“Giải mật hồ sơ điệp viên mang bí số N113”: Con đường sang Lào

Thứ Ba, 27/05/2014, 20:15

Suốt giai đoạn "9 năm kháng Pháp", trong vai trò tình báo quân sự, ông Tống Văn Trinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu thập thông tin quân địch, tạo điều kiện cho quân ta thực hiện thành công nhiều chiến dịch. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và trở thành học trò của nhà tình báo Trần Hiệu.

Chiến tích trong chiến dịch Lê Hồng Phong

Năm 1950-1951, Bộ Tư lệnh Nam Bộ chủ động mở bốn chiến dịch lớn thuộc phạm vi Phân liên khu miền Tây, gồm Long Châu Hà 1 và 2, Sóc Trăng 1 và 2. Chuỗi bốn chiến dịch này gọi chung là chiến dịch Lê Hồng Phong nhằm "giương đông, kích tây", thu hút sự chú ý quân sự của địch để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ ở phía Bắc.

Trước khi mở chiến dịch Lê Hồng Phong, Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh Nam Bộ triệu tập Hội nghị quân sự cấp cao. Thành phần gồm ban chỉ huy các tỉnh đội, các đơn vị chủ lực, các binh chủng tham mưu (quân báo, tác chiến, chính trị, binh vận...). Chủ trì là các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Dương Quốc Chính, Nguyễn Bình, Nguyễn Chánh, Hoàng Minh Đạo. Lúc bấy giờ ông Hoàng Minh Đạo là Trưởng ban Quân báo Nam Bộ.

Tống Văn Trinh là Trưởng ban Quân báo chiến dịch tỉnh Cần Thơ, nên được chỉ định báo cáo toàn bộ tình hình địch. Ông đã báo cáo rành rọt, cách bố phòng, các ổ đề kháng... của địch. Nhân đó, đề xuất luôn phương thức đánh địch.

Vào chiến dịch, Tống Văn Trinh được giao nhiệm vụ phụ trách mối liên lạc giữa các chi quân báo, các đơn vị bộ đội liên quan đến chiến dịch. Chủ yếu là quân báo Cần Thơ và Chi 50 - Phòng điệp báo Quân khu 9. Đồng thời, Tống Văn Trinh còn chỉ huy đội hành động đốt cháy toàn bộ kho quân cụ của đội cơ giới Motorisés, phá hủy nhà in An Hà (bên hông Đài Truyền hình Cần Thơ ngày nay), đặt bộc phá làm nổ 6 trạm biến thế, khiến cho thành Cần Thơ phải mất điện trong nhiều ngày.

Năm 1954, Tống Văn Trinh được trên phân công tập kết ra Bắc trong biên chế Sư đoàn 330.

Đầu năm 1957, Tống Văn Trinh đang là trợ lý Ban Quân lực của Sư đoàn 330 thì nhận được lệnh điều động về Bộ Tổng tham mưu. Về đến Bộ Tổng tham mưu, Tống Văn Trinh mới biết mình nhận nhiệm vụ mới tại Cục Tình báo. Lúc này, Cục Tình báo có mật danh là Cục 2, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 15/7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập một cơ quan mang ẩn danh là Tình báo Chiến lược nhưng hiện danh là Nha Liên lạc trực thuộc Thủ tướng phủ. Giám đốc Nha là nhà tình báo Trần Hiệu. Năm 1957, Nha Liên lạc hợp nhất với Cục Quân báo thành Cục Tình báo - một cơ quan tình báo chiến lược toàn diện của Đảng và cũng do ông Trần Hiệu trực tiếp chỉ huy.

Tống Văn Trinh cùng một số đồng đội bước vào giai đoạn huấn luyện đặc biệt và bí mật do chính nhà tình báo Trần Hiệu làm chủ nhiệm khóa. Những người tham gia khóa huấn luyện đặc biệt này được dân sự hóa mọi sinh hoạt.

Họ được học lái tất cả các loại xe thông dụng, học nhảy dù, học sử dụng các loại máy chụp hình, tráng phim, rửa hình, học sử dụng điện đài, học võ thuật, học nhiều loại ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Thái và Lào), học cách khai thác kiểm tra thông tin...

