Ký ức về Tổng bí thư của một Đại tá cảnh vệ

Thứ Tư, 09/04/2008, 16:00
Kỷ niệm 101 năm ngày sinh Tổng bí thư Lê Duẩn (7/4/1907 - 7/4/2008)

"Bảo vệ đồng chí Lê Duẩn tuyệt đối an toàn là mệnh lệnh từ trái tim", đó là lời tâm sự của Đại tá Nguyễn Trại với chúng tôi trong cuộc gặp gần đây tại nhà riêng của ông ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Đại tá Nguyễn Trại là một trong hai cảnh vệ tiếp cận đầu tiên của đồng chí Lê Duẩn từ năm 1957, sau khi đồng chí Lê Duẩn từ miền Nam trở ra miền Bắc.

Quê ông Nguyễn Trại ở xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1944, ông tham gia du kích Ba Tơ. Tháng 8/1945, ông chuyển sang quân đội.

Sau khi tập kết ra Bắc, năm 1957, ông được chọn làm cận vệ của đồng chí Lê Duẩn. Từ đó, tròn 30 năm, ông đã gắn bó cuộc đời mình với nhiệm vụ đặc biệt ấy, cho tới khi Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần.

Là Đội trưởng Đội 5, chuyên trách bảo vệ Tổng Bí thư, thuộc Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), đến năm 1989, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Ông là người được Tổng Bí thư Lê Duẩn rất tin tưởng, quý mến. Ông thường gọi Tổng Bí thư một cách thân mật: “Anh Ba”, “Anh Ba Duẩn”. Và giờ đây, với trí nhớ mẫn tiệp hiếm có của ông lão dù đã ngoài 90, ông Nguyễn Trại đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện thân tình, ôn lại kỷ niệm một thời đã qua.

Mặc dù thời gian đã lui vào dĩ vãng, nhưng những kỷ niệm vẫn còn hiện hữu trong tâm thức của ông...

Hồi tưởng lại những ngày đầu làm cảnh vệ, Đại tá Nguyễn Trại kể: “Hàng ngày, anh Ba sang Văn phòng Trung ương làm việc. Chiều hôm nào rảnh rỗi, tôi với anh đạp xe đi phố. Anh Ba đi xe đạp chưa thạo lắm, cứ liềng liệng. Tôi còn nhớ, một hôm đạp xe ra đường Thanh Niên, xe anh Ba va vào một người đi xe đạp, nhưng người đó không việc gì. Anh Ba cười. Tôi nói: “Anh đi xe đạp chưa thạo, nguy hiểm lắm anh ạ. Anh chỉ nên đi ôtô thôi”.

Anh bảo: “Đi ôtô à? Hồi tôi ở miền Nam có đi ôtô đâu. Đi xe đạp là một cách tập thể dục, khỏe người”.

Thời gian đầu, tôi thuộc biên chế của Văn phòng Trung ương Đảng, cũng được phát súng, đạn, thường xuyên luyện tập với anh em cảnh vệ. Sau đó, anh Ba bảo tôi chuyển sang Cục cảnh vệ cho đúng với lực lượng vũ trang hơn. Tôi suy nghĩ, anh Ba là cán bộ cấp cao tín nhiệm mình, mình phải nêu cao trách nhiệm để bảo vệ tuyệt đối an toàn”.

Đại tá Nguyễn Trại kể cho chúng tôi nghe về việc bảo vệ đồng chí Lê Duẩn trong thời gian chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Ông nói: “Kể cả khi ở nhà hoặc đi công tác, lúc nào cũng đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Chúng tôi đã xây dựng các phương án bảo vệ phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn công tác. Trước mỗi chuyến đi đến các đơn vị, địa phương, anh Ba cho tôi biết trước để liên hệ với các nơi đó phối hợp bảo vệ.

Đặc biệt, chúng tôi làm kỹ kế hoạch đi dọc đường, nắm chắc các vị trí hầm trú ẩn sẵn có, nơi nào thiếu thì yêu cầu làm bổ sung. Các bộ phận phục vụ thống nhất về thời gian, tốc độ xe, khoảng cách giữa các xe, điểm tạm dừng dọc đường...

Hồi đó đang chiến tranh nên lực lượng bảo vệ khá vất vả. Mỗi chuyến đi đều phải có phương án rất cụ thể. Chẳng hạn nếu đi Hải Phòng thì phải bố trí lực lượng bảo vệ ở hai đầu cầu Long Biên (Hà Nội), Lai Vu (Hải Dương). Đúng giờ định sẵn thì tạm ngưng lưu thông trên cầu để xe đi qua nhanh chóng. Cũng có lúc thực hiện kế hoạch đột xuất, anh Ba bảo đi là đi.

Tuy nhiên, chúng tôi đã dự kiến những tình huống này, phối hợp chặt chẽ với bộ phận thư ký, lái xe, phục vụ... để thực hiện nhanh chóng. Chúng tôi gọi điện gấp về Cục Cảnh vệ để Cục cho lực lượng đi theo. Còn lúc ở nhà, bất kể ngày hay đêm, khi anh Ba nằm nghỉ ở trong phòng thì tôi nằm ở phòng làm việc bên cạnh. Hễ nghe báo động “reng... reng...”, tôi liền đưa anh xuống hầm.

