Điệp vụ hoàn hảo

Thứ Hai, 30/04/2012, 08:40

Trước năm 1975, tại Sài Gòn - Thủ phủ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa - ngoài những chiến sĩ tình báo xuất sắc như Phạm Xuân Ẩn, Tư Cang… còn có rất nhiều những chiến sĩ tình báo khác được ta bố trí đưa vào làm việc ở những cơ quan trọng yếu,  tối mật của địch. Do nhiều yếu tố, suốt 37 năm qua, chiến công thầm lặng của họ chưa được tiết lộ.

Mười Hương - Nhà tình báo tài ba

Nhiều năm, sau khi đất nước ta thống nhất, Cơ quan Trung ương Tình báo Mỹ (CIA) đã tổ chức một hội nghị đánh giá lại những hoạt động tình báo tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Họ đã đánh giá cao về nhân vật tình báo Phạm Xuân Ẩn và gọi ông là "nhà tình báo số 1" hoặc "điệp viên hoàn hảo". Họ xếp ông Ẩn vào danh sách những nhà tình báo lỗi lạc của thế kỷ XX. Lúc ấy, họ chưa biết nhiều về nhân vật Trần Quốc Hương, nguyên Ủy viên BCH Trung ương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương - Người gây dựng nên "nhà tình báo lỗi lạc Phạm Xuân Ẩn". Và họ cũng chưa biết rằng, ngoài ông Ẩn, tại Sài Gòn còn có rất nhiều "điệp viên hoàn hảo" do chính Mười Hương xây dựng.  

Sau yêu cầu nhiệm vụ, ông Trần Quốc Hương được Trung ương tiếp tục chỉ thị phải vào miền Nam hỗ trợ hoạt động tình báo cho Trung ương Cục miền Nam.

Bắt đầu từ sau hội nghị Bình Giã 5 (tháng 1/1971), ông Trần Quốc Hương, bí danh Mười Hương - Lúc đó là Phó Bí thư thường trực Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Trưởng ban An ninh T4, ông Lê Thanh Vân (bí danh Sáu Ngọc) - Phó ban An ninh T4 và ông Thái Doãn Mẫn (bí danh Tám Nam) - Phó ban An ninh T4 - bắt đầu triển khai xây dựng 2 đội hình tình báo hoàn toàn mới, hoạt động nội thành Sài Gòn. Cụm tình báo thứ nhất lấy tên là cụm điệp báo A10 có nhiệm vụ xây dựng, phát triển, tuyển dụng đội ngũ gián điệp chính trị, gián điệp tin tức trong lực lượng trí thức yêu nước, trong hệ thống chính trị và trong hệ thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VHCH). Cụm tình báo thứ hai được gọi chung chung là "Số Sáu".

Sinh viên Nguyễn Minh Trí (bí danh Mười Thắng) được chọn làm Trưởng cụm A10.  Mười Thắng là nhân vật nổi tiếng cả thế giới về vụ "tố cáo chuồng cọp Côn Đảo" của nhà báo Mỹ Don Luce. Từ vụ "tố cáo chuồng cọp Côn Đảo", Mười Thắng trở thành mục tiêu số 1 của Cảnh sát VNCH, có thể bị ám sát bất cứ lúc nào. Để bảo toàn lực lượng, Ban An ninh T4 quyết định rút Mười Thắng vào căn cứ mật đóng ở một khu rừng giáp giới Campuchia.

Trước  khi đào thoát vào căn cứ, Mười Thắng đã kịp móc nối, liên lạc, mời gọi được một số trí thức, chính trị gia có cảm tình với cách mạng đưa vào mạng lưới điệp báo của T4. Trong số đó có một giáo sư mang bí danh Trương, một trưởng ban đại diện sinh viên Y - Nha - Dược mang bí danh Năm Quang, một sinh viên tên Huỳnh Huề (tức Thiếu tướng Huỳnh Huề) mang bí danh Ba Hoàng, một số sinh viên vừa đi du học từ nước ngoài về và một số trí thức khác.

