Huyền thoại về nữ anh hùng ba lần bị địch cưa chân

Thứ Tư, 25/09/2013, 17:50

Thời chống Mỹ, cô là đội viên du kích mật của xã Hàm Liêm trong vùng “Tam giác sắt”, mảnh đất kiên cường hứng chịu đạn bom ác liệt giành từng tấc đất. Trong một trận chiến đấu cô đã bị thương nặng và sa vào tay giặc, chúng tra tấn vô cùng dã man và cưa hai chân của cô đến ba lần sát bẹn rồi ném vào nhà xác. Sức sống mãnh liệt của người cộng sản kiên trung vì dân, vì nước đã làm cô sống lại giữa hàng trăm xác chết, bọn địch sau đó tống cô vào nhà lao giam giữ. Trong tù, cô lãnh đạo tù chính trị đấu tranh khiến bọn giặc không phút nào yên với người phụ nữ tàn tật này, nên chúng phải thả cô về địa phương. Ai ngờ, cô du kích tàn tật hai chân lại là chỉ huy đội du kích mật tổ chức đặt mìn, ám sát tiêu diệt ác ôn nổi tiếng khắp vùng “Tam giác sắt”…

Cô du kích mật trong ấp chiến lược Tân An

Từ thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đến xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc chỉ vài cây số, đường tráng nhựa phẳng lì, rộng rãi. Khu công nghiệp tiếp nối vùng đô thị hóa làm thay đổi diện mạo làng quê, ai đi xa lâu mới trở về, dễ không nhận ra những nhà xưa, lối cũ vì sự đổi thay quá lớn.   Qua khỏi UBND xã Hàm Liêm vài trăm thước, tôi dừng chân trước căn nhà tình nghĩa của Anh hùng thương binh nặng Phạm Thị Mai (Tám Tiệm), có chái hiên bên trái, cửa mở nhưng không thấy một bóng người.

Chưa kịp ngó nghiêng định lên tiếng, thì giật mình nghe tiếng phụ nữ từ ngoài đường nói vọng vào: "Ai vậy ta, ai đến nhà tui vậy ta…". Cô tươi cười ngồi trên chiếc xe lắc tay, ghế sau còn có một quả mít, một con gà, bó rau xanh từ chợ xóm về. Tôi mừng húm vì gặp cô mà không cần ra Ủy ban xã hỏi con gái của cô theo chỉ dẫn của người bạn. Cô là người thẳng tính, bộc trực như lời tâm sự: Hồi trước, khi chưa được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng, rất ít ai tới nhà tìm cô. Sau này thì nhiều…

Câu chuyện về cuộc đời nữ thương binh anh hùng vùng "Tam giác sắt" bị địch cưa chân ba lần, từng có một thời nổi tiếng với câu nói: "Tui cần con, cần hạnh phúc gia đình, không cần anh hùng" theo ký ức lần lượt hiện về… Thôn 3, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận ngày nay, xưa có tên là ấp chiến lược Tân An, Tân Điền là vùng chiến tranh ác liệt trong khu "Tam giác sắt" thuộc quận Thiện Giáo. Mỗi mét đất nơi đây đẫm đầy biết bao dấu vết bom đạn và xương máu hy sinh.

Từ năm 1960, Mỹ - ngụy tìm mọi cách kéo dân ra khỏi vùng căn cứ kháng chiến, lập nhiều ấp chiến lược với dây thép gai ba tầng và gài mìn bao bọc, quản chế dân. Hồi còn nhỏ, tôi vẫn nhớ hễ sáng sớm giặc mở cổng ấp, dân vào đất cũ cày cuốc, trồng trọt chiều về lại. Hôm nào hai bên đánh nhau thì dân tản cư nơi khác, hết đánh nhau lại kéo về. Quy luật của chiến tranh cũng có khoảng lặng "thỏa thuận ngầm" với nhau. Đánh nhau thì cứ đánh, nhưng không làm hại dân thường và không dùng dân làm bia đỡ đạn vào các dịp lễ Giáng sinh, Tết cổ truyền, sau lúc 0 giờ không được nổ súng.

Cô Tám Tiệm sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có 7 anh chị em, đã hy sinh 2 người. Bọn biệt kích, lính ngụy, lính Mỹ đến vùng này đều kinh sợ hai đối tượng "xuất quỷ nhập thần" là du kích mật và đám con nít. Con nít xứ này, đứa nào cũng biết xé cờ ba que, quăng lựu đạn vèo vèo, cầm súng là bóp cò nhả đạn. Chưa nói trên các đoạn  tỉnh lộ 8 Phan Thiết - Ma Lâm rất vắng vẻ chạy qua giữa các cánh đồng, thường xuyên có mìn nổ, đắp mô ám sát ác ôn khét tiếng gian ác. Những cây cầu nổi tiếng như cầu Lim, cầu Trắng, cầu Cây Trôm…là những địa danh địch kinh khiếp vì sợ ám sát, sợ nổ mìn bất cứ lúc nào.

