Ký ức không phai của người cán bộ tiền phương

Thứ Sáu, 08/05/2020, 09:43
Những ngày đầu tháng 5, cả nước đang hướng về Điện Biên Phủ với những ký ức chiến đấu và chiến thắng huy hoàng. Chúng tôi đến thăm Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, người 66 năm về trước là cán bộ của Ban Tác chiến tiền phương trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Qua từng lời ông kể, dường như những hình ảnh, sự kiện trong thời kỳ mở chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn rõ nét, sục sôi trong tâm trí người lính già.

Lăn lộn tận chiến hào

Rẽ vào con ngõ rợp mát bóng cây trên phố Tôn Thất Thiệp (quận Ba Đình, Hà Nội), cái nắng chớm hè oi ả dường như tan biến. Trước ngôi nhà cổ kính của Trung tướng Đặng Quân Thụy, cây hồng xiêm xòe tán rộng, cây roi trĩu trịt hoa và thoang thoảng hương thơm. Ông đón chúng tôi với nụ cười tươi và câu nói đầy chất lính: "Các bạn rất đúng giờ!" Căn phòng khách được bài trí nhẹ nhàng với những tủ sách san sát và bức tranh chạm đồng "Mã đáo thành công".

Năm nay đã ở tuổi 92 nhưng Trung tướng Đặng Quân Thụy vẫn giữ được phong thái nhanh nhẹn, đĩnh đạc của một vị tướng từng xông pha trận mạc. 

Là người trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch ở những chiến trường ác liệt nhất trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, nhưng trong trí óc còn minh mẫn của ông, Điện Biên Phủ là phần ký ức đặc biệt, khó mờ phai. Bởi vậy mặc dù 66 năm đã trôi qua nhưng từng công việc, diễn biến ở Điện Biên Phủ ông vẫn nhớ khá rõ ràng và đầy đủ.

Trong cuốn sách ảnh tổng kết về cuộc đời trận mạc của mình, riêng chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung tướng Đặng Quân Thụy đã tổng kết lại 8 việc chính ông đã làm. Là cán bộ tác chiến, ông cũng lăn lộn tận chiến hào với các chiến sĩ, từ chiến trường Lào đến đồi Him Lam, đồi A1, sân bay Mường Thanh...

Cán bộ tác chiến Đặng Quân Thụy (ngoài cùng bên phải) tháp tùng Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thị sát mặt trận (1954).

Bằng giọng trầm ấm, ông giới thiệu cho chúng tôi bức ảnh đen trắng chụp ông lúc tháp tùng Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thị sát mặt trận. Người con rể ông cũng hồ hởi góp chuyện và bật mí là những người trong ảnh nay chỉ còn duy nhất mình ông. Trung tướng Đặng Quân Thụy lặng lẽ nhìn ảnh và chậm rãi nhắc tên từng người: ông Kim Hùng - Trưởng ban Quân báo đại đoàn 316, ông Vũ Lăng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316), Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và ông - người lính trẻ năm ấy 26 tuổi.

Lão tướng họ Đặng gốc làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định, làng khoa bảng vang danh đã đi vào câu ca "Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện" nên dù trải bao trận mạc thì cốt cách thanh tao vẫn toát ra qua từng cử chỉ, lời nói.

Ông kiệm lời, dù là một trong những nhân chứng hiếm hoi của Điện Biên Phủ, lại ở cơ quan Chỉ huy sở tại mặt trận, ông chỉ kể những chuyện ông đã làm, đã chứng kiến. Chỉ nói những điều mình tận mắt thấy một cách có trách nhiệm, điều ấy khiến chúng tôi thêm kính trọng Trung tướng Đặng Quân Thụy.

Hồi hộp Him Lam

Trở về trực ban tác chiến tại Sở chỉ huy trên Mường Phăng, trưa ngày 7/5/1954, đồng chí Đặng Quân Thụy nhận được báo cáo của các đơn vị là trong các công sự của địch thấy xuất hiện nhiều cờ trắng. Ông nhanh chóng báo cáo với Bộ chỉ huy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lập tức ra lệnh tổng tấn công ngay, không chờ tới chiều tối như dự kiến.

"Đầu tháng giêng năm 1954, tôi nhận nhiệm vụ đi lập đài quan sát trận địa địch, cùng anh em trinh sát pháo binh và công binh leo lên một ngọn núi cao. Đường rất khó đi, phải nhờ dân giúp mới lên đến đỉnh. Lúc ấy thật sự tôi chưa hình dung hết quy mô trận đánh tương lai. Song tôi biết mình sẽ tham dự một cuộc chiến lớn và tin tưởng quân ta sẽ thắng", Trung tướng Đặng Quân Thụy bồi hồi nhớ lại.

