Hành trình kỳ lạ của những bức ảnh và số phận hai cựu tù Phú Quốc

Thứ Tư, 25/07/2018, 15:50
Người lính nhỏ bé nằm thiêm thiếp giữa chiến trường súng đạn, gọn trong chiếc võng tăng họ mang theo để khi cần sẽ cuộn lại chôn vào lòng đất. Vây quanh anh là giày đinh, là những người lính to cao với đầy đủ vũ khí, đạn dược hiện đại.

Đó là một trong những bức ảnh được chụp năm 1968 bởi một người lính từ phía bên kia chiến tuyến. Tròn 50 năm sau, hành trình trở về Việt Nam của bức ảnh cùng sự xuất hiện của người chiến sỹ năm xưa đã viết nên câu chuyện xúc động, đầy nhân văn.

Bức ảnh chụp sau bình minh và hành trình trở về Việt Nam

Chiến trường Bắc Kon Tum năm 1968. Căn cứ hỏa lực FSB 14 của Mỹ chiếm đóng nằm trên dãy núi cao của huyện Sa Thầy. Đây là cao điểm 995, có vị trí chiến lược quan trọng. Đứng trên cao điểm có thể bao quát được cả một vùng rộng lớn, cách đó chừng hơn 20 km là sân bay dã chiến Kleng của quân đội Mỹ.

Tháng 3-1968, Trung đoàn lính mũ sắt Hà Nội (Trung đoàn 209, Sư đoàn 312) từ Hà Nội được điều động vào Tây Nguyên đánh cao điểm 995. Trận đánh sinh tử của lính Hà Nội rạng sáng 26-3-1968, hơn 200 người lính đã ngã xuống. Họ nằm lại bên nhau trong những hố chôn tập thể khi lính Mỹ thu dọn chiến trường.

Căn cứ hỏa lực FSB 14 của Mỹ sau trận đánh của Trung đoàn 209 rạng sáng 26-3-1968 (ảnh do CCB Mỹ cung cấp).

Cuối tháng 3-2018, nhóm cựu binh Mỹ cùng gia đình trở lại nơi đã từng tham chiến tại Việt Nam - Căn cứ hoả lực FSB 14 nằm trên dãy núi thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. John L.Cimino và vợ, con gái bước lên chiếc ô tô tải, ì ạch leo lên con đường mòn lưng núi.

Trên xe còn có những người lính Việt Nam từng ở phía bên kia chiến tuyến với ông cách đây 50 năm. Giờ họ khoác tay ông, đỡ ông lên xe, cười nói vui vẻ như chưa từng có quá khứ đau thương ấy. Hai bên lối đi là rừng cao su xếp hàng thẳng tắp, là những vạt cỏ tranh sắc lẹm, không giống như ngày rừng rậm bao phủ cùng bom đạn từng cày xới nơi này.

John xuống xe đi bộ, đứng trên ngọn núi phóng tầm mắt xuống vùng thung lũng, ký ức ùa về ngập tràn. Ông đã từng chứng kiến cái chết vô nghĩa của đồng đội tại đây, chứng kiến những người lính quân đội Việt Nam đổ máu để bảo vệ đất nước. Đưa bàn tay ra cầm từng cây cỏ, ông có cảm giác như đang nắm từng mảnh ký ức trong tay, John bật khóc. Cỏ tranh làm cho John chảy máu, nhưng ông không đau, chỉ có nỗi đau trong tim cứ dội lên từng hồi. Đây là lần thứ 2 ông sang Việt Nam, lần thứ 2 trở lại chiến trường xưa.

Trở về Mỹ, John đã phần nào thấy nhẹ nhõm hơn, nhưng ông không nguôi nhớ về quá khứ. Trận đánh ngày 26-3-1968 là trận đánh đầu đời của lính mũ sắt Hà Nội tấn công Căn cứ hoả lực FSB 14, đã có rất nhiều người lính Việt cộng hy sinh. Căn cứ Mỹ thiệt hại nặng nề. John đã từng muốn trở lại Việt Nam sau chiến tranh. Và may mắn thay khi chính những người lính từng đối đầu đã chủ động tìm kiếm những cựu chiến binh như ông.

