Học viện Cảnh sát nhân dân: Xứng danh anh hùng

Thứ Ba, 16/10/2012, 21:55

50 năm đồng hành cùng sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND), Học viện CSND đã đào tạo ra gần 40.000 sĩ quan Cảnh sát. Với đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, năm 2012, Học viện CSND đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân"…

I - Cũng phải vài lần hẹn, tôi mới gặp được Thiếu tướng, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện.

Trong các thế hệ Giám đốc Học viện CSND, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm là người khá đặc biệt. Bởi ông vốn không phải "dân Cảnh sát gốc" mà lại là cựu sinh viên khoa Địa lý - Địa chất Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng, vì có "duyên" với nghề Công an nên sau khi tốt nghiệp đại học lại được tuyển ngay vào Viện Khoa học hình sự để gửi đi đào tạo giám định viên kỹ thuật hình sự tại CHDC Đức.

Năm 1985, ông được cử đi nghiên cứu sinh Tiến sĩ ở Liên Xô. Năm 2002, tròn 45 tuổi ông trở thành Giáo sư khoa học xã hội trẻ nhất Việt Nam. Chính vì vậy mà tháng 6/2005, đang là Phó chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia phòng chống ma túy Bộ Công an, ông được điều động về giữ chức Phó giám đốc, Phó bí thư Đảng ủy Học viện.

7 năm làm lãnh đạo, trong đó có 3 năm giữ cương vị Giám đốc, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm và đồng nghiệp đã làm được nhiều việc để xây dựng Học viện CSND có được cơ ngơi và vị thế khiến nhiều trường đại học phải mơ ước như ngày hôm nay.

Quả thực, chỉ cần nhìn cơ ngơi khang trang trong khuôn viên 14 ha này, từ khu nhà Hiệu bộ 8 tầng, các giảng đường hiện đại, tổ hợp nhà thi đấu đa năng, 2 ký túc xá 12 tầng hiện đại như 2 tòa chung cư có cầu thang máy, vệ sinh khép kín và kết nối Internet, cáp truyền hình đến từng phòng ở, rồi khu Văn Miếu vừa hoàn thành; khu công viên - nhà sàn, khu trưng bày chủ quyền biển đảo Việt Nam, nhà thư viện 12 tầng đang gấp rút xây dựng... cũng đủ thấy dấu ấn của một Học viện Cảnh sát hiện đại là rất rõ.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên Palestine.

II - Thấm thoắt đã nửa thế kỷ kể từ ngày đầu khi mới chỉ là Khoa CSND được thành lập tại Trường Công an Trung ương vào tháng 10/1962, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm bảo rằng để có được vị thế là một trong hai cơ sở đào tạo hàng đầu của lực lượng Công an nhân dân như hôm nay, có những dấu mốc rất quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về chất của nhà trường.

Ngày 15/5/1968, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn ra quyết định tách Phân hiệu CSND thuộc Trường Công an Trung ương thành lập Trường CSND với nhiệm vụ đào tạo bậc trung học cho lực lượng CSND. 

Ngày đó, dưới bom đạn của chiến tranh nhưng những người thầy ở trường Cảnh sát không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà đã chủ động chuẩn bị tập hợp đội ngũ, biên soạn chương trình để chuẩn bị đào tạo sĩ quan Cảnh sát có trình độ đại học. Vì thế tháng 10/1975, khi Bộ Công an đã cho phép nhà trường chiêu sinh khóa đại học Cảnh sát đầu tiên thì năm 1976, khóa 1 hệ đại học đã được chiêu sinh.

D1 là khóa học đầu tiên được chiêu sinh theo quy chế tuyển sinh đại học với tổng số 264 học viên. Lớp sinh viên của những khóa đại học đầu tiên ấy, giờ đây nhiều người đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh, cán bộ lãnh đạo ở Công an các đơn vị, địa phương, các nhà khoa học của ngành, khóa D1 có các đồng chí: Mai Thế Dương, UVTW Đảng, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Văn Thành, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; đó là Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Bộ Công an; là Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Huy Thuật,  Phó giám đốc Học viện CSND. Khóa D2 có Trung tướng Phạm Quý Ngọ, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an...

Khóa D1 đánh dấu sự đột phá chiến lược trong công tác đào tạo của Học viện, chuyển từ tư duy và phương pháp đào tạo nghề sang tư duy và phương pháp đào tạo lý luận. Vì vậy, 16 năm sau khóa D1 lịch sử ấy, Đại học CSND đã ghi dấu ấn quan trọng khi là trường đầu tiên của Bộ Công an, cũng là một trong số rất ít trường đại học đầu tiên ở Việt Nam, được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học.

