Hành khúc quân ca trên đất nước Triệu Voi

Thứ Ba, 19/11/2019, 10:49
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc…", sự gian khổ, bệnh tật và bom, đạn và hy sinh, là điều những cán bộ, chiến sĩ khi tham gia chiến đấu giúp đất nước và cách mạng Lào đều phải đối diện. Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Như Hoạt, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng tâm sự.


Đại đội trưởng 1 tuổi quân

Tuy đang bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng Anh hùng LLVT Nguyễn Như Hoạt vẫn rất tươi trẻ. Tươi trẻ trong dáng đi khoan thai, nhanh nhẹn; tươi trẻ qua chất giọng cương nghị, tràn đầy ấm áp… đang đưa chúng tôi quay về với những ký ức binh lửa chiến tranh trên đất nước Triệu Voi.

Tháng 7 năm 1970, theo yêu cầu của chiến trường, Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Nguyễn Như Hoạt được lệnh hành binh về Hạ Lào (tỉnh Savannakhet) nhằm giúp bạn đánh địch góp phần giữ vững chính quyền cách mạng. Đồng thời đón lõng sẵn sàng đánh lực lượng chính quyền ngụy Sài Gòn trong cuộc "Hành quân Lam Sơn 719". Kể đến đây, ông tươi cười cho biết: "Cái chức danh đại đội trưởng là tớ được đơn vị tự phong ngay trên chiến trường đấy!"

Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Như Hoạt.

Ông Hoạt sinh năm 1950 tại làng An Trụ, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Năm 16 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Như Hoạt mang trong tim lời dạy của cha "Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách" viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Năm 1967, chàng thanh niên vinh dự được khoác trên mình bộ quân phục "Bộ đội Cụ Hồ" và trở thành chiến sĩ liên lạc của Đại đội 9.

6 giờ ngày 5-5-1968, bom, đạn pháo địch dội lên xóm Đồng Hoang, xã Cam Giang (nay là phường Đông Giang, thành phố Đông Hà), tỉnh Quảng Trị nơi trú quân của Đại đội 9. Trải qua cuộc chiến dài từ tết Mậu Thân, đến giờ Ban chỉ huy Đại đội 9 còn mỗi đồng chí Yêm. Tiếng bom, đạn vừa dứt, Yêm cùng chiến sĩ liên lạc Hoạt lao khỏi vị trí ẩn nấp, ra trước tiền duyên trận địa phòng thủ và quan sát. Trong khói bom, đạn còn mờ mịt. Những chiếc xe tăng, xe thiết giáp, cùng bọn Mỹ lù lù xuất hiện.

Cả Đại đội 9 căng người đợi địch. Vừa quan sát, Yêm vừa hạ lệnh "toàn đơn vị, đợi địch vào thật gần hãy đánh!". Lệnh vừa dứt, Yêm đổ vật xuống đất. Hoạt giật mình quay sang xem thì biết anh Yêm bị mảnh đạn trúng vào trán. Qua chút hơi tàn còn sót lại, Yêm móc túi ngực đưa cho Hoạt cái địa bàn và sờ vào ống nhòm trước mặt nói đứt quãng "Hoạt… cố… gắng… chỉ… huy".

Vì là chiến sĩ liên lạc cho ban chỉ huy đại đội qua nhiều trận đánh, Hoạt cũng nắm được nguyên tắc chiến thuật trong phòng thủ và tiến công. Nuốt nước mắt, Hoạt lệnh cho B41 tiêu diệt xe tăng, xe thiết giáp địch. Đồng thời bảo thông tin nối máy về Ban chỉ huy Tiểu đoàn 3, báo cáo tình hình và xin chi viện. Sau khi nghe Hoạt báo cáo, Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Bằng giao Hoạt chỉ huy Đại đội 9 và điều quân cơ động phối hợp tiêu diệt địch.

Dưới sự chỉ huy sáng tạo, linh hoạt của Hoạt, quân ta dần chiếm thế chủ công, đánh bại 2 cuộc tiến công của hai tiểu đoàn quân Mỹ vào xóm Đồng Hoang. Hơn nữa, trong thời gian tham chiến, Hoạt còn tiêu diệt được 37 tên địch và thu được một khẩu đại liên. Với chiến công đó, Nguyễn Như Hoạt được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVT nhân dân vào tháng 9-1970 khi vừa tròn 20 tuổi. Sau lễ phong tặng, Nguyễn Như Hoạt nhận lệnh trở về Tiểu đoàn 3, giữ cương vị Đại đội trưởng Đại đội 11 hành quân "Tây Tiến" về Hạ Lào thực hiện nhiệm vụ mới.