Có lần địch ném bom cơ quan bên cạnh, anh Ba cùng chúng tôi ngồi trong hầm bị sức ép rất mạnh đến tức ngực, khó thở.

Đại tá Nguyễn Trại (người thứ 2 từ trái sang) cùng với những người làm công tác xuất bản, báo chí trong lực lượng công an

Theo ông Nguyễn Trại kể thì từ năm 1957 đến năm 1964, ông là cận vệ duy nhất của đồng chí Lê Duẩn. Kể cả khi đồng chí Lê Duẩn thăm Liên Xô cũng chỉ một mình ông làm cận vệ, nhưng vẫn bảo đảm an toàn. Sau năm 1964, Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, lực lượng bảo vệ được tăng cường đông hơn. Ông Nguyễn Trại đã từng tháp tùng Tổng Bí thư Lê Duẩn sang thăm và làm việc tại các nước: Liên Xô, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Tiệp Khắc, Ba Lan, Bungari, Hungari, Rumani, Cộng hòa Dân chủ Đức, Lào, Campuchia, Ấn Độ...

Khi chúng tôi hỏi Đại tá Nguyễn Trại những kỷ niệm về Bác Hồ với Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông kể: “Tôi nhớ có hai lần Bác Hồ sang thăm anh Ba tại nhà riêng ở số 6 Hoàng Diệu. Anh Liêm là cận vệ của Bác Hồ cùng sang.

Lần đầu, Bác Hồ xuống xem bếp núc, sau đó ngồi nói chuyện với anh Ba và các con anh. Lần thứ hai, lúc một giờ chiều, anh Liêm đưa Bác đi bộ tới thăm anh Ba, nhưng không báo trước. Bác mặc đồ màu nâu giản dị. Tôi chạy lên tầng hai báo anh Ba biết. Anh Ba đi xuống mời Bác lên nhà, nhưng Bác bảo: “Thôi, ta ngồi đây cũng được”.

Bác và đồng chí Lê Duẩn ngồi nói chuyện ở bậc thềm trước nhà. Hồi tôi mới ra Bắc, một hôm, Bác Hồ và anh Ba sang số 4 Hoàng Diệu ăn tết. Bác hỏi thăm các chiến sĩ cảnh vệ: “Các chú ăn tết thế nào, có bánh chưng không?”. Bác và đồng chí Lê Duẩn nói chuyện thân mật, cùng vui tết với chúng tôi. Tôi cũng đã nhiều lần bảo vệ anh Ba cùng Bác Hồ họp ở số 4 Hoàng Diệu, hoặc Bác cùng anh Ba đi bộ dọc đường có nhiều cây xoài trong Phủ Chủ tịch. Chiều thứ bảy, Bác Hồ thường mời anh Ba sang ăn cơm để tiện nói chuyện. Gọi là mời cơm khách, nhưng bữa ăn thường chỉ ít cá bống kho, đĩa rau xào, đĩa rau luộc, bát cà muối... Bác Hồ ăn uống đơn giản lắm!”.

Nói về tình cảm của Tổng Bí thư Lê Duẩn với miền Nam, Đại tá Nguyễn Trại tâm sự: “Đó là mối quan hệ sâu nặng, nghĩa cả, ân tình. Tôi là người miền Nam, có niềm vinh dự được gần gũi anh Ba, đã cảm nhận được điều đó. Anh Ba kể với tôi, hồi hoạt động ở miền Nam, bà con trong đó quý anh lắm. Họ thường gọi anh là: “Chú Ba”, “anh Ba”... thật thân mật.

Anh Ba được đồng bào Nam Bộ quý mến không phải vì quyền cao, chức trọng, mà là bởi tấm lòng nhân hậu, bởi phẩm chất, đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, anh Ba được cán bộ, đảng viên và nhân dân tôn vinh là “Ngọn đèn hai trăm nến” để ca ngợi sự tỏa sáng từ trí thông minh và tính sáng tạo của anh.

Đặc biệt, mọi người rất ca ngợi về bản “Đề cương cách mạng miền Nam” do anh Ba khởi thảo năm 1956. Tôi được biết, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, anh Ba đã chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng ở thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Trong hơn 10 phiên họp, đại hội, hội nghị quân sự của Xứ ủy Nam Bộ, của Trung ương Cục miền Nam và nhiều cuộc họp của Khu ủy, Đặc khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn đã được anh Ba Duẩn tới dự và trực tiếp cho nhiều ý kiến chỉ đạo.

Hồi mới ra Bắc, anh Ba nghĩ nhiều về đồng bào miền Nam. Ở đâu anh  cũng thường nhắc tới những người dân tốt bụng, chân thành, giàu lòng yêu nước ở miền Nam. Khi gặp đoàn Anh hùng, Chiến sĩ thi đua miền Nam ra thăm miền Bắc, anh Ba xúc động nói: “Các em về, nhớ nói lại rằng anh Ba lúc nào cũng nhớ các má, các ba và đồng bào trong đó”.

