Ký ức đánh đồi A1 của Anh hùng Chu Văn Mùi

Chủ Nhật, 09/05/2021, 08:47
Đã gần 70 năm kể từ ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhưng Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Chu Văn Mùi vẫn không thể nào quên những ký ức nơi chiến trường xưa. Ở tuổi ngoài 90, ông Mùi vẫn không khỏi bùi ngùi xúc động khi nhắc đến những ngày tháng gian khó mà vô cùng hào hùng mà ông cùng đồng đội đã trải qua nơi chiến trường Điện Biên năm xưa.

Buông cày, cầm súng

Trong ngôi nhà khang trang ở thôn Hà Thượng, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Anh hùng Chu Văn Mùi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi từ những kỷ niệm ngày đầu vào quân ngũ. Ông kể ngày ấy nghe tin người anh họ nói ngày mai trên huyện có đợt khám tuyển đi bộ đội, ông tìm cách nói khéo với dì (mẹ đẻ của ông mất từ khi ông còn nhỏ, bố đi bước nữa và dì hai là người đã chăm chút cho ông từ tấm bé) cho đi tuyển bộ đội cùng mấy anh trong làng.

Chân dung Đại tá Chu Văn Mùi

"Sớm hôm đi khám tuyển tôi còn kịp buổi cày, thả cho trâu ít cỏ rồi cứ thế quần đùi áo cộc đi luôn vì sợ nhà neo người dì không đồng ý. Tuyển xong mấy anh em chúng tôi ngồi chờ đến khoảng 1 giờ chiều thì có kết quả. Khi nghe công bố danh sách có tên Chu Văn Mùi, tôi sung sướng vô cùng", ông Chu Văn Mùi nhớ lại.

Vào quân ngũ, Chu Văn Mùi được biên chế vào Đại đội cối 120 ly thuộc Tiểu đoàn 38, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, lần lượt tham gia chiến dịch Lê Hồng Phong, chiến dịch biên giới Thu-Đông 1950. Trước Điện Biên Phủ, ông từng tham gia nhiều chiến dịch như: Cao Bắc Lạng, Biên giới, Hoàng Hoa Thám, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào...

Ở mỗi trận chiến, ông đảm nhận nhiều cương vị khác nhau từ chiến sỹ nuôi quân, chiến sỹ thông tin dây, chiến sỹ trợ chiến, pháo thủ… Năm 1952, ông tham gia lớp vô tuyến đầu tiên của Cục Thông tin liên lạc mở và trở về làm đài trưởng đài vô tuyến của đơn vị, đảm nhiệm vai trò của một người chiến sỹ thông tin ở đơn vị trong các trận đánh lớn.

Máy vô tuyến điện chiến sĩ thông tin Chu Văn Mùi đã dùng để phục vụ công tác liên lạc trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ký ức trên đồi A1

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chu Văn Mùi là chiến sĩ vô tuyến điện, trực thuộc Ban tham mưu. Anh tham gia nhiều trận đánh trong chiến dịch, đặc biệt là trận chiến đấu trên đỉnh đồi A1.

Trận tiến công Đồi A1, bắt đầu từ 18 giờ 30 phút ngày 31-3-1954, là trận đánh mở màn cho giai đoạn 2 và 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong trận này, sau khi Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) đánh mở màn, Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định sử dụng Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) có tăng cường một số phân đội của Trung đoàn 174 tiếp tục tiến công cứ điểm Đồi A1.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Chu Văn Mùi (bên trái) trong buổi trò chuyện nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Anh hùng Nguyễn Văn Mùi kể, chiều 30-3-1954, ta tổ chức mở đợt tấn công giai đoạn 2 vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đấu tại đây diễn ra vô cùng ác liệt. Địch liên tiếp tăng viện nhiều xe tăng, lính dù, lính lê dương tiến hành nhiều cuộc phản công hòng chiếm lại các vị trí mà ta chiếm được trước đó. Đêm 31-3, đơn vị của Chu Văn Mùi được lệnh tiếp nhận chiến đấu trên cao điểm A1 từ Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Chu Văn Mùi - tổ trưởng tổ vô tuyến điện được giao đảm nhận nhiệm vụ kết nối thông tin liên lạc giữa trung đoàn trưởng với chỉ huy đại đoàn.

