Ku Klux Klan, nỗi ám ảnh trong lòng nước Mỹ: 3K thế hệ thứ 3

Thứ Bảy, 16/12/2017, 13:34
Bắt đầu từ năm 1930, nền kinh tế nước Mỹ lao dốc, hay còn gọi là thời kỳ "đại suy thoái", số lượng thành viên của tổ chức 3K giảm từ 6 triệu người xuống còn chưa tới 100.000 người. Tiếp theo, cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 đã khiến 3K hầu như biến mất.

Thế nhưng năm 1964, khi Chính phủ Mỹ ban hành đạo luật Quyền Công dân, trong đó người Mỹ da đen được hưởng tất cả những quyền như người Mỹ da trắng thì 3K trỗi dậy bằng những vụ đánh bom giết người da đen ở một số bang miền Nam. Khi ấy, Tổng thống Mỹ L.B. Johnson đã công khai nói trên truyền hình rằng 3K là một tổ chức khủng bố…

Trỗi dậy

Ngay từ khi đạo luật Quyền Công dân còn nằm trên bàn nghị sự của Quốc hội Mỹ, đã xuất hiện lẻ tẻ các vụ bạo lực nhắm vào người Mỹ da đen do 3K tiến hành, nhất là khi người Mỹ da đen và người Mỹ gốc Mexico, Chile, Cuba…, cho ra đời "Hiệp hội vì sự tiến bộ của người da màu - gọi tắt là NAACP".

Ngày 15-9-1963, 3K đánh bom nhà thờ Baptist nằm trên đường 16, hạt Birmingham, bang Alabama. Vụ đánh bom khủng bố đã khiến dư luận nước Mỹ phẫn nộ. Trước đó, các mục sư phụ trách nhà thờ Baptist thường xuyên tổ chức những  buổi thảo luận về quyền công dân, và đã gặp phải sự phản kháng của người da trắng. Được sự ủng hộ của một số cảnh sát da trắng, các thành viên 3K tiến hành các vụ "biểu tình ngồi xổm" ngay trước cửa nhà thờ, đồng thời đe dọa sẽ có "biện pháp mạnh".

Khi quả bom phát nổ lúc 10 giờ 22 sáng chủ nhật 15-9-1963,  có gần 100 thanh thiếu niên nam nữ da đen đang chuẩn bị cho một lớp học giáo lý. 4 cô gái là Addie Mae Collins, Cynthia Wesley, Carole Robertson, tất cả 14 tuổi và Denise McNair 11 tuổi chết ngay tại chỗ. Cô gái thứ 5 là Sarah Collins, em ruột của Addie Mae Collins bị mất con mắt bên phải, 14 người khác bị thương. 3K không giấu giếm trách nhiệm của mình, thậm chí họ còn gọi đây là "Bombingham".

Sau vụ đánh bom, bạo lực nổ ra khắp bang Alabama, 2 người Mỹ gốc Phi khác thiệt mạng. Trong đám tang của 4 cô gái xấu số, mục sư Martin Luther King (người mà năm 1964 được trao giải Nobel Hòa bình rồi bị James Earl Ray, thành viên 3K ám sát vào năm 1968) đã lên tiếng yêu cầu thủ phạm phải bị trừng phạt nhưng mãi đến năm 1977 - nghĩa là 13 năm sau - Robert E. Chambliss, Thomas Blanton và Bobby Frank Cherry, là những kẻ chủ mưu mới bị đưa ra xét xử. Phiên tòa kéo dài trong nhiều năm, từ 1980 đến 1988 và cuối cùng là 1997 nhưng chỉ có Blanton và Cherry bị kết án, còn Chambliss chết trong tù năm 1985. Kẻ tình nghi thứ 4 là Herman Frank Cash cũng chết trước khi ánh sáng công lý soi rọi đến.

Một cô dâu trong chiếc áo cưới phỏng theo trang phục 3K.

Và trong lúc vụ đánh bom nhà thờ Baptist vẫn còn nóng bỏng trên các bản tin thời sự thì cũng tháng 1-1964, Michael Schwerner, Andrew Goodman và James Chaney, thành viên 3K ở bang Mississippi đã thực hiện nhiều vụ tấn công, bạo hành, thậm chí giết 3 người Mỹ da đen khi họ thực hiện quyền bình đẳng bằng cách đi chung xe bus với người da trắng. Cũng trong năm này, nhà thờ Macedonia Baptist ở hạt Bloomville, bang South Carolina bị đốt cháy.

Tại bang Mississippi, 2 thiếu niên da đen bị 2 thành viên 3K là Henry Hezekiah Dee và Charles Eddie Moore giết chết. Mặc dù Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nhận được những thông tin giúp họ có thể phòng ngừa các vụ tấn công bạo lực của tổ chức 3K, thậm chí còn có thể đưa nhiều thành viên 3K ra tòa nhưng hầu như nhiều vụ FBI chỉ đứng ngoài cuộc vì mục tiêu chính của FBI lúc ấy là ngăn chặn sự liên kết giữa chủ nghĩa Cộng sản với những nhà tranh đấu vì quyền con người ở Mỹ...

