Học viện An ninh nhân dân: Ngang tầm thời đại

Thứ Ba, 24/01/2012, 06:45

65 năm qua, có một mái trường luôn đồng hành với quá trình xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân, đó là Trường Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân - C500). Từ mái trường này, nhiều học viên đã trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an, nhiều người đã trở thành những nhà khoa học có uy tín, các tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến và sự nghiệp đổi mới. Tất cả những thành công ấy đã làm nên một dấu ấn C500...

I- Quả thực tôi hơi bối rối khi nhận lệnh từ Ban biên tập là viết một bài về Học viện An ninh nhân dân cho số báo Tết. Sẽ viết gì về một mái trường có quá nhiều thành tích với một bề dày lịch sử như vậy trong khi dung lượng một bài báo chỉ có hơn 2.000 từ? Tôi mang băn khoăn ấy vào gặp Trung tướng, PGS-TS Phan Đức Dư, Giám đốc Học viện.

Tốt nghiệp khóa D1 Trường Sĩ quan An ninh, Trung tướng Phan Đức Dư bảo rằng, viết lý lịch của ông rất dễ, bởi cả đời công tác của ông chỉ làm một công việc là giáo dục, và cũng chỉ ở một cơ quan là Học viện An ninh nhân dân. Ông bảo rằng nói tới Học viện An ninh nhân dân là nói tới cái nôi đào tạo của ngành, cũng là cái gốc để phát triển ra hệ thống Trường CAND hiện nay.

Ngày 21/2/1946, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh số 23/SL thành lập "Việt Nam Công an vụ". Ngày 8/6/1946, Chính phủ cử đồng chí Lê Giản làm Giám đốc Công an vụ. Ngày 25/6/1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 215/NĐ-P2 thành lập Trường Huấn luyện Công an tại Nha Công an Việt Nam do đồng chí Tổng Giám đốc Nha Công an Việt Nam làm Hiệu trưởng. Đây được coi là Nghị định đầu tiên của Chính phủ về công tác giáo dục đào tạo của lực lượng Công an. Và đây cũng là Nghị định thành lập Trường Huấn luyện Công an, tiền thân của Học viện An ninh nhân dân ngày nay.

Hiếm có trường nào mà từ lúc thành lập và suốt 16 năm sau đó (1946 - 1962), những người đứng đầu lực lượng Công an lại trực tiếp giữ vai trò làm hiệu trưởng nhà trường. Đồng chí Lê Giản, nguyên Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương, đồng thời trực tiếp làm Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1946 đến năm 1952. Đồng chí Trần Quốc Hoàn trong 27 năm với cương vị là Bộ trưởng Bộ Công an, cũng trực tiếp làm Hiệu trưởng nhà trường 9 năm (1953 - 1962). Sau này, nhiều cán bộ, giáo viên của C500 cũng trở thành lãnh đạo Bộ Công an, như cố Thượng tướng, Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ; Trung tướng Phạm Tâm Long, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an…

Đại tá, Thạc sĩ Lưu Văn Kiên, Chuyên viên Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, có một cuộc sưu tầm khá thú vị về những văn bằng chứng chỉ của trường. Trong số văn bằng sưu tầm được ấy, có một tấm bằng tốt nghiệp mà trường cấp cho học viên ngay những ngày đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là tấm bằng do Tổng Giám đốc Công an vụ Việt Nam Lê Giản ký ngày 26/11/1946 cấp cho học viên Nguyễn Trọng Thu. Đây cũng chính là 1 trong số gần 100 học viên khóa học đầu tiên của trường. Lớp học viên đầu tiên ấy, sau này có nhiều người đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an nhân dân, như các ông Nguyễn Hữu Khiếu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội; Trung tướng, PGS Dương Thông, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; ông Khúc Huề, nguyên Hiệu trưởng Trường Văn hóa ngoại ngữ - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an)…  

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trồng cây lưu niệm khi về thăm Học viện.

II- Trung tướng Phan Đức Dư cho biết, 65 năm hình thành và phát triển của Học viện An ninh, để có vị thế là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu như hiện nay, phải nhắc tới những "khúc rẽ" rất quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành về chất trong công tác đào tạo.  

Bước ngoặt đầu tiên đánh dấu sự trưởng thành của Học viện là năm 1969. Ngày 11/8/1969, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quyết ký Quyết định số 669-CA/QĐ về mở Khóa I đào tạo Đại học Công an tại Trường Công an Trung ương. Ngày 9/10/1969, khóa đào tạo đại học đầu tiên của Trường Công an Trung ương khai giảng, gọi là Khóa Đ1 (Chữ "Đ" là đại học, con số 1 là Khóa I, Khóa đại học đầu tiên của ngành). Ðây là bước ngoặt lịch sử, đánh dấu một bước đột phá chiến lược phát triển của Học viện An ninh, chuyển từ tư duy và phương pháp đào tạo nghề sang tư duy và phương pháp đào tạo lý luận.

Khóa I Đại học Công an chiêu sinh tổng số 450 học viên, gồm 200 học viên là cán bộ, chiến sĩ Công an ưu tú, xuất sắc được các đơn vị Vụ, Cục và Công an địa phương cử đi đào tạo, 250 học viên là học sinh phổ thông theo cơ chế xét tuyển của Nhà nước. Thời gian này, Nhà nước không tổ chức thi tuyển sinh đại học và chỉ xét tuyển học sinh có trình độ tốt nghiệp lớp 10/10 vào học Đại học theo yêu cầu chuyên môn của từng trường đại học. Học viên Khóa I Đại học Công an đều có học lực từ khá, giỏi trở lên, có phẩm chất đạo đức tốt và lý lịch trong sạch.

