Những dấu hiệu tốt lành

Thứ Năm, 04/06/2015, 16:10
1. Một buổi sáng, người sĩ quan chỉ huy nhóm canh giữ là anh Hai hỏi chúng tôi muốn viết tin, bài hay không? Anh nói du kích sẽ giúp chuyển những tin, bài đó về tòa soạn của những tờ báo mà chúng tôi đang làm việc.

>> “Chúng tôi kỷ niệm sinh nhật Người bằng cách chiến đấu quyết liệt hơn”

Michael mừng như bắt được vàng, gật đầu ngay mà chẳng buồn dịch câu hỏi đó cho tôi và Beth hiểu. Đến khi biết được chuyện này, tôi phân vân lắm. Bất cứ phóng viên nào cũng đều muốn có tin nóng để được lên trang nhất. Một bản tin từ nơi bị bắt giữ sẽ là một tin đặc biệt. Tuy nhiên, liệu tờ Post-Dispatch có chịu đăng bài của một phóng viên đang bị bắt làm tù binh hay không vì ban biên tập chẳng có cách nào biết là phóng viên của họ được viết tự do hay bị bắt buộc phải viết.

Tôi cho Michael biết suy nghĩ của tôi về vấn đề ấy. Beth cũng cùng quan điểm như tôi nên cô nói cô không có ý định gì về việc đưa tin trong lúc Michael hăm hở bắt tay vào việc. Anh dùng các tờ giấy vở anh Tư đưa chúng tôi viết tự khai, cả mấy tờ giấy khổ lớn mà du kích mang đến. Lúc nằm sấp trên sàn, lúc ngồi vào chiếc bàn mượn của ông chủ nhà, Michael viết rất nhanh.

Tổng thống Nixon công bố kế hoạch xâm lược Campuchia.

Bài báo đầu tiên của Michael mô tả sự hợp tác và tình hữu nghị ngày một phát triển giữa người dân Campuchia và Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam hoàn toàn tương phản với chuyện xảy ra tại thị trấn Prasaut: một đơn vị lính Sài Gòn với hai chiếc xe vận tải chở đầy ghế, bàn, giường, tủ và những đồ gia dụng lấy từ những nhà dân dọc bên đường. Một toán lính khác trên một xe tải chạy về hướng kho gạo của thị trấn rồi vác những bao gạo chất đầy lên xe, một cái hố có gần 100 xác người đã bị đốt sau khi bị giết trong một cuộc thảm sát dã man vài ngày trước…

Đọc xong bài báo của Michael, tôi vẫn giữ nguyên quyết định của mình là không viết gì mà thay vào đó, tôi thảo một bức thư gửi cho thư ký tòa soạn của tôi là Evarts A. Graham, Jr.

Bức thư ấy là cách tốt nhất để thông báo cho các đồng nghiệp, vợ và các con rằng tôi vẫn còn sống: "Chuyển đến tòa soạn Báo St. Louis Post-Dispatch, St. Louis, Missouri, Mỹ. Gửi Graham. Tôi vẫn mạnh khỏe và an toàn sau khi bị bắt vì vô tình đi vào vùng giải phóng Campuchia. Hôm nay ngày 21/5/1970, tôi được phép viết một bài báo. Tôi đã trả lời rằng tôi sẽ viết sau khi những người bắt giữ tôi xác nhận tôi là nhà báo và không phải nhân viên Chính phủ Mỹ. Các thành viên Mặt trận Giải phóng có quan hệ hữu nghị, đoàn kết với nhân dân Campuchia và trong vùng chúng tôi ở, Hoàng thân Sihanouk rất được người dân tôn kính. Ngược lại, Tổng thống Nixon bị căm ghét hơn bất cứ nơi nào trên thế giới vì ông ta đã ra lệnh cho lính Mỹ xâm lược Campuchia, bom đạn Mỹ đã giết hại vô số thường dân. Tôi mong mỏi được viết báo trở lại, càng sớm càng tốt để nói về phía bên kia của cuộc chiến mà Nixon đang mở rộng ra toàn Đông Dương. Khi nhân thân tôi được xác minh, những người bắt giữ tôi sẽ cho tôi biết nhiều mặt của cuộc cách mạng và tôi hy vọng có thể phỏng vấn một vài nhà lãnh đạo. Tôi không biết bao lâu nữa tôi được chứng thực là nhà báo. Cùng đi với tôi còn có Michael Morrow của Hãng tin Dispatch News Service International và Elizabeth Pond của tờ The Christian Science Monitor. Chúng tôi được đối xử tử tế và được bảo vệ an toàn khỏi các cuộc tấn công của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Tôi sẽ bắt đầu gửi bài ngay sau khi bản thân tôi được làm rõ. Thân ái. Richard Dudman".

