Ghé một "vệ tinh" của thành Nhà Hồ

Thứ Sáu, 22/06/2012, 11:45

Thời điểm đón nhận danh hiệu Di sản thế giới, khách thập phương dồn đổ về Thành Hồ thể nào mà chả dừng chân ở một địa danh kế bên Đàn tế Nam Giao và Thành Hồ. Đó là Đền thiêng thờ danh tướng Trần Khát Chân, vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời Trần (thống lĩnh thủy quân và bộ binh). Vị danh tướng ấy từng chém bay đầu danh tướng Chiêm Chế Bồng Nga, oái oăm thay lại rơi đầu dưới lưỡi gươm của tác giả Thành Hồ...

Từng nhiều bận lang thang đất Vĩnh Lộc xứ Thanh, tôi ngạc nhiên khi thấy khu vực thành Nhà Hồ (sau đây gọi là Thành Hồ) nói riêng và đất Vĩnh Lộc nói chung tịnh không có một công trình nào thờ Hồ Quý Ly? Thành Hồ, Đàn tế Nam Giao chính là công trình mà đích Hồ Quý Ly là tác giả? Thế mà hương khói khách thập phương hết thảy đều dồn đổ về hai địa danh: Đền thờ Trần Khát Chân và Đền thờ nàng Bình Khương cùng chồng là Trần Cống Sĩ. Mà oái oăm, ba vị ấy đều là nạn nhân của một người: Hồ Quý Ly!

Chuyện nàng Bình Khương dập đầu vào đá kêu oan cho chồng là Trần Cống Sĩ khi xây thành Hồ,  dân gian đã thăng hoa sự thật lịch sử mong manh ấy thành ngôi đền thiêng bây giờ cùng bao huyền thoại. Nhưng sự kiện Đại tướng Trần Khát Chân rơi đầu cùng 370 vị tướng lĩnh tại hội thề ở Đốn Sơn do Hồ Quý Ly chủ trì trong một âm mưu đảo chính bất thành thì là chính sử từng bao lần rành rẽ một cách chắc khừ. 

Bao nhiêu là giấy mực cùng luận bàn của hậu thế đến nay vẫn chưa dứt và có cơ xôm tụ cùng dài mãi ra về một trong những vị vua đoản ngôi nhất chỉ 7 năm của Đại Việt là Hồ Quý Ly. Chính sử Đại Việt có lẽ cũng chả lấy chi làm minh tường khi riệt thời khắc 7 năm ấy là ngụy Hồ? Những sử gia cổ và cả kim nữa, chừng như quên khuấy cùng lú lẫn trước những cải cách những tiến bộ đượm vẻ cách mạng của ông vua Hồ, Mãi sau này hậu thế, với động cơ công minh khách quan trước lịch sử mới tự dưng giật thột mà đôi hồi, mà nhớ lại những công tích đó. Ấy thế mà hằng bao năm, nơi phát tích cùng quê kiểng Hồ Quý Ly và ngay tại địa điểm để ông vua ấy phơi phóng trưng bày bao thứ tài năng độc đáo những Thành Hồ cùng Đàn tế giao tịnh, chẳng có một miếu thờ? Thế mới biết cùng là hãi thay cho cái tên ngụy Hồ dằng dặc ám suốt xứ mình gần 700 năm như thế?

Cái năm đã xa ấy, theo nhà văn Nguyễn Khải về Thành Hồ chúng tôi có ghé Đền thờ Trần Khát Chân ở núi Đún (tên chữ là Đốn Sơn). Chúng tôi gặp ở đây một ông người manh mảnh, lòng khòng, một nhà văn, một người viết mà khi ấy hẵng còn chìm lút, nhạt nhòa... Nhưng ông Nguyễn Khải thì vồ vập trân trọng. Mãi khi lên xe, nhà văn Nguyễn Khải mới ớ ra khi lũ chúng tôi không ai biết cái ông manh mảnh ấy? Nghe nhắc tên, tôi cũng chỉ mang máng tác giả một truyện ngắn ít nhiều để lại dư ba tít mãi năm xa. Chuyện một anh bộ đội và cô cán bộ nhỡ xe ở bến Kim Liên Hà Nội cùng cuốc bộ về thị xã Sơn Tây. Một đêm đi... Tên truyện ngắn ấy được giải thưởng quốc gia. Tay này bút lực không hiểu sao cứ chuội đi. Mà nghe lão nói mò vào xứ Thanh về núi Đún, về Thành Nhà Hồ đến mấy bận? Chả biết đang mưu mô thứ gì? Tớ cứ hai hãi những tay mai phục đề tài lịch sử!

