Kiwi - nữ Tư lệnh Tình báo đầu tiên của Anh

Chủ Nhật, 22/12/2019, 21:40
Sinh ra và lớn lên ở Wellington, New Zealand (biệt danh là “Kiwi”), song Pamela Pigeon đã trở thành nữ sĩ quan tình báo đầu tiên cấp cao nhất của Anh và đã chỉ huy một đơn vị vô tuyến điện đóng vai trò quan trọng trong vụ đánh chìm Bismarck, một trong hai tàu chiến đầu tiên của Đức.

Ở một thị trấn bình yên ở miền nông thôn nước Anh năm 1943, một người New Zealand đã âm thầm làm nên lịch sử khi trở thành nữ chỉ huy đầu tiên của một căn cứ do thám của Anh. Sau chiến tranh, Pamela Pigeon đã "đào sâu chôn chặt" lịch sử nhiệm vụ đáng kinh ngạc của mình.

Chỉ khi cơ quan thu thập tin tức tình báo từ các hoạt động thông tin liên lạc trên toàn cầu của Anh (GCHQ) kỷ niêm 100 năm thành lập cơ quan này hồi đầu tháng 11-2019 và giới nhà báo và độc giả bắt đầu tìm kiếm những thông tin được giải mã về người nữ tình báo này thì họ lại không lượm lặt được nhiều thông tin ngoài những gì mà GCHQ đã công bố chi tiết về công việc của bà.

Những gì về Pamela Pigeon vẫn dường như chỉ là bức màn ẩn giấu. Vậy Pamela Pigeon là ai? Bằng cách nào bà được tuyển dụng để làm một nhiệm vụ quan trọng như vậy cho quân Đồng minh? Và bà đã làm gì sau khi hoàn thành nhiệm vụ đó?

Hành trang thuở thiếu thời

Không có nhiều chi tiết về thời thơ ấu của Pamela Pigeon ở New Zealand cũng như về cuộc đời của bà sau chiến tranh. Pamela được sinh ra ở Anh vào tháng 9-1918. Cha của Pamela là một bác sỹ phẫu thuật người Anh Hugh Walter Pigeon và mẹ là người gốc New Zealand. Cha của Pamela thường đi lại giữa Wellington, quần đảo Chatham Islands của New Zealand và nước Anh trong 14 năm trước khi Pamela chào đời, trong đó có khoảng thời gian ông phục vụ cho Quân y Hoàng gia Anh trong Thế chiến I. 

Pamela Pigeon người New Zealand đầu tiên trở thành nữ Tư lệnh Biệt đội Tình báo Anh Thế chiến II.

Pamela có một chị gái là Elizabeth sinh năm 1906. Khi Pamela được vài tháng tuổi thì gia đình chuyển về sinh sống tại Wellington. Tại thủ đô của New Zealand, Pamela theo học tại trường Queen Margaret College nơi bà đã giành một số giải thưởng về ngôn ngữ và viết bài diễn văn. Những kỹ năng này đã đóng vai trò đặt nền móng và sau này được phát huy khi bà trở lại Anh để tham gia hỗ trợ cho nỗ lực cuộc chiến.

Khi Pamela lên 8 tuổi thì người cha đột ngột qua đời trong một vụ tai nạn bí ẩn khi ông đang đi câu cá. Ở tuổi vị thành niên, Pamela trở lại Anh và học tại Trường Kinh tế London. Giống như nhiều phụ nữ khác thời chiến, Pamela Pigeon đã tham gia Lực lượng quân nhân nữ hỗ trợ không quân rồi sau đó được lựa chọn cho nhiệm vụ nhân viên tình báo mật mã vì bà có những khả năng toán học. Đến năm 1941, Pamela được tuyển dụng vào hàng ngũ sĩ quan hàng đầu của mạng lưới do thám tình báo của Anh.

