Giám đốc FBI Robert Mueller: 10 năm săn lùng khủng bố - Thành công và tai tiếng

Thứ Hai, 23/05/2011, 09:45

Trang bìa Tạp chí Time ngày 9/5/2011 là bức hình Giám đốc FBI Robert Mueller với dòng tít "Người săn lùng khủng bố". Phóng viên của Time đã dành trọn một ngày "theo chân" Robert Mueller để có được cuộc phỏng vấn người đàn ông có vị trí đặc biệt này. Đây là thời điểm gần kết thúc nhiệm kỳ 10 năm, Mueller đã 66 tuổi được coi là người giữ vị trí giám đốc FBI lâu nhất.

Bài viết của nhà báo Barton Gellman đã cho độc giả thấy một chân dung khá rõ nét người đứng đầu Cục Điều tra Liên bang Mỹ cũng như về cơ quan này suốt 10 năm qua.

FBI dưới "triều đại" của Robert Mueller trong 10 năm có quá nhiều sự kiện với những thành tích ấn tượng nhưng cũng không ít tai tiếng.

Trong quá trình phát triển của FBI không thể không nói đến sự thất bại nặng nề đau đớn ngày 11/9/2001. Đó là khi Robert Mueller nhậm chức giám đốc chính xác được 9 ngày. Đây có thể gọi là thời điểm tồi tệ nhất trong 93 năm lịch sử của Cục Điều tra Liên bang Mỹ. Các văn phòng FBI ở PhoenixMinneapolis đã nắm các đầu mối quan trọng về âm mưu khủng bố từ trước khi các vụ tấn công diễn ra khá lâu.

Tuy nhiên không nhân viên nào biết các nhân viên khác đã nắm được những gì, và cũng không ai chịu ráp nối các mảnh ghép thông tin với nhau. Dư luận bắt đầu cho rằng, FBI đã bị phân tán, những trang thiết bị thì tồi tàn không đủ để thu thập những thông tin tình báo và cũng không muốn chia sẻ thông tin mình có cho người khác.

Để tránh sự chia rẽ, Mueller đã mạnh dạn cam kết sửa chữa và tái thiết tổ chức thành một mô hình hiện đại chuyên thu thập các thông tin tình báo. Ông ta đã tăng số lượng nhân viên lên gấp đôi và số lượng các chuyên gia phân tích lên gấp ba lần. FBI đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm những âm mưu nghiêm trọng. Song thậm chí những cải cách sau một thập kỷ vẫn chưa thể khiến FBI trở thành một lực lượng chống khủng bố như kỳ vọng.

Cơ quan này là một tổ chức đặc thù 2 trong 1: vừa làm nhiệm vụ áp chế thi hành luật pháp (như chống bắt cóc, giả mạo ngân hàng và các loại hình tội phạm có tổ chức) cùng với các nhiệm vụ điều tra trong nước như chống khủng bố và các âm mưu gián điệp. Trong khi hầu hết các đồng minh của Mỹ, như Anh, lại có sự tách biệt rõ ràng hai nhiệm vụ này. Tuy nhiên, cũng không thể khẳng định, liệu bất cứ nhân viên nào cũng có thể làm tốt cả hai nhiệm vụ hay không. Cảnh sát làm nhiệm vụ trong một thế giới tội ác và tội phạm đã rõ ràng tội trạng, trong khi giới tình báo lại cần mẫn theo dõi những thứ mà thậm chí còn… không hề tồn tại!

Chống khủng bố đến cùng

Ngày 14/12/2003, ngay sau khi Saddam Hussein bị bắt, Tổng thống George W.Bush đã tuyên bố: "Cuộc chiến chống khủng bố là một hình thái khác của chiến tranh, được tính bằng mỗi vụ bắt giữ, mỗi cơ sở khủng bố bị triệt hạ, và từng chiến thắng… Và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sẽ không từ bỏ cho đến khi giành thắng lợi trong cuộc chiến này".

Suốt nhiều năm qua, những kẻ khủng bố đã tấn công vào khắp các mục tiêu trên toàn thế giới. Và hiển nhiên nước Mỹ là tâm điểm mà chủ nghĩa khủng bố nhắm tới. Al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác đã một lần nữa tuyên bố rõ ràng rằng, chúng tiếp tục theo đuổi những việc làm sai trái không tuân thủ bất kỳ luật lệ nào, bất kể của con người hay thần thánh.

Dưới quyền của Obama cũng như Bush, rất nhiều khó khăn đổ lên đầu Mueller. Trong suốt 10 năm qua, FBI vẫn khẳng định các tổ chức khủng bố nói chung, mạng lưới Al - Qaeda và những tổ chức phụ thuộc của họ tiếp tục là mối đe dọa đáng kể nhất đối với Mỹ. Những mối đe dọa này gồm các phần tử cực đoan tại vùng biên giới Afghanistan - Pakistan, tổ chức Al-Qaeda tại bán đảo Arập, tổ chức Al-Shabab tại Somalia, và hiện tượng cực đoan hóa của một số cá nhân đơn lẻ tại Mỹ.