Đền thờ Trần Khát Chân.

Nhà văn Nguyễn Khải dường như đã chia đúng cái thì tương lai xa cho nhà văn lão thành Nguyễn Xuân Khánh. Sau Hồ Quý Ly cùng là Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa... dường như thời viết này, kể cả những anh sung sức nhất khó ai vượt qua được các mốc ấy! Phải mấy lần hóng hớt bên Nguyễn Xuân Khánh mới mang máng ra cái mạch nguồn, cái thủ thuật mà lão (chữ của nhà văn Nguyễn Khải) sử dụng cực kỳ hợp lý cặp đôi Hồ Quý Ly và Trần Khát Chân trong Hồ Quý Ly. Anh hùng tương ngộ? Gian hùng cùng danh tướng? Tôi không rõ lắm nhưng cái đế Trần Khát Chân là cái cớ, là sự hợp lý để bầu nên một Hồ Quý Ly và ngược lại? Có lẽ khỏi phải bôi thêm về cái tài chế biến cùng thủ thuật của  Nguyễn Xuân Khánh trong sự liên tưởng so sánh  độc đáo ấy.

... Bây chừ tôi đang bệt trên cái nền Đền thiêng thờ người anh hùng Trần Khát Chân ven núi Đún. Xuống tay quyết liệt với một âm mưu đe dọa an nguy của một chính quyền non trẻ mới ra đời như triều Hồ khi đó là thượng hay hạ sách? Có lẽ ai đó muốn nới tay cho vị vua Hồ Quý Ly cũng chẳng được nào? Rồi công luận cổ kim vẫn tiếp tục luận bàn nhưng cần lắm  cái mạch rạch ròi  công  minh khách quan trước lịch sử về công tội của Hồ Quý Ly! Nhưng ngẫm cho cùng, sự kiện ấy cũng là sự thường trong lẽ hưng phế xưa nay? Mà đền thiêng đây được dựng nên cũng là góp là cổ xúy cho việc luận bàn ấy? Mà dám chắc Đền đây chỉ được dựng sau khi triều Hồ bị giặc Minh xóa sổ. Bởi ai mà dám ngay sau sự kiện đảo chính bất thành ấy dám dựng ngay đền để ghi công tích của vị đại danh tướng. Núi Đún nằm trên trục thần đạo chiếu thẳng vào Cửa Nam Thành Hồ ngay kế bên là Đàn Nam Giao. Núi Đún là thứ an nguy của Thành Hồ là án của Thành Hồ theo phong thủy.

Ngắm ngó kỹ mới thấy dân mình quả là công bằng. Công bằng là bởi Đền Trần Khát Chân  nằm ven núi Đún ngay vị trí xảy ra cuộc thảm sát. Núi Đún như hình thể một cánh cung đương giương căng dây chĩa mũi tên vào Thành Hồ. Từng nhiều sự nắc nỏm rằng ông thầy nào đó thâm thật để đền Trần Khát Chân như thứ cung nỏ chĩa vào Cửa Nam thành là có ý đe, có ý trả thù Hồ Quý Ly muôn đời?! Nhưng tôi nghĩ có lẽ khác. Thành ấy, đền ấy được đặt cạnh nhau, tồn tại cùng cổ kim soi chung nhật nguyệt. Xú danh cùng phương danh, nếu có chăng thì mời thiên hạ, đền ấy thành kia cứ ghé để mặc sức rộng đường luận bàn!

Tôi đương nghĩ thêm về cụm từ Thánh Lưỡng để chỉ danh tướng Trần Khát Chân. Tám tuổi, từ Thăng Long, Trần Khát Chân theo mẹ về quê Hà Lương cách Đốn Sơn chỉ hơn  một cây số. Tuổi thơ, chưa rõ ông được ai rèn cặp nhưng đã qua những ngày êm đềm bên núi Đún, bên rặng núi đá Xuân Đài soi bóng ven sông Mã. Nếu thời thịnh Trần, tài năng của vị võ tướng ấy (ông thuộc dòng dõi Trần Bình Trọng) chắc sẽ được thăng hoa sớm hơn. Nhưng vào buổi mạt Trần, tài quân sự của vị võ tướng mang họ vua ấy phát lộ cũng chả muộn nào. Được phong chức thống lĩnh quân đội thủy, bộ khi mới ở tuổi 25. Dự nhiều trận bình Chiêm mà chiến công hiển hách nhất là trận chiến trên sông Luộc tháng Giêng năm 1390 chặn đứng mũi tiến công tàn bạo của quân Chiêm Thành.

