Kỳ quan thứ 8 của thế giới đang… chết dần

Thứ Tư, 28/11/2007, 19:45
Thành phố nổi tiếng Venice, kỳ quan thứ tám của thế giới lại trải qua một trận lụt nữa, điều này làm cả thế giới lo lắng: liệu Venice có trụ nổi mãi với giặc nước không? Đang có một dự án khả quan để ngăn Venice với nước biển, nhưng đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ hàng chục tỉ euro.

Ngày chủ nhật 28/10/2007, lúc 11h đêm, khi khán giả trong ngôi nhà hát Feniche huyền thoại đang chăm chú theo dõi vở opera Othelo, bất thình lình còi báo động rền vang khắp nơi: mực nước biển Adriatic sắp tràn vào thành phố.

Ba mươi phút sau, tiệm cà phê nổi tiếng Florian trên quảng trường Saint Marco đã ngập trong nước. Những sân khấu gỗ chuẩn bị cho ngày hội hóa trang trôi bồng bềnh đây đó...

Dân Venice cũng như du khách bắt buộc phải lội bì bõm giữa dòng nước buốt giá. Venice bị “acua alta” (lụt lội - theo tiếng Italia) lần thứ 41 tấn công kể từ năm 1900 tới giờ.

Đây không phải là hiện tượng mới, ngay lúc sinh thời, văn hào Pháp  De Balzac đã nói về Venice: “Đó  là một thành phố bất hạnh với mọi chân móng đều bị đe dọa vì nứt nẻ, và cứ mỗi giờ qua đi lại càng lún sâu vào “nấm mồ nước” sẵn có của mình”. Điều lo sợ thực sự là các trận "acua alta" càng xảy ra thường xuyên hơn.

Hiện nay, hầu như năm nào “thành phố tuyệt đẹp của các vị doges toàn năng cùng những con thuyền gondola cổ truyền thơ mộng” này cũng đều bị giặc nước “xâm lăng”, chứ không phải cứ 10 năm một như từ thập niên 60 thế kỷ XX trở về trước.

Ngày 4/11/1966, một trận lụt tàn khốc đã tàn phá thành phố, khiến quảng trường Saint Marco ngập sâu trong hơn 2m nước suốt một thời gian dài. Cả thế giới khi ấy hiểu rằng: sẽ đến lúc Venice - “Nữ hoàng của biển Adriatic”, một trong những kỳ quan nhân tạo tiêu biểu của lịch sử kiến trúc quốc tế - có nguy cơ... biến mất.

Nhà cửa ở Venice đều xây cất trên mặt nước.

“Nạn nước ngập là mối nguy lớn nhất với Venice - ông Misel Batik, nhà vật lý địa tầng nổi danh người Pháp, đương kim Phó tổng giám đốc Cơ quan UNESCO, tác giả cuốn sách khảo cứu công phu “Venice - kỳ quan thứ 8 của thế giới”, cho biết - Thành phố không thể chịu nổi hàng chục năm ròng luôn bị nước mặn bào xói mọi kết cấu nền móng...

Tuy nhiên, việc mực nước dâng lên theo năm tháng ven bờ Venice là một quá trình tự nhiên không thể đảo ngược.

Có 3 lý do chính để giải thích “quy luật mới” này của biển: Thứ nhất, mức nước chung trong các đại dương và vịnh Venice đều không ngừng dâng cao, từ năm 1967 trở lại đây tăng bình quân 1,27mm mỗi năm; Thứ hai, thành phố liên tục bị lún, tuy không nhanh bằng thời người ta còn lấy nước sinh hoạt từ các vỉa ngầm ngay dưới lòng Venice.

So với năm 1900, “mặt bằng” Venice hiện nay lún tới 15cm, có nghĩa là mức nước từ cỡ 80cm (mực trung bình trong những cơn thủy triều lên lớn nhất của hai thế kỷ XIX và XX) sẽ dâng lên tới 105cm, và với mức nước này, thực ra đã khiến Venice bị “lụt tại chỗ” rồi. Nếu mọi việc cứ tiếp tục như vậy, tới cuối năm 2010, Venice sẽ bị hàng trăm trận lụt trong một năm.

