Hồi ức về cha

Thứ Sáu, 20/07/2007, 09:15
Bài viết nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông Phan Trọng Tuệ (7/71917-7/7/2007), nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam-Thứ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tôi đọc bản thảo cuốn sách viết về cha mình, hơn 400 trang của 25 tác giả; là các bác, các chú, các anh đã từng làm việc khi ông còn đang giữ các chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Qua đó, tôi hình dung được con đường đấu tranh gian khổ, đầy vinh quang của người cha vô cùng kính yêu, hiểu được tấm lòng của ông đối với Đảng, đối với dân, với nước, đối với đồng chí, đối với bạn bè  và quan trọng hơn cả là thấy được sự đánh giá đúng đắn và tình cảm tốt đẹp của mọi người đối với ông.

Tôi vô cùng xúc động.

Xin cho tôi được thay mặt con, cháu ông Phan Trọng Tuệ, nói lên sự biết ơn sâu sắc của gia đình đối với các bác, các chú, các anh, những người đồng chí, những người bạn thân thiết của cha tôi, đối với các đồng chí lãnh đạo các đơn vị cha tôi đã từng công tác, đã dành cho ông sự quan tâm hết sức quý báu này.

Nghĩ về người cha kính yêu của mình, biết bao điều tôi muốn nói, vì ông đã cho chúng tôi cả cuộc đời, đã sinh ra chúng tôi, đã dạy chúng tôi làm người có ích cho xã hội.

Cha chúng tôi đã cho chúng tôi rất nhiều tình cảm thương yêu cả tinh thần và vật chất. Nhưng cái mà ông đã cho chúng tôi lớn nhất là niềm kiêu hãnh, tự  hào được làm con ông - một người Cộng sản chân chính, đúng với ý nghĩa cao đẹp của nó.

Chúng tôi tự hào về ông và chúng tôi đã và đang phấn đấu sống và làm việc để xứng đáng với người cha kính yêu của mình.

Đến hôm nay, chúng tôi đã trưởng thành và cũng được Đảng, nhân dân tin cậy giao cho những trọng trách. Với thời gian, chúng tôi đã hiểu và càng hiểu được nhiều điều mà trước đây cha mình đã nói, đã làm, đã từng dạy bảo.

Cha tôi là một người Cộng sản, ông đã sống một cuộc đời như những gì ông vốn có: Sống dũng cảm, sống chân thành, sống trong sạch và là một người cách mạng rất mực thủy chung đối với Đảng, với dân, với nước, với bạn bè, với đồng chí, đồng đội và với gia đình.

Ông đã cống hiến suốt đời mình cho sự nghiệp cách mạng, không hề có một chút tính toán cho quyền lợi cá nhân. Đối với kẻ thù, ông rất cương quyết. Còn đối với những người xung quanh, ông là con người rất độ lượng. Cuộc đời sự nghiệp của ông do tu dưỡng, rèn luyện, tài năng trong những năm chinh chiến mà có.

Ông không hề chen lấn, tranh giành với bất cứ ai, kể cả thành tích, địa vị. Ông làm tất cả những việc mà ông thấy cần làm, là đúng đắn có ích cho một người hay cho nhiều người khác. Không cho đó là sự làm ơn. Không cần người ta có biết đến không? Không cần thành tích. Không cần huân, huy chương và cũng không nhận sự cảm ơn của bất cứ ai.

Tôi biết được điều này, là do những chú, bác đã hoạt động cùng với ông kể lại.

Tôi cũng biết được điều đó là khi ông đã nằm xuống: Có những cán bộ tôi chưa bao giờ gặp mặt. Có những cô chú công nhân người còn lấm dầu mỡ ở rất xa. Có chị cựu thanh niên xung phong già, tóc bạc trắng. Có cụ nông dân chân còn dính bùn, một mình hay cả gia đình, đi bộ, đi xe buýt, đạp xe đạp, đi xích lô đến, khóc, kể và xin được bái tạ trước linh cữu của ông.

Tôi sinh ra khi ông đã có một địa vị kính nể trong xã hội. Ông rất thương và chiều chúng tôi. Nhưng có ba điều ông luôn nghiêm khắc răn dạy chúng tôi:

- Một là, phải lao động, biết lao động và phải quý trọng người lao động. Cái gì làm được thì phải làm, cái gì không biết thì phải học, không được ỷ lại.

- Hai là, phải chịu khó học tập, phải khiêm tốn, không kiêu căng, hỗn láo với bất cứ ai, từ chị quét rác, chú phục vụ, chú bảo vệ, đến cán bộ các cấp khi tới thăm hỏi, làm việc với cha tôi. (Tôi còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, cha tôi còn cho các chú phục vụ có quyền mắng, thậm chí đánh tôi, nếu tôi hư).

