Đường Trường Sơn - Con đường huyền thoại

Chủ Nhật, 31/05/2009, 20:30
Có một nhà báo nước ngoài đã từng viết: "Đường mòn Hồ Chí Minh không chỉ là con đường tiếp tế. Nó còn là biểu tượng của cả cuộc chiến tranh Việt Nam... Nó không đóng vai trò nổi bật, nó chỉ giữ vai trò thứ yếu. Nhưng nó như người mẹ trong gia đình, giấu mặt đi để các con được tuyên dương".

Còn nếu ví cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam như một cơ thể bền bỉ, dẻo dai, thì đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại chính là huyết mạch để nuôi sống cơ thể đó...

Tất cả cho tiền tuyến...

Ngày 5/5/1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lúc bấy giờ và cũng là Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất Trung ương thừa lệnh Bộ Chính trị trực tiếp giao cho Thượng tá Võ Bẩm, nguyên Cục phó Cục Nông trường tổ chức "Đoàn công tác quân sự đặc biệt" với mục tiêu chính là khảo sát mở tuyến đường vận chuyển hàng quân sự vào Nam cũng như tổ chức đưa đón bộ đội, cán bộ, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và ngược lại.

Và chỉ ít ngày sau, vào ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy triệu tập Ban Cán sự, chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Gắn với những mốc thời gian đặc biệt đó, Đoàn đã lấy luôn tháng sinh nhật Bác, cũng là thời điểm đơn vị được giao sứ mạng lịch sử làm ngày truyền thống để sinh ra cái tên "Đoàn 559" - Bộ đội Trường Sơn anh hùng còn ghi dấu mãi cho đến ngày hôm nay.

Vận tải cơ giới đánh dấu bước ngoặt trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Sau đó, đến đầu tháng 6/1959, thành phần chủ chốt của Đoàn 559 có cuộc họp đặc biệt tại Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị để bàn cụ thể về việc mở đường. Từ hội nghị ở Hồ Xá, Đoàn 559 bắt tay ngay vào mở tuyến hành lang từ Khe Hó, phát triển về hướng tây nam với điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Với lộ trình này, tuyến giao liên vận tải quân sự buổi đầu phải vượt qua nhiều núi cao hiểm trở, vượt qua nhiều sông, suối và qua cả hệ thống đồn, bốt của địch.

Chủ trương phát triển tuyến vận tải chiến lược lúc này là tuyệt đối bí mật, nên khẩu hiệu có tính chất mệnh lệnh lúc bấy giờ rất cụ thể, mà cũng như đã khái quát được tình hình và nỗi vất vả của những lớp người mở đường khi ấy: "Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng".

Đây cũng chính là giai đoạn khởi đầu của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh ở phía bên này dãy Trường Sơn hùng vĩ, vốn chỉ đáp ứng được nhu cầu vận tải thô sơ để rồi sau này, tạo cơ sở phát triển tuyến Trường Sơn Tây vắt sang phía bên kia đất bạn Lào và một phần đông bắc Campuchia với hệ thống đường vận tải quân sự quy mô hơn.

Hai hướng phát triển chính theo nhiều trục xuôi dọc hai bên dãy Trường Sơn hùng vĩ với tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" như minh chứng cho quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cũng trở thành nguồn đề tài bất tận cho những sáng tác thơ ca bất hủ đương thời: "...Một dãy núi mà hai màu mây. Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác. Như anh với em, như Nam với Bắc. Như Đông với Tây, một dải rừng liền... Đường ra trận, mùa này đẹp lắm. Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây" (thơ Phạm Tiến Duật).

Khó khăn, gian khổ đến mấy cũng chẳng làm nản lòng những người con ái quốc. Giữa bom rơi, đạn nổ, giữa nơi cái chết, cái sống cận kề nhau chỉ gang tấc, vẫn có những câu thơ lãng mạn đến nhường ấy, thì, theo như những đánh giá, nhận định của nhiều luồng tư tưởng từ chính cái nôi của chủ nghĩa thực dân xâm lược, về sau này được tập hợp lại, đã phải thừa nhận rằng: chiến thắng của dân tộc Việt Nam là một tất yếu!

Phan Trọng Tuệ, vị tướng đặt nền móng vận tải cơ giới

Như đã nói, cái tên "Đoàn 559" đã có từ năm 1959, tuy nhiên, ở giai đoạn này vận tải gùi thồ là chính. Chiến tranh ác liệt, giặc Mỹ càng leo thang đánh phá. Trước tình hình mới, Quân ủy Trung ương khẳng định không thể chi viện cho chiến trường miền Nam chỉ bằng gùi thồ, mà phải có vận tải cơ giới.