Bước sang năm 1965, bà Viola Liuzzo, ở thành phố Detroit bị 3K giết chết vì đã "dám tham dự" một cuộc diễu hành của người da đen để biểu thị quyền công dân. Năm 1966, Vernon Dahmer Sr, một lãnh đạo NAACP ở Mississippi bị 3K  thiêu sống nhưng mãi đến năm 1998, cựu thủ lĩnh của 3K là Sam Bowers mới bị buộc tội giết người và bị kết án tử hình. Hai thành viên 3K khác cùng tham gia thiêu sống Vernon Dahmer Sr thì một kẻ chết trước khi ra tòa, còn kẻ kia được miễn truy tố.

Cũng trong năm 1966, Clarence Triggs, làm việc tại khu bảo tồn Bogalusa, bang Louisiana, bị 3K giết chết. Tiếp theo, những vụ đánh bom liên tiếp xảy ra trong năm 1967, nhắm vào các nhà hoạt động nhân quyền người da đen như  Robert Kochtitzky, Rabbi Perry Nussbaum.

Vụ thảm sát Greensboro

Năm 1970, Quốc hội Mỹ sửa đổi Luật Nhập cư với nhiều điều khoản mở rộng thì 3K lại nổi đình nổi đám bằng việc đánh bom phá hủy 10 xe buýt chuyên chở học sinh da đen tại thành phố Pontiac, bang Michigan.

Cuối năm 1975, những nhóm 3K lần lượt công khai xuất hiện trong hầu hết các trường đại học ở bang Louisiana cũng như tại Đại học Vanderbilt, Đại học bang Georgia, Đại học bang Mississippi, Đại học Akron và Đại học Nam California. Những nhóm này tổ chức nhiều cuộc biểu tình, phản đối việc cho phép người nước ngoài - chủ yếu là người da màu được đến định cư ở Mỹ và trở thành công dân Mỹ.

Ngày 3-11-1979, các thành viên của Đảng Công nhân Cộng sản Mỹ (CWP) cùng một số người Mỹ da đen khác, tổ chức một cuộc tuần hành ở thành phố ở Greensboro, bang Bắc Carolina để phản đối những hành vi tàn ác của 3K nhắm vào người da đen. Vụ tuần hành nhanh chóng chìm trong bạo lực khi một đoàn xe gồm mười chiếc, chở theo 40 thành viên 3K cùng hơn 20 thành viên của tổ chức Tân phát xít (APN).

Những chiếc xe ấy chạy sát đoàn người tuần hành rồi từ trên xe, thành viên 3K cùng nhóm Tân phát xít dùng gậy đánh họ. Bị đánh đau, một số  người da đen không kiềm được tức giận, nhặt đá ném vào xe. Ngay lập tức, 3K và APN nhảy xuống với súng trường và súng ngắn, bắn vào người tuần hành. T

heo sử gia Elaine Frantz Parsons, Đại học Yale thì đến nay vẫn chưa rõ ai là kẻ đã châm ngòi cho vụ tàn sát. Các nhân chứng cho biết Mark Sherer, thành viên 3K là kẻ bắn phát súng đầu tiên nhưng Frazier Glenn Miller, cũng là thành viên 3K thì lại cho rằng người bắn phát súng đầu tiên nhắm vào 3K là một người da đen trong đoàn tuần hành.

Nhưng dù ai bắn chăng nữa thì kết quả vẫn là 3 đảng viên đảng Công nhân Cộng sản Mỹ, gồm Tiến sĩ James Waller, người Mỹ da trắng, giảng viên Đại học Duke bang North Carolina, Cesar Cauce, người Mỹ gốc Tây Ban Nha và Bill Sampson, người Mỹ gốc Phi chết tại chỗ.

Một thiếu nữ da đen tên Sandi Smith trong khi tìm nơi trú ẩn đã bị bắn vào giữa mặt, tử vong. Tiến sĩ Michael Nathan, người Mỹ da trắng, đảng viên Đảng Công nhân Cộng sản Mỹ, lãnh đạo cuộc tuần hành bị trúng đạn vào ngực, sau đó chết tại bệnh viện. Tổng cộng 5 người chết và 11 người bị thương. Và bởi vì không hề có bóng dáng của bất kỳ một cảnh sát nào trong suốt thời gian xảy ra vụ thảm sát nên những tên sát nhân tẩu thoát dễ dàng.

Dưới sức ép của dư luận Mỹ, một cuộc điều tra sau đó mới được mở ra, dẫn đến việc bắt giữ 16 thành viên 3K và APN, trong đó David Wayne Matthews, Jerry Paul Smith, Jack Wilson Fowler, Harold Dean Flowers và Billy Joe Franklin bị buộc tội giết người cấp độ 1. Trớ trêu thay, tại phiên tòa diễn ra vào tháng 11-1980, bồi thẩm đoàn đều là người da trắng đã tuyên bố trả tự do cho 5 kẻ sát nhân nêu trên với lý do "tự vệ chính đáng".