Tháng 9/1992, Khóa cao học Luật đầu tiên, chuyên ngành Hình pháp học được khai giảng với 15 học viên. Giờ đây nhiều người trong số ấy là những nhà khoa học có uy tín của các Học viện, nhà trường trong và ngoài Lực lượng Công an như Thiếu tướng PGS.TS Trần Hữu Phúc, Giám đốc Học viện Biên phòng, Đại tá GS.TS Đỗ Đình Hòa, chuyên viên cấp cao của Học viện CSND…

Từ thành công này, chỉ 3  năm sau, năm 1995, Đại học CSND lại là trường đầu tiên của Bộ Công an được Nhà nước cho phép đào tạo Tiến sĩ 2 chuyên ngành: Hình pháp học và Tội phạm học. Vậy là sau 20 năm kể từ khóa 1 Đại học tuyển sinh, trường đã hoàn chỉnh công tác đào tạo ở cả 3 cấp: Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Đến nay Học viện đã đào tạo và cấp bằng cho 1.600 thạc sĩ; 134 tiến sĩ. Cả 7 nghiên cứu sinh Khoá 1 sau này đều trưởng thành trong sự nghiệp,  người trở thành lãnh đạo cao cấp, người thì gắn bó với công tác đào tạo của Học viện. Ngày 2/10/2001, Bộ trưởng Bộ Công an có quyết định chuyển Trường đại học CSND lên Học viện CSND.

Sinh viên Học viện CSND tập luyện võ thuật.

III - Trong câu chuyện với tôi, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm rất tự hào nói về thành quả sau 38 năm đào tạo Đại học, 21 năm đào tạo Thạc sĩ luật, 18 năm đào tạo Tiến sĩ luật của Học viện CSND, bởi không chỉ đào tạo được gần 40.000 sĩ quan, trong đó có 36.000 sĩ quan Cảnh sát có trình độ đại học, trên đại học, Học viện còn là cơ sở đào tạo chủ yếu đội ngũ cán bộ cho lực lượng điều tra hình sự của Quân đội và hơn 14.000 lượt cán bộ các ngành Kiểm sát, Tòa án, Hải quan, Kiểm lâm, Quản lý thị trường trong cả nước. Học viện cũng đã đào tạo 5.200 lượt học viên các hệ học cho lực lượng Cảnh sát Lào và Campuchia; bồi dưỡng cho cán bộ Cảnh sát các nước Asean, Hàn Quốc, Palestine, Mozambique, ...   

Từ một mã ngành Thạc sĩ và Tiến sĩ, hiện nay Học viện đã đào tạo 2 mã ngành Tiến sĩ; 3 mã ngành Thạc sĩ, sắp tới sẽ mở thêm 3 mã ngành Thạc sĩ. Năm 2010, cũng là trường đầu tiên của Bộ Công an tổ chức liên kết đào tạo Thạc sĩ bằng tiếng Anh với Đại học Tổng hợp Maryland của Hoa Kỳ. Ngày 15/10/2012, 38 học viên Lớp Thạc sĩ liên kết giữa Học viện CSND và Trường ĐHTH Maryland sẽ nhận bằng tốt nghiệp.

Hiện nay với 33 đơn vị và 11 chuyên ngành đào tạo, trong đó có những chuyên ngành rất mới như Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Tiếng Anh cảnh sát, với gần 1.000 cán bộ, giảng viên (trong đó có 11 Giáo sư, 24 Phó giáo sư, 58 Tiến sĩ, 250 Thạc sĩ, gần 200 giảng viên chính) Học viện CSND là nhà trường có đội ngũ giảng viên có trình độ cao đứng đầu trong các trường CAND.

Trong lịch sử 50 năm của Học viện, còn có những nốt son, đó là 16 cựu sinh viên là Anh hùng LLVTND, trong số đó hiện nhiều người đang giữ cương vị lãnh đạo tại Công an các đơn vị, địa phương, như: Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống tội phạm; Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội; Đại tá Hồ Sỹ Tuấn, Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An; Đại tá Nông Văn Định, Phó giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn; Đại tá Nguyễn Văn Phục, Phó cục trưởng Cục Tham mưu chính trị Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp; Thiếu tá Nguyễn Đức Cường, Phó Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Nghệ An.

IV - Nhìn về tương lai, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm bảo rằng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Học viện CSND sẽ được đầu tư xây dựng trở thành một trong hai nhà trường đại học trọng điểm quốc gia của lực lượng CAND sau năm 2015. Về cơ sở vật chất, Chính phủ đã đồng ý cấp 100 ha đất tại Vĩnh Phúc để xây dựng cơ sở 2 làm cơ sở đào tạo Đại học Cảnh sát, trong tương lai cơ sở 1 sẽ dành làm trung tâm Học viện, cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học, đào tạo và bồi dưỡng lãnh đạo chỉ huy, đào tạo học viên quốc tế. 

Nhưng, điều mà ông và các cộng sự đang trăn trở là làm thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên để từ đó nâng cao chất lượng sinh viên.