2. Trong những ngày kế tiếp, Michael viết được ba hay bốn bài báo. Tất cả đều ghi rõ nơi viết: "Vùng giải phóng Campuchia".

Hai phụ nữ thẫn thờ trước căn nhà của họ đã bị lính Mỹ ủi sập.

Anh Hai cho biết sẽ gửi ngay theo đường dây giao liên nhưng khá lâu mới đến Mỹ bởi lẽ nó còn phải được dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt để họ đọc trước. Tôi kết luận rằng chúng tôi phải chờ ít nhất hai tháng vì tôi không hề thấy những người của Mặt trận Giải phóng liên lạc bằng điện đàm với Hà Nội. Xe gắn máy có lẽ là phương tiện truyền tin duy nhất với cấp trên. Điều này khiến tôi tin rằng bộ chỉ huy ở đây phải sử dụng những người đưa thư để gửi tin cho Hà Nội.

Giả sử một người đưa thư phải đi bằng đường bộ ra Hà Nội, anh ta chỉ có thể đi vào ban đêm và ngủ nghỉ vào ban ngày. Đang có những trận đánh ác liệt ở đông bắc Campuchia và miền Nam nước Lào nên ít nhất phải mất một tháng để anh ta mang hồ sơ của chúng tôi ra Hà Nội. Lúc đó, theo suy luận của tôi, bộ phận phản gián Hà Nội sẽ liên lạc với một số nơi trên thế giới để kiểm tra thông tin mà chúng tôi đã khai báo. Khi mọi thứ đã được xác minh rõ ràng thì lại phải có một cuộc hành trình ngược lại để chuyển lệnh trả tự do cho chúng tôi ở Campuchia. Hai tháng là phải!

Thứ Sáu ngày 22/5, tôi linh tính có một chuyện gì đó sắp xảy ra. Quả y như rằng, chúng tôi được gọi dậy lúc 3 giờ sáng. Anh Tư mang đến cho chúng tôi nồi cháo và một đĩa đậu phộng muối, bảo sẽ di chuyển sớm. Vài phút sau, theo lệnh anh, chúng tôi rời khỏi ngôi nhà và lội bộ qua một lối mòn, đến chiếc xe bán tải đã chờ sẵn. Xe chạy suốt đêm, len lỏi theo những con đường mòn, bỏ lại sau lưng ánh sáng của những trái hỏa châu Mỹ trên bầu trời đêm và thỉnh thoảng là tiếng nổ của đạn đại bác.

Rạng sáng, chiếc xe bán tải dừng trước một ngôi nhà. Sau một hồi bàn bạc về chỗ ở cho chúng tôi với một nhóm người Campuchia, anh Tư vẫy chúng tôi ra khỏi xe, theo anh leo lên cầu thang rồi chỉ vào một căn phòng nhỏ ở phía trái. Nhưng mới thiu thiu thì anh Tư gọi: "Chuẩn bị đi". Không kịp mang giày, tôi để chân trần chạy theo anh Tư qua dãy nhà sau, đến một con đường đất. Xa xa vọng lại tiếng máy bay phản lực và tiếng trực thăng. Anh Ba và anh Tư đi trước, thỉnh thoảng lại giục chúng tôi cố gắng đi theo cho kịp.