Tháng 4/1965, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 54/QUTƯ nâng quy mô tổ chức của Đoàn 559 đang tương đương cấp sư đoàn lên thành tương đương cấp quân đoàn để đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Đồng chí Phan Trọng Tuệ được bổ nhiệm làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Đoàn 559. Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đã trở thành vị Tư lệnh đầu tiên của Đoàn 559 cấp quân đoàn trong bối cảnh đấy.

Mở rộng quy mô vận tải cơ giới trên hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh với các tuyến phát triển sâu sang đất bạn Lào là một chủ trương táo bạo, đúng đắn và kịp thời lúc bấy giờ. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, trong một lần viết về người tiền nhiệm đã thể hiện sự rất đỗi kính phục của mình với người đồng chí, người anh Phan Trọng Tuệ:

Khi ấy, chủ trương vận tải cơ giới quy mô cấp tiểu đoàn đầu tiên được thí điểm vào mùa khô 1965 còn gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, trước đó, vào ngày 9/8/1964, Trung đoàn 98 vận tải Anh hùng đã bắt đầu thực hiện mở đường cơ giới lên Trường Sơn. Nhưng do là lần đầu tiên, chưa hội tụ đủ điều kiện để đối phó với cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ nên vận tải cơ giới tạm thời thể hiện những bất lợi. Từ đó nảy sinh hai luồng ý kiến khác nhau: Gùi thồ là chính hay cơ giới là chính?

Hồi đó, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã cảm thấy rất ngạc nhiên khi thấy Tư lệnh Phan Trọng Tuệ và Phó tư lệnh Đinh Đức Thiện đứng ra bảo vệ ý kiến lấy vận tải cơ giới là chính, có kết hợp vận tải thô sơ. Tư lệnh Phan Trọng Tuệ đã nói thế này: trong chiến tranh dài ngày, một cuộc thí nghiệm ngắn chưa thành, chưa thể kết luận không làm được. Cần rút kinh nghiệm chuẩn bị tổng thể hơn, chỉ có đẩy mạnh vận chuyển cơ giới, mới đánh to, thắng lớn được!”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ cũng đồng tình với ý kiến đó.

Và, kết thúc mùa vận tải sau đó đã khẳng định quan điểm đó là hoàn toàn đúng đắn. Hậu phương vững mạnh, tiếp tế đẩy nhanh nên tiền tuyến thắng to. Thành công đó có được trước hết nhờ tư duy chỉ đạo sáng suốt, ý chí kiên cường và một trí tuệ mẫn tiệp của vị Tư lệnh đầu tiên trên tuyến vận tải Trường Sơn Phan Trọng Tuệ. Thành quả bước đầu đã phá được thế độc đạo, hình thành được mạng lưới giao thông liên hoàn đa dạng, tạo nên thế "trận đồ bát quái" làm kinh hoàng quân tướng xâm lược Mỹ.--PageBreak--

Giữa tiếng bom rơi, đạn nổ...

Nếu như trong mùa khô 1965 - 1966, địch mới chỉ huy động không đến 12 ngàn lượt chiếc máy bay đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh cả ngày lẫn đêm thì đến mùa khô năm 1968 - 1969, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã dùng tới gần 170 ngàn lượt chiếc máy bay, tăng gần gấp 15 lần. Và con số này trong mùa khô tiếp theo, 1969 - 1970 là 150 ngàn lượt.

Tổng số bom đạn của Mỹ ném xuống dọc hai bên dãy Trường Sơn, dù chưa thống kê được hết, cũng đã là những con số khủng khiếp. Hơn 7,5 triệu quả bom phá nổ. Gần 45.000 bom từ trường, phát nổ có điều kiện. 22 ngàn bom nổ chậm. 17.000 quả bom cháy, gần 70.000 bom bi có sức công phá hủy diệt và nửa triệu loạt đạn rốc-két. Tính trung bình mỗi năm, 1km trên đường Trường Sơn phải chịu đựng gần 5.000 quả bom và loạt đạn rốc-két các loại. Như vậy tính cứ mỗi mét dài đường Trường Sơn phải hứng chịu khoảng 5 trái bom và loạt đạn rốc-két trong một năm.

Với những ai chưa trải qua chiến tranh thì con số trên chưa hẳn đã gây được sự chú ý. Nhưng với những người đã đi qua chiến tranh, đã từng chiến đấu trên dọc dải Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ, hoặc chỉ một lần đã đi qua Trường Sơn trong những năm ác liệt nhất hẳn không bao giờ quên được quang cảnh tàn phá, chết chóc suốt dọc tuyến đường dài hàng nghìn kilômét ấy.

