Khẳng định chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam:

Không ai có thể xoá bỏ những xác tín lịch sử

Thứ Hai, 13/06/2011, 15:40

Người Trung Hoa đã lợi dụng tình trạng Việt Nam bị Pháp đô hộ, chính quyền Pháp đã lơ là việc bảo vệ, chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa cũng như tình trạng người Việt bất hòa để mà dần dần lấn chiếm. Chính các nhà báo pháp như Henri Cucherousset, Alexix Elie Lacombe… vào những năm thập niên 30 của thế kỷ XX này đã vạch ra những sai lầm, âm mưu mờ ám của Toàn quyền Đông Dương dung túng những xâm phạm chủ quyền của người Trung Hoa ở Hoàng Sa...

Tài liệu của sử gia Nguyễn Nhã

Trong luận án tiến sĩ đề tài chủ quyền Trường Sa-Hoàng Sa năm 2002, sử gia Nguyễn Nhã đã nói rõ như sau:

Về mặt pháp lý quốc tế vào đầu thế kỷ XX, trước khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, quần đảo Trường Sa tức Đại Trường Sa hay Vạn Lý Trường Sa đã được Việt Nam chiếm hữu thật sự, hòa bình và thực thi chủ quyền liên tục, với những bằng chứng sau đây:

Một là nhà nước ở Việt Nam trong 3 thế kỷ từ cuối thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX đã tổ chức đội Bắc Hải đi tìm kiếm hải vật ở khu vực Bắc Hải tức khu vực quần đảo Trường Sa và cả Côn Đảo, Hà Tiên cũng ở phía Nam của Đại Việt. Phủ Biên Tạp Lục (1776) của Lê Quý Đôn và rồi Đại Nam Nhất Thống Chí (khởi soạn 1848, in năm 1910) của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn đều khẳng định "đội Bắc Hải, khiến đội Hoàng Sa kiêm quản, ra Bắc Hải, các đảo Côn Lôn tìm lấy hải vật".

Phủ Biên Tạp Lục, quyển 2 của Lê Quý Đôn còn cho biết thêm rằng sở dĩ nhà nước sai chức cai đội Hoàng Sa kiêm quản đốc đội Bắc Hải này vì chẳng qua họ chỉ lấy được những hải vật kể trên mà thôi tức là những hàng đồi mồi, hải ba, đôn ngư (cá heo lớn như con heo), lục quý ngư, hải sản (con đỉa biển), còn những vàng bạc và các của cải quý báu khác thì ít khi họ tìm kiếm được. Vậy là do đội Bắc Hải ít khi tìm kiếm được các sản vật quý trong đó có vàng bạc hay súng ống nên các chúa Nguyễn đã để cho cai đội Hoàng Sa kiêm quản (…).

Hai là Trường Sa chịu sự quản lý hành chính của Quảng Ngãi. Bởi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được coi là một. Tỉnh Bình Thuận chỉ cung cấp suất đinh cho đội Bắc Hải mà thôi. Mà chúng ta đã biết Hoàng Sa nằm trong cương vực, vùng biển của Quảng Ngãi, do Quảng Ngãi quản hạt. Đến năm 1933, quần đảo Trường Sa mới được tỉnh Bà Rịa (Nam Kỳ) quản lý về mặt hành chánh. Năm 1956, tỉnh Bà Rịa được đổi tên là Phước Tuy (Nam Bộ). Năm 1982 lại do tỉnh Phú Khánh (Trung Bộ) quản lý và trở thành một huyện đảo.

Ba là những hoạt động liên tục, định kỳ của thủy quân từ đầu nhà Nguyễn, cụ thể bắt đầu từ năm 1816 tại quần đảo Hoàng Sa mà như ta đã biết thời kỳ này Hoàng Sa và Trường Sa là một. Đó là những việc đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ của thủy quân, việc cắm mốc chủ quyền, dựng bia thành lệ hàng năm đến từng hòn đảo được ghi trong sách Hội Điển triều Minh Mạng.

