Giai thoại về Lâm Sang – Giang hồ đất Gò Công

Cái chết của kẻ giang hồ đất Gò Công Lâm Sang

Thứ Năm, 02/06/2016, 13:10
Chỉ sau 1 năm khởi phát, Lò Sang "nổi" lên như một vị chúa trong vùng và cho đàn em đổ về Chợ Lớn lập lò dạy võ để chiêu nạp thêm đệ tử. Gã mua 1 miếng đất cất dinh thự rộng lớn ở đối diện chợ Tổng Châu. Trong dinh thự, gã cắt đặt người hầu, kẻ hạ. Đệ tử thay nhau mặc võ phục đứng gác trong ngoài.


Kết nghĩa huynh đệ với cò quận

Dạo đó, mỗi khi nhắc đến Thiên Địa hội, người dân vùng Gò Công lắc đầu ngao ngán. Sự việc được báo về dinh quận. Cò trưởng quận cho người đến tận nhà Lò Sang điệu cổ về bót.

Không hiểu vì sao, ngay trong buổi chiều Lâm Sang được cò quận thả về. Từ đó trở về sau, cứ mỗi cuối tuần người ta lại thấy viên cò quận đánh xe đến tận dinh thự Lò Sang. Mỗi lần cò quận đến, Lò Sang tổ chức yến tiệc linh đình. Có khi Lò Sang còn đi đón đoàn hát Hồ Quảng từ Cần Thơ về phục vụ. Cò quận trở thành anh em kết nghĩa với Lò Sang.

Nơi đây là bến Chợ Tổng Châu, ngày xưa tàu, xuồng thương hồ tấp nập.

Mối tình huynh đệ đó đã giúp cò quận Gò Công triệt phá được nhiều vụ trộm cắp, giết người dù bí ẩn đến đâu. Cò quận phá án giỏi nhờ biết sử dụng lực lượng mật báo viên của Thiên Địa hội Lò Sang.

Được cò quận "tăng bo", Lò Sang không còn biết sợ trời đất là gì. Tuy vậy, cái gai trước mắt của Lò Sang là Hai Liếp vẫn còn đó.

Với quyền lực hiện tại, Lò Sang chỉ cần lùa đàn em ào xuống bến sông tấn công đám đàn em bốc vác thuê của Hai Liếp là có thể chiếm được lãnh địa béo bở. Thậm chí, Lò Sang chỉ cần ra lệnh cho đám đệ tử kèo vàng bí mật ám sát Hai Liếp là lấy lại được món nợ xưa. Nhưng Lò Sang không muốn như vậy.

Lò Sang thu phục được đệ tử là nhờ tiếng trượng nghĩa, cho dù đó chỉ là ngụy danh. Nếu hành xử như vậy, các đệ tử sẽ nhận ra bản chất ngụy quân tử của gã. Vả lại, bây giờ băng của Hai Liếp cũng đã quy tụ được vài trăm đệ tử trung thành.

Muốn gây sự với Hai Liếp, Lò Sang cần một cái cớ hợp lý. Gã quyết định chơi một ván cờ.

Lò Sang cho 1 đệ tử ra Mỹ Tho thuê 1 chiếc tàu hàng giả làm dân thương hồ buôn khoai. Gã đệ tử đánh tàu cặp vào bến sông Tổng Châu rồi thuê đám Hai Liếp bốc vác. Chờ cho đệ tử Hai Liếp bốc vác xong, gã "thương hồ" vu vạ rằng đám bốc xếp ăn cắp mất 2 sọt khoai. Bị vu oan, đệ tử Hai Liếp nổi nóng xáng cho gã "thương hồ" mấy tát tai. Thế là gã "thương hồ" nằm lăn ra sàn tàu ăn vạ.

Ngay lập tức, không biết phục kích từ khi nào, một đám "người thân" của gã "thương hồ" xách dao, tầm vông ào xuống đuổi đánh đám bốc vác. Thấy ồn ào, Hai Liếp bước ra toan thu xếp. Hai Liếp chưa nói được câu nào thì lính cò bất ngờ xuất hiện. Hai Liếp và vài đàn em bị lính cò trói ngược cánh khuỷu giải về đồn.

Đích thân viên cò quận xuống tận phòng giam mời Hai Liếp lên văn phòng uống trà. Hai Liếp vừa ngồi xuống ghế, viên cò quận nói ngắn gọn: "Mấy anh kết đảng toan làm phản đáng đưa ra tòa đi đày ở Côn Lôn. Giờ muốn sống yên thân, tôi chỉ cho các anh 2 lựa chọn. Một, anh giải tán đám bốc vác bến sông. Hai, anh kết nghĩa với người này". Từ phòng bên, Lò Sang bước vào bắt tay Hai Liếp nói: "Một cây tùng đứng giữa trời, coi chừng có lúc bị ông trốt (lốc xoáy) quật ngã. Hai cây tùng, ba cây tùng, bốn cây tùng đứng cạnh nhau thì trốt ông, trốt bà (ý nói lốc xoáy lớn như bão) cũng khó quật ngã".

