Hồ sơ chuyên án đầu tiên bắt gián điệp biệt kích nhảy dù xuống miền Bắc (kỳ 3)

Thứ Ba, 23/08/2016, 22:25
Nhận được báo cáo của Công an Khu Tây Bắc về việc bắt được toán gián điệp biệt kích đổ bộ bằng đường không, lập tức Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị Nguyễn Tài đã dẫn một đoàn cán bộ lên Sơn La. Là người có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với gián điệp biệt kích, Cục trưởng Nguyễn Tài muốn trực tiếp hỏi cung nhóm gián điệp biệt kích này...


KỲ III: CHUYÊN ÁN PY27

Năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, vẫn còn rất minh mẫn. Vì thế khi nghe chúng tôi nhắc tới các chuyên án bắt gián điệp biệt kích, ông rất hào hứng bảo rằng mấy chục năm công tác, đã từng tham gia đánh nhiều chuyên án nghiệp vụ, nhiều kế hoạch đấu tranh, nhưng hiệu quả nhất, triệt để nhất là cuộc đấu tranh phòng chống gián điệp biệt kích giai đoạn 1961- 1973. Để có được kết quả ấy là có sự chuẩn bị rất kỹ của lực lượng Công an từ trước đó nhiều năm.

Sau ngày miền Bắc giải phóng, công tác chống gián điệp biệt kích luôn được Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm đặc biệt và ban hành các chỉ thị chuyên đề. Với vai trò là lực lượng chủ công, nòng cốt trong bảo vệ an ninh chính trị, vì vậy cùng với tổng kết kinh nghiệm chống biệt kích xâm nhập vùng tự do trong kháng chiến, lực lượng Công an đã chủ động nắm tình hình.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng kể lại những ngày tham gia chuyên án đánh gián điệp biệt kích.

Năm 1961, Bộ Công an cho xuất bản cuốn tài liệu "Chống biệt kích". Đây như cẩm nang về chống biệt kích để phổ biến cho lực lượng Công an, Quân đội trong đó phổ biến kinh nghiệm phát hiện biệt kích, các bước phát hiện, vây bắt, công tác vận động quần chúng nhân dân đề cao cảnh giác để phát hiện biệt kích...

Vì vậy, 22 giờ 5 phút đêm 27-5-1961, khi bộ phận cảnh giới ở châu Phù Yên, tỉnh Sơn La nghe tiếng máy bay lạ đã đánh kẻng báo động. Lập tức các lực lượng Bộ đội, Công an, dân quân cùng bà con dân bản triển khai ngay đội hình truy lùng gián điệp biệt kích. Điểm cao 828 thuộc bản Hỳ, xã Phiềng Ban, châu Phù Yên được xác định là điểm biệt kích nhảy dù, các lực lượng truy lùng tổ chức bao vây chặt điểm cao đồng thời báo cáo về Công an Khu Tây Bắc và Bộ Công an. Sau 3 ngày truy lùng, toàn bộ toán gián điệp biệt kích bị bắt sống cùng máy móc, vũ khí khi chưa kịp liên lạc với trung tâm chỉ huy tại Sài Gòn để báo tin việc bị bao vây.

***

Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng kể: nhận được báo cáo của Công an Khu Tây Bắc về việc bắt được toán gián điệp biệt kích đổ bộ bằng đường không, lập tức Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị Nguyễn Tài đã dẫn một đoàn cán bộ lên Sơn La. Là người có nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh với gián điệp biệt kích, Cục trưởng Nguyễn Tài muốn trực tiếp hỏi cung nhóm gián điệp biệt kích này.

Sau vài ngày được đồng chí Nguyễn Tài thuyết phục, cuối cùng Hà Văn Chấp và cả toán đã khai hết nhiệm vụ mà trung tâm giao cho toán Castor, đặc biệt là các nghiệp vụ tình báo, kỹ thuật các bước mã hóa tin và phương thức truyền tin qua điện đài của Castor với trung tâm chỉ huy.

Cán bộ Công an Khu Công an Tây Bắc giao nhiệm vụ cho các lực lượng tham gia truy bắt gián điệp biệt kích.

Theo lời khai của Hà Văn Chấp, khi liên lạc vào Nam, sẽ có cả đài hai chiều và đài một chiều. Đài một chiều chỉ có đánh ra mà không phải trả lời. Đài này dùng cho việc trung tâm đánh chỉ thị cho Castor hoạt động hoặc cho biết tin tức về gia đình vợ con và những tin tức thông thường.

Thời gian liên lạc với trong Nam thì đã quy định sẵn trong "lệnh căn bản truyền tin" có thể dùng trong 1- 2 năm. Đại úy Dũng yêu cầu Castor khi đã ổn định được chỗ ở thì sớm nhất trong khoảng 1 đến 3 ngày, phải đánh điện báo cáo vào Nam. Khi đánh điện, Chấp sẽ thảo công điện, Đinh Văn Anh dịch mật mã và Lò Văn Piếng đánh điện. Nội dung bức điện đầu tiên báo cáo về trung tâm sẽ có nội dung đã nhảy đúng hay sai địa điểm, được an ninh hay không an ninh.