Ông Trương - Người đóng vai dân biểu VNCH để hoạt động điệp báo.

Từ những hạt nhân ban đầu ấy, mạng lưới điệp viên tại Sài Gòn ngày càng lan rộng ra khắp các hệ thống đầu não của chính quyền Sài Gòn. Mỗi thành viên trở thành một đầu lưới vừa hoạt động tình báo vừa tự tìm nhân tố có cảm tình với cách mạng để kết nạp vào mạng lưới của mình và vừa hỗ trợ cho các lưới khác theo sự chỉ đạo trực tiếp từ Ban An ninh T4.

Vì tính chất hoạt động tuyệt mật nên hầu hết các đầu lưới và thành viên đều không biết "chân tướng" của nhau. Mỗi đầu lưới chỉ biết những thành viên dưới quyền của mình, do mình tự tuyển dụng. Nhờ vậy, hệ thống điệp báo của Ban An ninh T4 còn nguyên vẹn cho đến ngày đất nước thống nhất mặc dù các hệ thống tình báo dày đặc của Mỹ, của chính quyền VNCH được trang bị các thiết bị tối tân bậc nhất thế giới.

Nhớ lại những ngày tháng cũ, ông Mười Hương tiết lộ kinh nghiệm chỉ đạo nhiệm vụ tình báo: "Tôi chỉ đạo anh em thực hiện mục tiêu nhiệm vụ nhưng không cầm tay chỉ việc anh em phải làm cụ thể điều gì. Việc cụ thể, các anh em ấy phải tự linh hoạt hoạt động theo tình huống cụ thể, miễn sao đạt được mục đích cuối cùng".

Điệp viên trong vai dân biểu VNCH

Thầy giáo Trương xuất thân từ một làng quê nghèo ở miền Trung, được Mười Thắng móc nối tham gia hoạt động gián điệp cho T4. Tháng 8/1971, Tám Nam chỉ đạo Mười Thắng yêu cầu ông Trương đứng ra ứng cử dân biểu. Để ông Trương thắng lợi trong cuộc ứng cử, Mười Thắng và một số điệp viên tuyến khác đã ngấm ngầm vận động quần chúng bỏ phiếu bầu. Khi trở thành dân biểu, ông Trương là một chỗ dựa đắc lực cho các lưới tình báo khác thuộc T4 cũng như của Trung ương Cục và Trung ương.

Để thu thập tin tình báo, ông Trương gia nhập vào nhóm "Dân tộc Xã hội" gồm nhiều thành phần thuộc phe đối lập với Nguyễn Văn Thiệu như Tạ Thanh Hối, Tôn Thất Hoán, Lê Đình Duyên, Kiều Mộng Thu, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quý Chung v.v...

Đầu năm 1972, thông qua các cuộc hòa đàm tại Paris, ta biết chắc Mỹ sẽ rút quân đội ra khỏi Việt Nam với hai bàn tay không và để lại toàn bộ số vũ khí cho quân đội VNCH. Mặc dù đã có số liệu báo cáo từ các tuyến điệp viên khác nhưng do yêu cầu nghiêm ngặt của ngành tình báo, Trung ương vẫn chỉ thị Trung ương Cục miền Nam nhanh chóng thu thập số liệu binh sĩ của VNCH. Điệp vụ đó, tạm gọi bằng mật danh là "điệp vụ số 6", được giao cho Ban An ninh T4.

Để có thông tin thuộc loại tối mật đó, ông Trương, với tư cách là dân biểu đã tham gia vào Ủy ban Quốc phòng và Ủy ban Thông tin Hạ viện VNCH. Song song đó, ông Trương còn nhận nhiệm vụ đưa một điệp viên của ta mang bí danh "số 6" mới tốt nghiệp cao học ở nước ngoài vào làm chuyên viên trong Ủy ban Quốc phòng Hạ viện. Nhờ học vị và kiến thức uyên thâm, “số 6” có vị trí đứng rất tốt trong văn phòng Tổng trưởng Quốc phòng của VNCH suốt một thời gian dài.