Đầu năm 1959, Tống Văn Trinh nhận được lệnh trình diện tại "Trung tâm" (Mật danh của Cục 2 - Tình báo). Buổi trình diện thực ra chỉ là cuộc chuyện trò thân mật giữa hai thầy trò là ông và Cục trưởng Trần Hiệu.

Tại buổi nói chuyện này, ông Trần Hiệu cho biết: "Trung tâm đã chuẩn bị đưa cậu đến một chiến trường hết sức phức tạp và quan trọng vì có quá nhiều loại gián điệp quốc tế tập trung. Địch dùng nơi đây làm bàn đạp xâm nhập chống phá miền Bắc nước ta. Tôi cũng không giấu cậu nữa, cậu sẽ phải hoạt động đơn tuyến tại Lào cho đến khi có lệnh mới. Cậu nên nhớ, nước Lào với nước ta như môi với răng, môi hở thì răng lạnh. Chúng ta giúp bạn cũng là tự giúp mình. Nhiệm vụ đầu tiên của cậu là tạo thế hợp pháp và vỏ bọc vững chắc, thọc sâu, leo cao, lập mạng lưới tình báo để khai thác nhiều nguồn tin khác nhau về quân sự, chính trị và kinh tế từ Sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Vientiane. Đảng và Trung tâm tin tưởng cậu".

Bí danh N113 và con đường sang Lào

Sau buổi tiếp xúc với Cục trưởng Trần Hiệu, Tống Văn Trinh bắt đầu một cuộc chiến đấu mới trên đất bạn Lào trong suốt 17 năm với mật hiệu N113. Một ngày đầu xuân, Tống Văn Trinh được một chiếc xe ôtô Volga và một cán bộ lạ đến đón. Chiếc xe lao nhanh về hướng nam.

Sau mấy ngày chạy liên tục, chiếc xe thả ông và người cán bộ lạ ở thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ông và người cán bộ hóa trang thành thợ rừng tiếp tục đi về phía thượng nguồn sông Giang. Người cán bộ lạ trở về Hà Nội, ông tiếp tục được một cán bộ giao liên đưa đi bộ cắt rừng suốt 3 tháng. Cả 2 chỉ được ăn cầm hơi bằng lương khô mang theo và nước suối thiên nhiên. Họ đi qua vùng hoạt động của biệt kích Lào thân Mỹ để đến xóm Xiêng Vang (Thà Khẹt). Tại đây Tống Văn Trinh nhận được giấy cư trú "hợp pháp" mang tên Nguyễn Văn Độ - Một Việt kiều ở Thái Lan từ trước năm 1945.

Người giao liên trở về Việt Nam. Ông "Độ" đi tìm người giao liên mới bằng quy ước và mật khẩu. Người giao liên mới tiếp tục đưa ông "Độ" vượt biên sang tỉnh Nakhone Phanom, Thái Lan cư trú tạm trong nhà một Việt kiều. Sau đó, người giao liên mới biến mất.

Theo kế hoạch đã vạch sẵn trước khi rời Hà Nội, ông "Độ" nhờ ông chủ nhà: "Tôi muốn sang Lào làm ăn. Bác chỉ cần giúp đưa tôi đến Nong Khai, tôi sẽ tự sang Lào".

Từ Nong Khai, ông "Độ" được một cơ sở bí mật đưa an toàn vào Lào trong bộ trang phục một doanh nhân Việt kiều cư trú ở Thái Lan. Theo chỉ thị của "Trung tâm", ông "Độ" tìm đến nhà ông Bùi ở đường Nong Bone gần That Phoune xin cư ngụ.

Ông Bùi là thầu khoán của Hãng xây dựng Calavy, Lào. Hãng này luôn tuyển công thợ là người Việt Nam.

Thời đó, cảnh sát phụ trách ngoại kiều của Lào (police d`imigration) quy định xét cấp cho ngoại kiều hai loại giấy phép: Giấy màu vàng, thời hạn 6 tháng cho người mới đến được người bản xứ có thân thế làm giấy bảo đảm, hết hạn thì đến gia hạn thêm, người nhận giấy phép loại này phải đóng thuế cư trú rất cao. Giấy màu đỏ, thời hạn 2 năm, chỉ cấp cho người cư trú lâu năm và mỗi lần gia hạn được 2 năm. Người có giấy đỏ, đóng thuế cư trú ít hơn loại đầu.

