnh (tức nhà báo Nguyễn Minh Sơn). Anh Sơn bảo rằng, mình là dân địa phương nơi từng có căn cứ Tân Tỉnh Trung Lộc. Vì vậy từ nhỏ mình đã nghe những bậc cao niên kể chuyện về kho báu của Nghĩa hội nằm trên núi ông Hường. Thực hư thế nào về kho báu này thì chưa phân định rõ nhưng trong làng thì đã có những gia đình có người năm xưa tham gia Nghĩa hội, người ta đã lưu truyền câu chuyện kho báu thế nào mà đến ngày nay ở thôn Lộc Tây 2 vẫn còn có những gia đình 4 đời nối nhau đi tìm dấu tích của kho báu.

Người làng Lộc Tây 2 không ai không biết câu chuyện đi tìm kho báu của gia đình ông Nguyễn Yến. Từ đời trước ông Yến, đến đời ông Yến và nối tiếp 2 đời sau, trong dòng họ này khi nào cũng có người "lao tâm khổ tứ" theo chuyện đi tìm kho báu của Nghĩa hội Quảng Nam xưa. Những người thân trong gia đình ông Yến kể rằng, ngày xưa ông Yến đã nối gót cha mình để ấp ủ giấc mơ đi tìm kho báu. Ngày ngày, ông Yến lầm lụi trong rừng sâu để đào bới kiếm tìm. Nghe đâu, vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, có lần ông Yến đã đào được những viên đá nhỏ hình thù rất lạ. Ban ngày những viên đá này thấy rất bình thường nhưng khi đêm đến thì chúng lại phát sáng.

Tin đồn về những viên đá ông Yến tìm được lan truyền rất nhanh và sau đó thì có một ông kỹ sư địa chất ở Đà Nẵng đã tìm về săm soi rồi xin về thử nghiệm. Kết quả thế nào không ai được biết, chỉ có điều là những viên đá ấy đã mất dạng theo hình bóng của người kỹ sư địa chất kia. Hiện tại, trong gia đình ông Yến có anh Nguyễn Tấn Đích (tên thường gọi là Ba Đích) vẫn còn ôm giấc mộng tìm kho báu của ông Hường Hiệu.

Người làng kể rằng, Ba Đích cần mẫn đào tìm kho báu trong nhiều năm nhưng kết quả vẫn là một nông dân nghèo khó. Cách đây chục năm, trong một lần đào bới để kiếm tìm kho báu. Ba Đích đã tìm thấy những phiến đá xanh có khắc chữ Hán và có những mũi tên chỉ dẫn vô cùng bí ẩn. Ba Đích cũng như nhiều bậc cao niên trong làng quả quyết rằng đó chính là những bức họa đồ chỉ dẫn nơi chôn giấu kho báu của Nghĩa hội Quảng Nam.

Từ đó, Ba Đích đi đến quyết định vay mượn tiền bạc của người thân để lên đường làm chuyến hành phương Nam để tìm người giỏi Hán văn để dịch tìm những bí ẩn trên từng phiến đá. Kết quả chẳng biết làm sao, nhưng điều mà người dân trong làng Lộc Tây 2 chứng kiến là sau chuyến đi đó, Ba Đích như đã trở thành một người khác hẳn,  đôi khi ngẩn ngơ như một gã tâm thần.

Hôm nghe tin có chúng tôi về làng để tìm hiểu thực hư về kho báu của ông Hường Hiệu, Ba Đích cũng đến, nhưng khi được hỏi thì Ba Đích quả quyết rằng, sự tích về kho báu của Nghĩa hội Quảng Nam chỉ là những câu chuyện huyền hoặc, chứ sự thật thì hoàn toàn không có. Ba Đích còn giải thích rằng đất Quảng Nam chỉ có vàng ở vùng Bông Miêu, Phước Sơn, Trà Mi, Tắc Pỏ… Nói là nói vậy, chứ nhiều người bảo Ba Đích hiện tại vẫn nuôi mộng tìm vàng từ kho báu của Nghĩa hội Quảng Nam.