Ông Phạm Văn Chúc, cựu chiến binh trong Ban liên lạc CCB Trung đoàn 209 đã lên mạng Internet tìm kiếm thông tin và tìm được ông Steve Edmunds, Chủ tịch CCB Mỹ Sư đoàn 4 tại Việt Nam. Mục đích của ông Chúc và đồng đội là tìm các CCB Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Bắc Kon Tum để thu thập thông tin tìm hài cốt đồng đội do quân đội Mỹ chôn sau trận đánh ngày 26-3-1968. Sợi dây liên lạc đã nối những cựu chiến binh ở hai bên chiến tuyến xích lại gần nhau, cùng nhau chia sẻ thông tin, cùng nhau lục lại quá khứ để tìm người hi sinh nơi chiến trận.

Một ngày tháng 6-2018, John L.Cimino gửi hai bức ảnh cho Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 209. Một bức ảnh mầu chụp chiến sỹ của quân đội Việt Nam bị thương nằm bất tỉnh trên chiếc tăng võng, trên người chỉ có bộ quần áo lính đơn sơ với đôi dép cao su, đôi bàn tay đen nhẻm, khuôn mặt lấm lem vì khói đạn. Một bức ảnh đen trắng chụp người lính Việt cộng với chiếc áo bung gần hết cúc, đầu ngoẹo sang một bên, đặt dưới đất với xung quanh là giày đinh, súng ống. Hai bức ảnh được chụp tháng 3-1968 tại cao điểm 995 huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Ông John L.Cimino trở lại cao điểm 995.

John kể, ông nghiên cứu về cuộc chiến tranh, về đồng đội bị bắt vào tháng 3-1968 rồi biết đến Ralph Haun. Haun là một Trung đội trưởng trong Đại đội A. Cả hai Đại đội A và B đều nằm trong khoảng 500-600m bên ngoài căn cứ hoả lực vào đêm tấn công. "Vào buổi sáng sau cuộc tấn công, một đại đội được lệnh quay trở lại Căn cứ hoả lực FSB14. Họ trở lại sau bình minh. Ralph Haun là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư và mang theo một chiếc máy ảnh 35mm trong suốt thời gian anh ở Việt Nam. Anh ấy đã chụp bức ảnh mầu này" - John kể về sự ra đời của bức ảnh người lính mà ông gửi về Việt Nam.

Còn bức ảnh đen trắng có người lính Mỹ đeo súng sau lưng, John lý giải: "Bức này được ông Ed Hawes, một nhiếp ảnh gia của quân đội Hoa Kỳ chụp. Sáng hôm đó (27-3-1968) ông đi trực thăng cùng một linh mục Công giáo để thực hiện hai buỗi lễ tôn giáo. Công việc chính thức của Ed Hawes là chụp ảnh hai buổi lễ. Những bức ảnh của Ralph là những bức ảnh của cá nhân anh ấy, và khi tôi liên lạc, anh ấy đã đồng ý chia sẻ chúng. Còn ảnh Ed Hawes chụp là ảnh chính thức của quân đội và được lưu trữ trong kho lưu trữ quốc gia ở Washington DC".

Số phận bi tráng của hai cựu tù Phú Quốc

Khi chuyển ảnh về Việt Nam, John không dám hy vọng nhiều. Ngay cả các cựu chiến binh Việt Nam cũng vậy, nhưng họ vẫn nóng lòng tìm nhân vật trong bức ảnh.

Ông Hồ Đại Đồng, Trưởng ban liên lạc CCB tìm đồng đội Trung đoàn 209 đăng trên facebook của nhóm CCB 209 mũ sắt Hà Nội với câu hỏi: "Các bạn CCB E 209 có ai nhận ra người lính bị thương (bị quân Mỹ bắt) này không?". Ông Phạm Minh Ngọc, cựu chiến binh C5 nhìn bức ảnh mầu chụp chiến sỹ nằm thiêm thiếp trên chiếc tăng võng, nói như reo: "Đây là Bành Văn Y ở Thượng Thanh, Gia Lâm (nay là quận Long Biên, Hà Nội). Anh Y ở Tiểu đội 3, Tiểu đoàn 7, Đại đội 2".

