Khóa huấn luyện nghiệp vụ đầu tiên ở Trung ương Cục miền Nam

Thứ Tư, 10/09/2014, 16:10

Chúng tôi may mắn được Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa dành hơn 6 tháng cuối đời kể lại những câu chuyện ­của chính ông. Nguyên là Chánh Văn phòng Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam (nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu Tổng kết Lịch sử Công an nhân dân và Phó viện trưởng Viện Khoa học Bộ Công an), cuộc đời ông gắn liền với lịch sử hình thành và trưởng thành của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975.

Theo Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa, trong những ngày đầu xây dựng Ban An ninh Trung ương Cục, ông đã cùng ông Huỳnh Việt Thắng (tức Tư Thắng - nguyên Phó Chánh án Tòa án Tối cao) là người đặt viên gạch đầu tiên cho Trường đào tạo An ninh miền Nam.

Bài viết này dựa trên những lời tâm tình của Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa lúc sinh thời.

1. Ngày 23/1/1961, Trung ương Cục miền Nam được thành lập trên cơ sở gốc là Xứ ủy Nam Bộ. Theo đó, Ban Bảo vệ An ninh Xứ ủy Nam Bộ (tức Ban Địch tình Xứ ủy Nam Bộ) chuyển hóa thành Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam vào tháng 8/1962. Tuy nhiên, từ tháng 10/1961, ông Sáu Hoàng (Cao Đăng Chiếm) đã nhận được lệnh bàn giao bộ phận địch tình cho bên quân sự.

Ngược về thời điểm tháng 1/1961, ông Cao Đăng Chiếm nhận thấy, An ninh không chỉ làm công việc bảo vệ Xứ ủy. Ông cho rằng, chiến đấu như thế là "không tích cực". Căn cứ vào tình hình lúc bấy giờ, ông đề nghị với Trung ương Cục: "Cần phải nâng cấp lực lượng An ninh".

Theo như lời mô tả của Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa thì, rất nhiều đêm ông Cao Đăng Chiếm suy tính kế hoạch "lực lượng An ninh phải chiến đấu như thế nào sau khi bàn giao một bộ phận cho bên quân sự".

Sau nhiều cuộc thảo luận, cuối cùng lãnh đạo Trung ương Cục đồng ý chuyển hóa Ban Bảo vệ An ninh Xứ ủy thành Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam.

Ngay sau đó, ông Cao Đăng Chiếm triệu tập ông Tư Thắng lúc đó đang là Phó ty Công an Chợ Lớn về Ban. Ông Tư Thắng bấy giờ đã học xong một khóa đào tạo cán bộ pháp lý do ngành tòa án Nam Bộ tổ chức tại Hốc Hỏa - Rạch Giá (nay là Vị Thanh, Hậu Giang).  Ông Cao Đăng Chiếm giao cho ông Tư Thắng soạn thảo một đề cương huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ an ninh.

Giai đoạn đó, hầu hết cán bộ làm công tác an ninh cơ sở đều hoạt động bằng nhiệt huyết cách mạng, chưa từng kinh qua lớp nghiệp vụ nào. "Nghiệp vụ cơ bản" của họ chỉ dựa vào cảm tính. Do đó, đã từng xảy ra nhiều vụ dở khóc dở cười.

Chuyện "ông già thiến heo" là một trong những câu chuyện đàm tiếu, có thật xảy ra tại Hóc Môn. Vào khoảng đầu năm 1956, lực lượng an ninh địa phương phát hiện một ông già chạy xe đạp lòng vòng trong khu kháng chiến Hóc Môn để thiến heo. Theo mật báo của quần chúng thì ông già này có chiếc hộp quẹt đá rất lạ. Mỗi khi ông bật lửa thì chiếc hộp quẹt phát ra ánh sáng nhiều màu và chớp tắt liên tục. Người chỉ huy an ninh khu vực nhận định ngay, chiếc bật lửa là máy phát tín hiệu của tình báo địch.

Ngay lập tức, người chỉ huy an ninh điều động lực lượng bao vây bắt gọn ông già thiến heo đưa về ban chỉ huy. Sự việc được cấp báo về Ty Công an. Ông Huỳnh Việt Thắng, Phó ty, trực tiếp xử lý vụ việc.