Năm 1961, mới 14 tuổi, Tám Tiệm đã làm liên lạc, vận chuyển vũ khí vào ấp chiến lược, tiếp tế thuốc men, thực phẩm cho cách mạng và nghe ngóng tình hình để về báo cáo cho các chú du kích. Sang tuổi 17, Tám Tiệm làm Phó bí thư Đoàn thanh niên xã Hàm Liêm, là đội viên du kích mật Sông Nhị hoạt động khắp các vùng Hàm Tiến, Hàm Hiệp và Hàm Phong. Từ năm 1961 đến 1964, đội du kích mật mưu trí, dũng cảm tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ, bắt sống 7 tên lính võ trang, trong đó có tên Xược là tên ác ôn khét tiếng trong vùng làm nhân dân rất hả hê.

Tháng 2/1965, Tám Tiệm vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Là một cô gái rất mạnh mẽ và gan dạ, tướng mạo như con trai. Lợi thế đó, đã giúp cô hoạt động diệt ác, trừ gian và nghe ngóng, nắm tình hình cơ sở báo ra khu. Đầu năm 1967, Tám Tiệm được cử làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Hàm Liêm. Quân dân Hàm Chính, Hàm Liêm, Hồng Phong chiến đấu anh dũng, bẽ gãy nhiều đợt càn quét của địch, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, mật thám giữa ban ngày khiến cho bọn địch vô cùng hoang mang. Nhiều tên ác ôn khét tiếng đến vùng này đã phải thú nhận rằng: Thà đi Vùng 1, Vùng 4 còn hơn là ở cái xứ khỉ khô này bởi có thể chết bất cứ lúc nào…

Tám Tiệm chụp ảnh với bà Nguyễn Thị Định tại Hội nghị phụ nữ.

Sa vào tay giặc ba lần bị cưa chân

Chợt  nhìn xuống đôi chân không nguyên vẹn của mình rồi cô Tám kể về những tháng ngày sa vào tay giặc. Tháng 12/1967, Tám Tiệm lúc đó là chính trị viên xã đội Hàm Liêm, chỉ huy du kích mật tham gia nhiều trận đánh ác liệt.  Tháng 3/1968, Tiểu đoàn 4 thuộc Sư đoàn 23 của địch điều từ Buôn Mê Thuột xuống mở chiến dịch càn quét "làm cỏ Việt cộng" vùng “Tam giác sắt”. Đội du kích mật được lệnh rút vào căn cứ chỉ để lại 5 người là Tám Tiệm, anh Công (Thường vụ Tỉnh đoàn), anh Đức (Trưởng Công an xã), anh Nhung (cán bộ kinh tế xã), anh Hai Giò (cán bộ xã Hàm Liêm) nằm hầm bí mật bám trụ chiến đấu trong ấp chiến lược Tân An.

Bọn địch phát hiện, chúng hò nhau xông đến tung lựu đạn vào miệng hầm, làm 4 đồng chí hy sinh nhưng Tám Tiệm vẫn gan dạ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Còn hai quả lựu đạn M26, cô nhoài người tung lên miệng hầm đã khiến cho mấy tên lính đền mạng. Căn hầm này cách nhà của cô ngày nay vài trăm mét, là nơi diễn ra trận đánh ác liệt không cân sức làm 4 đồng chí hy sinh, Tám Tiệm bị thương nặng ở hai chân và đã bị địch bắt. Bọn địch dùng mọi cực hình tra tấn làm cô chết đi, sống lại vẫn không khai thác được gì. Dã man hơn chúng đã cưa chân cô ngang nửa đùi.

Lặng yên một lúc, cô kể tiếp: "…Chúng ác chưa từng có, vết thương ở đùi máu me đầm đìa chúng không thèm băng bó, chúng dùng cưa, cắt luôn ngang đùi như cắt bó mạ…". Sau đó, chúng chở cô về nhà thương trên Căng (sân bay Phan Thiết) ném cô vào nhà xác. Khi tỉnh dậy, cô dần cảm nhận mình vẫn còn sống, quanh cô đầy xác chết. Vết thương sưng tấy lên, nhiễm trùng, đau buốt tận xương tủy… Chúng lại mang cô vào nhà thương chữa trị, rồi tiếp tục cưa chân cô hai lần nữa, chân trái sát bẹn, chân phải sâu hơn nửa đùi. Sau đó chúng tống cô vào trại giam Lao Xá - Phan Thiết. Tại đây, tấm gương dũng cảm của Tám Tiệm đã khiến cho tù nhân chính trị bừng bừng khí thế đấu tranh đòi tự do, cấm ngược đãi, hành hạ tù nhân trong trại nữ.

Những ngày trong tù là những ngày người nữ du kích mật không ngừng đấu tranh. Tháng 9/1969, nghe tin Bác Hồ kính yêu qua đời, Tám Tiệm và nữ tù Nguyễn Thị Điệp chỉ huy phát động chị em tù chính trị đeo băng tang, tưởng niệm Hồ Chủ tịch và đấu tranh quyết liệt với kẻ thù. Cuối năm 1970, bọn địch lo sợ phong trào đấu tranh lan rộng nên đã đưa một số tù chính trị ra quân lao Nha Trang và Côn Đảo. Riêng Tám Tiệm, chúng thả, trả tự do vì nghĩ cô cụt hai chân dù có muốn cũng không thể làm gì được.