Đồng chí Năm Quang (người đứng thứ 3 từ trái sang), Cụm phó Cụm Điệp báo A10.

Giữa năm 1972, người đứng đầu bộ máy tình báo của ta ở Hà Nội đã nhận được đầy đủ các chi tiết về hệ thống tổ chức, quân số, ngân khoản của quân đội VNCH. Thậm chí ta còn nắm được những khoản viện trợ quân sự không công khai cho VNCH ẩn dưới chương trình PL (tức Progam Law - PV), thương mại hóa (tức là Mỹ không viện trợ bằng tiền mặt mà viện trợ bằng hàng hóa. VNCH dùng hàng hóa bán lấy tiền đổ vào ngân khoản quân sự).

Trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị hòa đàm Paris giữa ta và Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu luôn luôn phản đối hội nghị này. Điều đó gây cản trở không ít cho tiến trình ký hiệp định. Trước tình hình đó, Trung ương Cục miền Nam quyết định tấn công Thiệu bằng chính trị. Hệ thống điệp báo hoạt động nội thành của T4 được tận dụng cho nhiệm vụ này. Ông Mười Hương chỉ đạo cho các nhóm điệp báo tuyên truyền, kích động nhân sĩ trí thức, các tầng lớp lao động liên tục biểu tình đòi Thiệu từ chức hoặc đòi Thiệu chấp nhận Hiệp định Paris. Ông Trương với danh nghĩa dân biểu đã xúi giục các tổ chức của chính quyền Sài Gòn biểu tình bạo động.

Một ngày đầu tháng 11/1971, ông Trương nhận được chỉ thị "làm một điều gì đó để thể hiện quốc hội tẩy chay Thiệu". Nhận được chỉ thị, ông Trương nghĩ, phải tìm cách lôi kéo những đảng phái không Cộng sản chống Thiệu. Ông tìm gặp một lãnh tụ của Quốc dân đảng nói khích: "Cái đảng của anh, Thiệu có coi ra gì đâu. Mang tiếng là đảng phái mạnh mà Thiệu coi tụi anh như hư vô". Bị khích, Lê Đình Duyên văng tục chửi thề rồi nghiến răng thốt: "Đốt mẹ nó cái quốc hội cho nó biết mặt". Chỉ chờ có thế, ông Trương xúi: "Vậy anh lấy tư cách là phó khối Dân tộc Xã hội kêu gọi anh em hành động. Tôi sẽ rủ rê mấy anh em ở phong trào sinh viên đòi tự trị đại học tham gia".

Thực ra, ông Trương đã bắt tay trước với Trịnh Đình Ban - Chủ tịch phong trào sinh viên đòi tự trị đại học. Phong trào này chỉ toàn sinh viên, có đốt quốc hội VNCH thì cùng lắm tiếng vang cũng chỉ như những cuộc biểu tình bạo động của cánh sinh viên đang xảy ra hàng ngày tại Sài Gòn. Trong điệp vụ này, ông Trương muốn một đảng phái đứng ra chịu trách nhiệm để báo chí quốc tế có lý do giật tít, thu hút dư luận thế giới.

Đúng như kế hoạch, sáng ngày 20/11/1971, lực lượng sinh viên kéo đến tòa nhà quốc hội VNCH cùng với một số nhân sĩ đọc lời hiệu triệu tẩy chay Thiệu. Được tin, Thiệu ra lệnh cảnh sát, quân đội đem hàng rào dã chiến bao vây nhóm sinh viên toan giải tán. Giữa lúc đó, Lê Đình Duyên xuất hiện. Ông ta hùng hổ túm cổ một sĩ quan cảnh sát giáng một bạt tay cật lực rồi xô ngã hàng rào dã chiến. Sinh viên được thế kéo ào vô trụ sở quốc hội VNCH tưới xăng rồi châm lửa đốt. Trong khi đó, ông Trương ung dung ngồi trong một căn phòng điện thoại "mời" những phóng viên, ký giả quốc tế có mặt ở Sài Gòn đến chứng kiến. Sáng ngày sau, hầu như tất cả các tờ báo, hãng tin quốc tế đều loan tin: "Trụ sở Quốc hội VNCH bị đốt để phản đối chính sách hiếu chiến độc tài của Nguyễn Văn Thiệu".