- Ba là, điều cơ bản nhất: Làm người là không biết khuất phục trước áp lực của ai? Không làm nô lệ cho đồng tiền. Phải đấu tranh bảo vệ lẽ phải đến cùng. Không được nịnh bợ, xum xoe với bất kể cấp nào!

Tuy chỉ có hai người con gái, nhưng cha tôi đã hướng cho chúng tôi đi vào lực lượng chuyên chính của Đảng là bộ đội và công an, ngay khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc, lúc đó tôi mới 16 tuổi.

Các chú, bác hoạt động và biết cha từ hồi trẻ đã từng nhận xét: Cha tôi là con người sống rất thủy chung với lý tưởng cách mạng. Cha tôi tự nguyện đi theo cách mạng, đi theo Đảng khi ông còn rất trẻ, mới 13-14 tuổi.

Bị thực dân Pháp bắt hai lần, bị tra tấn rất dã man, kết án 27 năm khổ sai, đày đi Côn Đảo. Trong cuộc đấu tranh sinh tử này, cha tôi đã giữ trọn khí tiết người Cộng sản, không nửa lời khai báo, bảo vệ tổ chức đến cùng. Trong tù ông còn tham gia Chi ủy, luôn là con người đứng ở hàng đầu để che đòn cho các đồng chí yếu hơn khi bị địch tra tấn.

Trong mắt chúng tôi, cha tôi là một người rất đẹp trai, hào hoa phong nhã, có nhiều tài: Biết lái xe, bắn súng giỏi, chụp ảnh, vẽ truyền thần, cưỡi ngựa, đá bóng, chơi tennis... Có lẽ vì những tài năng riêng đó, ông luôn hòa nhập được với mọi người, mọi tầng lớp trong quá trình hoạt động.

Sức chịu đựng và cường độ làm việc của ông rất cao. Ông luôn bám sát cơ sở đi xuống thực tế, vào những nơi ác liệt nhất. Ông làm việc rất đúng giờ. Xuống cơ sở, ông rất giản dị, không báo trước, không đòi hỏi gì. Không hút thuốc lá, không uống rượu, bia.

Trong công việc, không bao giờ ông thoái thác nhiệm vụ được giao. Tính ông rất thẳng, nóng, dám đấu tranh những gì mà ông cho là sai, không nể nang bất cứ một ai, không xu nịnh, không bè phái cục bộ. Nhưng cũng biết hết sức lắng nghe mọi người.

Ông có một niềm tin tuyệt đối với Đảng, thủy chung với Đảng đến cùng. Cho dù ông không phải không gặp nhiều sóng gió trong cuộc đời cách mạng của mình.

Ông vẫn thường nói với chúng tôi: Kẻ thù không sợ, cái chết cũng không sợ, mà đáng để ông phải lo lắng suy nghĩ là  chủ nghĩa cá nhân, sự thiếu trung thực và kẻ cơ hội trong Đảng. Nó làm cho Đảng ta suy yếu, làm nhân dân mất lòng tin.

Chúng tôi còn nhớ như in lời bức thư cha tôi viết khi nằm chữa bệnh tại Trung Quốc.

Qua lao tù, qua cuộc chiến đấu 60 năm không hề ngơi nghỉ, khắp các chiến trường, hai lần bị bom đế quốc Mỹ vùi trong Trường Sơn. Năm 1977, cha tôi lâm bệnh nặng, sợ không qua khỏi, cha tôi đã viết cho tôi bức thư như những lời di chúc. Không phải là để phân chia tài sản (vì cha tôi không hề có một tài sản cá nhân có giá trị gì trước khi ra đi).

Cha chúng tôi đã để lại một bản di chúc về Lòng tin và sự trung thành với Đảng cho con cháu mai sau. Cha tôi đã viết: “Các con phải hiểu và tin rằng, Đảng ta là vô cùng sáng suốt, đúng đắn. Qua các thời kỳ cách mạng đã chứng minh được điều đó. Sáng suốt, đúng đắn còn ở chỗ là: ngay khi gặp thất bại hoặc sai lầm, Đảng ta đã dũng cảm nhận ra và kiên quyết sửa chữa (như trong cải cách ruộng đất vậy).