  Hà Văn Chấp khai người trực tiếp huấn luyện Castor về kỹ thuật truyền tin là đại úy Hoàng và hai nhân viên khác là Lê và Ngọc. Hoàng phân công cho Lê dạy Chấp và Đinh Văn Anh, còn Ngọc dạy Lò Văn Piếng và Quách Thức đánh điện đài. Thức và Piếng học đánh morse, Chấp và Anh học mã hóa tin.

Để mã hóa một bức điện, Chấp và Anh phải học về chữ mới, dấu mới, học về khóa và chữ mới ghép vào nhau. Sau đó ghép chữ mới vào từ khóa rồi dịch ra chữ để đánh điện đi và ngược lại. Sau khi học lý thuyết sẽ phải thực tập bằng cách thảo công điện mã hóa để cho nhân viên truyền tin đánh điện; khi nhận công điện thì lại phải dịch ra chữ thường. Khi thực tập, Chấp, Anh sẽ mã hóa tin rồi giao cho Piếng, Thức đánh đi và ngược lại. Khi Piếng và Thức đã đánh morse thành thạo, Hoàng 3 lần mang máy ghi âm đến ghi cách đánh morse của từng người.

"Hoàng giải thích với chúng tôi rằng phải ghi âm để sau này có ai giả là các anh đánh điện chúng tôi sẽ biết ngay, vì mỗi người đánh điện đều có tật khác nhau". Trước khi kết thúc khóa học điện đài, 4 cố vấn Mỹ đến sát hạch hai lần. Trong đó với Piếng, Thức là hiệu thính viên, các cố vấn Mỹ yêu cầu điều chỉnh máy phát, máy thu trong 2 phút phải xong; với Chấp, và Đinh Văn Anh, yêu cầu thảo điện văn ngắn 1 dòng, không được dùng bảng dịch mã mà phải thuộc lòng và dịch ra mã hóa cho chúng xem.

Giữa tháng 3-1961, sau lần đầu tiên đi nhảy dù xuống miền Bắc không thành, khi về, cả toán vẫn phải tiếp tục học cách mã hóa để truyền tin. Một hôm, đại úy Hoàng đem cuốn sách nhỏ có tên "Hiệu triệu Hồ Chủ tịch" ra dạy Chấp, Piếng, Thức cách lấy chữ trong cuốn sách này để mã hóa và truyền tin. Hoàng giải thích đài để nhận tin mã hóa bằng cuốn sách này là đài riêng của Liên đoàn 77 và người Mỹ không biết. Hoàng yêu cầu Chấp, Piếng, Thức chỉ dùng mã hóa này trong những trường hợp khẩn cấp báo tin về quân sự như miền Bắc chuyển quân sắp đánh vào miền Nam. 

Hàng ngày, cả toán cứ sáng học mã hóa, truyền tin, chiều lại bị tống lên máy bay đi học nhảy dù. Cùng với huấn luyện kỹ thuật nhảy dù, Chấp được trung úy tình báo Lâm Thành Hy huấn luyện các kỹ năng làm gián điệp. Đó là cách tổ chức nhân viên mật vụ trên đất Bắc; dạy an ninh mật vụ, thu thập tin tức, hệ thống liên lạc, mực bí mật.

Về tổ chức nhân viên, để tuyển người, phải tìm biết ý muốn và tính tình của người mình định tổ chức, phải nhằm vào các phần tử mà có sẵn những ý muốn ham tiền, danh vọng, vật chất, có oán thù với chính quyền. Đối với những người nghèo túng thì hết sức giúp đỡ, dùng tiền bạc mua chuộc họ. Khi họ đã đi theo thì cũng phải thận trọng, điều tra nhiều lần, theo dõi tư tưởng, tính cách của họ có thật sự muốn đi theo không thì mới nói cụ thể về công việc. Nếu trường hợp nói ra mà họ không nhận lời thì nên tránh mặt chứ không được dùng hình thức nào khác, bởi nếu ám sát họ thì sẽ dễ bị lộ.

Về an ninh của ngành mật vụ, Hy đưa ra 3 nguyên tắc: ngăn cách, võ học và che giấu.

Ngăn cách là cấp dưới không có quyền tìm hiểu việc làm, lý lịch, quá khứ của cấp trên. Ngược lại, cấp trên có quyền tìm hiểu cấp dưới. Người đồng cấp với nhau cũng không được tìm hiểu nhau. Hy nói Chấp có quyền đề đạt ý kiến đề nghị thượng cấp cho tổ chức người này, người kia làm nhân viên, nhưng tuyệt đối giữ bí mật người ở tổ này không được biết người ở tổ khác. Hy quy định mỗi tổ chỉ có từ 2 đến 3 người, vì có như vậy mới đảm bảo bí mật. Hy nhắc lại nhiều lần rằng Chấp không có quyền tổ chức người mà chỉ được báo cáo rồi cấp trên quyết định. Những người được tuyển sẽ được cấp lương, nhưng Hy không nói cụ thể là bao nhiêu một tháng mà tuỳ theo nhu cầu và khả năng của nhân viên ấy muốn cho bao nhiêu thì Chấp đề nghị để cấp trên xem xét giải quyết. 