Ngay khi cầm trên tay chiếc "máy phát tín hiệu", ông Huỳnh Việt Thắng đã bật cười rồi ra lệnh thả ngay ông già thiến heo. Cũng từ vụ việc "ông già thiến heo", ông Huỳnh Việt Thắng được bà con vùng kháng chiến Hóc Môn - Bà Điểm gọi là "Bao Công Cách mạng".

Ngoài danh tiếng "xử án như Bao Công", ông Huỳnh Việt Thắng còn nổi tiếng về những phi vụ phát hiện, xử lý thành công những vụ gián điệp trà trộn vào hàng ngũ ta. Đó là lý do ông Cao Đăng Chiếm chọn ông Huỳnh Việt Thắng soạn thảo đề cương huấn luyện nghiệp vụ an ninh.

Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa (ảnh trái) và ông Huỳnh Việt Thắng, nguyên Phó Chánh án Tòa án Tối cao.

Khi soạn thảo đề cương, chính ông Huỳnh Việt Thắng cũng chưa từng kinh qua khóa huấn luyện an ninh nào. Nhờ có vốn tiếng Pháp tốt, ông tự nghiên cứu nghiệp vụ tình báo, an ninh qua sách vở, thậm chí tiểu thuyết tình báo nước ngoài. Tuy nhiên, Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa lúc sinh thời kể rằng, ông Huỳnh Việt Thắng nghiên cứu rất nhiều sách nhưng khi chấp bút viết đề cương thì dựa vào một tài liệu của nước ngoài về "đường lối, chính sách bắt giam, xét xử đối với do thám gián điệp địch".

Riêng phần "công tác chính sách giam giữ, xét xử điệp viên địch; Công tác bảo vệ nội bộ; Công tác phát động vận động quần chúng bảo mật phòng gian", ông Huỳnh Việt Thắng căn cứ vào tình hình thực tiễn chiến đấu tại miền Nam viết thành đề cương.

2. Sau 1 tháng soạn thảo, Tư Thắng trình đề cương cho ông Cao Đăng Chiếm. Ông Cao Đăng Chiếm cùng ông Hoàng Minh Đạo và ông Phạm Thái Bường đọc, hiệu đính và duyệt. Duyệt xong đề cương, ông Phạm Thái Bường trực tiếp giao lại cho ông Huỳnh Việt Thắng để soạn thành bài giảng chi tiết. Tổng cộng có 7 bài. Thời gian huấn luyện 1 tháng.

Trong thời gian ngồi tại Trung ương Cục soạn thảo đề cương, ông Huỳnh Việt Thắng đề nghị rút ông Ngô Quang Nghĩa từ bộ phận điệp báo sang hỗ trợ. Từ đề cương tổng thể, ông Huỳnh Việt Thắng soạn thành từng bài giảng chi tiết. Soạn xong bài nào, ông Cao Đăng Chiếm trực tiếp duyệt bài đó. Duyệt xong, ông Ngô Quang Nghĩa in ấn thành nhiều tập tài liệu để phân phát cho học viên.

Tài liệu được in bằng bột nếp. Ông Ngô Quang Nghĩa mua gạo nếp cho vào cối đá xay thành bột, dằn cho ráo nước, phơi khô. Mỗi khi in, ông lấy bột nếp nhào với nước để làm bản in.

Trước khi in, ông Ngô Quang Nghĩa dùng ngòi viết lá tre chấm mực policopy màu nâu viết lên giấy dầu. Chữ viết ông Nghĩa rất đẹp nên các tập in rất chỉnh chu, không thua kém sách in ở nội thành. In xong, ông Nghĩa đóng mỗi bài thành 1 tập. Mỗi tập từ 10 đến 20 trang viết tay.

Sau khi chuẩn bị xong tài liệu, đến tháng 4/1961, ông Huỳnh Việt Thắng cùng ông Ngô Quang Nghĩa về căn cứ Bời Lời liên lạc với Ban An ninh Tây Ninh mở lớp An ninh miền Nam đầu tiên. Lớp này quy tựu được 40 học viên là cán bộ, chiến sĩ An ninh của khu T4 và Tây Ninh. Hầu hết học viên khóa này đều là trưởng, phó ban các quận, huyện.