Trận ấy chính tay Trần Khát Chân chém bay đầu danh tướng Chiêm Chế Bồng Nga đem thủ cấp dâng dưới thềm rồng Vua Trần Nghệ Tông. Thương thay sự mến nhớ nhà Trần (khi đó đã mục ruỗng hết thời) đã khiến Trần Khát Chân ôm hận rơi đầu ở tuổi 29. Thủ cấp vị danh tướng bị bêu ở núi Đún. Còn thây thì phơi ở Nam Thành Hồ. Sau đó thủ cấp được táng ngay trong đền theo kiểu thượng sàng hạ mộ còn thây thì chôn ở Đền thờ Tam Tổng gần ngay Thành Hồ. Phải chăng cái tên Thánh Lưỡng không phải chỉ chức vụ Trần Khát Chân khi còn sống đảm nhiệm thống lĩnh quân thủy - bộ nhà Trần mà còn chỉ việc hậu sự đầu mai táng một nơi thân một nẻo?

Thành nhà Hồ.

Ngắm thêm gian hậu cung thâm nghiêm hương khói bốn mùa bất tuyệt nghe nói đó là vị trí thượng sàng hạ mộ nơi chôn cất thủ cấp vị danh tướng chợt nhớ đến công lao của một người. Tháng 6/1983, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt về thăm Thành Hồ. Như bao du khách khác, tất nhiên ông ghé Thành Hồ. Sau khi coi kỹ ông hỏi còn di tích nào khác liên quan đến Thành Hồ? Người ta dẫn ông đến đền Thánh Lưỡng nhưng còn mỗi hậu cung nhưng cũng đang sắp phá! 

Sự phá đền bắt đầu phong trào từ những năm cuối 50, đầu 60. Nhiều đền chùa di tích của  đất Vĩnh Lộc nói riêng và Thanh Hóa nói chung đã bị phá dỡ. Chùa đình đền rộng thì làm kho cho hợp tác xã, làm trường học. Còn gỗ lạt tháo ra thứ đóng bàn ghế cho học trò, thứ làm củi cho vào lò đốt sấy thuốc lá. Đền Ông Thánh Lưỡng không hiểu vì sao, người ta cứ dùng dắng không phá trụi hết mà cứ để gian hậu cung làm vậy? Hóa ra nhiều người sợ vì nghe đồn thổi là thiêng lắm! Nhưng không thể để mãi chuyện mê tín dị đoan như thế lan truyền mãi được. Người ta nhất quyết phá nốt gian hậu cung Đền Thánh Lưỡng.

Chiếc U oát dừng lại. Vị Bí thư Thành ủy bước xuống, ánh mắt ngạc nhiên xót xa ngó đám thợ đương hăng hái trèo lên nóc hậu cung làm cái việc cạy ngói. Ông lại gần hỏi rõ ngọn ngành... Ông thích thú cất tiếng cười vang khi biết cả một vùng này ai ai cũng dùng từ cẳng (thay cho chân) bởi sợ phạm tên húy oai Ngài!? Ngắm kỹ ngôi đền bị cắt mất hai gian chính cùng nhà tiền tế tựa lưng vào núi có địa thế rất đẹp, ông thở dài...

Nhưng ông không quay quả ra xe mà bắt chuyện ngay với mấy nhà chức việc của huyện đi cùng. Ông bảo khoan hẵng làm cái việc phá dỡ. Ông bộc bạch sẽ thương lượng với mấy quan chức ngành văn hóa Trung ương mà ông có quen biết, phải giữ lại cái di tích này! Mấy ông huyện nghe vậy thì biết vậy chứ chắc gì cái ông ở tít trong Nam liệu có khiển được việc tận ngoài Bắc? Nhưng ai cũng nể vị thế ông khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị... Thật bất ngờ, chỉ một tuần sau có chỉ thị của Chủ tịch tỉnh, kiêm thêm cái sức bên ngành văn hóa tỉnh bảo dừng ngay việc phá hậu cung Đền Thánh Lưỡng!