Gian truân đường hành quân

Hành trình "Tây Tiến" của Đại đội 11 trong đội hình Trung đoàn 48 đến tỉnh Savannakhet (Hạ Lào) mất gần 1 tháng. Vừa vượt đèo, leo dốc, băng qua thác ghềnh, cán bộ, chiến sĩ còn phải hứng chịu những đợt B52 và máy bay địch đánh bom. Song song đó, mọi người còn phải đối chọi với căn bệnh "sốt rét rừng" quái ác. Khi đến nơi điểm đóng quân, hơn 10% quân số Đại đội 9 bị sốt. Ông Hoạt chia sẻ:

- Đây là đường hành quân gian khổ, thiếu thốn nhất vì không có đường giao liên, không có trạm giao liên cũng như các bãi khách được chuẩn bị. Nên bộ đội vừa hành quân vất vả trên con đường do đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường vạch ra và còn phải tự chăm lo cho nhau.

Trong những ngày làm nhiệm vụ ở Savanakhet, có lần thấy một bản người Lào (tầm chục nếp lều tranh, quây nứa, lá) bỏ hoang, được bao bọc bởi những cây nguyên sinh cao to ở lưng chừng núi. Hoạt hạ lệnh cho bộ đội đóng quân. 

Khi màn đêm buông xuống, chưa kịp chợp mắt thì Hoạt thấy ngứa ngáy hết cả người. Giữa cái rét căm căm, Hoạt bật dậy, cởi áo thì thấy chỗ cổ áo lúc nhúc những con vật nhỏ xíu, trắng bệch đang nép vào nhau. Vùng này nhiều rận, Hoạt lo lắng và đi ra ngoài xem tình hình thì thấy nhiều bộ đội cũng bị vậy. Mà điểm chung là những ai tận dụng sạp tre cũ của dân để lại nằm thì bị. 

Còn ai làm sạp mới, mắc võng ngủ thì không bị. Ngay lập tức, Hoạt lệnh cho bộ đội ai bị ngứa thì thay quần áo, rồi gom vào một chỗ và lệnh cho đồng chí y tá đại đội đun nồi nước quân dụng luộc, tất cả các sạp cũ được đem đi đốt và làm lại toàn bộ sạp mới. Nhờ vậy, không ai còn bị ngứa nữa.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Như Hoạt cùng các đại biểu quốc tế tại Liên hoan thiếu nhi Thế giới (Liên Xô, 1977).

Cái ở vừa xong, thì cái ăn lại khó. Đợt nhận lương thực, toàn Trung đoàn được cấp toàn thóc nếp. Làm sao chế biến thóc thành gạo bây giờ. Cán bộ, chiến sĩ ai cũng hoang mang. "Nghe bộ đội phản ánh, tôi phì cười và chỉ đạo, mọi người cứ làm như người đồng bào mình làm ấy. Hôm xem biểu diễn văn công có nhớ bài "Tiếng chày trên sóc Bom Bo không?". Ông Hoạt kể.

Nhưng giã được gạo là cả một vấn đề, công sức bỏ lắm mà gạo vỡ hết. Nấu rất khó, xôi không ra xôi, cháo không ra cháo. "Báo cáo thủ trưởng em thấy cứ giã gạo như thế này không ổn ạ", một chiến sĩ Huân quê Hà Tây (nay là Hà Nội) đến gặp Đại đội trưởng Hoạt trình bày.

Từ khi triển khai phương thức giã gạo, Hoạt cũng thấy bất cập, suy nghĩ làm như thế nào để từ thóc ra thành gạo cũng rối như tơ vò trong đầu. Mấy hôm thao thức không ngủ, nay có chiến sĩ mạnh dạn lên gặp trình bày, chắc hẳn chiến sĩ ấy có cao kiến gì đây. Đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh, Hoạt vui vẻ hỏi: "Vậy theo đồng chí, ta phải làm thế nào?".