Robert Mueller cho rằng, Al-Qaeda và những tổ chức phụ thuộc nó vẫn theo đuổi đường lối tấn công bên trong lãnh thổ Mỹ. Các âm mưu khủng bố trong nước Mỹ thường thì không được đề cập đến trong các buổi họp hằng ngày của Tổng thống, nhưng mức độ nguy hại của chúng được đánh giá còn lớn hơn nhiều so với các âm mưu khủng bố được coi là những cuộc thánh chiến.

Một cuộc họp trực tuyến của FBI do giám đốc Mueller điều hành.

Theo Giám đốc R.Mueller, FBI chưa bao giờ gặp phải một môi trường đe dọa phức tạp hơn hiện nay, bởi vì ngoài khủng bố, các hoạt động gián điệp, tấn công bằng Internet và những hành vi phạm pháp khác như là tham nhũng công khai và có tổ chức, các tội phạm liên quan tới tài chính và các hành vi bạo động đang diễn ra vô cùng đa dạng.

FBI sở hữu 56 văn phòng, mỗi văn phòng được điều hành bởi một điệp viên đứng đầu. Trước các buổi họp, từng nhân viên FBI đều đưa bản đánh giá của mình về mối nguy hại và thành tích của họ trong việc chống khủng bố, chống gián điệp và các hoạt động chống tội phạm mạng. Baltimore xếp những kẻ cực đoan "al-Qaeda/Sunni" là mối nguy hại đáng sợ nhất, trong khi Newark thì lại đánh giá thấp mối nguy của các tín đồ cực đoan dòng Sunni. Philadelphia dự đoán về nguy cơ đánh cắp công nghệ nano của gián điệp nước ngoài. Trong các cuộc họp, Mueller thường "vặn vẹo" các nhân viên buộc họ chứng minh những đánh giá của mình và chia sẻ bằng chứng với các điệp viên khác.

Được mô tả là một người có cá tính khá cẩn thận, Robert Mueller luôn né tránh những nơi được xem là tâm điểm, nghiêm túc khi xuất hiện trước công chúng, nhưng rất "nhà nghề" khi bí mật nhâm nhi tại quán bar nào đó. Chân dung của Mueller chỉ thực sự rõ nhất khi được thể hiện trong điều hành. "Có vẻ như tôi là một người không kiên trì. Đôi khi điều đó là tốt, song đôi khi lại không. Thiếu kiên nhẫn ở một mức độ nào đó lại là cần thiết để ra quyết định và đưa vào thực thi" - Mueller cũng tự bạch như vậy.

Hăng quá hóa lạm quyền

Sự hợp tác thực thi luật pháp tăng đáng kể giữa các quốc gia sau vụ tấn công ngày 11/9 và tiếp tục được mở rộng từ năm 2003. Al-Qaeda không còn là một tổ chức như trước kia nữa. Một số lớn các nhân vật lãnh đạo cấp cao của Al-Qaeda đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt giam, các thành viên đang bỏ chạy và khả năng của chúng bị suy giảm đáng kể. Hơn 3.400 kẻ tình nghi trong mạng lưới Al-Qaeda đã bị bắt hay giam giữ trên toàn thế giới.

Tại Hoa Kỳ, các kẻ tình nghi khủng bố liên tục phải đối mặt với luật pháp. Tuy nhiên trong nỗ lực truy quét, các cơ quan thực thi luật pháp Mỹ, trong đó có FBI, đã phải đối mặt với những cáo buộc về việc lạm dụng quyền lực trong điều tra chống khủng bố.

Trong một báo cáo được tiết lộ ngày 20/9/2010, Tổng thanh tra Glenn Fine của Bộ Tư pháp Mỹ - người chịu trách nhiệm tiến hành cuộc điều tra về nhân viên và những chương trình của Bộ Tư pháp - tuyên bố FBI đã lạm dụng quyền lực khi tiến hành hoạt động gián điệp. Hàng loạt các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hòa bình Xanh của Mỹ (Greenpeace USA), Tổ chức Bảo vệ động vật PETA và 2 nhóm chống chiến tranh đã trở thành nạn nhân của FBI trong những cuộc điều tra chống khủng bố nội địa từ năm 2001 đến 2006.

Theo báo cáo này thì FBI đã "ít hoặc không có cơ sở" để đưa những tổ chức nói trên vào diện điều tra chống khủng bố. Một số cuộc điều tra "vô lý" của FBI  đã dẫn đến việc đưa người vô tội vào danh sách theo dõi khủng bố nội địa trong suốt nhiều năm. Thêm nữa, Giám đốc FBI Robert Mueller trong hoạt động điều tra đã cung cấp cho Quốc hội Mỹ "thông tin sai lệch và không đúng sự thật". PETA cũng kịch liệt phê phán FBI đã sử dụng những "chiến thuật của McCarthy" (chính sách chống Cộng điên cuồng của McCarthy).

