Huyền thoại ngôi đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh

Thứ Ba, 22/05/2012, 13:20

Ở khắp nước ta có nhiều ngôi đền thờ Bác nhưng có lẽ ngôi đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Long Đức, thị xã Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) được xây dựng và tồn tại trong bối cảnh khắc nghiệt nhất.

Ngôi đền giữa vùng đất lửa

Long Đức là một vùng đất "xôi đậu" giữa ta và chính quyền Việt Nam cộng hòa (VNCH), cách trung tâm đầu não chính quyền tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh) của VNCH 4 cây số và cách trung tâm hành quân hỗn hợp của Mỹ 1.500m. Trung tâm này có rất nhiều thứ quân Việt lẫn Mỹ như: Sư đoàn 9 Bộ binh VNCH, Hạm đội Giang đỉnh Hải quân Mỹ, Đại đội Biệt kích Mỹ, Tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến Mỹ, Tuần giang hạm Vùng 4 chiến thuật, Tiểu đoàn địa phương quân, Tiểu đoàn cảnh sát dã chiến…

Lực lượng quân sự này còn được trang bị trực thăng, máy bay ném bom, máy bay thám báo và kích bích pháo. Không những nằm cạnh "ổ kiến lửa quân sự" hùng hậu như vậy, xã Long Đức còn bị 3 con sông bao bọc: Cổ Chiên, Long Bình và Ba Trường.

Tuy vùng đất "xương xẩu" như vậy nhưng rất quan trọng với lực lượng quân sự của ta. Nếu mất phần đất này, quân ta sẽ mất bàn đạp chiến lược tác chiến. Hiểu được điều đó, chỉ riêng 2 năm 1968 và 1969, lực lượng quân sự hỗn hợp Việt - Mỹ đã tổ chức 489 đợt càn quét vào địa bàn xã Long Đức với tuyên bố "không chừa một cọng cỏ cho Việt Cộng". Trong những cuộc càn này, khi bắt được cán bộ của ta, lính VNCH đều mổ bụng móc tim cho chết rồi chặt đầu đem về thị xã trưng bày để răn đe.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Mỹ rải 4 chuyến chất độc khai hoang, bắn không tọa độ vào Long Đức 21.900 quả pháo. Cuối năm 1969, vùng đất này còn nhận hàng chục lượt bom B52 rải thảm giết chết 130 người dân vô tội. Khắp xã, chính quyền VNCH xây dựng 12 đồn bót chiến thuật hòng kiểm soát mọi động thái của ta.

Thế nhưng, ngôi đền thờ Bác Hồ lại nằm cách một đồn địch không xa.

Bà Nguyễn Thị Tiếm bên bàn thờ Bác trong nhà.

Một số bô lão địa phương kể: Một ngày  đầu tháng 9/1969, viên Tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Bình là trung tá Nguyễn Văn Tài cho máy bay đầm già quần thảo trên bầu trời suốt ngày để loan tin: "Chúng tôi xin thông báo đến đồng bào biết, Cụ Hồ đã từ trần. Cụ Hồ là người lãnh đạo Cộng sản Việt Nam đã chết. Chúng tôi mong những người lỡ theo Cộng sản hãy về với quốc gia".

Nghe địch nói vậy, chúng tôi không tin nên mở Đài Tiếng nói Việt Nam nghe để kiểm chứng. Khi biết tin chính xác Bác mất, cả làng trên xóm dưới đều khóc. Với chúng tôi, Bác không chỉ là vị Chủ tịch đáng kính mà còn là người cha chung. Nhiều người dân, trong đó có những ông già, bà cả tự vấn khăn tang, đốt nhang nhìn về phía Bắc khấn lạy Bác. Sau đó, mọi nhà đều cúng cơm tang Bác theo phong tục địa phương suốt 49 ngày.

Đại úy Quang còn gọi là “Tổng Quang” đại đội trưởng cảnh sát dã chiến thấy nhà nhà đều cúng cơm lấy làm lạ đã cho mật báo viên đi tìm hiểu. Khi biết nguyên do, Tổng Quang xua quân đi bắt những người cúng cơm về đồn với lập luận: Ai cúng cơm Hồ Chí Minh, kẻ đó đích thị là Việt Cộng. Những người bị bắt đấu lý: Chúng tôi không biết Việt Cộng là gì cả. Đạo lý, phong tục Việt Nam dạy chúng tôi rằng, người đáng kính trong dòng họ qua đời thì phải cúng cơm. Cụ Hồ là người họ hàng nên chúng tôi phải cúng. Nếu luật của các ông cấm thì ghi rõ ra giấy cho chúng tôi biết. Thua lý, Tổng Quang tức tối tát ông cụ Sáu Liếng ở ấp Vĩnh Hội vì "dám lý sự" rồi thả hết những người bị bắt.

