Trung tướng tình báo Nga Leonid Shebarshin tự vẫn vì bệnh hiểm:

Giữ nguyên tấm lòng Xôviết

Thứ Sáu, 13/04/2012, 09:55

Đây thực sự là một tin đau buồn bất ngờ đối với tất cả những ai từng biết tới vị Trung tướng tình báo Nga lừng danh này. Mới một tuần trước, ngày 24/3, ông đã rất vui vẻ kỷ niệm lần thứ 77 ngày sinh của mình cùng những người bạn chí cốt (ông sinh năm 1935). Thế nhưng, ngày 30/3, tại căn hộ riêng ở Moskva, ông đã tự sát bằng chính khẩu súng ngắn được tặng thưởng khi rời lực lượng. Vài ngày trước đó, đôi mắt ông đã bị lòa…

Thông dịch viên - tình báo viên

Leonid Shebarshin sinh ra trong một gia đình công nhân ở Moskva. Cha ông từng phục vụ trong quân đội và sau chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã giải ngũ với quân hàm thượng sĩ…

Năm 1952, sau khi tốt nghiệp trung học với huy chương bạc, ông đã vào học ở khoa Ấn Độ thuộc Trường đại học Phương Đông và chuyên về nghiên cứu tiếng Urdu (đây là 1 trong 22 ngôn ngữ thường lệ của Ấn Độ và là ngôn ngữ chính thức của 5 bang ở Ấn Độ, đồng thời cũng là 1 trong 2 ngôn ngữ chính thức của Pakistan, bên cạnh tiếng Anh, dù chỉ 7% dân số nước này coi nó là tiếng mẹ đẻ). Năm 1954, Trường đại học Phương Đông trở thành một bộ phận của Viện Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO) và bằng tốt nghiệp đại học năm 1958 của vị tướng tình báo tương lai đã được đóng dấu của trường này.

Với chuyên môn ngoại ngữ của mình, từ năm 1958 tới năm 1962, Shebarshin đã được cử đi làm việc tại Pakistan với tư cách thông dịch viên. Năm 1959, ông đã được nhận hàm ngoại giao đầu tiên là Tùy viên sứ quán. Trở về Moskva, Shebarshin đã được phân công vào làm tại Vụ Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Liên Xô trên cương vị Bí thư thứ ba.

Tới năm 1962, Shebarshin được tuyển vào làm trong ngành tình báo Xôviết rồi ngay lập tức được cử đi bồi dưỡng chuyên môn ở Trường 101 của Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB), lò đào tạo nhân sự cho lực lượng điệp viên hoạt động ở hải ngoại. Hoàn thành khóa học, Thiếu úy Shebarshin được đưa về làm việc ở Vụ Đông Nam Á KGB tại Moskva.

Điệp vụ đầu tiên ở Pakistan

Trong giai đoạn từ năm 1964 tới năm 1968, Shebarshin lại được cử đi công tác ở Pakistan theo đường tình báo đối ngoại.

Tầm quan trọng của Pakistan đối với tình báo Xôviết lúc đó được xác định bởi sự tham gia của quốc gia này vào các liên minh quân sự chính trị CENTO và SEATO, có quan hệ chặt chẽ với Washington cũng như những xung đột với nước láng giềng Ấn Độ và xu hướng xích lại gần với Bắc Kinh. Một đối tượng thu hút sự quan tâm của Moskva ở khu vực Nam Á còn là cộng đồng đông đảo những người Mỹ làm việc và sinh sống tại Ấn Độ (các chuyên gia quân sự, nhà ngoại giao, điệp viên, phóng viên…). Chiêu mộ các nguồn tin trong các đối tượng Mỹ luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tất cả các chi nhánh hải ngoại KGB và nhìn theo hướng này, chi nhánh KGB ở Pakistan có vai trò không phải là cuối cùng.