Có lẽ những nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc chiến chống khủng bố của Robert Mueller và Cục Điều tra dưới quyền ông ta được xem là đã "quá đà" và đánh đồng nhiều tổ chức cá nhân vô tội với bọn khủng bố. Dường như nỗi hoang mang, lo ngại quá mức đã dẫn đến "hoang tưởng và mù quáng". FBI đã nhân danh chống khủng bố để tấn công vào một số trung tâm hòa bình không bạo lực.

Ngay từ năm 2007, những người đứng đầu FBI trong đó có Mueller đã phải thừa nhận rằng, cơ quan đã không tạo được sự giám sát đầy đủ trong nhiệm vụ săn lùng những phần tử khủng bố trong nước dẫn đến việc lạm dụng quyền lực để thu thập số điện thoại, e-mail, số liệu tài chính và những ghi chép đi lại của các cá nhân và tổ chức. Nhưng một năm sau đó, bất chấp sự cam đoan của Giám đốc Robert Mueller rằng FBI đã có những biện pháp cải tổ để tránh tình trạng tiếp tục lạm dụng quyền lực của cơ quan này, các quan chức cao cấp của FBI vẫn bí mật thu thập 3.860 số điện thoại của các tổ chức và cá nhân trên toàn nước Mỹ. Và cho tới hiện nay thì, sự lạm dụng của cơ quan này vẫn chưa hề giảm đi mà lại có chiều hướng tăng lên.

Hai lần từ chức không thành

Trong 10 năm phụng sự FBI có đến 2 lần Robert Mueller xin từ chức không thành. Có lẽ cả 2 lần này ý nghĩa với cá nhân Mueller không được dư luận quan tâm nhiều bằng chính những câu chuyện đằng sau không hay ho gì của chính quyền Mỹ.

Không phải tới thời điểm này, khi sắp hết nhiệm kỳ 10 năm, Mueller mới nghĩ đến chuyện chia tay với Cục Điều tra. Mueller đã có lý do để cho rằng nhiệm kỳ giám đốc của mình có lẽ kết thúc từ lâu. Ông ta đã viết đơn từ chức lần thứ nhất vào ngày 12/3/2004 và định nộp. Nguyên nhân là chương trình giám sát tuyệt mật có tên gọi Stellar Wind mà Tổng thống Bush phê chuẩn thành lập không lâu ngay sau vụ đánh bom Trung tâm thương mại New York bị phanh phui những chuyện mờ ám. Chưởng lý John Ashcroft đứng đầu Bộ Tư pháp khẳng định, Chương trình Stellar (có sự tham gia của FBI) là bất hợp pháp. Ngay hôm sau khi tuyên bố nhận định trên, Chưởng lý Ashcroft ốm thập tử nhất sinh.

Cố vấn Nhà Trắng Alberto Gonzales và Phụ trách nhân sự Nhà Trắng Andrew Card Jr. yêu cầu Ashcroft lúc đó đang nửa tỉnh nửa mê ký vào một văn bản chuyển giao quyền điều hành Bộ Tư pháp. Động thái này được đánh giá là cú "lách" ngoạn mục của chính quyền Bush để đoạt quyền điều hành Bộ Tư pháp nhằm tới những mục đích cụ thể của họ. Trước hết Bush muốn Stellar Wind phải được tiếp tục hoạt động.

Ngay hôm sau, Mueller được thông tin Stellar Wind đã có hiệu lực trở lại bất chấp sự phản đối của Bộ Tư pháp. Đêm đó, Mueller đã quyết định chấm dứt vai trò của FBI trong chương trình này và ông thức đến 1h30' sáng để soạn một lá thư. Ngày 12/3/2004, trong phòng ăn tiếp giáp Phòng Bầu Dục, Mueller mặt đối mặt với Tổng thống Bush đã nói rằng, ông ta sẽ không thực thi lệnh của Tổng thống và đưa đơn xin từ chức.

Nhưng điều đó đã không diễn ra như vậy. Mueller xin từ chức lần thứ hai vào 2 năm sau đó. Một diễn biến tương tự lại xảy ra. Vào ngày 18/5/2006, với sự hậu thuẫn của Bộ Tư pháp, Mueller đã có được lệnh lục soát văn phòng lập pháp của dân biểu William Jefferson và đã nắm giữ được những tài liệu về việc tham nhũng của nhân vật này.

Trong những cuộc thương thảo căng thẳng, các phụ tá thân cận của Tổng thống Bush chỉ thị cho Mueller trả lại giấy tờ cho Jefferson. Còn Mueller, một lần nữa lại cùng hội cùng thuyền với những "thủ lĩnh" của Bộ Tư pháp - tuyên bố sẽ từ chức trước khi giao nộp những bằng chứng thu thập được bằng lệnh hợp pháp của tòa án. Trước sức ép khá lớn, cuối cùng Bush cho rút lại chỉ thị và yêu cầu FBI tạm thời niêm phong những giấy tờ lại. Jefferson bị kết tội nhận hối lộ và rửa tiền

Nguyễn Hải - Hoài Linh
.
.