Thế hệ thanh niên Việt Nam xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Vào cuối năm 1966, khi địch mới chỉ bắt đầu đánh phá tuyến đường 20 - tuyến đường đi vào chiến trường bắt đầu từ Phong Nha - Bố Trạch - Quảng Bình, thì hai bên bờ sông Talê, cách Phong Nha chưa đầy 100km còn xanh um những tán rừng săng lẻ, có cây gốc vài người ôm, thân trắng xóa thẳng đứng oai vệ. Thế mà chỉ hai năm sau, những cánh rừng săng lẻ bạt ngàn trên cụm trọng điểm A-T-P (thuật ngữ lúc bấy giờ, chỉ cung đường trọng điểm từ đèo chữ A - ngầm Talê - đèo Phu La Nhích) gần như đã biến mất. Tất cả chỉ còn lại những gốc cây tướp túa, đen sạm bị bom Mỹ đánh bật gốc và những hố bom nối tiếp hố bom nham nhở, loang lổ...

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước!

Khắc nghiệt như thế, nhưng những người lính Trường Sơn vẫn sống, vẫn chiến đấu suốt 16 năm ròng rã và ca khúc khải hoàn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn đã thực hiện đào đắp, san lấp khoảng 29 triệu m3 đất đá. Xây dựng mạng lưới đường bộ gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây dãy Trường Sơn với tổng chiều dài gần 2 vạn km và một tuyến đường kín dài 3.140 km. Chỉ riêng hệ thống ngầm qua sông, suối đã dài hơn 500 km.

Cũng những năm ác liệt ở Trường Sơn ấy, bộ đội và các lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã san lấp 78.000 hố bom, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 18.000 tên địch, bắn rơi 2.455 máy bay các loại, đập tan mọi ý đồ hành quân và ngăn chặn bằng không quân của đế quốc Mỹ nhằm vào các huyết mạch giao thông của cung đường.

Cũng trong cuộc chiến đấu anh dũng ấy đã xuất hiện những tấm gương sáng chói như đồng chí Phan Mài đã gùi nặng tới 100kg trong nhiều chuyến liền. Đồng chí Nguyễn Thiều thồ xe đạp mỗi chuyến nặng tới 420kg. Lại có những sự kỳ diệu như Anh hùng Nguyễn Viết Sinh thuộc Binh trạm 3, gần 6 năm làm nhiệm vụ gùi, thồ vận chuyển hàng vượt Trường Sơn, tổng cộng chặng đường anh vượt bằng độ dài vòng quanh trái đất!

Lại có những câu chuyện về dấu chân lõm sâu trong thớ đá đến nay đã gần như trở thành một hình tượng: Cuối năm 1966, bộ đội ta mở Đường 20 - đường Quyết Thắng, thì đường giao liên chạy song song cũng được hình thành. Các trạm giao liên T6, T7, T8 được lập nối thành hệ thống giao liên hoàn chỉnh. Ở trước trạm T6 địa thế hiểm hóc, cố một hòn đá bên cạnh suối, bất cứ ai đi qua cũng phải đặt chân lên đó. Hàng triệu dấu chân ngày nọ tiếp ngày kia lần lượt giẫm lên làm cho hòn đá lõm hẳn xuống in rõ dấu chân người...

Thế hệ thanh niên Việt Nam xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

Câu chuyện hòn đá in dấu chân người đã từng một thời khuấy động hàng triệu con tim, trở thành một hình ảnh tuyệt mỹ về sức mạnh của những con người ở Trường Sơn khi ấy, về ý chí chiến thắng thiên nhiên, vượt qua bom đạn của kẻ thù của những anh Bộ đội Cụ Hồ, những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên một dải dọc Trường Sơn oai hùng.

Trường Sơn là chiến trường thực nghiệm chiến lược "chiến tranh ngăn chặn", "chiến tranh bóp nghẹt" bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, với các loại vũ khí, thiết bị tối tân, hiện đại của khoa học và công nghệ Mỹ. Núi rừng Trường Sơn luôn rung chuyển, bị cày đi, xới lại bởi hơn 4 triệu tấn bom đạn, hóa chất độc hại của địch trút xuống, nhưng với trí thông minh và lòng quả cảm, các lực lượng Bộ đội Trường Sơn - Đường mòn Hồ Chí Minh đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, ác liệt, làm nên một kỳ tích vĩ đại

Việt Anh
.
.