Năm 1965, bùng phát cuộc chiến giữa Pakistan và Ấn Độ. Theo sáng kiến của Moskva, tháng 1/1966, lãnh đạo hai bên đối địch là Tổng thống Pakistan, Ayub Khan và Thủ tướng Ấn Độ, Lal Shastri, đã gặp nhau ở Tashken (thủ đô nước Cộng hòa Uzbekistan). Hội nghị Tashken đã trở thành một trong những thắng lợi lớn của ngoại giao Xôviết và của cả Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô lúc đó là ông Aleksei Kosygin. Một trong những người đã tham gia tích cực vào công việc chuẩn bị cho sự kiện này là Shebarshin nên sau khi hội nghị kết thúc, ông đã được lên chức. Trong hồ sơ cán bộ có ghi rằng ông "đã đạt được những kết quả cụ thể trong công tác tuyển mộ". Nói theo ngôn ngữ thông thường, Shebarshin đã xây dựng được một mạng lưới thông tín viên đáng kể ở những đối tượng cần thu thập thông tin.

Năm 1968, Shebarshin đã được về tiếp tục trau dồi chuyên môn tại khóa học hoàn thiện một năm ở Trường đại học Cờ đỏ KGB, chuyên đào tạo các cán bộ lãnh đạo cho lực lượng tình báo đối ngoại.

Nối vòng Nam Á

Trong những năm 1970-1971, Shebarshin đã làm việc ở cơ quan chỉ huy Tổng  cục 1 KGB. Tiếp theo, năm 1971, ông thực hiện một chuyến công tác dài hạn ở Ấn Độ trên cương vị Phó chỉ huy rồi năm 1975, trở thành Chỉ huy trưởng chi nhánh Tình báo Xôviết tại đó. Phạm vi hoạt động của ông lúc này mở rộng hơn trước rất nhiều, bao quát toàn bộ vùng Nam Á.

Trong thời gian Shebarshin công tác tại Ấn Độ đã xảy ra cuộc chiến tranh thường lệ giữa nước này với Pakistan, dẫn tới việc Pakistan bị mất một phần đất và xuất hiện ở đó quốc gia mới Bangladesh. Đối tượng cần phải theo dõi sát sao của tình báo Xôviết trong giai đoạn đó vẫn là hoạt động của các đại diện Mỹ trong khu vực, bởi lẽ trong nhiều thập niên, Washington vẫn là đối thủ chính yếu của Moskva và cũng là đối tượng chủ đạo của tình báo Xôviết.  Mối quan hệ giữa Ấn Độ với Trung Quốc trong giai đoạn đó cũng được Moskva đặc biệt quan tâm. Hoạt động của chi nhánh KGB tại Ấn Độ dưới thời Shebarshin chỉ huy đã được lãnh đạo cấp trên đánh giá tích cực.

Dự đoán tinh tường

Leonid Shebarshin.

Trở về Moskva tháng 4/1977, Shebarshin đã làm việc tới cơ quan trung ương của Tình báo Đối ngoại Xôviết cho tới năm 1979… Cuối năm 1978, ông nhận được lệnh chuẩn bị cho chuyến công  tác mới tại Iran. Và ông trở thành Chỉ huy trưởng của chi nhánh KGB tại Tehran. Ngay từ thời điểm đó đó, tình báo Xôviết đã dự báo trước về việc chế độ quân chủ ở Iran sẽ bị sụp đổ, trong khi Washington vẫn rất chủ quan với đồng minh của mình là Shah (vua) Mohammad Reza Pahlavi. Thậm chí Tổng thống Mỹ lúc đó là Jimmy Carter tới cuối năm 1978 vẫn còn lớn tiếng ca ngợi Iran là "hòn đảo của ổn định giữa vùng biển cả bất ổn ở Trung Cận Đông". Thậm chí nước Trung Hoa láng giềng cũng không ngờ tới một triển vọng đổi khác ở Iran. Trước năm 1979 còn có cả một đoàn đại biểu cấp cao từ Bắc Kinh sang thăm Tehran vì Trung Quốc cũng nghĩ rằng chế độ quân chủ sẽ còn tồn tại lâu dài…