Rồi chúng tôi cũng vượt qua cánh đồng thứ hai, tiến vào một vùng đất trống. Tiếng máy bay trực thăng càng lúc càng lớn hơn. Anh Ba bảo cứ tiếp tục chạy thật nhanh rồi tìm chỗ núp. Tôi nghe tiếng bom nổ và đôi khi là tiếng gầm rú của phản lực ngay trên đầu, tiếng xích xe tăng và những tràng súng liên thanh ngày càng gần hơn nhưng sau đó, không gian lại im ắng như chưa hề xảy ra sự gì. 

Vài phút sau, anh Ba quay lại, báo rằng lính Mỹ đã rút và chúng tôi có thể về nhà để ăn bữa tối, bữa ăn có mặt tất cả: Gia đình chủ nhà, các du kích Quân Giải phóng, ba phóng viên. Đó là một bữa cơm đầy ấm áp nhưng nó kết thúc bất ngờ khi anh Tư bảo chúng tôi rằng ngôi làng không phải là nơi an toàn để qua đêm và chúng tôi phải lên đường ngay lập tức.

3. Phải mất hơn hai tiếng đồng hồ để đến được chỗ ở mới với tấm bảng viết bằng tiếng Việt treo phía trước: "Bệnh viện căn cứ" do chiếc xe bán tải chở chúng tôi bị trượt xuống vệ đường nhưng khi gần đến nơi, cả nhóm phải xuống xe, đi bộ. Chỉ vài phút sau, tôi hiểu tại sao phải đi bộ vì những hố sâu được đào dọc hai bên, còn bề ngang thì lấn ra gần nửa mặt đường. Như vậy, xe tăng, xe vận tải không thể nào chạy được còn xe gắn máy thì vẫn chạy bình thường, chỉ hơi quanh co. Tôi đoán mình đang đi vào căn cứ của Quân Giải phóng.

Tàu tuần duyên Mỹ yểm trợ cuộc hành quân "Chiến dịch Campuchia".

Trời đã sáng và chúng tôi đã quá mệt sau hành trình dài 26 tiếng đồng hồ. Nằm vật xuống chiếu, chúng tôi thiếp đi và chỉ thức dậy khi anh Tư gọi. Anh Hai cho chúng tôi biết có 110 xe tăng và 3.000 lính tham gia cuộc càn quét cách ngôi nhà chúng tôi ở chưa đầy 200 mét nhưng như thường lệ, đội quân đó chỉ bám lấy con đường lớn và do đó không thể tìm ra chúng tôi.

Hai tuần sống trong khu căn cứ như một kỳ nghỉ hè, chỉ có điều là chúng tôi bị bắt buộc phải ngụy trang vào ban ngày nhằm tránh sự phát hiện của máy bay trinh sát. Đôi khi một chiếc phản lực hoặc vài chiếc trực thăng gầm thét lướt ngang đầu. Các du kích chăm chú theo dõi những chiếc máy bay đó. Họ lặng lẽ nhìn qua khe cửa để đoán xem việc xuất hiện của nó có ý nghĩa gì.

Chúng tôi không cách nào biết được mình đang ở đâu nhưng chắc chắn là chúng tôi chưa hề băng qua sông Mê Kông trong lúc mùa mưa đang đến gần. Cứ mỗi khi có một cơn mưa lớn trút xuống, ếch nhái kêu inh ỏi thì anh Ba và một du kích người Campuchia lại mặc quần đùi, khoác tấm vải nhựa với hai cây tre dài, một đầu vót nhọn đi soi ếch. Chẳng mấy chốc, chúng tôi được ăn hàng chục cái đùi ếch nướng. Anh Hai vui vẻ khi thấy chúng tôi nhai ngon lành. Anh nói: "Trong vùng giải phóng, nếu không có thứ này thì mình tìm thứ khác vì lúc nào cũng có một thứ gì đó. Như vậy chẳng bao giờ sợ chết đói".