Còn bức ảnh đen trắng mà anh chiến sỹ nằm phanh áo ngực bên cạnh một lính Mỹ đeo súng, mấy cựu chiến binh E209 đều quả quyết: "Đây là Đinh Tiên Phong, cái tai không lẫn vào đâu được. Đinh Tiên Phong ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội".

Trước sự xác nhận của nhiều cựu chiến binh, tôi đã tìm đến hai nhân vật trong bức ảnh. Đến ngôi nhà tình nghĩa đang xây dựng dở dang tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, vừa mới gặp ông Bành Văn Y, tôi cũng phải thốt lên: "Trông bác không khác hồi trẻ là mấy". Tôi đưa cho ông xem bức ảnh, ông gật gù nhận đúng là mình. Người lính già hiền khô ấy giọng nghẹn lại rồi mỉm cười hồi tưởng về trận đánh cách đây 50 năm: "Tôi không biết họ chụp mình vào lúc nào. Tôi bị dính pháo, đến khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm ở trong nhà bạt, đầu băng bó. Lúc đó mới nhận ra đây là bệnh viện dã chiến của Mỹ; bác sỹ, y tá cũng là người Mỹ".

Tối 25-3-1968, nhận nhiệm vụ đánh chốt, ông Y mang theo súng CKC phụ trung liên RBD với đồng chí Đặng Minh Tâm. Đi theo trinh sát dẫn đường, người nọ nối gót người kia trong đêm tối mịt mùng giữa rừng già. Tới điểm tập kết, các chiến sỹ nằm chờ đợi. Khi pháo lệnh tấn công rực sáng, ông Y cùng đồng đội dùng mìn định hướng mở hàng rào. Lực lượng của ta xông lên, qua giao thông hào, tiến vào boong ke của căn cứ Mỹ. Pháo khắp nơi dập vào nơi ta tấn công. Sau đợt tấn công, khi vừa rút xuống thì ông Y nhận ngay một mảnh đạn vào đầu và ngất tại chỗ.

Ông Bành Văn Y tại chiến trường và 50 năm sau.

Chỉ cho tôi vết lõm ở mang tai và mảnh đạn phía trên trán bên phải vẫn sờ thấy được, ông Y tâm sự, những ngày trái gió trở trời, vết thương tái phát đau nhức. Nhưng, được trở về đã là điều vô cùng may mắn. Ông kể, xã Thượng Thanh khi ấy có 5 thanh niên đi bộ đội cùng đợt với ông vào tháng 3-1967, nhưng chỉ còn một mình ông trở về. Sau trận đánh rạng sáng đó, đồng đội không tìm thấy nên nghĩ rằng ông đã hi sinh. Năm 1968, gia đình nhận giấy báo tử. Sau khi bị bắt làm tù binh, điều trị vết thương xong, ông bị đưa về Biên Hòa rồi chuyển thẳng ra nhà tù Phú Quốc.

Cũng giống như ông Y, giấy báo tử được chuyển về gia đình người cựu chiến binh Đinh Tiên Phong trong năm 1968, ngay sau trận đánh. Người mẹ lặng lẽ cất giấy báo tử của con trai như thứ bảo vật vô giá, lặng lẽ lập bàn thờ con và cất trọn nỗi đau, mất mát cho riêng mình. Thế rồi, hơn 5 năm sau, điều kỳ diệu bất ngờ xảy ra. Ông trở về trong những giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ.

Trong trận đánh sinh tử rạng sáng 26-3-1968, một tay dính đạn, 2 chân gãy do mảnh pháo, ông Phong cố lết ra khỏi trận địa. Máu chảy nhiều, kiệt sức, người lính trẻ 19 tuổi không đủ lực để bò qua thân cây đổ chắn ngang đường, rồi bất tỉnh. Chẳng biết bao lâu sau, văng vẳng bên tai có tiếng xì xồ, ông mở mắt ra, trời sáng, một tốp lính Mỹ đi đến nơi.