Hồi tháng Giêng năm 1981, anh Ba về thăm tỉnh Cửu Long. Ngay khi anh Ba bước ra khỏi xe ôtô, nhiều người ra đón anh đã xúc động nắm chặt tay anh, nước mắt tuôn trào. Trong chuyến công tác này, anh Ba đã đi thăm nhiều nơi, nghe cán bộ và nhân dân địa phương báo cáo tình hình. Anh Ba đã phát biểu  ý kiến chỉ đạo và thể hiện hết tấm lòng sâu sắc đối với đồng bào miền Nam.

Khi tới thăm Trà Vinh, anh Ba đã xúc động kể lại hồi hoạt động bí mật ở đây anh đã được đồng bào ấp Bến Thủ, xã Long Hòa, huyện Châu Thành hết lòng nuôi dưỡng, bao bọc chu đáo, mà anh coi đó là nghĩa tình sâu nặng không bao giờ quên.

Hồi năm 1980, anh Ba giao nhiệm vụ cho anh Nguyễn Văn Hoành (nguyên Cục phó T78) về lại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre mời được đại biểu 21 gia đình trong các gia đình đã từng nuôi giấu anh Ba vào những năm 1955, 1956, 1957, tổ chức thành một đoàn ra thăm miền Bắc.

Tại cuộc gặp này,  anh Ba xúc động nói: “Hôm nay, tôi thay mặt Trung ương Đảng và Nhà nước mời các đồng chí, các anh chị em là những người có công bảo vệ tôi và các đồng chí khác trong thời kỳ hết sức khó khăn gian khổ của Cách mạng miền Nam...

Hồi giữa năm 1957, tôi được Bác Hồ gọi ra Hà Nội, nhưng tâm trạng tôi lúc đó không muốn ra, vì tôi không muốn rời xa đồng bào, đồng chí miền Nam đang đấu tranh gian khổ. Nhưng chấp hành chỉ thị, tôi phải ra Hà Nội. Khi hoạt động ở miền Nam, đi đến chỗ nào cũng được đồng bào giúp đỡ chu đáo, thân tình. Tình cảm đó, tôi không bao giờ quên”.

Tấm lòng của anh Ba là vậy. Tôi rất tâm đắc với ý kiến của anh Trần Bạch Đằng (nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) về anh Ba Duẩn: “Lúc ở Đồng Tháp, tôi đi công tác với anh, các bà má chiến sĩ các xã đều quen anh. Họ biết rành “Lê Duẩn là người của Cụ Hồ ở trong Nam”, trong khi họ vốn quen gọi anh là “Ba Duẩn, Ba Huế...”.

Mỗi khi nghe cách xưng hô thân mật ấy của các bà má nhai trầu cười móm mém, anh rơm rớm nước mắt”.

Dừng lời một lát, Đại tá Nguyễn Trại kể tiếp: “Nhiều hôm cuối buổi chiều, nếu không bận việc là anh Ba bảo đi dạo phố phường Hà Nội để nắm tình hình, tiếp xúc với nhân dân. Thường những cuộc đó, anh không nói trước địa điểm, lên xe rồi mới nói. 

Còn về chuyện tiền bạc, tôi thấy anh Ba không tính đến chuyện riêng tư. Trong túi anh không lúc nào có tiền. Nhà xuất bản Sự Thật và các tòa soạn báo đưa tiền nhuận bút, anh bảo tôi giữ hết để cho các anh trước đây cùng công tác với anh ở trong Nam như anh Của, anh Hoàng Gia, anh Tư Hoành... có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Hồi năm 1980, Liên Xô tặng thưởng đồng chí Lê Duẩn giải thưởng quốc tế Lênin “Vì củng cố hòa bình giữa các dân tộc”, kèm theo số tiền 25.000 rúp, anh đã tặng lại số tiền này để xây dựng trường học ở Hà Nội. Anh rất thương người, sống giản dị, đồ đạc trong nhà khá đơn giản”.

Đại tá Nguyễn Trại tâm sự với chúng tôi: “Được làm cận vệ của Tổng Bí thư Lê Duẩn là một niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời tôi. Đó là điều trước đây tôi không thể ngờ tới. Trong tâm trí, tôi luôn nghĩ làm sao phối hợp với đồng nghiệp để bảo vệ đồng chí Lê Duẩn tuyệt đối an toàn. Đó chính là mệnh lệnh từ trái tim mình.

Có lần, tôi nói với anh Ba: “Tính tôi ít nói, chỉ làm thôi. Nhưng tôi xin hứa với anh, nếu gặp sự nguy hiểm tôi sẽ bảo vệ anh đến cùng”.

Anh Ba sống với tôi như sống với anh em ruột thịt. Bây giờ mỗi khi nghĩ tới anh, tôi lại thấy nhớ, thương anh. Suốt cuộc đời anh chỉ lo cho nước, cho dân, trăn trở trước cuộc sống còn khó khăn, gian khổ của nhân dân. Anh sống giản dị, giàu lòng nhân ái”

.
.