John McCain - Một chính khách can đảm

Thứ Ba, 04/09/2018, 15:03
Trong hơn 35 năm làm nghị sĩ, ông McCain đã trải qua những giai đoạn thăng trầm, từng bị dính bê bối, nhưng rồi cũng lấy lại uy tín bằng những hành động can đảm. Trên cương vị Thượng nghị sĩ Mỹ, ông John McCain đã thể hiện chính kiến một cách độc lập, thẳng thắn, không ít lần dùng lá phiếu quyết định của mình để bác bỏ các chính sách của Nhà Trắng.

Bên cạnh đó, ông là người thúc đẩy mạnh mẽ cho việc bình thường hoá quan hệ Mỹ-Việt, mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ hai nước, hàn gắn vết thương chiến tranh và hướng tới tương lai.

Cú vấp ngã và làm nên "McCain phiên bản mới"

Trong khi con đường chính trị đang rộng mở thì McCain dính vào một vụ bê bối khiến mọi thứ trở nên đảo lộn. Ông tham gia trong một nhóm gồm 5 thượng nghị sĩ nhận tài trợ khá lớn từ doanh nhân Charles Keating trong các cuộc vận động tranh cử, và để trả ơn đã giúp ông này can thiệp vào việc thông qua những quy định tài chính theo hướng có lợi cho doanh nghiệp của ông ta.

Năm 1989, hai doanh nghiệp tài chính của Keating là Lincoln Savings và Loan Association vỡ nợ gây thiệt hại nhiều tỉ USD cho khách hàng cũng như Chính phủ Mỹ. Cũng vì bê bối này mà McCain cùng các thượng nghị sĩ đồng nghiệp bị bêu danh là nhóm "Keating Five" (Nhóm năm người theo Keating), nhưng cả 5 người đều không bị xử lý hình sự, chỉ bị phê phán vì vi phạm về đạo đức. Riêng ông Keating thì bị truy tố ra tòa và lĩnh án tù vì tội gian lận.

Ông John McCain (phải) và ông John Kerry trong một cuộc làm việc vào tháng 6-1992 để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ.

Những năm sau vụ bê bối ấy là khoảng thời gian McCain tự "làm mới" bản thân, hướng đến những quan tâm đặc biệt, đi đầu trong đấu tranh siết chặt vấn đề đạo đức trong giới chính khách Mỹ và các quy tắc về tài chính trong vận động tranh cử. Những người quen biết và am hiểu McCain nhận xét đây là dấu ấn đáng chú ý đầu tiên của Thượng nghị sĩ McCain, xuất phát từ việc lòng tự trọng bị tổn thương do vụ bê bối "Keating Five".

Thập niên 1990 đánh dấu sự khai sinh một nghị sĩ McCain phiên bản mới hoàn toàn so với trước. Trong đó, cuộc chiến Iraq lần thứ nhất năm 1991 được xem là sự kiện đầu tiên giúp McCain "chào hàng" phiên bản mới này. Với tư cách là một nhà bình luận trên truyền hình, ông đã mang vốn hiểu biết của 23 năm phục vụ trong hải quân để gây ấn tượng với khán giả và giới chức cả nước Mỹ và trở thành một tiếng nói có trọng lượng về chính sách đối ngoại của nước Mỹ.

Sau sự kiện đó, Tổng thống George Bush (Bush cha) để mất Nhà Trắng vào tay ông Bill Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1992, trong khi McCain dễ dàng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai ở Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 1994. 4 năm sau, McCain tiếp tục tái đắc cử Thượng nghị sĩ với tỉ lệ áp đảo nhờ các nỗ lực thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ đó cho đến khi qua đời, McCain liên tục tái đắc cử Thượng nghị sĩ.

Cũng bắt đầu từ thập niên 1990, sau hàng chục năm sử dụng lá phiếu nghị sĩ theo khuôn khổ đảng phái, McCain bắt đầu nhấn mạnh tính độc lập vốn có của mình. Ông bắt đầu đưa ra chính kiến phản biện các lãnh đạo của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong nhiều vấn đề ở Quốc hội, và ngày càng bộc lộ là một chính khách khó kiểm soát.

Ông tự đặt mình vào vị thế một "nhà phát ngôn" của đảng Cộng hòa trong các vấn đề an ninh quốc gia - bằng cách phản bác chính sách can thiệp của chính quyền Clinton vào cuộc chiến ở Somalia, đề xuất ý kiến chống lại việc đưa binh sĩ Mỹ đến tham chiến ở vùng Balkans và là một trong những người đầu tiên cất tiếng cảnh báo về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ngay từ những năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Clinton.