Từ một "Lục Vân Tiên" trượng nghĩa thật, Hai Liếp gia nhập Thiên Địa hội Lò Sang.

Ông “vua” chốn giang hồ

Thu phục được Hai Liếp là thu phục được hàng trăm phu bốc vác và nguồn thu ở bến sông, Lò Sang cho lập đàn tế lễ ăn mừng. Tại buổi tế lễ, Lò Sang phong cho Hai Liếp là phó tướng, tước hiệu Đái Mã công. Hai đệ tử khác là Ba Phát, tước hiệu Hồng Đẳng Công, phò loan cánh hữu; Bảy Bang, tước hiệu Bạch Đẳng Công, phò loan cảnh tả. Mỗi khi ra khỏi dinh thự, Lò Sang cho đệ tử đứng xếp hàng hai bên hô to "Đại ca xuất giá!". Khi trở về, hai hàng đệ tử hô "Đại ca nhập cung!".

Trong dinh thự, các đệ tử Lò Sang đều mặc võ phục, thắt đai lưng nhiều màu để phân biệt ngôi thứ. Hai Liếp mang đai da có cẩn kim tuyến. Ba Phát mang đai vải màu đỏ (hồng đai). Bảy Bang mang đai vải màu trắng (bạch đai). Dưới bạch đai là các màu theo từ tự nhỏ dần: Thanh đai (màu xanh), hoàng đai (màu vàng), hắc đai (màu đen).

Lò Sang sống như chúa tể trong vùng, được cung phụng đủ thứ trưởng giả, đài các. Hắn làm thơ, đặt liễn đối trong nhà để ca tụng bản thân:

Lò Sang chạm một cặp liễn gỗ sơn son thếp vàng: "Thiên thai Minh đê, triều tân quắc/ Địa hội nhân hoà, cách cựu bang". Trong phòng khách có những câu liễn: "Tư lệnh thập điều chính nghĩa/ Anh hùng thải vi gia"; "Vị tri Thiên địa, đoàn hoà trường/ Ngọc xích Lỗ Ban, tự độ lường/ Lượng đắc bất đa, hoà bất thiểu/ Văn hậu Minh chúa lập đê bang".

Lò Sang cho treo những câu liễn thể hiện tính mã thượng, trượng nghĩa như vậy nhưng bản chất lưu manh lộ rõ trong hoạt động thường ngày. Ngoài việc thu tiền bảo kê, ngày tết, chúng lập đội lân đi múa từng nhà để lấy tiền lì xì. Nhà nào từ chối hoặc cho phong bao lì xì ít, chúng gây sự.

Trong quyển "Gò Công - cảnh cũ người xưa" của tác giả Việt Cúc kể rằng: "Vợ Bảy Phát chết, Lò Sang tổ chức đám ma rất lớn rồi cho đệ tử đi từng nhà buộc người dân phải đi phúng điếu. Vì sợ thù oán, dân chúng và các nhà giàu phải tới cúng tiền, rồi lạy trước linh cữu. Số tiền thu được rất nhiều. Ngày đưa ma, dân chúng tụ tập hai bên đường từ nhà đến huyệt. Đám ma đi qua, Hồng Đẳng theo sau, có tả hữu hộ vệ theo cầm quạt hầu. Chôn cất rồi, ngày ngày Hồng Đẳng ngồi trên một chiếc xe song mã, chạy từ nhà ra mồ rồi trở về như thăm viếng và rước linh hồn người chết, có cờ xí trang hoàng lộng lẫy như bậc công khanh thời xưa".

Nhiều lần đệ tử của Lò Sang ngang nhiên đánh chết người nhưng cò quận không thụ lý. Quá bức xúc, một vài người dân lén viết đơn kiện nặc danh gửi đến… cò quận. Nhận được đơn, nếu không giải quyết, cò quận e ngại dân sẽ kiện lên tỉnh. Gã vờ cho lính xuống bắt vài thành viên Thiên Địa hội Lò Sang về bót. Những tên giết người này được đưa về Sài Gòn gia nhập vào đội ngũ mật thám của chính quyền Pháp.

Cho vay và bán số ngầu đề

Sau vụ này, Lò Sang không cho đàn em thu tiền bảo kê nữa. Gã nghĩ ra cách thu tiền khác lợi hại hơn. Đó là cho vay tiền góp và bán số ngầu đề.

Bìa quyển sách "Gò Công - Cảnh cũ người xưa" của tác giả Việt Cúc.