Trên đỉnh núi, qua ống nhòm pháo rõ đến 10km, tổ tác chiến tiền phương thấy trong lòng chảo Điện Biên quân Pháp nhảy dù nhiều, chúng phát quang các đồi cây, đốt nhà dân và đào hầm để chuẩn bị trận địa. Theo dõi ngày đêm, tổ công tác ghi chi tiết từng vị trí trú xe tăng, để hầm pháo của quân địch vào bản đồ quân báo.

Niềm tin chiến thắng bắt nguồn từ mùa hè 1953, khi Bộ Tổng tham mưu lập một tổ nghiên cứu 24 người trong rừng lim căn cứ Định Hóa (Thái Nguyên) để "chuẩn bị lý luận đánh tập đoàn cứ điểm". Bộ tiên đoán địch sẽ phòng ngự theo mô hình tập đoàn cứ điểm, địch đóng thành nhiều cứ điểm, trong ngoài liên kết và có chi viện của pháo binh, của máy bay. Điểm nhấn quan trọng là khi một cứ điểm bị tấn công thì các cứ điểm khác hỗ trợ rất nhanh.

Rút kinh nghiệm từ trận đánh tập đoàn cứ điểm Nà Sản năm trước không thành công, với rất nhiều sơ đồ và các sa bàn được xây dựng, anh em trong ban nghiên cứu rút ra phương án tác chiến: Phải đánh tập hợp để phá thế liên hoàn, có nghĩa là phải áp dụng cả ba kiểu đánh bóc vỏ, đánh thọc sâu và đánh phản kích nhiều lần, đồng thời phải kiềm chế pháo binh. Khi đánh một cứ điểm phải kiềm chế chi viện của cứ điểm bên cạnh.

Trung tướng Đặng Quân Thụy tại nhà riêng chiều 3/5/2020.

Cách đánh tập đoàn cứ điểm đã được thảo ra, Bộ Tổng tham mưu triển khai tập huấn cán bộ và cho diễn tập thực địa. Các đơn vị đã chia thành quân xanh quân đỏ, tập trận giả, thử những tình huống mấu chốt khi đánh tập đoàn cứ điểm. Từ đó, các đơn vị đều được phổ biến cách đánh này.

Điện Biên Phủ nóng dần lên với từng nước cờ được tính toán thận trọng của hai bộ thống soái giữa mùa đông buốt giá. Người cán bộ tác chiến cũng không đứng ngoài những tháng ngày cân não này. Đúng vào lúc căng thẳng đó thì tháng 1/1954, Tiểu đoàn trưởng Đặng Quân Thụy nhận được tin vợ vừa sinh con trai đầu lòng ở Thái Nguyên.

Vợ của ông là bà Nguyễn Thị Ban, quê Hưng Yên và bằng tuổi chồng. Bà Ban từ khi còn là nữ sinh Trường Đồng Khánh đã hăng hái tham gia các hoạt động tuyên truyền cách mạng.

Khi Đặng Quân Thụy chiến đấu ở nhiều chiến dịch thì bà Ban cũng tham gia kháng chiến, vừa làm y tá, vừa làm phiên dịch và hoạt động văn nghệ phục vụ bộ đội. Trước khi nghỉ hưu, bà là dược sĩ cao cấp của ngành Quân y. Tình yêu của ông bà nảy nở trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và một đám cưới chiến trường được tổ chức năm 1950.

Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ vẫn đằng đẵng xa nhau cho đến năm 1954, họ mới sinh con đầu lòng. Lần đầu được làm cha, dù trong lòng mong muốn được về thăm vợ con, nhưng tình hình chuẩn bị cho chiến dịch rất khẩn trương nên ông đành gác lại.

17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, trận đánh Him Lam bắt đầu.

Được phân công là trưởng ban tác chiến, Đặng Quân Thụy cùng một số đồng chí theo dõi pháo binh, bộ binh, trực ban trong hầm Sở chỉ huy ở Mường Phăng. Những giờ phút hồi hộp dần trôi qua. Cả mặt trận hướng về Him Lam. Liên tục cập nhật tình hình, Đặng Quân Thụy báo cáo từng diễn biến của trận đánh đến Bộ chỉ huy.

Sau hơn 6 giờ tấn công, Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) đã đánh chiếm được cứ điểm Him Lam. Trận đầu đánh thắng, "đầu xuôi đuôi lọt". Chiếm xong đồi Him Lam, ta diệt luôn đồi Độc Lập, thì địch ở đồi Bản Kéo ra hàng.