Cũng tương tự như vậy, ba thành viên 3K là Bill Church, Larry Payne, Marshall Thrash đã bắn bốn phụ nữ da đen già, gồm Viola Ellison, Lela Evans, Opal Jackson và Katherine Johnson tại hạt Chattanooga, bang Tennessee. Một phụ nữ thứ năm là Fannie Crumsey bị thương do mảnh thủy tinh bay ra bởi những viên đạn  Khi ra tòa với tội danh tội giết người, bồi thẩm đoàn da trắng đã tha bổng Bill Church và Larry Payne. Riêng Marshall Thrash bị kết án 9 tháng nhưng chỉ ở tù 3 tháng.

Cảnh sát ngăn chặn một cuộc tập trung của các thành viên 3K tại Charlottesville, tiểu bang Virginia.

Một lần nữa, dư luận Mỹ lại lên tiếng. Để xoa dịu, Bộ Tư pháp ủy quyền cho FBI tiếp tục cuộc điều tra cấp liên bang. Kết quả có 9 người bị truy tố, gồm David Wayne Matthews, Jerry Paul Smith, Jack Wilson Fowler, Roland Wayne Wood, Roy Clinton Toney, Coleman Blair Pridmore, Virgil Lee Griffin, Eddie Dawson và Rayford Milano Caudle với tội danh "vi phạm và âm mưu vi phạm quyền công dân" nhưng đến tháng 4-1984, tất cả đều được tha bổng vì "đây là sự chống đối chủ nghĩa Cộng sản chứ chẳng phải vì phân biệt chủng tộc".

Không đồng tình trước lập luận ấy, nhiều tổ chức, hội đoàn dân sự Mỹ gửi đơn kiện lên tổng chưởng lý tòa án liên bang, trong đó đáng kể nhất là đơn khởi kiện của Trung tâm Luật về Nghèo đói miền Nam. Trước nguy cơ đi tù và phải bồi thường số tiền lên đến 34 triệu USD, lãnh đạo 3K ra lệnh thu hẹp hoạt động.

Ku Klux Klan hiện nay

Cho đến năm 2015, theo khảo sát của Tổ chức bảo vệ nhân quyền Mỹ, 3K còn khoảng 8.000 thành viên, phân tán thành nhiều nhóm nhỏ với nhiều tên gọi khác nhau, chủ yếu ở các bang miền nam nước Mỹ, trong đó đáng kể nhất là nhóm "Bayou Knights", hoạt động ở Texas, Oklahoma, Louisiana, nhóm "Các hiệp sĩ của Ku Klux Klan", hoạt động ở Arkansas và các khu vực lân cận, nhóm "Hiệp sĩ trắng", hoạt động ở Alabama, nhóm "Nhà thờ của các hiệp sĩ Mỹ", hoạt động ở Georgia, nhóm "Các hiệp sĩ trắng trung thành với Ku Klux Klan", hoạt động ở bang Tennessee …, ngoài ra còn có những nhóm nhỏ 3K được thành lập ở Anh, Australia, Canada, Đức nhưng không gây được tiếng vang đáng kể.

Năm 2016, khi cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra giữa một bên là bà Clinton thuộc đảng Dân chủ và một bên là ông Trump, đảng Cộng hòa, 3K tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc diễu hành mừng chiến thắng ở bang Bắc Carolina nếu ông Trump thắng cử vì họ cho rằng ông Trump đã có những phát biểu mang tính đả kích, phân biệt người Mỹ Latinh.

Đáp lại, Ủy ban vận động bầu cử của ông Trump gọi những hành động của 3K là "đáng ghê tởm", nhất là khi các thành viên 3K công khai tổ chức lễ kỷ niệm ngày ra đời tại chính nơi nó sinh ra: Hạt Pulaski, bang Tennessee vào hôm 24-12-2016, đồng thời cũng là kỷ niệm sinh nhật của người sáng lập 3K Nathan Bedford Forrest. 

Tại lễ kỷ niệm ấy, những kẻ cầm đầu 3K lại lên tiếng cảnh báo cho các thành viên về vấn đề di dân tự do, hôn nhân đồng tính. Trong tiểu luận về tổ chức 3K, nhà sử học Elaine Frantz Parsons, Đại học Yale viết: "Bên cạnh các vụ xả súng giết người vì động cơ cá nhân, những vụ khủng bố chủ mưu bởi al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thì 3K vẫn là nỗi ám ảnh ngay trong lòng nước Mỹ khi mà tội ác chưa hề nhận được hình phạt tương xứng với những hành vi do nó gây ra và đã hoàn thành…".

Cao Trí (theo InSight Crime)
.
.