Về võ học, Hy dạy đó là một hình thức che giấu nhân viên mật vụ hoạt động trên đất Bắc. Quy luật võ học có 5 vấn đề. Mỗi khi nhân viên đi hoạt động phải có đầy đủ giấy tờ tại địa phương sẽ hoạt động. Cách ăn mặc, chi tiêu phải phù hợp với vai trò của mình với địa phương để tránh gây nghi ngờ. Phải biết luật lệ và thi hành các luật đó một cách đúng mức để tránh sự kiểm soát của chính quyền địa phương.

Công an Khu Tây Bắc và dân quân truy lùng gián điệp biệt kích.

Cắt đứt những quá khứ của mình và không nên gặp những họ hàng thân thuộc nếu xét thấy họ không ủng hộ mình. Việc xóa bỏ quá khứ còn là từ bỏ những thói quen nếu ở địa phương đó những thói quen này bị cấm. Luôn phải biết tìm những bằng chứng hợp lý, hợp pháp để che đậy hành động của mình, để khi chính quyền hỏi đến thì có đủ bằng chứng, lý lẽ để trình bày, đánh lạc hướng.

Phần thứ ba Hy dạy là cách thu thập tin tức về quân sự, kinh tế, chính trị và ngoại giao. Khi thu thập tin tức quân sự, Castor cần quan tâm đặc biệt sự di chuyển quân, nhất là di chuyển quân để vào Nam, cần phải tìm hiểu về quân số, vũ khí, doanh trại, tên cấp chỉ huy từ đại đội trở lên. Về tin tức kinh tế, cần xem miền Bắc xây dựng kinh tế thế nào, đặt quan hệ buôn bán với ai, xuất khẩu hàng hóa ra nước nào...  

Đinh Văn Anh khai: "Đại úy Dũng dặn chúng tôi khi mới gặp dân thì không được dùng vũ khí đe dọa mà chỉ dùng tiền mua chuộc; về sau nếu họ phản bội thì có thể dùng vũ khí đe dọa nhưng tuyệt đối không được bắn giết vì nếu giết một người thì sẽ bị lộ và sẽ không còn chỗ trốn vì bị truy lùng. Khi đã gây được lòng tin với dân chúng và họ đồng ý mua giúp lương thực tiếp tế, dần dần chúng tôi sẽ nói với họ chúng tôi là người của chính phủ Ngô Đình Diệm nhảy dù ra Bắc để liên lạc với đồng bào chống lại Cộng sản Bắc Việt. Sau khi gây dựng được cơ sở, có thể tôi và Quách Thức sẽ tách nhóm để xuống mạn Hòa Bình, còn Hà Văn Chấp, Lò Văn Piếng sẽ ngược lên Sơn La, Lai Châu để mở rộng địa bàn hoạt động, xây dựng căn cứ vì theo lời đại úy Dũng thì hiện trung tâm đã có người cài ở đó. Để thực hiện kế hoạch này, ngoài các phương tiện, vũ khí, máy móc lên lạc với trong Nam, trước khi lên đường, ông Dũng đưa cho tôi một tờ tiền miền Bắc có mệnh giá 2 đồng và dặn sau khi nhảy dù xuống an toàn, trung tâm sẽ cho biết địa điểm để đi gặp một người, người này đã biết mặt tôi vì trước đó họ đã được xem ảnh…".

***

Sau khi lấy lời khai của cả toán Castor, Cục trưởng Nguyễn Tài đã họp với lãnh đạo Công an Khu Tây Bắc. Cuộc họp này xác định việc kịp thời bắt giữ Castor khi chúng chưa kịp liên lạc với trung tâm chỉ huy ở Sài Gòn để thông báo việc bị truy lùng là một thắng lợi bước đầu. Do địch chưa biết Castor bị bắt nên chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cường các toán gián điệp biệt kích ra Bắc, vì vậy cần lập chuyên án đấu tranh với trung tâm địch bằng chiến thuật "trò chơi nghiệp vụ".

Một kế hoạch chi tiết đã được báo cáo lên Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, theo đó ta sẽ dùng chính toán Castor để tìm hiểu âm mưu của địch, chủ động kéo bọn đã được huấn luyện ra Bắc để bắt, dụ địch chuyển các loại phương tiện, vũ khí hiện đại cho ta.

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn sau đó đồng ý thành lập chuyên án mang bí số PY27. Bộ Công an giao cho đồng chí Trần Triệu, Giám đốc Công an Khu Tây Bắc, trực tiếp chỉ huy; đồng chí Nguyễn Trọng Tháp, sau này là Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, nguyên Cục trưởng Cục Chống phản động, Tổng cục An ninh, khi đó là Phó trưởng Phòng Bảo vệ chính trị, được giao nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh chuyên án và một số trinh sát nội tuyển, trinh sát kỹ thuật giỏi đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ.

Nguyễn Thiêm-Anh Hiếu
.
.