Trong 5 năm gần đây đã có hơn 500 cán bộ, giảng viên, học viên được đi tham quan, học tập, kiến tập ở 25 quốc gia, vùng lãnh thổ thế giới. Học viện đã ký hợp tác với 17 trường Cảnh sát của các nước Lào, Campuchia, Thái Lan,  Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Pháp… và tham gia nhiều dự án ODA về giáo dục, đào tạo. Học viện là đối tác của Tổ chức Diễn đàn Cảnh sát quốc tế IPES và Diễn đàn Giám đốc, Hiệu trưởng các Học viện, Trường đại học cảnh sát các nước thành viên Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol.

Từ năm 2009, Học viện là nhà trường Công an đầu tiên được phép đưa một số sinh viên xuất sắc đi tham quan, kiến tập tại nước ngoài. Học viện đang xúc tiến Dự án thành lập Trung tâm đào tạo cán bộ về phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao do Cảnh sát liên bang Australia tài trợ. Học viện đã đưa rất nhiều giảng viên đi thực tế tại các đơn vị nghiệp vụ của ngành. Từ năm 2011, Công an Hà Nội đã tiếp nhận 20 giáo viên của trường về công tác ở các Công an phường. Trong thời gian 2 năm, số giảng viên này sẽ trực tiếp làm việc ở các đơn vị cơ sở để tích lũy kinh nghiệm cho công tác giảng dạy.

Để nâng cao chất lượng sinh viên, từ năm 2009, Học viện đã ban hành đề án chuẩn đầu ra với sinh viên các hệ đào tạo với 3 nhóm chuẩn.

Về chính trị, sinh viên phải đảm bảo các yêu cầu về rèn luyện, chính trị. Khi tốt nghiệp là đảng viên hoặc là đối tượng kết nạp Đảng. Từ khóa tuyển sinh năm 2011, quy định 100% sinh viên tốt nghiệp phải là đảng viên. Về chuyên môn nghiệp vụ, sinh viên ra trường nắm vững các lý luận và kỹ năng thực hành nghiệp vụ. 2/3 số môn học nghiệp vụ phải đạt điểm từ loại khá trở lên. Sinh viên các lớp chất lượng cao 100% số môn học nghiệp vụ phải đạt loại khá trở lên.

Ngoài ra học viện còn quy định chuẩn 5 kỹ năng mềm về ngoại ngữ, tin học, bắn súng, võ thuật, lái xe.

Theo đó, tiếng Anh phải đạt trình độ đại học chứng chỉ Toeic 450 điểm hoặc tương đương, trình độ thạc sĩ chứng chỉ Toefl Ipt 500 điểm hoặc tương đương, trình độ tiến sĩ chứng chỉ Toefl Ipt 550 điểm hoặc tương đương. Tiếng Pháp, trình độ đại học chứng chỉ DELF B1, trình độ thạc sĩ và tiến sĩ chứng chỉ DELF đạt D1. Tiếng Trung Quốc, trình độ đại học chứng chỉ HSK cấp 4, trình độ thạc sĩ chứng chỉ HSK cấp 5, trình độ tiến sỹ chứng chỉ HSK cấp 6. Tin học phải đạt chứng chỉ B với trình độ đại học, chứng chỉ C với trình độ thạc sĩ và tiến sĩ.

Về bắn súng, trình độ đại học, thạc sĩ bắn súng ngắn bia cố định và bia ẩn hiện đạt điểm 70/100 điểm (10 viên) đối với mỗi loại.

Về võ thuật, sinh viên đạt chuẩn tiểu giáo viên võ thuật CAND, cao gấp hai lần chương trình khung đại học Bộ đã ban hành...

Ngoài 7 chuẩn bắt buộc trên, từ năm học 2009-2010, tùy thuộc vào từng chuyên ngành đào tạo, Học viện đã chỉ đạo các khoa nghiệp vụ chuyên ngành, các bộ môn tổ chức phối hợp với các Nhà trường bạn giảng dạy và cấp bổ sung chứng chỉ cho sinh viên các kiến thức về giao tiếp, văn hóa ứng xử, kinh tế - tài chính, chứng khoán, pháp luật quốc tế. Đây là chuẩn đào tạo cán bộ công an, cảnh sát mà nhiều nước trên thế giới và khu vực đã và đang áp dụng. Qua 3 năm thực hiện tại Học viện CSND đã cho kết quả tốt.

Nghe tôi hỏi về những kế hoạch cho tương lai, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Yêm bảo rằng mặc dù không được đào tạo từ trường công an, cảnh sát, nhưng cái duyên và có lẽ cả số phận nữa đã gắn ông với nghề công an, cảnh sát, nên ông rất yêu và mong muốn gắn bó với mái trường này, vì ông và các cộng sự ở đây "vẫn còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng Học viện CSND Việt Nam trở thành một Trung tâm đào tạo Cảnh sát hàng đầu của quốc gia và khu vực"

Nguyễn Thiêm
.
.