Các con cũng cần tin và hiểu rằng, Đảng ta lãnh đạo là lãnh đạo tập thể, nhưng tập thể cũng chỉ là liên kết của nhiều cá nhân, con người lại. Đã là con người thì không ai có thể được trọn vẹn cả. Cái gì mà nói và làm đúng đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng, của Chủ nghĩa Mác Lênin, của giai cấp công nhân, của Bác Hồ, đó là Đảng ta nói, Đảng ta làm. Còn ai đó nói sai, làm không đúng thì đó thuộc về cá nhân người đó, họ lợi dụng danh nghĩa Đảng để phục vụ cho mục đích riêng mình.

Các con không phải vì cá nhân người này, hay người nọ để làm việc, để mà phấn đấu, nên không vì bất cứ lý do gì được mất lòng tin ở Đảng, không được bất mãn, chán nản. Trước sau, Đảng ta sẽ phát hiện ra  những cái chưa đúng và sẽ loại trừ những con người xấu đó, sai lầm nhất định phải sửa chữa.

Các con phải xác định: chức vụ, công danh, tiền bạc không phải là mục đích sống của mình. Sống phải có lý tưởng, sống là để đấu tranh bảo vệ lẽ phải, làm nhiều việc tốt cho nhân dân, cho Đảng, cho nên không được tính toán cá nhân mình được và mất gì...”.

Có lẽ khi đã về hưu, tôi mới hiểu hết những điều cha tôi nói. Tôi tưởng nó có mâu thuẫn, nhưng thực ra nó chẳng có điều nào mâu thuẫn cả, vì thực tế là như thế, rất biện chứng.

Những năm tháng sống và làm việc, chúng tôi đã tuân theo những lời di huấn đó của cha mình, nên chúng tôi sống vui vẻ và phấn đấu hết mình ở bất cứ cương vị nào, trong lòng mang trọn một niềm tin mà cha chúng tôi đã thắp sáng trong lòng con cháu của ông.

Điều nữa là, cha tôi là một người rất nặng tình. Ông sống vì tình nghĩa, một thứ tình nghĩa mang đậm tính giai cấp.

Hồi kháng chiến 9 năm, ông là người rất đẹp và nhiều tài, lại có chức vụ nên nhiều cô gái mê, có nhiều nhà đại địa chủ, tư sản từ thành phố chạy vô chiến khu, gọi là tư sản kháng chiến, địa chủ kháng chiến. Con gái của họ vừa đẹp, vừa có học, biết tiếng Tây, biết nhảy đầm. Họ gọi cha tôi để gả con gái cho. Cha tôi chỉ cười không nói gì.

Cha tôi đã chọn mẹ tôi. Mặc dù mẹ tôi cũng đẹp, cái đẹp của một thiếu nữ nông dân suốt đời lam lũ, 9 tuổi đã đi ở cho địa chủ, làm việc vất vả nuôi một đàn em dại, một chữ bẻ đôi không biết. Nhưng mẹ tôi là một con người quật cường, dũng cảm.

Bà đã trốn nhà đi tham gia Cách mạng, ở trong Đội Trinh sát cảm tử của Bộ Tư lệnh Quân khu 9. Bà đã từng uống rượu độc trước mặt kẻ thù, để địch mất cảnh giác,  một mình diệt và làm bị thương rất nhiều tên thực dân Pháp và bọn tay sai, trong những ngày đầu kháng chiến ở mặt trận Cần Thơ.

Người dân kháng chiến miền Tây lúc đó ai cũng biết tới chiến công của “Cô Xuân Bình Thủy”. Bà được thưởng Huân chương Chiến công. Thời đó Huân chương Chiến công là rất hiếm. Ông cảm phục bà và lấy bà làm vợ. Đám cưới đơn sơ, chỉ có một nồi chè đậu xanh hột gà, cả Ban chỉ huy làm chứng, không có họ hàng bà con hai bên.

Sau này, cha tôi nói với chúng tôi: Má con là một người lao động thực sự, cho nên dù trong hoàn cảnh nào bà vẫn sống vững vàng, không lệ thuộc bất cứ ai. Bà là chỗ dựa vững chắc nhất của ông về mặt tinh thần cũng như vật chất. Ông rất tôn trọng và khâm phục bà.

Lấy ông, mẹ tôi đã phấn đấu không ngừng để trở thành một người Cộng sản và là người trí thức của giai cấp công nhân. Ông đã giúp bà hết lòng với tình cảm đồng chí và một tình yêu vô bờ bến.

Tôi còn giữ những bức thư, những ngày mẹ tôi vẫn phải đi học bổ túc văn hóa lớp 1, lớp 2. Ông lúc đó là Thiếu tướng, Phó trưởng đoàn liên lạc của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong Ban Liên lạc đình chiến 4 bên đóng tại Vĩnh Linh, Quảng Bình, còn bà là nhân viên mậu dịch bách hóa Tràng Tiền - Hà Nội đầu tiên - Mỗi bức thư chứa bao ân tình.