Chỉ riêng chi nhánh KGB ở Tehran là không bị sai lầm. Và dự báo của họ đã mau chóng trở thành hiện thực - trung tuần tháng 1/1979, Shah Pahlavi đã phải bỏ của chạy lấy người ra nước ngoài và đầu tháng 2/1979,  lãnh tụ tinh thần của phe đối lập, Giáo chủ Ruhollah Khomeini đã hồi cố quốc từ Paris. Ngày 1/4/1979, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran chính thức tuyên bố được thành lập…

Những sự kiện này đã khởi đầu một giai đoạn ngày một căng thẳng trong cuộc đấu tranh nội bộ ở Iran,  dẫn tới xung đột vũ trang và nhiều hoạt động khủng bố mà tất cả các bên đối địch đều không ngại nhúng tay vào. Washington sau khi mất đồng minh thân cận là Shah Pahlavi, đã tìm mọi cách nhằm khôi phục lại ảnh hưởng của mình  ở đây. Những đối thủ và kẻ thù của Moskva cũng nhân cơ hội này trỗi dậy.

Tháng 11/1979, những sinh viên theo đường lối của Giáo chủ Khomeini đã chiếm Tòa đại sứ Mỹ ở Tehran và bắt các nhà ngoại giao Mỹ làm con tin. Quan hệ giữa Tehran với Washington trở nên cực kỳ căng thẳng và bị phá hủy. Thế nhưng, điều đó cũng không mang lại lợi lộc gì cho Moskva vì ban lãnh đạo Iran cũng không mấy mặn mà với Liên Xô, thậm chí còn tìm mọi cách để giảm thiểu ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

Việc Moskva đưa quân đội vào làm nhiệm vụ quốc tế ở Afghanistan tháng 12/1979 càng khiến cho quan hệ giữa Liên Xô với Iran trở nên lạnh lẽo, thậm chí còn trở thành nguyên nhân khiến Tòa đại sứ Liên Xô ở Tehran bị tấn công không chỉ một lần…

Chi nhánh KGB ở Tehran trong bối cảnh đó cũng bị ảnh hưởng. Điều kiện liên lạc với các nguồn tin trở nên phức tạp hơn trước. Tuy nhiên, Moskva vẫn nhận được những thông tin tình báo chuẩn xác và kịp thời từ Tehran…

Năm 1982 đã xảy ra một sự cố nặng  nề: điệp viên Kuzichkin thuộc quyền chỉ huy của Shebarshin đã phản bội, trốn qua đường Thổ Nhĩ Kỳ sang phương Tây bằng một hộ chiếu giả.

Các điều tra sau đó đã xác định được rằng, kẻ phản bội đã được tình báo Anh ở Tehran mua chuộc từ thời Shah Pahlavi và vì lo sợ bị lộ mặt nên đã bỏ trốn. London đã tô vẽ y như thể là một tình báo viên tối quan trọng, phụ trách hầu hết mạng lưới điệp viên Xôviết ở Iran (!). Thế nhưng, theo như lời Shebarshin sau này tiết lộ, Kuzichkin không biết gì nhiều về hoạt động của chi nhánh KGB ở Tehran. Và hậu quả của vụ phản bội này đã được xử lý nhanh gọn, những nguồn tin mà kẻ đào tẩu có thể biết đều được loại ra ngoài mạng lưới để tránh bị sa bẫy. Tuy nhiên, thiệt hại tinh thần và chính trị thì vẫn còn lại….

Dù nguyên nhân và tình huống dẫn tới sự cố thế nào thì, là trưởng chi nhánh, Shebarshin phải chịu trách nhiệm về mọi chuyện. Vụ việc đã được báo cáo lên tận Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó  là Leonid Brezhnev và nhà lãnh đạo tối cao từng là vị tướng chỉ huy trên chiến trường trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại này đã thở dài: "Biết làm sao được, đây là chiến tranh, mà trong chiến tranh không thể nào tránh được thiệt hại!".

Hết mình vì tổ chức

Trở về Tổ quốc năm 1983, Shebarshin lại làm việc cho Cơ quan trung ương của Tình báo Đối ngoại dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng  Vladimir Kriuskov. Tới mùa thu, ông đã được đưa lên làm Phó Cục trưởng Cục Phân tích thông tin của Tổng cục 1 KGB và càng thể hiện được nhiều hơn trí tuệ cũng như tài phân tích sự kiện siêu việt của mình.