Vợ chồng ông Tống Văn Trinh (đứng giữa) trong thời gian ông hoạt động bí mật tại Lào.

Trước đó có một người tên Nguyễn Văn Đan ở Sài Gòn qua làm thư ký cho Hãng Calavy. Do không chịu đựng cảnh xa nhà, ông ta đã về nước. Khi về, ông ta bỏ lại giấy phép cư trú màu vàng. Ông Bùi dùng mối quan hệ thân thiết của mình nhờ một người làm việc trong ngành cảnh sát thay ảnh ông "Độ" và bộ hồ sơ cư trú của ông Đan.

Sau 2 lần lột xác, Tống Văn Trinh trở thành Nguyễn Văn Đan, thư ký cho Hãng Calavy, Lào.

Đã có giấy tờ hợp pháp và lý lịch hoàn hảo, "Nguyễn Văn Đan" được ông Bùi giới thiệu vào làm thư ký Phòng Đăng kiểm xe (Bureau Contrôle d'Auto) thuộc Sở Công chánh Vientiane - Ngạch công chức chính thức của Vương quốc Lào. Nhờ vị trí làm việc này, thầy Nguyễn Văn Đan đã dễ dàng đổi từ thẻ vàng sang giấy phép cư trú dài hạn màu đỏ.

Chỉ một thời gian ngắn, "Nguyễn Văn Đan" chiếm được cảm tình tất cả đồng nghiệp. Năm 1960, "Trung tâm" thu xếp vợ con ông "Đan" từ Việt Nam qua sống chung cùng ông. Tất cả các con ông "Đan" đều được làm hồ sơ mang họ Nguyễn cho phù hợp với vỏ bọc của ông.

Suốt 5 năm đầu, "Nguyễn Văn Đan" chỉ làm mỗi nhiệm vụ là tạo thiện cảm, xây dựng các mối quan hệ thân tình với các gia đình có con em làm việc trong Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa (VNCH) tại Lào và chính quyền VNCH.

Năm 1964, "Trung tâm" chỉ thị, phải tạo mọi điều kiện cần thiết để tiếp nhận điệp viên T phụ trách điện đài.

Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn, vì ông "Đan" không chỉ lo giấy phép cư trú, mà còn phải tạo nghề nghiệp bình phong cho người phụ trách điện đài và đặc biệt là nơi đặt điện đài, bảo đảm hoạt động an toàn.

Suy tính mãi, ông "Đan" đã tìm ra một giải pháp. Ông vận động bà con Việt kiều góp tiền xây dựng một ngôi trường tư thục mang tên La Fontaine dạy chương trình phổ thông Lào nhưng có kèm thêm tiếng Việt. Sau khi ngôi trường đi vào hoạt động, ông đón điệp viên T sang với vỏ bọc là thầy giáo dạy tiếng Lào.

Năm 1970, ông "Đan" tiếp tục "lót ổ" cho điệp viên Q vào vỏ bọc tổng giám thị của trường La Fontaine.

Học sinh Trường La Fontaine hàng năm thi tuyển lên trung học (lycée) đạt tỷ lệ cao, vì vậy uy tín của trường ngày càng cao. Học trò ngày càng đông, phải mở thêm một sơ sở khác ở xóm Xiêng Khoảng, cũng tại Vientiane.

Chui sâu vào hãng hàng không Lào

Cuối năm 1960, Đại tá Deuang và Đại úy Koong Le cầm đầu một cuộc đảo chính lật đổ phái hữu thân Mỹ tại Lào. Phe đảo chính lập chính phủ trung lập do Hoàng thân Souvanna Phouma làm Thủ tướng. Chính phủ này cũng chỉ tồn tại được vài tháng. Thủ tướng Hoàng thân Souvanna Phouma bị Phoui Sanani Kone lật đổ để thành lập một chính phủ thân Mỹ khác do chính ông ta làm Thủ tướng.