Cha tôi đã lấy bút đỏ sửa từng câu sai  lỗi chính tả, góp ý cho bà cách hành văn, gửi thư lại cho bà để đọc, để sửa. Từ một người cố nông, một người lính cảm tử, mẹ chúng tôi với sự dìu dắt của cha tôi, đã vừa làm vừa học và tốt nghiệp cấp ba, sau đó học quản lý kinh tế trở thành Phó giám đốc Xí nghiệp Diezen Hà Nội, một Bí thư Đảng ủy có uy tín của xí nghiệp, một cán bộ thanh tra kinh tế của thành phố.

Mẹ chúng tôi cũng hy sinh tất cả để giúp ông làm việc. Bà nghe theo lời khuyên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, về hưu sớm để chăm sóc, hỗ trợ cha tôi. Bà chăn nuôi lợn gà, làm ruộng, trồng rau, tự mình dệt chiếu, tự cắt quần áo cho ông mặc.

Bà còn là một phụ nữ hết sức nhân hậu, nhưng cũng hết sức thẳng thắn, sống rất quần chúng. Chưa bao giờ tôi thấy bà nhận quà cáp của ai. Mà thời đó những danh từ: quà cáp, hối lộ... rất ít khi người ta nói đến.

Phải nói mọi thành công của cha tôi đều có một phần đóng góp của mẹ chúng tôi. Nhất là những năm về cuối, vì một lý do hết sức rõ ràng và minh bạch; cha tôi không chọn nhiệm vụ cao phân công ở trong nước. Ông chọn, nhận đi đến một nơi đầy thử thách, đầy hiểm họa.

Mẹ tôi đã đi cùng với cha tôi, sang làm chuyên gia cho Chính phủ Campuchia. Nông Pênh lúc đó là một thành phố hoang tàn, “nhà không số, phố không tên” đêm ngày tiếng súng vẫn nổ. Và cũng chính nơi đây ông cũng là người phát hiện đầu tiên và báo cho Đảng ta về sự phản bội của một số người Campuchia vốn được coi là đồng chí, anh em.

Ông là một người rất nhạy cảm về chính trị. Một con người sinh ra chỉ để làm chính trị, rất sáng suốt, rất anh minh, nhưng cuối cùng vẫn phải theo quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. Bị tai biến hơn 5 năm, ông sống như một đứa trẻ thơ trong vòng tay bao bọc của người vợ nhân hậu và dũng cảm không một phút rời xa.

Năm 1991 - tang lễ của cha tôi được tổ chức tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, mà không tổ chức tại Hội trường Thống Nhất.  Dù Trung ương yêu cầu, tiêu chuẩn của ông là phải làm ở đó.

Sự lựa chọn ấy là tâm nguyện của cha, mẹ tôi. Ông không muốn nằm ở nơi uy nghi, tráng lệ. Ông muốn nằm dưới mái nhà đơn sơ của mình, để gần vợ, gần con cháu thêm chút nữa. Ông không muốn những người bạn già đau yếu của mình, những người đã sẻ chia với ông bao vui buồn trong cuộc đời, trong sự nghiệp, những người bạn kháng chiến cũ, những người bạn tù Côn Đảo phải đi xa, leo cao, mỏi chân, phải đợi chờ lâu khi đến chia tay với ông lần cuối.

Mộ của ông cũng được gia đình đề nghị đặt sau Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, mà không đặt trước, như tiêu chuẩn những người cùng cấp với ông. Vì nằm sau, ông cảm thấy đông vui hơn và có cả bà cùng nằm cạnh thật là vẹn tròn thủy chung. Đó là một cái lý hết sức đơn giản, hết sức tình người, phản ánh đúng bản chất con người của ông vốn có.

Cám ơn tất cả mọi người - đã từng sống và làm việc với cha của chúng tôi - Chúng tôi tin rằng, sở dĩ cha của chúng tôi đã sống một cuộc đời cao đẹp như vậy là vì, đã có những con người cao đẹp đã là đồng chí, đồng đội chân thành của ông, đã thương yêu ông, đã tin tưởng ở ông và đã hết lòng giúp ông, để ông xứng đáng với tình cảm thương yêu đó, lòng tin đó của mọi người.

Còn chúng tôi những người con của ông, chỉ có một điều mong ước, dù biết rằng điều đó không bao giờ có là: Nếu có kiếp sau xin được tiếp tục làm những đứa con ngoan của ông

.
.