Ông Huỳnh Việt Thắng sang lực lượng bảo vệ của Ban Binh vận Tây Ninh chặt cây dựng cất hội trường. Lực lượng học viên các nơi tề tựu về học thì sử dụng võng, tăng làm lều cá nhân xung quanh hội trường. Ông Thắng còn "mượn" ông Tám Ròng ở Ban Binh vận Tây Ninh sang làm công tác hậu cần cho "trường". Cộng luôn ông Tám Ròng thì Ban huấn luyện vỏn vẹn có 3 người.

3. Vừa mãn khóa đào tạo, An ninh tỉnh Tây Ninh nhờ ông Ngô Quang Nghĩa và ông Huỳnh Việt Thắng giúp điều tra một nhân vật có tên là Huỳnh Công Mai xâm nhập vùng căn cứ của ta vừa bị bắt tại Trảng Bàng. Khi bị bắt, Huỳnh Công Mai khai rằng, y chỉ là một công dân bình thường ở Sài Gòn đi thăm người yêu ở Bàu Chèo (Gia Lộc, Trảng Bàng). Tuy nhiên, cô gái lại cương quyết không nhận y là người quen.

Ông Ngô Quang Nghĩa đi gặp cô gái để điều tra. Kết quả điều tra cho thấy, cô gái này thuộc gia đình có cảm tình cách mạng, vừa học xong khóa đào tạo hộ sinh ở một nhà bảo sanh tư nhân tại Sài Gòn trở về quê. Nhờ khéo léo điều tra, cô gái thừa nhận trong thời gian học ở Sài Gòn, cô bị Huỳnh Công Mai theo đuổi, tán tỉnh. Vì không thích Huỳnh Công Mai nên cô cũng không quan tâm y làm gì, ở đâu. Cô nhận định, Huỳnh Công Mai được tin cô về quê nên bám theo và bị bắt. Vì không muốn rắc rối nên cô không nhận y là người quen.

Riêng phần Huỳnh Việt Thắng tiếp xúc lấy khẩu cung Huỳnh Công Mai thì phát hiện y có nhiều biểu hiện lạ. Y nghiện ma túy. Trước khi bị bắt tại Bàu Chèo, một số người từng trông thấy y mặc đồ veston đi vào vùng Bavet giáp biên giới Campuchia đi vào đồn lính Pháp. Người ta lại thấy y mặc thường phục, từ trong đồn đi ra ngoài tìm gái mại dâm đưa vào đồng vắng hành lạc. Ông Huỳnh Việt Thắng nhận định, Huỳnh Công Mai không thể là công dân bình thường mà là Việt gian. Điều cần làm là phải xác minh cụ thể y là ai.

Ông Ngô Quang Nghĩa báo cáo nội dung điều tra cô gái với ông Huỳnh Việt Thắng. Tương kế tựu kế, ông Huỳnh Việt Thắng và ông Ngô Quang Nghĩa gặp cô gái thuyết phục giúp cách mạng bằng cách viết một lá thư "mùi mẫn" gửi cho Huỳnh Công Mai có nội dung: "… Nếu anh muốn sống để cùng em đi suốt quãng đời thì anh thành thật khai báo để cách mạng khoan hồng…".

Hình ảnh cán bộ vận chuyển vật dụng đến căn cứ Bời Lời xây dựng hội trường huấn luyện nghiệp vụ an ninh.

Nhận được lá thư của cô gái, Huỳnh Công Mai khóc suốt đêm. Sáng hôm sau, y thành khẩn xin khai báo. Thì ra, y là mật vụ P 42 - một bộ phận mật vụ của Ngô Đình Diệm - có trụ sở ẩn trong khu Sở Thú. Ngoài ra, y còn cộng tác với cơ quan mật vụ của Pháp. Hàng tháng, y đều về Bavet báo cáo tình hình nội bộ cơ quan tình báo của Diệm cho Pháp thông qua một hòm thư mật.

Hoàn tất hồ sơ tên gián điệp, ông Huỳnh Việt Thắng và ông Ngô Quang Nghĩa bàn giao cho An ninh Tây Ninh xử lý. Hai ông tiếp tục chuẩn bị mở khóa đào tạo thứ 2 vào tháng 7/1961.