Bốn là năm 1933, khi chưa có nước nào, kể cả Trung Quốc đặt vấn đề chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, chính quyền Pháp ở Việt Nam đã tổ chức chiếm hữu theo nghi thức truyền thống phương Tây. Như thế, nhân danh Vương quốc An Nam theo Hiệp ước Pháp-Việt 1874 cũng như Hiệp ước 1884, chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đã chính thức chiếm hữu Trường Sa trong tình trạng không có nước nào chiếm hữu (…).

Những hoạt động liên tục hàng năm của đội Bắc Hải thời Chúa Nguyễn và đầu thời nhà Nguyễn, cũng như những hoạt động của thủy quân trong suốt triều Nguyễn đã chứng minh một cách hùng hồn quần đảo Trường Sa không phải là đảo vô chủ. Song hành động của chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam tổ chức chiếm hữu theo nghi thức cổ truyền phương Tây chẳng qua là để hợp thức hóa việc chiếm hữu đúng theo pháp lý quốc tế lúc bấy giờ để tránh mọi sự tranh chấp của các nước khác, đồng thời cũng thể hiện ý đồ chính trị của Pháp, sáp nhập Trường Sa vào xứ Nam Kỳ thuộc địa, thay vì xứ Trung Kỳ bảo hộ.

Điều cần nói thêm là, khi chính quyền thực dân Pháp tổ chức chiếm hữu theo nghi thức truyền thống phương Tây vào năm 1930 đến 1933, thì cũng chưa có một quốc gia thứ ba nào đặt vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa (Spratley). Khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, Trường Sa được bàn giao cho chính quyền ở Nam Việt Nam quản lý đã bảo đảm tính liên tục thực thi chủ quyền một cách hòa bình của Việt Nam đối với Trường Sa.

Năm là ngoài sự sáp nhập Trường Sa về mặt hành chính của chính quyền thực dân Pháp vào cảng Bà Rịa, Vũng Tàu, đất Nam Kỳ theo Hiệp ước Pháp - Việt 1862, 1874. Chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đã có những hành động cụ thể như xây dựng bia chủ quyền, xây dựng trạm khí tượng, trạm vô tuyến ở đảo Itu - Aba cùng trại binh ở quần đảo Trường Sa. Suốt thời gian từ 1927 đến 1945, chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam đã thường xuyên tổ chức khảo sát hay khai thác ở quần đảo này.

Những tình tiết trên đây là những bằng chứng rõ ràng về sự chiếm hữu thật sự, liên tục và hòa bình của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, chỉ bị gián đoạn một thời gian ngắn khi bị Nhật dùng vũ lực trái phép đem quân chiếm đóng một thời gian (ngay khi Nhật đảo chính Pháp và tước khí giới quân Pháp đồn trú ở Trường Sa ngày 9/3/1945). Cuối 1946 qua năm 1947, cũng trong một thời gian ngắn, lợi dụng thời gian tranh tối tranh sáng, quân đội, Trung Hoa Dân Quốc lấy cớ giải giáp quân đội Nhật đã đến chiếm đóng đảo Ba Bình (Itu-Aba) vốn bị Nhật chiếm vài năm trước đó. Song đến đầu năm 1950, quân Trung Quốc đã rút.

Sau đó đến năm 1956, cũng lợi dụng tình hình tranh tối tranh sáng giao quyền hành, Trung Hoa Dân Quốc đã chiếm đóng đảo Ba Bình (Itu-Aba) của Trường Sa và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chiếm đảo Phú Lâm của Hoàng Sa. Đó đều là những hành động trái phép đối với luật pháp quốc tế. Nếu các nước ngoài bằng vũ lực xâm chiếm tranh giành chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, thì sự xác lập chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam về mặt pháp lý quốc tế vẫn còn có giá trị của nó.

Chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam bảo vệ cương thổ Tổ quốc.

Sau tháng 4/1956, khi quân viễn chinh Pháp rút, các chính quyền ở Nam Việt Nam quản lý Trường Sa, luôn có những hành động bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Đến năm 1975, khi giải phóng Miền Nam Việt Nam, quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp quản, tiếp tục trấn giữ, thực thi chủ quyền của Việt Nam đã có từ lâu đời trên quần đảo Trường Sa. Mọi sự xâm chiếm bằng vũ lực của Trung Quốc cũng như các nước khác trong các thời kỳ đã qua cũng như hiện nay đều vi phạm pháp lý quốc tế.