Năm 1984, Shebarshin tháp tùng ông Kriuskov trực tiếp tới thủ đô Kabul đang chìm trong chiến sự. Tới giữa năm 1991, ông đã phải bay tới hơn 20 lần sang Afghanistan, tìm hiểu, gần gụi các nhà lãnh đạo hàng đầu ở nước này  như  Babrak Harmal, Mohammad Najibullah, Sultan Ali Keshtmand…

Năm 1987, ông trở thành Phó Tổng cục trưởng phụ trách hoạt động lực lượng tình báo đối ngoại tại Trung Đông, Trung Cận Đông và châu Phi. Và ông ngồi ở vị trí này cho tới năm 1989. Rồi ông được cử làm Tổng cục trưởng Tổng cục 1 KGB ngày 6/2/1989, thay cho ông Kruiskov lúc này được đưa lên làm Chủ tịch KGB. Shebarshin được phong quân hàm Trung tướng.

Trong những ngày nóng bỏng trung tuần tháng 8/1991, Shebarshin đã là người đứng đầu KGB trong một ngày, từ 22 sang 23/8, ngay sau khi  chính biến chấm dứt. Ông đã cố gắng làm mọi việc để duy trì "màu cờ sắc áo" truyền thống của KGB trong giai đoạn chuyển tiếp chế độ đầy nhiễu nhương. Tiếc rằng, lực bất tòng tâm…

Tháng 9/1991, do bất đồng với hệ thống lãnh đạo mới, Shebarshin đã từ chức. Là một người Xôviết trung thực tới cùng, ông không thể chấp nhận được những chính trị gia xu thời và vụ lợi. Khi biết rằng không thể làm gì thêm giúp cho KGB duy trì tiếp tục những ưu thế từ thời Xôviết, ông đã kiên quyết không tham gia vào những trò hoạt đầu thời mới.

Từ đó, ông chỉ tham gia vào các hoạt động xã hội…

Trong những năm cuối đời, Shebarshin sống một mình trong căn hộ ở Moskva.

Khi xác ông được phát hiện trong căn hộ ở Moskva, người ta thấy trên bàn có để lại những ghi chép về việc ông đã bị mù và muốn tự nguyện rời khỏi thế giới này.

Trung tướng Nikolai Leonov, cựu Cục trưởng Cục Phân tích KGB, một người bạn gần gụi của ông, đau buồn nhận xét: "Thế là vị thủ trưởng cuối cùng của lực lượng tình báo đối ngoại Xôviết đã ra đi. Tôi biết rất rõ ông ấy và có thể tuyên bố một cách đầy trách nhiệm rằng, đó là một người tuyệt đối trung thực và lương thiện, với một tài năng chuyên môn hiếm có trong lĩnh vực hoạt động cực kỳ phức tạp mà ông đã gắn bó số phận của mình. Shebarshin là một người ái quốc Xôviết và rõ ràng là ông không chấp nhận nổi thời đại mới và có lẽ cái chế độ mới đó cũng không cần ông. Ông đã quá nhạy cảm với sự không được cần đến, với sự cô đơn của mình…

Lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau là ngày 25/3 vừa qua, cùng những người thân thiết kỷ niệm sinh nhật thứ 77 của ông. Không khí đã rất vui - không có gì gợi đến sự ra đi mau chóng và bi thảm này. Theo những gì tôi biết, Shebarshin không hề ca thán gì về tình hình sức khỏe. Ông ấy nói với tôi rằng mỗi năm chỉ có ba lần tới chỗ nữ bác sĩ chữa bệnh cho ông ấy, đó là vào dịp chúc mừng năm mới, chúc ngày 8/3 và chúc mừng sinh nhật. Có lẽ phải tìm nguyên nhân dẫn tới những sự vừa xảy ra ở những mẫu thuẫn gay gắt với điều kiện hiện tại mà ông cho tới cuối đời vẫn không thể vượt qua"

Minh Huyền (tổng hợp từ các nguồn tài liệu từ tiếng Nga)
.
.