Được thả về, người dân Long Đức lập luôn bàn thờ trong nhà để hương khói hàng ngày nhưng không dám treo chân dung Bác.

Đầu năm 1970, trong một cuộc họp Chi ủy xã tại ấp Kinh Lớn bàn việc đánh địch để mở rộng vùng giải phóng ra hướng thị xã Trà Vinh, ông Trần Văn Tranh - Bí thư thị  ủy gợi ý phải xây một ngôi đền thờ Bác để thỏa mãn lòng dân. Chi ủy xã nhất trí ngay. Ban chỉ đạo xây dựng đền thờ Bác được thành lập ngay buổi họp đó. Trưởng ban là ông Trần Văn Khuyên - Ủy viên Tuyên huấn thị xã Trà Vinh. Cô gái 20 tuổi Nguyễn Thị Tiếm - Bí thư Xã đoàn là Ủy viên vận động xây dựng đền thờ.

Ngôi đền năm 1970. (Ảnh tư liệu).

Ông Phan Văn Tiềm, sinh năm 1936, nguyên là du kích được phân công bảo vệ đền từ ngày đầu tiên xây dựng cho đến năm 1997 nghỉ hưu, hiện đang sống cách ngôi đền 1 km kể: Ban chỉ đạo xây dựng đền thờ Bác đã phải họp rất căng thẳng để tìm địa điểm xây. Đất Long Đức rộng nhưng phần lớn diện tích trũng thấp, mùa mưa ngập lụt. Vả lại, nếu xây ở nơi quá hẻo lánh, đến ngày đất nước thống nhất sẽ bất tiện cho người dân nơi khác đến viếng đền. Vùng đất cao ráo nhất, thuận tiện đi lại nhất là ấp Vĩnh Hội thì lính VNCH đã lập đồn trấn giữ.

Bàn tới bàn lui, cuối cùng cuộc họp thống nhất ý kiến là: Bằng mọi giá phải xây đền thờ Bác tại ấp Vĩnh Hội, chỉ cách đồn lính 300m. Với khoảng cách đó, vị trí xây đền nằm trong tầm tác xạ của lính gác chuồng cu trong đồn. Đồng chí Hai Trị - Ấp đội trưởng được giao nhiệm vụ "trị" lính gác chuồng cu. Hai Trị viết ngay một lá thư gửi tay cho đồn trưởng là thượng sĩ Danh.

Nội dung bức thư viết: "Ê thượng sĩ Danh. Mày có lý tưởng của mày, tao có lý tưởng của tao. Vài hôm nữa tao xây đền thờ cho cha tao là Cụ Hồ. Nếu mày quân tử, đừng cho lính bắn ra. Nếu mày chơi không quân tử thì cái đồn của mày không yên đâu. Ký tên du kích Hai Trị". Ngoài ra, bộ phận binh vận cũng tác động thêm lính trong đồn.

Nhân tâm về một mối

Ngày 10/3/1970 là ngày khởi công xây dựng đền. Dự kiến ngày 2/9/1970 sẽ khánh thành.

Để bắt tay khởi công, đồng chí Hai Trị dẫn du kích ra địa điểm được chọn xây đền để đào trước hệ thống công sự chiến đấu và hầm tránh bom, pháo. Lính trong đồn biết nhưng không bắn ra phát nào.

Hiện giờ, bà Nguyễn Thị Tiếm đã 63 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy khối Dân chính Đảng tỉnh Trà Vinh, đang cư ngụ cách ngôi đền thờ hơn 1,5km bồi hồi ôn lại quá khứ: "Lúc đó, thanh niên, thiếu nữ đi cầm súng hết rồi, chỉ còn ông già, bà cả và con nít ở nhà. Tôi đi vận động bà con góp công góp vật liệu xây dựng đền thờ Bác. Xã tuy nghèo nhưng chỉ trong một tháng bà con góp được 200.000 đồng VNCH. Thằng bé Hồ Văn Thuật câu được con cá lớn bán lấy tiền xin góp vô. Ai cũng nô nức tranh nhau đăng ký góp công xây dựng. Tôi đành chia luân phiên mỗi ngày 2 ấp tham gia xây dựng. Chỉ xây ban đêm thôi. Cứ 5 giờ chiều, bà con tập trung lại điểm tập kết rồi dắt nhau ra chỗ xây đền. Người bện dây, người đắp nền rất nhộn nhịp khẩn trương. Con nít cũng tham gia. Thi thoảng pháo trong căn cứ và pháo từ chiến hạm dưới sông Cổ Chiên bắn vô, tụi tôi nhảy xuống hầm. Khi yên, leo lên làm tiếp".