Cuối năm 1971, do yêu cầu công tác, ông Trương được chuyển sang hoạt động đơn tuyến, nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Ban An ninh T4 thông qua một nữ tình báo giao liên. Ông tiếp tục ẩn thân trong vai trò dân biểu VNCH và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác như: Đại diện khối Xã hội Dân chủ trong chính quyền Thiệu gửi tuyên ngôn lên án Mỹ xâm lược Việt Nam tại "hội nghị quốc tế xã hội châu Âu" vào năm 1972; Tố cáo cảnh sát VNCH ám sát ký giả Pháp Paul Leandry; Vận động quần chúng tổ chức Mặt trận Nhân dân cứu đói (năm 1974) để lên án, vạch trần sự tham nhũng, buôn lậu của Nguyễn Văn Thiệu và đám tay sai, tạo thế chính trị cho công cuộc giải phóng miền Nam.

Được sự hỗ trợ ngầm của các lưới điệp báo khác, ông Trương kích động được một số dân biểu VNCH ủng hộ cuộc xuống đường biểu tình của giới báo chí được gọi tên là "ngày ký giả ăn mày" do A10 tổ chức để chống lại việc Thiệu đàn áp lực lượng báo chí Sài Gòn.

Sau sự kiện này, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho đàn em ám sát ông Trương bằng cách ngụy tạo một vụ tai nạn giao thông để trả thù vào ngày 11/11/1974. Cho đến lúc đó, Thiệu vẫn không nghĩ ông Trương là người hoạt động cho ta. Không chết nhưng bị mẻ đầu, gãy chân, ông Trương phải nằm viện suốt mấy tháng trời. Trong thời gian nằm viện, rất nhiều chính khách tai to mặt lớn trong chính quyền VHCH đến thăm như: Trần Văn Đôn, Phan Quang Đán, Cao Xuân An, Ngô Khắc Tỉnh, Nguyễn Bá Cẩn, Dương Văn Minh…

Tuy nhiên, có một người không đến tận giường thăm viếng ông được nên chỉ gửi 1 chai sâm khiến ông xúc động mãi. Đó là quà của nhà chỉ huy tình báo Mười Hương. Từ trong mật cứ giữa rừng, nghe tin ông Trương bị tai nạn nằm viện, ông Mười Hương đã nhờ lực lượng giao thông hợp pháp chuyển quà vào thăm. Mãi sau này, ông Trương mới biết, chai sâm đó là của ông Phạm Hùng tặng Mười Hương. Ông Mười Hương để dành làm kỷ niệm chứ không uống, giờ lại tặng cho ông Trương. Điều đó khiến ông Trương ghi mãi vào tâm khảm.

Trong những ngày giãy chết cuối cùng của chế độ VNCH, vết thương còn hành hạ, ông Trương vẫn tiếp tục đi thăm dò thái độ của Mỹ thông qua những viên lãnh sự để phục vụ nhiệm vụ chính trị cho ta. Ông giữ vỏ bọc dân biểu chính trị trong hệ thống chính quyền VNCH cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Hiện nay, tuy đã 82 tuổi, ông vẫn sống khỏe mạnh, minh mẫn tại TP HCM. Hàng ngày, ông mang kiến thức đông y đi theo các nhóm từ thiện điều trị bệnh miễn phí cho người nghèo

Nông Huyền Sơn
.
.