Dù dân buôn không có nhu cầu về tiền, các đệ tử của Lò Sang cũng mang tiền đến tận nhà buộc phải vay với lãi suất 20%. Sau khi vay tiền, con nợ phải góp hàng ngày cho đến khi nào dứt nợ gốc lẫn lãi. Chỉ cần chậm góp tiền một ngày, đệ tử Lò Sang sẽ đến tận nhà siết nợ. Nợ 1 đồng sẽ bị siết món đồ 10 đồng. Muốn chuộc món đồ đó, nạn nhân phải bỏ ra 100 đồng.

Gã cho đệ tử tung tin là cần quyên góp tiền để cứu dân nghèo để bán số xí ngầu. Người bình dân gọi là ngầu đề. Có lẽ đó là nguyên thủy của số đề ngày nay. Nếu giả thiết này đúng thì Lò Sang chính là "ông tổ" của nạn lô đề cũng nên (?!).

Mỗi sáng, các đệ tử Lò Sang đi từng nhà bán biên lai ngầu đề cho đến 11 giờ. Mỗi biên lai có 2 chữ số được bán với giá 1 đồng bạc (gần tương đương 1 giạ lúa). Con số trong biên lai ngầu đề được giới hạn từ số 1 đến số 8 tương ứng 8 mặt của hột xí ngầu. Đến đúng ngọ (12 giờ trưa), Lò Sang đặt 1 hột xí ngầu trên cái đĩa bằng vàng rồi lấy một chiếc bát vàng úp đậy lại. Bộ đĩa, bát và hột xí ngầu được gọi là "bộ đề" được đặt trên một bàn hương án nghi ngút khói nhang. Lò Sang vận đồ như triều phục chắp tay lâm râm khấn vái trời đất một hồi rồi mất ngờ chộp lấy bộ đề lắc leng keng cả phút.

Sau khi lắc chán chê, Lò Sang đặt bộ đề xuống rồi "khui đề", tức mở chiếc bát úp ra. Lò Sang xướng con số mặt ngửa của hột xí ngầu thật to, các đệ tử đang xếp hàng đọc lan truyền ra đến tận cửa. Sau 2 lần "khui đề" ai cầm tấm biên lai có 2 con số trùng khớp sẽ được nhận 10 đồng trúng thưởng. Xem như mỗi lần khui đề, Lò Sang lãi đến 90%.

Để thu hút dân chơi số ngầu đề, các đệ tử của Lò Sang bày ra trò mê tín. Họ tung tin rằng, đêm trước sổ xố ngầu đề, Lò Sang sẽ nhập vào giấc mộng của những người tin tưởng, thờ phụng Lò Sang để cho số sắp sổ. Trong giấc mộng, Lò Sang không cho con số cụ thể mà ẩn dưới ý nghĩa nào đó. Người nằm mộng tự giải đoán con số ẩn hoặc nhờ đệ tử Lò Sang giải đoán. Chẳng khác gì các thể loại "thơ" đề bây giờ vậy.

Chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào ngầu đề lan nhanh về Chợ Lớn, Sài Gòn và khắp Nam Kỳ. Nguồn thu quá lớn, đến nỗi gã phải xây riêng một nhà kho để chứa tiền.

Gã bắt đầu vươn vòi ra buôn á phiện - một loại ma túy thời thượng lúc đó. Và đó là lý do Lò Sang chết.

Năm 1922, Lò Sang cho đệ tử sang Quảng Châu, Trung Hoa lấy thuốc phiện sơ chế đem về nấu thành phẩm rồi phân phối lẻ khắp Chợ Lớn. Chỉ thực hiện được vài phi vụ, Lò Sang đã bị đích thân giám đốc sở Mật thám của Pháp tại Sài Gòn chỉ huy một chiến dịch hốt gọn bang hội.

Thời điểm đó, Hãng Régie Opium của Pháp được kinh doanh á phiện độc quyền tại Đông Dương. Lâm Cheng đã chạm vào nguồn thu cực lớn của chính quyền thực dân.

Lò Sang bị bắt, cò trưởng quận Gò Công cũng bị bắt. Cò trưởng quận nhận bản án 10 năm tù. Không ai sau đó biết số phận Lò Sang ra sao. Có người cho rằng gã bị trục xuất về Trung Hoa? Có người đoán gã bị đày ra đảo Côn Lôn! Cũng có nguồn tin cho rằng, trên đường dẫn giải từ Gò Công về Sài Gòn, Lò Sang bị bắn chết rồi đẩy xác xuống một khúc sông vắng.

Một số đệ tử của Lò Sang bị bắt đày ra Côn Đảo, số khác lẩn trốn biệt xứ. Từ đó, Thiên Địa hội Gò Công biến mất.

Nông Huyền Sơn
.
.