Người dân địa phương ai cũng biết, Ba Đích là người luôn bị ám ảnh bởi kho báu của Nghĩa hội, nên suốt một thời gian dài, ngoài công việc đồng áng, người ta vẫn thấy Ba Đích thường lặng lẽ vỡ núi để kiếm tìm dấu tích nơi chôn giấu những bí ẩn của người xưa.

Bên cạnh vùng đất rẫy của Ba Đích là mảnh đất được anh Phan Thành Đại vỡ hoang để làm kinh tế. Anh Đại cũng là một người có niềm tin rất lớn vào sự tồn tại của kho báu ở vùng núi rừng Hóc Phẩm, Miếng Kho… Anh Đại cũng khẳng định là chính anh đã được nghe ông nội của mình kể chuyện bản thân ông lúc nhỏ đã chứng kiến việc rất nhiều người gánh những chiếc rương nặng trĩu đi về hướng núi ông Hường. Chuyện lãnh tụ Hường Hiệu cho binh sĩ mang vàng bạc đi cất giấu là có thật, tuy nhiên số vàng bạc ấy đã được chôn giấu ở vị trí nào trên núi và chôn ở độ sâu bao nhiêu thì gần 130 năm qua chưa có bất cứ một ai  giải mã được.

Nói chuyện với chúng tôi về kho báu của Nghĩa hội Quảng Nam mà anh Đại cứ chậc lưỡi tiếc rẻ, anh cho rằng, nếu có được những phương tiện rà tìm hiện đại chắc chắn anh sẽ tìm ra kho báu bí ẩn này. Anh khẳng định, mặc dù hiện tại anh sinh sống bằng nghề nông, thế nhưng ngọn lửa khát khao khám phá kho báu trên núi ông Hường và giấc mơ thay đổi cuộc đời mình từ vàng bạc trong kho báu ấy vẫn chưa bao giờ tắt  trong anh. Những lúc rảnh rỗi, anh thường rủ thêm vài người bạn khăn gói lên rừng đặt mâm lễ vái lạy trời đất để tìm kiếm vận may…

Cũng trong chuyến đi này, chúng tôi còn được nghe lời kể của một người thuộc vào hàng lớn tuổi ở Lộc Tây 2. Đó là vào những năm 60-70, vùng rừng núi này có rất nhiều đơn vị quân sự của Mỹ chiếm đóng. Một vài người dân trong vùng lúc ấy đã chứng kiến được việc họ đào xới trên ngọn núi này ở nhiều vị trí khác nhau. Máy bay địch cứ hàng ngày lên xuống…, nên biết đâu chừng, cái kho báu ấy nếu như có thật thì cũng rất có thể đã bị lấy đi!?

Mang thắc mắc về việc có hay không một kho báu đang ẩn khuất ở trên núi ông Hường, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Đình Tân - Chủ tịch UBND xã Quế Lộc. Ông Tân cho biết, là con dân địa phương, nên từ nhỏ ông cũng có nghe những người lớn tuổi kể lại những câu chuyện liên quan đến kho vàng của Nghĩa hội Quảng Nam. Tuy nhiên, việc có thật có kho báu ấy ở trên đất địa phương mình hay không thì ông Tân bảo rằng chưa ai khẳng định. Từ 10 năm qua, nhiều người dân địa phương ngày đêm mang giấc mộng vàng nên đã kéo nhau lên núi ông Hường để tìm kiếm, có người từ các địa phương khác cũng kéo nhau tìm kho báu nhưng kết quả vẫn chỉ là con số không.

Lãnh đạo UBND xã cũng thường giải thích với bà con rằng, nhiều khả năng việc kho báu của Nghĩa hội Quảng Nam theo lời đồn đại nằm đâu đó ở vùng rừng Hóc Phẩm, Miếng Kho hay Hóc cây Chuồng… thuộc địa bàn thôn Lộc Tây 2, xã Quế Lộc chỉ là những câu chuyện huyền bí mang tính dã sử cao. Vì lẽ đó mà lãnh đạo xã vẫn thường nói với bà con rằng cách tìm vàng tốt nhất ấy là chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm, áp dụng một cách tốt nhất các thành quả của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đầu tư, chăm lo cho con cái học hành… Câu chuyện về kho báu chỉ nên xem đó như là một câu chuyện huyền sử ly kỳ…

Phan Bùi Bảo Thy
.
.