Rồi họ giữ ông làm tù binh, sơ cứu và đưa tới Pleiku bằng máy bay trực thăng. Sau nhiều lần phẫu thuật, ông đã giữ được đôi chân. Sau đó, ông bị giam tại trại giam Biên Hòa rồi đến nhà tù Phú Quốc. Dù cùng đơn vị, cùng bị bắt một ngày và ở cùng một quê nhưng cả ông Bành Văn Y và Đinh Tiên Phong đều không biết đồng đội cũng bị giam ở Phú Quốc như mình.

Sau Hiệp định Pari, tháng 3-1973, cuộc trao trả tù binh tại sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị có ông Phong và ông Y nhưng ở hai ngày khác nhau. Vẫn còn nguyên cảm xúc ngày trở về, ông Y kể: "Họ đưa tôi cùng hàng trăm anh em khác lên máy bay, cũng chẳng biết sẽ bị đưa đến đâu. Máy bay dừng ở sân bay Phú Bài (Huế) rồi di chuyển bằng ô tô đến Quảng Trị. Vừa đến bờ sông Thạch Hãn, chúng tôi đã nhìn thấy phía bên kia có dãy nhà bạt, có cả bộ đội của ta, chúng tôi mừng rơi nước mắt. Làm các thủ tục xong, anh em cởi hết áo tù, mặc mỗi chiếc quần đùi lên thuyền. Đến giữa sông, bộ đội ta lội sông ra đón, chúng tôi cũng nhảy ào cả xuống sông, ôm chầm lấy anh em".

Ông Đinh Tiên Phong bị thương năm 1968 và hiện tại.

Sau ngày trao trả tù binh, ông Đinh Tiên Phong và ông Bành Văn Y được đưa ra Bắc, nghỉ dưỡng một thời gian rồi trở về quê. Cuộc sống của 2 cựu tù Phú Quốc tạm ổn. Ông Đinh Tiên Phong công tác trong ngành giáo dục tại địa phương một thời gian sau đó về hưu, giờ ở trong Ban liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy của huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ông Bành Văn Y trở về làm công nhân trong Nhà máy xe lửa Gia Lâm 10 năm rồi về hưu. Cuộc sống khá khó khăn. Hiện ông được Nhà nước cấp 70 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa.

Xem những bức ảnh mà tôi cùng ông Phạm Minh Ngọc, đồng đội ông mang đến, hai cựu tù Phú Quốc rất xúc động và muốn lưu giữ lại hình ảnh trên chiến trường năm xưa. Trong tâm các cựu chiến binh ấy tràn đầy kỷ niệm về cuộc chiến cứu nước, không ít đau thương, nhưng với tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, giờ họ gặp nhau, một bên mở rộng lòng đón nhận, một bên nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh bằng việc làm cụ thể. Những cựu chiến binh Mỹ tự nguyện trở lại chiến trường xưa, mang trở lại những kỷ vật mà họ từng coi là chiến lợi phẩm, hỗ trợ cựu chiến binh Việt Nam tìm hài cốt đồng đội.

Giống như số phận của cuốn "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", những người lính ở chiến tuyến bên kia mang về nước nhiều kỷ vật thu được từ chiến trường, giữ bên mình một cách cẩn thận nhưng đầy ám ảnh. Họ không bao giờ nguôi ngoai về quá khứ với quá nhiều cảm xúc, quá nhiều trăn trở, nuối tiếc và ân hận. Khi ông John L.Cimino nhận được thông tin rằng hai người lính trong 2 bức ảnh chụp tại chiến trường vẫn còn sống, ông vui mừng khôn tả. Trở về Việt Nam nhiều lần, làm những việc có ý nghĩa để chuộc lỗi, dường như các cựu binh Mỹ đã nhẹ lòng hơn, bớt đi sự ám ảnh giày vò về một quá khứ không muốn nhắc tới.

Việt Hà
.
.