"Tối 31-3, đồi A1 bị mất liên lạc, được lệnh của đồng chí Chính ủy, tôi và đồng chí Đàm Văn Đức, tổ vô tuyến khẩn trương mang máy vô tuyến điện lên đồi A1 tìm Đại đội trưởng Lâm Viết Hữu để nối thông tin liên lạc. Gặp Lâm Viết Hữu, anh yêu cầu chúng tôi nối liên lạc vô tuyến về sở chỉ huy Đại đoàn 308 và Đại đoàn 316. Vừa đảm nhận thông tin liên lạc giữa Trung đoàn trưởng với chỉ huy Đại đoàn, chúng tôi vừa chiến đấu bảo vệ đồng đội bị thương và dùng điện đài, chỉ mục tiêu cho pháo binh ta diệt địch", Đại tá Chu Văn Mùi nhớ lại.

Đại tá Chu Văn Mùi và con gái cùng xem lại những huân, huy chương mà ông vinh dự được trao tặng.

Ông bảo, có một kỷ niệm mà ông vẫn nhớ như in đó là khi đang làm việc, chiếc máy vô tuyến điện do phải liên lạc nhiều đã gần hết pin khiến sóng phát không còn chuẩn, đường dây thông tin gặp nhiều khó khăn. Trước tình huống nguy cấp, Chu Văn Mùi liều mình ra khỏi hầm kéo chiếc dù hàng của địch được thả từ trên máy bay xuống. Thật may mắn vì trong dù có hộp pin có thể dùng được cho máy vô tuyến điện. Pin được thay, sóng điện mạnh hơn hẳn, các máy của Đại đoàn đều kết nối được với tín hiệu từ đồi A1.

Nhưng cũng thật trớ trêu, việc tín hiệu được phát khỏe và trơn tru khiến các đồng chí trong Đại đoàn nghi ngờ là máy của địch và chỉ huy ra lệnh tất cả các máy tạm đình chỉ, không liên lạc với máy của Chu Văn Mùi. Anh tìm cách thuyết phục đồng đội, và rồi sau khi kiểm tra, bằng rất nhiều mật mã, ký hiệu, ám hiệu thông tin nghiệp vụ chuyên môn, thấy Chu Văn Mùi nói không sai một từ, chỉ huy Đại đoàn mới tin tưởng và tiếp tục chỉ huy đồng chí Mùi chiến đấu. Lúc ấy ông mới thở phào, yên tâm làm tiếp nhiệm vụ giữ vững trận địa.

Những ám hiệu, ký hiệu phát ra từ chiếc máy vô tuyến điện khi ấy không chỉ kết nối liên lạc mà còn đã giúp cho pháo ta hiệu chỉnh được mục tiêu, tiêu diệt địch, giảm tối đa thương vong cho quân ta. Như khi nhìn thấy từ khu vực chiếc xe tăng, địch bắn sang phía đầu hào của ta, Chu Văn Mùi đã quan sát nhanh và bình tĩnh chỉ huy anh em nhằm đúng khu vực xe tăng mà bắn. Anh gọi pháo bắn vào cây đa cộc, phát tín hiệu: "con bò đã lên húc vào thảm đỏ" (xe tăng đã lên đỉnh đồi khu cây đa cộc). Pháo binh của ta nhận được tín hiệu, hướng hỏa lực bắn vào đội hình địch làm một chiếc bị đứt xích, một chiếc xe tăng bị cháy.