Tài liệu của nhóm nghiên cứu viết trên chuyên san Sử Địa số 29 (1975)

Sau khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974, một nhóm nghiên cứu sử học của chúng ta đã phản ứng bằng cách xới lại kho sử liệu minh chứng cho vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa-Hoàng Sa, đăng trong tập san Sử Địa số 29. Trong bài đầu tiên mang tựa "Quần đảo Hoàng Sa", sử gia Hoàng Xuân Hãn viết (trích những đoạn quan trọng):

Quần đảo Hoàng Sa là đất của Việt Nam, hoặc nói cho hợp hơn, là đất của Đại Việt từ khi dân Việt định cự ở phủ Tư Nghĩa, tức là đất Quảng Ngãi ngày nay. Bút chứng cũ nhất và đầy đủ nhất thấy trong sách Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn soạn vào năm 1776, với những tư liệu của các Chúa Nguyễn. Sau đó, các sử gia, địa gia triều đại nhà Nguyễn đều dựa theo đó và thêm thắt việc mới vào. Về đồ vẽ, các "bản đồ" và "lộ đồ" đời Lê cũng có ghi một cách sơ sài cái "bãi cát vàng" hoặc "bãi Trường sa" ấy.

Tiếp đó, tác giả-tiến sĩ Thái Văn Kiểm bổ sung (trích những đoạn quan trọng):

Theo Hiệp ước đình chỉ ký kết tại San Francisco, vào tháng 9-1951, khoản 2, nước Nhật Bản phải rút lui khỏi các nơi mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đóng trong thời Đệ nhị thế chiến, lẽ tất nhiên là trong đó có hai quần đảo Paracels và Spratley. Tại Hội nghị San Francisco, ngày 7-9-1951, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng phái đoàn Việt Nam, đã long trọng tuyên bố như sau: "Et comme il faut franchement profiter de toutes occasion pour étouffer les germes de discorde, nous afirmons nos droits sur les iles Spratley et Paracels qui, de tout temps, ont fait partie du Viet Nam". Xin tạm dịch là: "Và vì chưng phải lợi dụng tất cả mọi trường hợp để chặn đứng những mầm xung đột, chúng tôi xác nhận chủ quyền của chúng tôi trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đã luôn luôn từ xưa thuộc lãnh thổ Việt Nam". Lời tuyên bố đó đã được Hội nghị San Francisco long trọng ghi vào biên bản và trong tất cả 51 phái đoàn phó hội, không có một phái đoàn nào phản đối gì cả.

Một trong những bài viết độc đáo trong tập san trên là phần phanh phui thủ đoạn của Pháp khi không ngăn chặn Trung Quốc chiếm Hoàng Sa… Tác giả Nguyễn Nhã viết:

Nhìn lại quá trình lịch sử, chúng ta thấy một số sự kiện lịch sử và địa lý quan trọng đáng ghi nhớ là:

Năm 1634,  một chiếc tàu Hòa Lan bị chìm đắm tại Hoàng Sa (Paracels), viên thuyền trưởng và  đoàn thủy thủ lâm nạn đã được quan chức Quảng Nam, dưới thời Chúa Sãi, giúp đỡ cho trở về xứ Batavia.

Năm 1702, dưới thời Chúa Minh Nguyễn Phước Chu, và từ đó về sau, sử sách đã nói tới Đội Hoàng Sa có nhiệm vụ tuần tiễu hải phận xứ Đàng Trong, kiểm soát các thương thuyền và đặc biệt thâu lượm được nhiều hàng hóa và kim khí, vật dụng tại quần đảo Hoàng Sa, đem về nộp cho Phủ Chúa tại Phú Xuân.

Năm 1802 (đầu niên hiệu Gia Long), "cũng phỏng theo chế độ cũ, đặt Đội Hoàng Sa" (theo Đại Nam Nhất Thống Chí). Năm 1816, Vua Gia Long thân chinh tiếp nhận quần đảo Hoàng Sa và thượng quốc kỳ trên đảo (theo Jean Baptiste Chaigneau và Giám mục Tabert).