4. Khóa đào tạo thứ 2 được mở tại Bàu Tràng thuộc cánh rừng Long Nguyên, Bến Cát. Cán bộ huấn luyện khóa này có bổ sung thêm ông Mười Thạnh, tổng cộng là 4 người. Ông Ngô Quang Nghĩa vừa phụ trách công tác trị sự vừa làm bí thư chi bộ, vừa tham gia học. Học viên khóa thứ 2 gồm 60 người là cán bộ lãnh đạo An ninh cấp huyện, tỉnh của miền Đông và T4.

Khóa này sử dụng tài liệu cũ của khóa trước chứ không in thêm. Huấn luyện đến tháng 11/1961 thì hoàn tất. Học viên được trở về đơn vị cũ chiến đấu. Ông Mười Thạnh và ông Huỳnh Việt Thắng trở về nơi đóng quân của Ban Binh vận ở Bảy Bàu. Ông Ngô Quang Nghĩa được phân công về địa bàn Tây Ninh và Củ Chi tuyển tân binh.

Đến tháng 9/1963, Trường An ninh miền Nam chính thức được thành lập mang mật danh là B6. Địa điểm đầu tiên của trường đặt tại khu rừng Đội Thơ, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên (không phải Đồi Thơ như một số người nhầm tưởng). Ông Mười Thạnh trực tiếp phụ trách trường. Lứa cán bộ huấn luyện đầu tiên của trường gồm 1 tổ 3 người đều là giáo viên ở Trường C500 miền Bắc chi viện vào gồm: ông Sáu Học (tức Lê Minh Học), ông Nguyễn Đó (tức Ba Vân) và ông Mười Quang (nguyên học sinh Trường trung học Nguyễn Văn Tố ở U Minh).  Khóa đầu tiên được khai giảng vào tháng 11-1963.

Sau ông Mười Thạnh là ông Chín Huỳnh (tức Huỳnh Anh, người Quảng Nam) phụ trách lãnh đạo trường. Cuối năm 1964, miền Bắc đưa vào một tổ huấn luyện về cảnh vệ, bảo vệ tiếp cận. Ông Ba Toàn Thắng (tức Phạm Cứu. Sau là Cục trưởng Cục Công tác Chính trị của Tổng Cục An ninh) nằm trong số đó. Ông Ba Toàn Thắng vào Trường An ninh miền Nam huấn luyện cảnh vệ và là võ sư đầu tiên của Trường An ninh Trung ương Cục miền Nam.

5. Đến ngày 1/11/1963, nghe tin Ngô Đình Diệm bị đảo chính, lãnh đạo Trung ương Cục định chớp thời cơ mở rộng vùng giải phóng nên yêu cầu ông Chín Huỳnh chỉ huy số học viên mới tập trung về Sài Gòn hỗ trợ T4.

Ông Chín Huỳnh kéo quân xuống đến Dương Minh Châu thì nghe tin Diệm, Nhu đã bị giết nên kéo quân ngược trở lại. Đến giữa tháng 11/1963, trường mới khai giảng được.

Khóa đó có cả trăm học viên tuyển từ khắp các căn cứ kháng chiến ở miền Nam từ Khu VI trở vào Khu X (không tuyển ở Khu V). Chương trình huấn luyện đầy đủ các chuyên đề công an, trinh sát, bảo vệ chính trị, điệp báo, cảnh vệ, bảo vệ quân đội ….

Di ngôn của Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa khẳng định: "Trường đại học An ninh Thủ Đức bây giờ lấy ngày 9/10 làm ngày kỷ niệm thành lập trường. Ngày 9/10 là ngày ký công điện gửi đi các nơi tuyển sinh cho khóa đầu tiên. Cuối tháng 10/1963 học viên tề tựu đầy đủ. Tuy nhiên đến đầu tháng 11/1963 mới chính thức khai giảng. Tôi tiếc là không lưu giữ những tài liệu đầu tiên của anh Huỳnh Việt Thắng soạn để bổ sung cho kho tư liệu lịch sử của ngành. Điều kiện lúc đó không thể lưu giữ được"

Huyền­ Sơn - Thành Dũng
.
.