Đại tá Chu Văn Mùi cũng không thể nào quên buổi trưa ngày 2-4-1954. Khi ấy có lệnh của Sở chỉ huy: "Anh em ở lại giữ hào, đồng chí Chu Văn Mùi đi tìm Trung đoàn trưởng Nguyễn Hùng Sinh", Chu Văn Mùi dặn anh em chú ý bằng mọi giá phải giữ hào. Nói rồi anh quàng chiếc máy vô tuyến điện vào vai nhưng không thể đứng lên được.

Lúc này Chu Văn Mùi mới nhớ ra đã một đêm một ngày anh không ăn, không uống. Anh thấy người không còn chút sức lực nào, nhưng mệnh lệnh của cấp trên không thể không thực hiện. Chu Văn Mùi dùng hết sức đứng dậy đeo chiếc máy vô tuyến điện nặng hơn 20kg và khẩu súng đi xuống, qua đột phá khẩu, cuối cùng cũng tìm được đồng chí Hùng Sinh.

Nhờ chiếc máy vô tuyến điện mà Chu Văn Mùi mang đến, đường dây liên lạc từ Trung đoàn trưởng đến Đại đoàn được nối lại trên đồi A1. Dù đang bị thương nhưng đồng chí Nguyễn Hùng Sinh vừa chỉ huy, vừa trực tiếp chiến đấu nhằm đánh lùi một đợt phản kích của địch, khôi phục được trận địa của ta. Còn Chu Văn Mùi không bao giờ quên giờ phút thiêng liêng ấy. Ông bảo đến giờ ông vẫn nhớ tiếng đồng đội reo vui từ phía đầu dây bên kia, "Hoan hô đồng chí Chu Văn Mùi, Tặng huân chương chiến công hạng Nhất cho Chu Văn Mùi", khi nghe ông báo cáo: "Hùng Sinh vẫn còn, Hùng Sinh bị thương"…

Trưa ngày 7-5, quân ta diệt tiếp các vị trí 507, 508 và 509 bên bờ sông Nậm Rốm. Địch đối phó yếu ớt, có dấu hiệu xin hàng. Nắm chắc thời cơ, 15 giờ ngày 7-5-1954, Bộ chỉ huy mặt trận hạ lệnh tổng công kích. Từ phía Tây, Đại đoàn 308 đánh thẳng vào sở chỉ huy địch ở Mường Thanh. Chu Văn Mùi và tổ vô tuyến đi sát các mũi tiến công. Thành tích chiến đấu tại Đồi A1 của Trung đoàn 102 đã góp phần cùng các đơn vị bạn đánh tan trung tâm đề kháng phòng ngự Đồi A1 của địch. Đúng 17 giờ 30 phút, quân ta đánh chiếm sở chỉ huy địch, bắt sống tướng Đờ Cát cùng toàn thể bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Chiến sĩ thông tin Chu Văn Mùi ngay sau chiến dịch đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định công nhận Đảng viên chính thức trước thời hạn 5 tháng, đồng thời tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 31-8-1955, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

Năm 1972, ông được cử đi học rồi về làm cán bộ phụ trách Tiểu đoàn Thông tin 18, đi các chiến dịch Đường 9 Khe Sanh, chiến dịch Đông Hà (Quảng Trị). Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được giao nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 140. Khi đất nước thống nhất, ông đảm nhận vai trò Hiệu trưởng Trường văn hóa Quân đoàn I cho đến khi nghỉ hưu. Sau nhiều năm trong quân ngũ, năm 1986, Anh hùng Chu Văn Mùi về hưu, trở về quê hương nhưng vẫn tiếp tục tham gia công tác tại địa phương với vai trò là Chủ nhiệm Hợp tác xã Sơn Hà.

Người Anh hùng Điện Biên năm xưa trong thời bình vẫn lăn lộn cùng Ban chủ nhiệm Hợp tác xã vận động bà con đưa nhiều giống lúa, ngô mới vào sản xuất để tăng năng suất và thu nhập. Ông còn là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thượng Lan, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn Quân tiên phong huyện Việt Yên.

Diệu Ân - Khánh Thư
.
.