Yếu tố thứ ba cũng cần phải được hết sức coi trọng: đó là vị trí địa lý của Venice. Những cơn thủy triều lên cực đại nơi đây có nguồn gốc thiên văn - do chu kỳ của mặt trăng và mặt trời trùng hợp.

Ngoài ra là những luồng gió mạnh từ sa mạc Bắc Phi thổi hắt lên, “dồn” nước biển Adriatic vào một vũng tù - nơi đó chính là vị trí hiện hữu của Venice”.

Các nhà khoa học đánh giá rằng, nếu như cả 3 nguyên nhân nói trên cùng xảy ra một lúc, sẽ “nhấn” cả Venice chìm dưới... 2,5 m nước!

Với những điều kiện như vậy, người ta chẳng mấy ngạc nhiên khi đọc thấy trong “Thông báo đặc biệt” của Bộ Du lịch Italia, bày tỏ nỗi lo ngại về lượng du khách đổ về xứ Venice ấm cúng vào mùa đông thường niên đã giảm hẳn.

Mỗi năm có đến 4,5 triệu lượt du khách đã tới với Venice và đem lại cho vùng này nguồn thu nhập tới cả trăm triệu euro.

Bản thân người dân Venice cũng “lũ lượt bỏ thành phố “ ra đi. Từ số dân 135.000 người hồi đầu thập niên 60, đến nay chỉ còn chưa đầy 80.000 người. “Không có gì cản nổi quá trình di dân tự nhiên này - bà Maria Tereza De T’Servin, đại diện của Tòa thị chính thành phố trong Ủy ban Quốc tế bảo tồn Venice, khẳng định - Phải sống trong căn hộ, hay phòng làm việc với viễn cảnh bì bõm lội nước ngay tại đó vài ba lần trong một năm, không bao giờ là điều dễ chịu cả. Điều đau đớn nhất là phải khoanh tay đứng nhìn thành phố tuyệt diệu này đang chết dần!”.

Đúng ra, nếu không có nạn ngập lụt, Venice thực sự có thể tự bảo vệ lấy mình về phương diện bảo tồn di tích thuần túy.

Nhằm tránh cái “vòng luẩn quẩn” do nước gây ra, một dự án táo bạo đã được hoạch định với sự hợp sức của các công ty đa quốc gia hàng đầu Italia, cũng như sự hậu thuẫn từ chính phủ trung ương ở Rome.

“Chỉ đơn giản ngăn cho nước biển khỏi tràn được vào bờ Venice là xong - Tiến sĩ M.Baltik giải thích - Ba chiếc đập chắn sẽ được đặt trực tiếp trên ba cửa kênh đào chính - nơi dẫn nước biển vào. Cửa của các con kênh Ciodza, Malamoco và Lido sẽ bị đóng lại bởi các tấm ngăn bêtông cao 15m và dài vài trăm mét. Đúng ra nên đặt các “đập di động” giống như bên Hà Lan thì dễ hơn, nhưng hải cảng Venice đứng hàng quan trọng thứ ba ở Italia nên không thể “đóng hẳn” lại được. Những đập chắn này sẽ nằm ngang dưới đáy nước cho tàu bè dễ qua lại, để khi cần vào buổi tối sẽ được “dựng đứng” lên nhằm ngăn thủy triều lớn tràn vào”.

Họa đồ trên giấy của công trình này thật là... hết chê! Chỉ tồn tại vấn đề duy nhất: kinh phí. Với cái giá kinh khủng: cỡ 43 tỉ euro; còn Nhà nước Italia tối đa chỉ có thể đóng góp chừng 1/4 tổng kinh phí mà thôi. 14 triệu euro đã được chi ra cho công tác vẽ thiết kế và khảo sát lập luận chứng kinh tế kỹ thuật.

“Tất cả xem ra đều trôi chảy - bà M.T'Servin thổ lộ - Và người ta cũng đang xúc tiến các khoản chi mới... Những trận lụt triền miên gần đây bắt buộc những người có lương tâm phải chấp nhận cái công trình đắt giá ấy. Tôi chỉ tiếc là không hiểu mình có sống đến ngày được thấy công trình hoàn thành không?"

Trần Quang Long (theo Le Figaro)
.
.