Bọn địch không thể ngờ rằng người phụ nữ tàn tật kia là chỉ huy du kích mật, lên sa bàn, phân công, bố trí đặt mìn, tung lựu đạn ám sát ác ôn, tiêu diệt 28 tên địch tại trường học xã Hàm Liêm, diệt 2 xe tăng M.113 và M.141, làm nổ tung bọn địch tại rạp hát LiLát - Phan Thiết

“Cần con, không cần anh hùng”

Ngày hòa bình thống nhất đất nước, Tám Tiệm trở về mảnh đất cũ của gia đình đoàn tụ và đây cũng là nơi đồng đội của cô từng chiến đấu, hy sinh để thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập và tự do. Năm tháng của thời bao cấp, từ tập đoàn sản xuất chuyển lên hợp tác xã nông nghiệp, với người lành lặn, khỏe mạnh còn không đủ nuôi gia đình, thì nói gì đến một người thương binh nặng. Tám Tiệm làm lụng suốt ngày, di chuyển trên hai cái ghế gỗ khó nhọc, nặng nề chưa kể những cơn đau nhức hành hạ cô khi trái gió, trở trời.

Thèm được nghe tiếng trẻ bi bô, cô quyết định xin đứa con gái về nuôi đặt tên là Phạm Thị Ái Lan (năm nay 30 tuổi), làm nguồn vui và hạnh phúc an ủi tinh thần. Ái Lan sống rất hiếu thảo và lễ phép với mẹ Tám nên từ lâu cô đã cảm nhận đầy đủ về hạnh phúc tình mẫu tử. Có thể nói đây là cuộc hồi sinh lần thứ hai trong đời nữ thương binh nặng Tám Tiệm.

Tình cờ lúc nửa đêm nằm nghe đài phát thanh "kể chuyện đêm khuya" về một nữ thanh niên xung phong, sau chiến tranh trở về khao khát được sống và thực hiện thiên chức của phụ nữ là sinh con. Cô đã bất chấp tất cả để có một đứa con, nhưng cũng là lúc dư luận búa rìu ập xuống đời cô, khiến cô ấy phải ôm con bỏ làng đi lên một vùng núi, nơi ngày xưa đơn vị cô chiến đấu để sống lặng lẽ, tránh xa mọi người. Câu chuyện như một vết dao cứa sâu vào trái tim đồng cảm của Tám Tiệm, dù hoàn cảnh lịch sử có khác nhau nhưng nội dung và ước mơ bình thường của mọi phụ nữ trên đời này đều rất giống nhau. Tám Tiệm nằm thổn thức trên giường với cái gối ôm rồi nghĩ ngợi: hay là mình lấy đại ai đó, để sinh một đứa con?… Và cô ứa nước mắt khi nhìn xuống đôi chân mình...

Cô dò hỏi ý kiến bạn bè, thủ trưởng cũ và người thân về quyết định có con. Dư luận xã hội thời đó khắc nghiệt vô cùng vì  cô là một thương binh, một tấm gương dũng cảm của quê hương anh hùng… Nếu "chửa hoang" sẽ làm tổn hại hết mọi thứ. Thủ trưởng cũ hỏi: "Nếu chọn danh hiệu anh hùng với có con, cô chọn cái nào?". Tám Tiệm nói ngay: "Chọn có con". Đơn giản, trên đời này chẳng có ai cho cô hạnh phúc bằng con cái mang lại khi cuộc đời cô ngả về chiều, con cháu sẽ là niềm vui, nguồn hạnh phúc… Đi đánh giặc, Tám Tiệm không hề nao núng. Nhưng để chiến đấu với tình yêu, hạnh phúc và chiến thắng bản thân với cô là một trận chiến đầy cân não.

Một buổi chiều quê, ngồi trước lan can nhà, tôi đã hỏi cô về người đàn ông bí mật ấy? Cô chỉ cười: Khi nào cô sắp chết, con cô sẽ biết cha nó là ai. Cô con gái tên Phạm Thị Yến Ly ra đời như một kỳ tích phi thường mà cô luôn nghĩ là trời đã ban cho cô. Cô kể về những ngày tháng mang thai Yến Ly: cô một mình cuốc ruộng, nhổ cỏ làm lụng từ sáng đến tối, mà ngay cả người lành lặn chân tay cũng bái phục. Cô kể: "Đang cuốc ruộng tự nhiên thấy trằn trằn trong bụng, không ngờ đến ngày sinh nở mà  mình đâu có biết".

Yến Ly càng lớn càng xinh, hiện đang là cán bộ xã Hàm Liêm. Năm 2000, nữ thương binh nặng Phạm Thị Mai (Tám Tiệm) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và cũng năm đó, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã xây tặng cô căn nhà tình nghĩa cùng mức trợ cấp hơn 3,5 triệu đồng/ tháng… Và hôm nay, cuộc sống của cô chan hòa niềm vui hạnh phúc trong tình yêu thương, quý trọng của mọi người

Hoàng Châu
.
.