Năm 1820 (đầu niên hiệu Minh Mạng), "thường sai thuyền công đến nơi dò xét hải trình…" (theo Đại Nam Nhất Thống Chí).

Năm 1835, Vua Minh Mạng truyền lập miếu Hoàng Sa dựng bia đá và tấm bình phong.

(Thái Văn Kiểm, tập san Sử Địa số 29)

Chính người Trung Hoa đã lợi dụng tình trạng Việt Nam bị Pháp đô hộ, chính quyền Pháp đã lơ là việc bảo vệ, chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa cũng như tình trạng người Việt bất hòa để mà dần dần lấn chiếm. Chính các nhà báo pháp như Henri Cucherousset, Alexix Elie Lacombe… vào những năm thập niên 30 của thế kỷ XX này đã vạch ra những sai lầm, âm mưu mờ ám của Toàn quyền Đông Dương dung túng những xâm phạm chủ quyền của người Trung Hoa  ở Hoàng Sa.

Chính tạp chí "Eveil Eeconomique de l' Indochine" trong nhiều số liên tiếp đề cập đến Hoàng Sa, nhất là số 741 (12/6/1932) đã đăng tải bức thư của Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier gửi cho Tổng trưởng Thuộc địa ở chính quốc. Bức thư này đã tiết lộ sự thực trắng trợn của chính quyền Pháp ở Đông Dương khi ấy đã cố ý lặng thinh, không phản ứng trước vụ các tàu của Trung Hoa vào năm 1909 đã đổ bộ, bắn đại bác, xâm phạm lãnh thổ mà họ biết chắc rõ đã thuộc về Việt Nam từ lâu qua sử sách hay thực tế.

Chính quyền Pháp khi ấy đã nói rằng họ muốn chờ một lúc khác thuận tiện cho người Pháp hơn để lên tiếng và hơn nữa "Hoàng Sa có thể được dùng làm món hàng trao đổi trong các vụ thương lượng về nhượng địa với Trung Hoa". Chính việc tiết lộ bức thư này mà tòa soạn báo "Evil Economique de l'Indochine" đã bị dự thẩm Bartet ra lệnh khám xét ban đêm để tịch thu tài liệu về Hoàng Sa đã vạch những sai lầm, mờ ám của chính quyền Pháp khi  ấy.

Cũng trong báo "Eveil Economique l'Indochine", số 738 (22/5/1932), tr 5-6, ông Alexix Elie Lacombe đã khen mỉa mai rằng, Toàn quyền Đông Dương đã khéo ru ngủ được Bộ Thuộc địa Pháp hầu dẹp qua một bên vụ Hoàng Sa khi Tổng đốc Quảng Châu đã lên tiếng giành chủ quyền Hoàng Sa năm 1907 và đến năm 1909, khi tàu Trung Hoa đã hai lần đến Hoàng Sa vào tháng 4 và tháng 6, trong lần thứ 2 đã cắm cờ Trung Hoa, bắn 21 phát súng, vị lãnh sự Pháp ở Quảng Châu có thư về Pháp báo cáo, nêu sự kiện xâm phạm chủ quyền nhưng chính quyền Pháp khi ấy lờ đi.

Thấy người Pháp làm ngơ, người Trung Hoa  đã làm tới, ngày 30/4/1921, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Đông đã ký văn thư 831 đặt quần đảo Hoàng Sa trực thuộc hành chính vào chính quyền Yahien, Hải Nam. Triều đình Việt Nam hồi ấy dù chỉ còn hư vị, nhưng Binh bộ thượng thư Thân Trọng Huề đã lên tiếng phản đối năm 1925…

Chính những dư luận báo chí tố cáo trên, đã khiến chính quyền Pháp phải hành động và do đó mới có sự việc Pháp tổ chức chiếm hữu Trường Sa (Spratly) vào năm 1933 và thiết lập các cơ sở hải đăng, đài khí tượng, các trại lính, để lính Việt Nam và Pháp bảo vệ Hoàng Sa

Anh Vũ (ghi lại)
.
.