Do những chính kiến phản biện không theo quan điểm đảng phái nào trong nhiều vấn đề, McCain được giới chính khách lẫn bình luận chính trị ở Washington đặt cho biệt danh "kẻ phá bĩnh", một kiểu phá bĩnh mà tất cả họ đều thừa nhận "đáng học hỏi".

Ông John McCain với Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Người tiên phong thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam

Một trong những dấu ấn nổi bật nhất trong sự nghiệp chính trị của ông McCain chính là thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước Mỹ và Việt Nam, là cầu nối giúp Tổng thống Bill Clinton hòa giải với đất nước đã đánh bại nước Mỹ trong chiến tranh trước đó 20 năm.

Năm 1993, McCain cùng với một cựu binh chiến tranh Việt Nam khác là ông John Kerry đã là thành viên Ủy ban Các sự vụ tù binh và quân nhân mất tích trong chiến tranh (POW/MIA) của Thượng viện để giải quyết số phận của các tù binh chiến tranh và những người mất tích khi tham chiến ở Việt Nam. Hai người có trải nghiệm và quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về cuộc chiến.

Trong phát biểu hôm 18-8, ngay sau khi McCain qua đời, ông Kerry đã nhắc lại sự khác biệt quan điểm này. Nhưng sau khi trò chuyện rất lâu trên một chuyến bay dài từ Mỹ đến Việt Nam năm 1993, hai ông quyết định bắt tay cùng nhau hòa giải mối quan hệ Việt Nam -Mỹ, mang hòa bình đến cho những người Mỹ còn nặng nề vì cuộc chiến. Khi đặt chân đến Hà Nội, hai ông đã đến thăm lại nhà tù Hỏa Lò, nơi McCain bị giam giữ năm xưa.

Ở cách đó nửa vòng trái đất, Tổng thống Clinton vào thời điểm đó cũng đang đọc bài phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm trên đất Mỹ. Chính McCain là người đã khuyến khích Tổng thống Clinton "kiến tạo hòa bình" bằng cách đọc bài phát biểu tại Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, với câu chuyện về trải nghiệm riêng của ông Clinton trong cuộc chiến (Clinton là Tổng thống Mỹ đầu tiên chưa từng đi lính hay tham gia bất kỳ cuộc chiến tranh nào của nước Mỹ, và là người đã phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam).

Trong một quyển sách viết về McCain của tác giả Robert Timberg có đoạn kể rằng ông McCain đã viết một bức thư cho Tổng thống Clinton, đưa ra đề nghị sẽ cùng ông đến Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam để khích lệ ông phát biểu.

Trong khoảng thời gian hai năm sau, ông McCain đã làm việc không mệt mỏi để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Tổng thống Clinton tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Khi Tổng thống Clinton thông báo thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào năm 1995, đứng bên cạnh ông là hai Thượng nghị sĩ McCain và Kerry rồi đến những đồng minh chính trị trong đảng Dân chủ, tạo thành một vòng bảo vệ vững chắc cho ông trong thời khắc trọng đại đó.

Thượng nghị sĩ McCain trở lại Quốc hội sau ca phẫu thuật u não vào tháng 7-2017.

Ông McCain từ một tù binh chiến tranh đã bước tới tạo nhịp cầu nối để hàn gắn vết thương chiến tranh, hướng tới tương lai. Ông đã tạo ra một điển hình đặc biệt của sự hòa giải, vì đó là hòa giải với "cựu thù" trong một cuộc chiến tranh đã gây bao đau thương, mất mát cho cả hai dân tộc. Cũng vì thế, sự kiện lịch sử bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ đã gắn liền với tên tuổi của ông John McCain.

Ước mơ làm Tổng thống Mỹ bất thành

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1996, lần thứ hai McCain được đánh giá là ứng viên tiềm năng cho vé Phó tổng thống trong liên danh tranh cử của ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Bob Dole. Tuy nhiên, ông Dole đã không chuộng tính cách hay "phá bĩnh" của ông McCain nên cuối cùng đã chọn ông Jack Kemp đứng chung liên danh. Kết quả bầu cử năm đó, liên danh Clinton-Al Gore dành chiến thắng trước Dole-Kemp.

Ông McCain quyết định thực hiện ước nguyện hàng chục năm của mình: làm Tổng thống Mỹ. McCain ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, tuyên bố sẽ "chiến đấu để giành lại chính quyền từ tay những kẻ môi giới quyền lực và trục lợi".

