Hợp tác tình báo chống ma tuý giữa Mỹ và Mexico: Mỹ sắp phải chầu rìa

Thứ Sáu, 10/05/2013, 16:40

Theo một số quan chức cao cấp Mỹ, mối quan hệ hợp tác chống các tập đoàn ma túy Mỹ Latinh kéo dài trong thập niên qua giữa Cơ quan Tình báo Mexico "Trung tâm nghiên cứu và An ninh quốc gia Mexico (CISEN)" và Cơ quan Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ (ODNI) cũng như Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) - vốn được một số nhà quan sát đánh giá là "hành động song phương chưa từng có" sau ngày 11/9/2001 - đang có nguy cơ tan vỡ.

Sự hợp tác này đạt mức cao nhất dưới thời chính quyền Tổng thống Mexico Felipe Calderon khi mà người của CIA -  phối hợp một phần với Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ (DEA) và Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) -  dính líu sâu vào lãnh thổ Mexico cũng như các mạng viễn thông dân sự của nước này. Tuy nhiên, một sự thay đổi lớn từ phía Mexico đã xảy ra trong thời gian gần đây cùng với sự kiện Enrique Pena Nieto nhậm chức tổng thống nước này.

Tân Chính phủ Mexico thông báo với Washington rằng Mexico có kế hoạch thành lập 5 "trung tâm phối hợp tình báo khu vực" phối hợp hoạt động với "lực lượng siêu cảnh sát" mới bao gồm 10.000 người. Như vậy, các sĩ quan tình báo Mỹ sẽ không được phép hoạt động bên trong  các "trung tâm" này đồng thời Mexico City bác bỏ yêu cầu từ phía Mỹ là giúp huấn luyện lực lượng cảnh sát mới của Mexico.

Đáp lại, giới chức Mỹ đe dọa sẽ ngưng chia sẻ thông tin tình báo với phía Mexico trừ phi họ được phép có mặt bên trong các "trung tâm" mới của Tổng thống Pena Nieto.

Beirut của tây bán cầu

Theo một số nhà quan sát, mặt trái của sự hợp tác giữa hai chính quyền đã dẫn đến tình trạng bạo lực căng thẳng hơn, làm chết hơn 60.000 người và 25.000 người mất tích trong vòng 7 năm qua. Trong khi đó, dòng chảy ma túy vào lãnh thổ Mỹ vẫn không hề giảm sút. , Mexico vẫn còn là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường Mỹ về heroin, cần sa và methamphetamine. Phương châm phải chấm dứt bạo lực ma túy là ưu tiên hàng đầu của Nieto trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống.

Theo một chương trình mật của Mỹ có tên mã là SCENIC, dưới thời Tổng thống Calderon, CIA chịu trách nhiệm huấn luyện người Mexico về các kỹ năng tình báo như là cách xác định mục tiêu, bí quyết tuyển dụng nhân viên an ninh cũng như cách đối phó với sự xâm nhập vào bộ máy an ninh của bọn tội phạm ma túy. Sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến chống ma túy ở Mexico bắt đầu phát triển mạnh vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, khi mà quốc gia láng giềng Nam Mỹ trở thành nguồn cung cấp cocaine hàng đầu vào Mỹ.

Tổng thống Pena Nieto và Valdes - Giám đốc CISEN.

Năm 1986, Tổng thống Ronald Reagan lúc đó ban hành một sắc lệnh an ninh cho phép Cảnh sát Liên bang và tình báo Mỹ hoạt động bên ngoài biên giới Mỹ để chống lại mối đe dọa ma túy toàn cầu. Bắt đầu từ cuối thập niên 80, nỗ lực phối hợp diễn ra trên mặt đất, trên biển và trên không của Mỹ đã triệt phá được nhiều nguồn cung cấp ma túy ở vùng Caribê, từ đó buộc các tập đoàn ma túy chuyển sang vùng đất còn khá "yên bình" để hoạt động - đó là Mexico.

Mối quan hệ tình báo bí mật giữa Mexico và Mỹ được thiết lập từ thời Chiến tranh lạnh khi mà Mexico City được coi là trung tâm của mọi biến động hay nói theo nhà sử học tình báo Sergio Aguayo là "Beirut của bán cầu Tây". Để giám sát Mỹ, thời đó Liên Xô và Trung Quốc đã có đại sứ quán lớn nhất của họ ở Mexico, và điều đó khiến Washington cũng muốn CIA hiện diện.