Nhờ tiếp thu ý kiến của Huân, chiếc cối xay lúa được ra đời. Chỉ cần xay 1 ngày là có gạo đủ cho 1 tháng. Tiếng lành đồn xa, Huân được trưng dụng đi làm cối cho cả Trung đoàn, thậm chí đồng bào các dân tộc nghe tin, lúc đầu còn gùi thóc đến xay nhờ. Sau đó, "chuyên gia đóng cối" - chiến sĩ Huân được đơn vị cử đi đóng cối giúp các bản. Từ đó, chiếc cối và kỹ thuật đóng cối Made in Việt Nam được bàn giao cho nhân dân các bộ tộc Lào, góp phần xây đắp lòng tin và tình thương của nhân dân các bộ tộc Lào với Bộ đội Việt Nam.  

Tiếng đạn diệt thù trên đất nước Triệu Voi

Mường Phìn (Savanakhet) vào những tháng cuối năm 1970 mịt mờ trong giá lạnh và sương mờ. Mới chỉ dừng chân được vài ngày sau chặng đường hành quân dài đằng đẵng, thì Tiểu đoàn 3 nhận lệnh từ trên: "Có một tiểu đoàn quân phản động Lào, mang tên "Cá Trắng" đang nống ra Mường Phìn nhằm mở rộng vùng kiểm soát và sẵn sàng bắt tay với quân ngụy ở cuộc hành quân Lam Sơn 719. Hiện chúng đã đến bản Na Pô, cách phía nam Mường Phìn khoảng 4km. Lệnh cho Đại đội 9 đánh tiêu diệt địch".

Trung tướng, Anh hùng LLVT Nguyễn Như Hoạt (thứ 4 từ trái sang) tại buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm dấu ấn cuộc đời.

Qua trực tiếp đi trinh sát, Ban chỉ huy Tiểu đoàn nhận thấy địch chủ quan, không xây dựng công sự, tiến công sớm ắt sẽ chắc thắng. Phương án tác chiến được thông qua nhanh chóng. Chỉ sau mấy chục phút nổ súng, bọn địch hoảng sợ tháo chạy. Trận đầu ra quân, Tiểu đoàn 3 giành thắng lợi lớn, không một ai bị thương vong.

Tháng 3 năm 1971, Trung đoàn 48 được lệnh đánh tiêu diệt cụm cứ điểm Pha Lan - một cụm cứ điểm then chốt trên đường 9. Theo đó, Trung đoàn giao cho Tiểu đoàn 3 đánh tiêu diệt căn cứ Ca Long (nếu diệt được Ca Long là làm chủ được Pha Lan).

Cứ điểm Ca Long nằm trên một ngọn đồi phía tây - nam và ngăn cách với thị trấn Pha Lan bởi một con suối nhỏ. Đại đội 11 do Nguyễn Như Hoạt chỉ huy được giao nhiệm vụ đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu.

Xẩm tối ngày N-1, cả đại đội hành quân chiếm lĩnh trận địa. Đúng 1h30 sáng, ngày N, khi quả thủ pháo của đặc công nổ làm hiệu lệnh tiến công, Hoạt ở vị trí cửa mở chỉ huy đơn vị vượt cửa mở phát triển chiến đấu bên trong cứ điểm địch. Bỗng một tiếng chớp sáng lòa, Hoạt ngã xuống mê man. 

Đột nhiên, Hoạt có cảm giác ai đó đang cầm chân mình lắc lắc. Anh bừng tỉnh thì thấy chiến sĩ liên lạc đang lay anh. Mừng quá! Anh chỉ bị thương vào phần mềm và bị sức ép đạn pháo khiến ngất đi tạm thời. Ngay lập tức Hoạt tiếp tục chỉ huy Đại đội 11 chia thành 2 mũi đánh sâu vào trung tâm.

Các công sự địch dần bị tiêu diệt. Trận đánh giành thắng lợi giòn giã, thực hiện đúng ý đồ chiến thuật của cấp trên. Cuối tháng 3 năm 1971, cuộc "Hành quân Lam Sơn 719" của chính quyền ngụy Sài Gòn hoàn toàn bị phá sản. Đại đội 11 trong đội hình Trung đoàn 48 được lệnh quay về "miền đất lửa Quảng Trị" kết thúc hành trình Tây Tiến oai hùng.

Việt Thùy
.
.