Nhiều lần chúng tôi đề nghị được trả tiền ăn của mình nhưng anh Hai nói điều đó không cần thiết. Tiền bạc mà tôi mang theo chỉ có 200USD, gồm 10 tờ 20USD nhưng đã bị tịch thu ngay lúc tôi bị bắt. Anh Hai cho biết chúng tôi sẽ nhận lại được những thứ đó rồi anh đề nghị chúng tôi, mỗi người viết một bản kê chi tiết những thứ đã bị tạm giữ, chẳng hạn như tiền, máy ảnh, giấy tờ, sách vở. Trong số đồ đạc của tôi, có một bản tường trình về các phi vụ rải chất độc da cam của máy bay Mỹ trên vùng biên giới Campuchia. Đây là điều mà tôi hy vọng sẽ được cấp trên của những người bắt tôi lưu ý trong quá trình xác minh về tôi.

Mái tóc hung của Michael đã rất dài. Một buổi chiều anh Hai hỏi Michael có muốn cắt tóc không. Giây lát, anh Tư đem ra một cái tông đơ, một cái lược và một cái kéo rồi bắt đầu làm việc với một phong cách rất chuyên nghiệp. Thế nhưng kỳ nghỉ của chúng tôi đột ngột kết thúc mà không có lời báo trước nào. Một sáng, anh Tư nói: "Chuẩn bị đi".

Đi được không quá 800m, chúng tôi đến một thửa đất đã được dọn dẹp bằng cách chặt hạ các cây non nhưng phía trên vẫn giữ nguyên các cành cây to và các nhánh dây leo che phủ. Khi người du kích Campuchia trải xong chiếc chiếu, anh Tư bảo chúng tôi ngồi xuống nghỉ ngơi. Một lát, anh Ba cùng 3 du kích đến từ một hướng khác. Họ tháo balô, súng ống, treo võng giữa các thân cây rồi nằm trong im lặng. Tôi đoán hoặc là họ đề phòng một cuộc tấn công, hoặc họ không muốn cho chúng tôi chứng kiến chuyện gì xảy ra - một buổi họp quan trọng chẳng hạn - trong căn nhà chúng tôi đang ở.

Tuy nhiên tôi đã lầm. Khi quay trở lại ngôi nhà, tôi mới biết mục đích của chuyến đi là vì anh Hai thấy cả ba chúng tội không ai đi tiểu quá 2 lần/ngày nên anh tổ chức di chuyển để chúng tôi thoải mái hơn. Tôi rất cảm động về sự săn sóc ấy nhưng với lượng nước uống vào ít thì 2 lần/ngày là đủ.

Ngày 9/6/1970, vẫn là một ngày bình thường và không hề có điềm báo nào cho thấy hôm đó sẽ là một trong những ngày nguy hiểm nhất và đầy ý nghĩa nhất với chúng tôi. Nơi ở mới của tôi, Michael và Beth là một túp lều bên trong chứa những bao thóc.

Sau bữa trưa, đột nhiên có tiếng trực thăng từ xa. Ngay lập tức, anh Ba nhanh chóng tháo võng ra, xếp lại còn Beth thì vội vàng gom mớ quần áo đang phơi bên hiên nhà. Ba người chúng tôi ngồi trong chòi, dựa lưng vào những bao thóc. Anh Ba bảo chúng tôi cứ ngồi yên ở đó và dù có chuyện gì xảy ra cũng đừng bỏ chạy.

Tiếng trực thăng nghe như ở ngay trên đầu chúng tôi. Anh Ba chộp lấy khẩu súng rồi chạy về hướng ngược lại với nơi chúng tôi đang ở. Đúng lúc ấy, một tràng súng máy từ trực thăng "bắn thăm dò" - nghĩa là bắn hú họa để các du kích trên mặt đất phải tự bộc lộ vị trí bằng cách bắn trả lại. Sau hơn nửa tiếng quần đảo, bắn thăm dò mà chẳng có phát súng nào trả lời, mấy chiếc trực thăng bay đến một vị trí khác, cách chỗ chúng tôi chỉ vài trăm mét, bắn thêm vài loạt nữa rồi bay đi luôn.

(Còn tiếp)

Cao Trí (Lược dịch từ hồi ký “Forty days with Enemy”)
.
.