Trước khi trở thành Tổng thống, Calderon từng bày tỏ mong muốn Tổng thống George W. Bush giúp đỡ quân đội Mexico dẹp yên bạo lực ma túy. Và, Bush đã đồng ý trợ giúp 19 tỉ USD - qua Sáng kiến Merida - dành cho huấn luyện quân đội, trang bị vũ khí và cải cách hệ thống tư pháp Mexico, từ đó mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa hai quốc gia.

Trong một động thái ít được chú ý đến, ODNI nắm giữ vai trò lãnh đạo trong nỗ lực của Mỹ nhằm đánh bại các tập đoàn ma túy, báo hiệu tầm quan trọng của sự hợp tác tình báo trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức. Vào lúc đó, các tập đoàn ma túy bắt đầu thuê dụng các cựu thành viên của Kaibiles - lực lượng đặc biệt Guaemala do Mỹ huấn luyện - để thành lập biệt đội ám sát gây lo ngại rất nhiều cho chính quyền Mỹ và Mexico. Lúc ông Calderon nhậm chức Tổng thống vào cuối năm 2006, nhiều chuyên gia tin rằng Mexico đã mất kiểm soát đối với nhiều phần của đất nước.

Sự hợp tác và hỗ trợ của CIA “nhiệt tình” đến mức theo một cựu quan chức tình báo Mexico, vào thời Chiến tranh lạnh Cơ quan Tình báo Mexico CISEN "về cơ bản do CIA điều khiển". Mặc dù mọi sự đã thay đổi theo thời gian nhưng mối quan hệ chặt chẽ giữa các đời tổng thống Mexico và giới lãnh đạo CIA vẫn như cũ. Cũng như những tiền nhiệm của mình, Calderon thường gặp Giám đốc CIA mỗi khi đến Washington.

Hợp tác Mỹ - Mexico: Càng thắt chặt bạo lực, ma tuý càng tăng

Trước nạn bạo lực ma túy ngày càng lan tràn, chính quyền Mỹ tăng cường sử dụng các chiến dịch tình báo giúp chính quyền Mexico xác định và tiêu diệt các ông trùm ma túy - bao gồm định vị các cuộc gọi bằng điện thoại di động, nghe lén điện thoại, chặn bắt các tín hiệu điện tử và theo dõi các dữ liệu kỹ thuật số. Đầu năm 1997, DEA thành lập các Đơn vị điều tra bảo mật (SIU) với thành viên là những người nước ngoài - ban đầu ở Bolivia, sau đó đến PeruMexico và cuối cùng ở 9 quốc gia khác.

Giữa năm 2006, DEA có 2 đơn vị SIU với tổng cộng 184 thành viên chỉ riêng ở Mexico. Hiện nay, có 6 hay 7 đơn vị SIU ở Mexico, được tài trợ bởi DEA, CIA và ít nhất một cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ. Mexico không cho phép các đặc vụ Mỹ tham gia trực tiếp vào các cuộc đột kích song họ có thể tham vấn trong việc lập các kế hoạch tác chiến hay thậm chí chỉ huy chúng từ xa. CIA cũng huấn luyện cho các đơn vị Mexico một số kỹ năng đặc biệt như: các chiến thuật đột kích, cách bảo vệ các quan chức cao cấp, cách thu thập thông tin tình báo cũng như thu thập và bảo vệ những bằng chứng có thể được sử dụng trước tòa án.

Để chống lại gián điệp của các tập đoàn ma túy, các thành viên an ninh phải qua kiểm tra nói dối, xét nghiệm ma túy và thẩm tra lý lịch. Mặc dù vậy, thông tin về các chiến dịch đột kích vẫn bị lộ ra ngoài do bọn gián điệp của bọn tội phạm ma túy cài vào bên trong bộ máy an ninh của Mexico.

Căn phòng chứa những thùng đựng các chất bột màu trắng và vàng (tổng cộng khoảng 15 tấn) được cho là methamphetamine thô bị bắt giữ trong một nông trại vùng ngoại ô Guadalajara, Mexico, tháng 2/2012.

Năm 2009, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama, những vụ giết người hết sức man rợ trở nên phổ biến ở khắp Mexico - vài đầu người bị ném trên sàn nhảy, gần một chục xác người bị treo trên cầu, những quả bom được gài bên trong các xác chết. Thành phố Ciudad Juarez thuộc bang Chihuahua miền Bắc Mexico trở thành vùng đất của những kẻ giết người. Lúc đó, Tổng thống Obama phê chuẩn tăng cường các biện pháp song phương dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John O. Brennan và đối tác Mexico là Giám đốc Valdes của CISEN.