Thuật lại với tôi chuyện đó. Ông Phạm Văn Chấy khi đó là Trưởng phòng Tài chính huyện (sau này là Phó chủ tịch huyện Vĩnh Lộc) giọng vẫn bồi hồi rằng, cuối buổi tham quan bữa ấy, ông Sáu Dân còn có một quyết định bất ngờ nữa!  Đứng bên đôi rồng đá bị cắt mất đầu ở chính giữa Thành Hồ, ông nói sẽ làm việc thêm với Bộ Văn hóa và cơ quan có trách nhiệm tăng thêm phụ cấp cho 4 cán bộ bảo vệ Thành Hồ vì phụ cấp của anh em đương hẻo quá. Để tăng thêm tinh thần trách nhiệm, mỗi cán bộ sẽ được cấp thêm 50 đồng! Nhiều tiếng cười vui òa vỡ trong cuộc gặp rằng có lẽ Thánh Lưỡng đã phù hộ cho ông  Sáu Dân! Bởi sau khi can thiệp cái việc ngưng phá hậu cung Đền Trần Khát Chân, ông Sáu Dân đã được thăng cấp ra Hà Nội làm Thủ tướng Chính phủ!

Cứ lạ mãi khi ngắm ngó kỹ số cây cổ thụ sau ngôi đền thiêng. Số cây mới gây đã lực lưỡng nhưng nổi trội nhất vẫn là cây muỗm cổ thụ mà nhiều người nói cùng tuổi với ngôi đền, người thì bảo cùng tuổi với Thành Hồ? Cao gần 30 mét, đường kính hơn 1 mét, thứ thụ mộc lụ khụ này tuổi tác chắc cũng phải xôm tụ lắm? Thế mà qua bao tao loạn những chiến dịch phá dỡ đình chùa lấy gỗ đóng bàn ghế này khác mà cụ thoát và thọ kể cũng lạ? Nhưng nghe kể lại thì có duyên do cả đấy. Đâu như ba lần lưỡi cưa của người thừa hành lệnh chặt "cụ" muỗm để xẻ gỗ thì cả ba lần đụng cưa thốt nhiên có tiếng khóc rất ai oán vẳng ra. Lần cuối thì hai anh thợ xẻ mới kéo được nửa mạch cưa thốt nhiên đau bụng quằn quại vã mồ hôi lạnh đành bỏ!  Nghe chả biết thực hư thế nào nhưng nếu có thứ huyền bí chi đó trợ cho việc giữ gìn di tích thì cũng tạm tin vậy! Bởi cây cũng là thứ bầu nên di tích chứ riêng chi đền chùa ngay cạnh?

Nhân chuyện thụ mộc Đền Thánh Lưỡng cũng phải kể ra chuyện này. Chuyện của ông Chấy nguyên Phó chủ tịch huyện. Bữa đó ông đang họp thì ông từ coi đền hớt hải tìm đến. Ông hào hển báo cái tin cây vải cổ thụ cụt ngọn bên đền hằng bao năm chết khô bỗng tự dưng đơm hoa kết trái... Sau này hỏi lại mới biết cây vải cụt ngọn chết khô ấy chỉ có 2 cành như hai cánh tay chỉ thẳng lên giời có dáng lạ nên người nhà đền cứ để thế dùng dắng không chặt bỏ. Nhưng sau thời điểm Bộ Văn hóa cấp bằng di tích lịch sử và dân thập phương công đức trùng tu tôn tạo Trung đường, tiến hành sơn son thếp vàng lại 3 bộ kiệu thần vị thì tự dưng cây vải này đơm hoa kết trái!  

Lúc rời Đền thiêng núi Đún, ngước thêm lần nữa đôi câu đối khá uẩn súc ở Trung đường: Trung hiếu phong cao chính khí thiên thu do bức Hán/ Hoang thành yên một, hào hoa nhất khứ dĩ qua Hồ. (Miếu trung thần, phong độ lớn nghĩa khí ngàn thu còn bức Hán/ Thành hoang mây khói phủ vẻ hào hoa mới khuất đã sang Hồ). Trong hàng chục bức hoành câu đối ở Đền, thấy câu đối này hơi bị lạ. Lạ chưa hẳn là âm hưởng ngang tàng khí phách, lạ tác giả lại là một nữ nhi! Bà Phạm Thị Đào là người thiếp yêu của một quan chức khá cao cấp không biết thời nào nhưng ghi là quan phụ chính đại thần Đông các đại học sĩ cung tiến cho đền! 

Rời đền, nghĩ thêm trong khu vực này hiện chưa có nơi nào thờ cúng Hồ Quý Ly nhưng việc công nhận di tích Thành Hồ là Di sản văn hóa thế giới, thiên hạ mà cụ thể là UNESCO đã gián tiếp cái việc tôn vinh Hồ Quý Ly như ngầm công minh công bằng mà rằng, công trình tuyệt tác Thành Hồ chính là ngôi đền thiêng của Đại Việt hơn 600 năm trước và muôn đời mai sau!

Thành ấy mà chẳng có Đền này có lẽ cũng buồn?

Tháng tư nhuận năm Thìn

X.B.
.
.