Đối thủ của McCain ở vòng sơ bộ năm đó là ông George W. Bush, Thống đốc bang Texas. Dường như số phận cố tình trêu ngươi McCain. Ông giành chiến thắng tại một số bang quan trọng, như New Hampshire, South Carolina, nhưng Bush mới là người được chọn.  Những nguồn tin nặc danh liên tục tung ra những thông tin bôi xấu McCain, nói rằng ông "có con rơi da đen ngoài giá thú", rằng vợ ông "là một con nghiện ma túy", và rằng ông là một kẻ "đồng tính", phản bội vợ, v.v… McCain phản pháo.

Nhưng, thế vẫn chưa hết. Các cố vấn của McCain trong chiến dịch đã lo sốt vó khi một phụ nữ, tên Vicki Iseman, không biết từ đâu đến, bỗng thường xuyên "đeo bám" bên cạnh McCain trong những cuộc vận động gây quỹ tranh cử của ông. Họ đã tìm cách cảnh báo ông McCain và yêu cầu bà Iseman tránh xa ông ra để tránh những rắc rối cho cả hai người.

Bên cạnh sự bôi xấu của đối phương, dường như chính McCain cũng tự làm cho mình thất bại. Trong lúc vận động tranh cử ở bang South Carolina, ông đã tuyên bố lá cờ của Liên minh miền Nam trong Nội chiến nước Mỹ (1861-1865) là một "biểu tượng di sản". Lập tức McCain hứng chịu búa rìu dư luận, bởi các tổ chức quyền công dân luôn xem lá cờ đó là biểu tượng của sự đàn áp người Mỹ da đen gốc Phi ở các bang miền Nam. Sau đó, McCain giải thích rằng nếu ông không nói thế, ông sẽ không thể giành được lá phiếu của cử tri South Carolina.

Thất bại trong lần thử sức đầu tiên đó không làm McCain nản lòng. Ông tiếp tục thử sức lần thứ hai vào năm 2008, và lần này ông giành quyền đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử cùng đối thủ bên đảng Dân chủ là ông Barack Obama. McCain đã khiến cho cả nước Mỹ dậy sóng khi chọn Thống đốc bang Alaska Sarah Palin đứng chung liên danh tranh cử.

McCain tuyên bố, việc ông chọn bà Palin là một giải pháp nhằm "ngăn chặn đảng Trà" đang có xu hướng bành trướng mạnh trong chính trị Mỹ. Rốt cuộc, liên danh McCain-Palin đã thất bại tâm phục khẩu phục trước ngôi sao mới của chính trị Mỹ, và ông Obama trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, tạo nên phong trào "chúng ta có thể" lan rộng ở Mỹ và khắp thế giới.

Nhà cải cách không mệt mỏi

Không phải đến khi tham gia tranh cử tổng thống năm 2000, mà từ trước đó mấy năm, McCain đã đề xuất cải cách việc vận động tài chính tranh cử. Trong một phát biểu năm 1997, ông McCain cho rằng đồng tiền trong chính trị cần phải tạo động lực để "tấn công và chữa trị căn bệnh tham nhũng".

Ông cùng với Thượng nghị sĩ Russ Feingold (đảng Dân chủ bang Wisconsin) đã nhiều năm vận động Quốc hội Mỹ thông qua luật cải cách tài chính tranh cử, và cuối cùng dự luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2002, mang tên Luật McCain-Feingold. Là một người phản đối chính sách tra tấn tù nhân của CIA gay gắt nhất, McCain đã vận động quyết liệt cho việc thay đổi chính sách giam giữ và khảo cung các nghi can khủng bố.

Năm 2005, Thượng viện Mỹ đã thống nhất thông qua luật cấm đối xử vô nhân đạo với tù nhân, trong đó có tù nhân nghi can khủng bố ở nhà tù trong vịnh Guantanamo, Cuba. Năm 2008, McCain tiến thêm một bước, thúc đẩy Quốc hội thông qua luật xem hình thức "ván nước" là tra tấn, nhưng luật đã bị Tổng thống W. Bush phủ quyết.

Sau thất bại tại cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008, ông McCain trở lại Quốc hội để tiếp tục thực hiện những dự định lớn của mình. Ông thúc đẩy quyết liệt để Quốc hội thông qua luật cải cách nhập cư vào năm 2013. Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 6 vào năm 2010, tiếp tục khẳng định quan điểm độc lập của mình bằng việc bỏ phiếu chống Luật chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Obama.

Cuối cùng, tháng 1-2015, ông McCain đã đạt được một phần ước nguyện của mình, trở thành Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện.

An Châu (tổng hợp)
.
.