Hai quốc gia Mỹ - Mexico cũng xây dựng những cơ sở hạ tầng phức tạp cùng với thỏa thuận về chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm, thường là trong thời gian thực. Garza, cựu đại sứ Mỹ ở Mexico City, gọi đó là "chất keo" của mối quan hệ an ninh. Năm 2011, mối quan hệ này càng được mở rộng với sự ra đời của một trung tâm phối hợp tình báo do CIA chỉ huy ở Mexico City, một trung tâm tương tự khác do DEA tài trợ ở thành phố Monterrey miền Bắc Mexico, một pháo đài Cảnh sát Liên bang Mexico với hệ thống máy vi tính chằng chịt cũng như các trung tâm điều tra riêng biệt của quân đội và Cảnh sát Liên bang.

Ngoài ra, bên trong trụ sở của CISEN cũng có một trung tâm điều tra đặc biệt với sự hỗ trợ của tình báo Mỹ. Cơ sở hạ tầng này bao gồm các trụ sở hành pháp cấp địa phương với các phòng chiến sự tạm thời được lập ra giữa các chiến dịch quy mô của Cảnh sát Liên bang và quân đội Mexico tiến hành ở các thành phố như Ciudad Juarez, Tijuana và Acapulco.

Các thông tin do mạng lưới điệp viên và các nguồn chỉ điểm của DEA cung cấp dẫn đến việc giết chết trùm ma túy Arturo Beltran Leyva vào tháng 12/2009. Cartel của ông trùm này không chỉ vận chuyển một lượng khổng lồ cocaine vào lãnh thổ Mỹ mà còn thâm nhập sâu vào bên trong tổ chức chính quyền Mexico. Cái chết của Leyva mang lại chiến thắng đáng kể đầu tiên trong chiến dịch quân sự chống ma túy của Tổng thống Calderon.

Trong một sứ mạng thành công khác, vào mùa hè năm 2010, DEA định vị được nhiều cuộc điện thoại di động của ông trùm ma túy chào đời ở Mỹ là Edgar Valdez Villarreal - người có biệt danh là "La Barbie" do có bộ dạng của búp bê - giúp chính quyền Mexico truy đuổi hắn ta qua 5 bang nước này. "La Barbie" bị bắt giữ vào tháng 8-2010 ở Mexico và vẫn đang chờ dẫn độ sang Mỹ.

Hướng đi mới của Mexico

Chính quyền mới của Pena Nieto đã mang đến nhiều thay đổi quan trọng trong cuộc chiến chống ma túy ở Mexico cũng như mối quan hệ hợp tác tình báo Mỹ - Mexico. Giới quan sát nhận định, Tổng thống Nieto sẽ không dính líu trực tiếp vào các nỗ lực chống ma túy như người tiền nhiệm Calderon. Bộ trưởng Nội vụ Mexico sẽ quyết định mối quan hệ giữa các cơ quan Mỹ và Mexico cũng như các đơn vị an ninh của Mexico. Giám đốc CISEN sẽ quyết định cơ quan nào của Mexico được phép nhận và xử lý thông tin nhạy cảm của Mỹ.

Trước tình trạng tham nhũng lan tràn trong bộ máy cảnh sát và quân đội Mexico, giới chức Mỹ cho biết, họ không sẵn sàng chia sẻ thông tin nhạy cảm cho đến khi nào họ nắm được lý lịch của những người liên quan và biết thông tin được bảo vệ như thế nào. Chính quyền Mexico cũng có kế hoạch thành lập 5 trung tâm phối hợp tình báo khu vực bao gồm các thành viên là cảnh sát bang và liên bang, cùng với việc xây dựng một lực lượng siêu cảnh sát gồm 10.000 thành viên. Lực lượng siêu cảnh sát sử dụng các chiến thuật của cảnh sát mà không dùng đến sức mạnh như quân đội nhằm giảm bạo lực đến mức thấp nhất.

Tuy nhiên, Đại sứ Mexico Medina Mora ở Washington phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng, quốc gia của ông vẫn coi sự giúp đỡ của Mỹ là "trọng tâm" của chiến lược chống ma túy ở Mexico, mặc dù người Mỹ không được phép tham gia vào các trung tâm tình báo của nước này

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.