Gia đình đoàn tụ sau chiến thắng

Phân khu Bắc bị tiêu diệt nhanh chóng nhưng khi đợt tấn công thứ hai ở dãy đồi phía đông thuộc phân khu trung tâm, các đơn vị đều không giành được thắng lợi như dự kiến. Trung đoàn 98 đánh đồi C1 sau thắng lợi ban đầu thì địch phản kích, Trung đoàn 174 để lỡ yếu tố bất ngờ khi đánh đồi A1, địch phản kích dữ dội. Hai bên giằng co từng thước đất. Thế cầm cự kéo dài hàng tháng trời. Ta quyết chiến. Địch tử thủ. Bước sang đợt tấn công thứ ba, Đặng Quân Thụy được phái xuống nắm tình hình chuẩn bị của Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316).

Lần này, ông nhận thấy trung đoàn lên kế hoạch đánh địch ở nhiều hướng hơn, hỏa lực được tăng cường, lại thêm phương án khối bộc phá một tấn để phá hủy công sự địch. Ông báo cáo với Bộ Tham mưu chiến dịch với niềm tin Trung đoàn 174 có khả năng dứt điểm được. Đúng như dự đoán, Trung đoàn 174 đã nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ đồi A1 - công sự kiên cố nhất trong toàn bộ chiến dịch.

Cùng thời gian đó, ở phía tây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chỉ huy chiến dịch lệnh cho Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) diệt cứ điểm 206 án ngữ sân bay Mường Thanh, cắt đứt con đường tiếp tế duy nhất của địch. Địa hình cứ điểm 206 bằng phẳng, trống trải. Làm sao vượt qua được những khoảng trống ấy mà không thương vong?

Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Sơn đã được chiến sĩ "mách nước" bó các cành cây với rơm rạ thành các con cúi để bảo vệ chiến sĩ khi đào công sự chống lại hỏa lực bắn thẳng của địch. Sau đó "đánh lấn" bằng cách đào trận địa luồn qua cả dãy hàng rào dây thép gai của chúng, lấn sát gần công sự địch từng thước một.

Phái viên tác chiến Đặng Quân Thụy đã được cử xuống ở trận này. Theo sát bộ đội khi đào trận địa lấn vào vị trí của địch. Khi ta tấn công, ông cũng băng qua hàng rào dây thép gai trong công sự cùng các chiến sĩ. Bất ngờ, một mảng bắp chân ông bị dây thép gai xé toạc. Nhờ được băng bó kịp thời nên Đặng Quân Thụy tiếp tục xung trận. Quân Pháp ở cứ điểm 206 hoàn toàn bất ngờ trước chiến thuật đào hào đánh lấn dũi này của Trung đoàn 36 nên đã bị tiêu diệt nhanh chóng…

Sau ngày chiến thắng, bắt sống tướng De Castries và toàn bộ bộ tham mưu của Pháp tại Điện Biên Phủ (7/5/1954), Sở chỉ huy tiền phương được lệnh trở về căn cứ ở Thái Nguyên. Đặng Quân Thuỵ được cử đi dự Hội nghị tổng kết chiến dịch.

Khi được nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổng kết và nghe Bác Hồ đánh giá ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ, trong lòng người lính Đặng Quân Thụy vui mừng khôn xiết khi vừa đóng góp một phần nhỏ bé vào thắng lợi của cả dân tộc. Chính vì thấu hiểu được ý nghĩa chiến lược cả về mặt quân sự lẫn chính trị mà người cha Đặng Quân Thụỵ từ chiến trường đã dự định đặt tên cho con trai là Đặng Quân Chính như một sự nhắc nhớ đến mai sau.

Sau khi dự Hội nghị, Đặng Quân Thụy được giao nhiệm vụ viết các tài liệu tổng kết. Lúc này, ông có dự định về thăm gia đình. Nhưng một lần nữa ông phải gác lại việc riêng vì nhận được lệnh vào Liên khu 5 để phổ biến kinh nghiệm tác chiến ở Điện Biên Phủ cho các cán bộ ở đây. Ông tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Tuy không được chứng kiến thời khắc thủ đô được giải phóng vào ngày 10/10/1954, nhưng từ Liên khu 5, ông đã hướng về Hà Nội trong niềm hân hoan vui sướng.

Tháng 11/1954, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông trở ra Bắc bằng đường tàu biển. Ra đến Hà Nội, Đặng Quân Thụy trở lại Thái Nguyên thăm vợ con. Người cha đã đi bộ suốt quãng đường 50 cây số từ tỉnh lỵ về Chợ Chu, huyện Định Hoá, Thái Nguyên để được đoàn tụ gia đình trong niềm vui chiến thắng.

Trung tướng Đặng Quân Thụy là Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa VII (1991-1996); Phó Chủ tịch Quốc hội khóa IX (1992 đến 1997); Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam (2002-2007). Trước đó, ông là Tư lệnh Quân khu 2. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng (1984) và thăng quân hàm Trung tướng (1989). Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (2009) và Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng (2017).
M.Sơn - H.Châm
.
.