Còn tại Anh, vào năm 1919, Trường Mật mã Chính phủ Anh được thành lập. Chức năng của trường này bề ngoài là nhằm bảo vệ hệ thống thông tin liên lạc của Anh, song công việc thực sự là giải mã các thông điệp được mã hóa của nước ngoài. Tổ chức này sau đó trở thành GCHQ.

Cháu gái của Pamela Mary Pigeon, Susan Brassey-Edwards, hiện đang sống tại căn nhà của bà ở làng Chalfont St Peter, hạt Buckinghamshire, thuộc Đông Nam nước Anh, kể rằng người thân trong gia đình thường gọi bà là "Pam" mà không bao giờ gọi là Pamela: "Dì Pam có thể tính toán được trong đầu mình những công việc phức tạp nhất”.

Trở thành nữ tư lệnh tình báo

Khi mới ở tuổi 25, bà đã chỉ huy một nhóm những chuyên gia ngôn ngữ hoạt động tối mật ở căn cứ chỉ huy tại làng Marston Montgomery, hạt Derbyshire, miền Trung Đông nước Anh. Nhóm của bà có nhiệm vụ nghe lén sóng vô tuyến điện ở dải sóng ngắn của lực lượng không quân và hải quân phát xít Đức, với mục tiêu nắm bắt sự di chuyển của binh sĩ Đức.

Người nghe đài sẽ nắm bắt được "dấu vân tay" riêng biệt của các đài địch, tức nắm bắt được các đặc điểm riêng biệt của lực lượng thông tin qua đài radio của quân Đức. Sau đó, thông tin này được xâu chuỗi để tổng hợp thành thông tin về những dạng thức di chuyển của lực lượng địch. Cụ thể, sĩ quan tình báo có thể nhanh chóng phân biệt được một phi đội máy bay ném bom hoặc một chiến đấu cơ đang đến gần mà không cần phải giải mã bất kỳ thông điệp nào, và  thông tin sau khi được giải mã sẽ được chuyển đến nơi đặt căn cứ mật trước đây của GCHQ". 

"Mỗi nhân viên sẽ nghe và xác định các tín hiệu vô tuyến riêng rẽ, ví dụ xác định tốc độ mà người điều hành đánh mã Moóc-xơ. Một khi các nhà điều hành đài địch được xác định, thì thông tin này có thể được xâu chuỗi với những hoạt động di chuyển của binh sĩ".

Chính mạng lưới các nhà điều hành vô tuyến này đã giúp định vị và đánh chìm Bismarck, tàu chiến lớn nhất của Đức. Trong một trận hải chiến, Bismarck đã bị hư hại và tìm cách đi đến một hải cảng ở nước Pháp lúc đó bị xâm chiếm. Tuy nhiên, đường truyền tín hiệu vô tuyến của tàu đã bị chặn, và Hải quân Hoàng gia Anh có thể định vị chính xác vị trí của con tàu chiến này trên biển để đảm bảo đánh chìm con tàu này.

Nhà sử học quân sự của New Zealand Ian McGibbon bình luận nhiệm vụ phá mật mã mà "những anh hùng vô danh" như Pigeon thực hiện "đóng vai trò hoàn toàn cốt yếu" trong việc chiến thắng cuộc chiến.

Cuộc sống sau thời chiến

Khi Thế chiến II kết thúc năm 1945, Pam đã hoàn thành nhiệm vụ của mình và bước ra khỏi "thế giới tình báo". Chính phủ Anh đã trả tiền để bà theo học tại Đại học Oxford, và đây cũng là nơi bà gặp chồng bà, Clifford Wale, một nhà hóa sinh. Họ kết hôn năm 1948. 

Tuy nhiên, ngay cả nhiều năm sau chiến tranh, Pam vẫn dường như sống một cách thận trọng, và gia đình Pam đã thay đổi địa chỉ rất nhiều lần. Pam chưa từng quay trở lại New Zealand sau thời chiến. Bà và con trai hiện đang sinh sống tại Tây Ban Nha.

Ngọc Hà (Tổng hợp)
.
.