Khóa D1 được đào tạo tới 6 năm theo chương trình đại học chính quy. 36 năm kể từ ngày lớp học viên khóa D1 tốt nghiệp, trong số ấy đã có hàng chục người trở thành tướng lĩnh của Lực lượng Công an, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo cấp Tổng cục, các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú…

Cũng bắt đầu từ khóa D1 này đã mở đường cho sự phát triển giáo dục đào tạo của lực lượng Công an nhân dân lên tầm cao mới. Đến nay Học viện An ninh nhân dân đã đào tạo được 42 khóa đại học chính quy, 27 khóa đào tạo đại học hệ vừa làm, vừa học, 27 khóa chuyên tu và hàng chục khóa liên thông với hàng vạn học viên. Đó chính là quá trình chuyển tiếp từ tư duy và phương pháp đào tạo nghề sang tư duy và phương pháp đào tạo lý luận, nâng cao vị thế của học viện lên tầm cao mới để đến năm 1993, Học viện được phép đào tạo thạc sĩ.

Bước ngoặt thứ hai là năm 1997, khi Học viện khai giảng khóa I đào tạo tiến sĩ an ninh với 11 nghiên cứu sinh, trong đó chủ yếu là từ nguồn thạc sĩ khóa I. Năm 2000, những tấm bằng Tiến sĩ luật học đầu tiên được cấp cho các đồng chí Nguyễn Văn Hưởng, Phạm Dũng, Nguyễn Văn Ngọc, Lê Minh Hùng, Bùi Trung Thành… Đây là dấu mốc quan trọng bởi sau 25 năm kể từ khóa 1 Đại học Công an tốt nghiệp, Học viện đã hoàn chỉnh công tác đào tạo  ở cả 3 cấp: Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ.

Ðã có 93 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án. Trong số đó nhiều đồng chí đã trưởng thành cả về khoa học và chức vụ lãnh đạo, chỉ huy như: Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưởng,  Thượng tướng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, phái viên của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; Tiến sĩ Lê Quý Vương, Trung tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Tiến sĩ Tô Lâm, Trung tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Tiến sĩ Phạm Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II và nhiều đồng chí giữ cương vị Phó tổng cục trưởng… Trong số tiến sĩ do Học viện đào tạo đã có 16 đồng chí được công nhận Giáo sư, Phó giáo sư, trở thành các nhà khoa học thực thụ, bổ sung đáng kể vào đội ngũ khoa học có trình độ cao cho lực lượng Công an nhân dân.

Đến nay, Học viện đã đào tạo được 19 khóa cao học với hơn 1.000 thạc sĩ; 16 khóa nghiên cứu sinh với hơn 100 tiến sĩ. Ðồng thời Học viện cũng đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho hàng nghìn cán bộ lãnh đạo từ cấp quận, huyện, tỉnh, thành phố, các tổng cục, vụ, cục, các trường Công an trong toàn lực lượng. Ðào tạo được hàng trăm cán bộ có trình độ đại học, trên đại học cho quân đội, các ngành nội chính và quốc tế.

Trung tướng Phan Đức Dư, Giám đốc Học viện ANND và những Anh hùng LLVT là cựu sinh viên C500.

III- Nhắc tới những thế hệ sinh viên đã góp phần làm nên "thương hiệu" C500 còn phải nhắc tới những cựu sinh viên là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bữa Học viện tổ chức giao lưu giữa sinh viên với 10 Anh hùng Lực lượng vũ trang nguyên là học viên của trường, nhiều sinh viên đã không khỏi ngạc nhiên khi biết những con người đã quá nổi tiếng ấy cũng từng một thời là sinh viên C500.

Đó là Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm; là Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, người mà tên tuổi đã gắn với những chiến công trong cuộc chiến đầy hiểm nguy với tội phạm ma túy.

Đó là Trung tướng, PGS-TS Phạm Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II; là Trung tướng, PGS-TS Hoàng Kông Tư, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II; là Đại tá Nguyễn Xuân Hà, Phó cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên, một "người Hà Nội" nhưng lại gắn bó nhiều năm với vùng đất đỏ Tây Nguyên nắng gió.

Và đặc biệt là hai nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng là hai chị em ruột trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng: Đại tá Nguyễn Thị Minh Hiền (tên thật là Phan Thị Ngọc Châu), người được phong Anh hùng năm 20 tuổi, và Anh hùng Phan Thị Ngọc Tươi…

IV- Trung tướng Phan Đức Dư bảo rằng nhìn về tương lai, Học viện đang đứng trước cơ hội và trách nhiệm rất nặng nề. Theo "Đề án quy hoạch tổng thể, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo trong CAND đến năm 2020" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã  xác định phát triển Học viện An ninh nhân dân trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của lực lượng, tiến tới trường trọng điểm quốc gia vào năm 2015, với mục tiêu Học viện An ninh nhân dân trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học đầu ngành, có chất lượng cao, làm nòng cốt cho sự phát triển chung của hệ thống giáo dục đào tạo Công an nhân dân. "Với nhiệm vụ này, chúng tôi xác định một lần nữa C500 lại trở thành đơn vị xung kích trong công tác đào tạo nhân lực cho Lực lượng Công an thời kỳ hội nhập"

Tân Lương
.
.