Ngôi đền ngày nay.

Lính trong đồn không dám bắn ra nhưng báo cáo về tiểu khu. Ngày 15/4/1970, trung tá Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Tài huy động hàng ngàn lính đủ sắc áo, có cả trực thăng, phi pháo trợ chiến tiến vào vị trí xây đền. Quyết không lùi bước, lực lượng du kích và tổ bảo vệ đền chống trả quyết liệt. Người du kích tên Tèo bị Tổng Quang bắt sống mổ bụng, chặt đầu đem về thị xã. Để trả thù cho đồng đội, đồng chí Hai Trị đón đường rút quân của địch, gài trái nổ diệt Tổng Quang. Chiến dịch xóa đền của quân đội Sài Gòn kéo dài suốt mấy tháng mới chấm dứt. Suốt thời gian diễn ra chiến dịch, du kích và bộ đội chi viện đã loại khỏi vòng chiến đấu 300 lính VNCH.

Do chống càn, thời gian xây đền kéo dài đến ngày 26/1/1971 mới xong. Đó là vào ngày 30 tháng Chạp tết Nguyên đán. Ngôi đền xây trên diện tích 16 m2, mái lợp lá, khung sườn bằng gỗ, nền xi măng. Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cắm tung bay trên nóc ngôi đền. Bức chân dung Bác được một họa sĩ địa phương thực hiện suốt mấy tháng mới xong. Nghe tin khánh thành đền thờ Bác Hồ, hơn 10.000 lượt người dân các nơi đến thắp hương khấn Bác (Thống kê từ ngày 26/1/1971 đến 4/2/1971).

Như một cái gai đâm vào mắt, một tháng sau, viên Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Tài tiếp tục mở chiến dịch càn quét xóa đền. Tiểu đoàn địa phương quân kết hợp máy bay quần thảo từ sáng đến chiều mới tiến vào được ngôi đền. Viên thiếu tá chỉ huy trực tiếp chiến dịch tử thương. Lính châm lửa đốt đền rồi "tịch thu" ảnh Bác làm chiến lợi phẩm đem về tiểu khu. Khi địch rút đi, du kích trở lại đồn thì nhặt được lá thư của một người lính kèm 500 đồng: "Vì bị bắt buộc tôi phải làm chuyện đại nghịch này, tôi rất hối hận, xin gửi lại chư vị ít tiền cúng vào việc trùng tu đền thờ Cụ Hồ".

Ngày hôm sau, bà con địa phương cùng kéo nhau ra dinh Tỉnh trưởng đòi trả lại ảnh Bác và đòi trừng trị kẻ đốt đền. Viên Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Tài phải ra xin lỗi và hứa không cho lính đốt đền nữa. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là lời hứa cho qua chuyện.

Bà con địa phương tiếp tục xây dựng lại ngôi đền dưới làn bom, pháo bắn vô tội vạ suốt 11 tháng mới xong. Lính VHCH còn thực hiện hàng chục trận càn quy mô lớn hòng nhổ cái gai trước mắt nhưng luôn thất bại trước quyết tâm bảo vệ của dân quân Long Đức và Trà Vinh. Tính đến ngày đất nước thống nhất, ngôi đền thờ Bác 3 lần bị địch đốt, bắn cháy rụi và 3 lần xây cất lại với tổng thời gian 2 năm 6 tháng.

Nhiều người dân địa phương không chỉ xem ngôi đền là nơi thiêng liêng thờ phụng vị Thánh dân tộc mà còn xem đó là biểu tượng của ý chí cách mạng, biểu tượng quyết thắng giành độc lập. Từ biểu tượng đó, nhiều người lính VNCH đã tự động đào ngũ hoặc ôm súng về với lực lượng cách mạng. Ngôi đền và lá cờ giải phóng trở thành sức mạnh niềm tin của cán bộ cách mạng Trà Vinh.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng quân đội và dân quân du kích đã đến trước bàn thờ Bác trong đền tuyên thệ quyết thắng trong trận cuối cùng giải phóng miền Nam.

Sau năm 1975, ngôi đền thờ Bác được tôn tạo khang trang, khuôn viên ngôi đền được mở rộng thành điểm di tích lịch sử đón chào hàng chục ngàn lượt khách đến thăm viếng mỗi năm. Năm 1989, đền thờ được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia

Hoàng Kiệt
.
.