Từ đó, dòng họ Sanani Kone nắm giữ hầu hết các cơ quan quyền lực và một số ngành kinh doanh độc quyền béo bở. Trong đó, có Công ty cổ phần Hàng không nội địa Vương quốc Lào - Societé Véha Akat (SVA). Các dòng họ có thế lực chính trị ở Lào đều có tên trong Hội đồng quản trị. Dòng họ Sanani Kone chiếm đông nhất, gồm Thủ tướng Phoui, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Oudone, Ngoại trưởng Ngôn, cố vấn quân sự Bộ Quốc phòng Oun. Kế đến là các vua Mèo như Touby Lyfoung, Toujeu Lyfoung và Tiao Souk Bouavongs.

Oun Sanani Kone (cố vấn Bộ Quốc phòng) là Chủ tịch hội đồng quản trị SVA, kiêm giám đốc một hãng sửa chữa máy bay. Oun Sanani Kone thuê một chuyên gia người Pháp tên Francois Le Fouasse làm giám đốc điều hành Hãng Hàng không SVA. Ông Francois Le Fouasse có vợ là người Việt tên Trần Kim Hoa. Trần Kim Hoa có quan hệ rất mật thiết với chính quyền Sài Gòn (Giữa Francois Le Fouasse và Ngô Đình Nhu đã có những phi vụ vận chuyển ma túy bí mật sẽ có dịp chúng tôi đề cập đến trong loạt bài khác). Về sau, Trần Kim Hoa làm Giám đốc SVA, được Sứ quán VNCH cử làm hội trưởng Hội Phụ nữ Việt kiều ở Vientiane.

Nhờ có nhiều mối quan hệ trong Sở Công chánh, ông "Đan" nhận thấy SVA là một công ty dễ dàng khai thác tin tình báo. Ông báo cáo về "Trung tâm" và nhận được chỉ thị phải tìm cách xâm nhập vào "lãnh địa" đó. Bằng nhiều mối quan hệ, năm 1963, ông "Đan" trở thành kế toán trưởng của VSA. Một thời gian ngắn, ông "Đan" được Chủ tịch Hội đồng quản trị Oun Sanani Kone đặc biệt ưu ái, xem như người nhà.

Chính mối quan hệ thân thiện với Chủ tịch Hội đồng quản trị Oun Sanani Kone (cố vấn Bộ Quốc phòng) đã tạo thêm điều kiện cho thầy Đan giao thiệp rộng rãi với giới thượng lưu Lào. Thầy Đan thường được mời dự các ngày lễ lớn của gia đình họ cũng như các lễ Boun của dòng họ Sanani Kone.

Điều này, không chỉ làm cho những người quen biết mà cả các nhân viên sứ quán của chính quyền Sài Gòn cũng phải nể trọng. Trong đó có viên Trung tá B - Tùy viên quân sự Đại Sứ quán VNCH tại Lào. Thời gian này, mọi tình hình của chính quyền Lào thân Mỹ và VNCH tại Lào đều được báo cáo đầy đủ về "Trung tâm".

Đầu năm 1971, ông "Đan" nhận thấy có điều gì đó bất thường khi một phái đoàn quân sự cao cấp của Mỹ và VNCH bất ngờ xuất hiện tại Lào. Qua dòng họ nhà Sanani Kone, ông phát hiện Mỹ và VNCH thỏa thuận với chính quyền Lào thân Mỹ thực hiện một kế hoạch quân sự lớn tại khu vực Đường 9 Hạ Lào. Ngay lập tức, ông và cộng sự báo cáo ngay về "Trung tâm".

Cùng thời điểm đó, một cán bộ tình báo của ta đang trú ẩn trong bộ máy cao cấp của chính quyền VNCH cũng báo cáo về Hà Nội: "Mỹ và VNCH sắp thực hiện một chiến dịch quân sự lớn tại Hạ Lào nhằm cắt đứt đường Trường Sơn". "Trung tâm" chỉ thị cho ông "Đan" tìm cách thu thập thông tin chi tiết về kế hoạch này tại Lào.

Ông "Đan" nhắm đến viên Trung tá B - Tùy viên quân sự Đại sứ quán VNCH tại Lào

Nông Huyền Sơn
.
.