Kỷ vật mới tìm thấy của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm và dự án lương tâm của anh em Fred (tiếp theo và hết)

Thứ Hai, 13/08/2007, 09:31
Giáo sư Lori Andrews, người Mỹ viết rằng:“Có ít nhất 300 ngàn binh sĩ Cộng sản Việt Nam bị mất tích sau cuộc chiến tranh, và người Việt Nam thờ cúng hài cốt người quá cố. Vì thế, khi xương cốt của người chết được tìm thấy thì linh hồn mới siêu thoát, theo tín ngưỡng của Việt Nam”.

DỰ ÁN CỦA LƯƠNG TÂM

Sau chuyến trở lại Việt Nam của Rob vào tháng 4/2006, tháng 9/2006 Fred trở lại Việt Nam lần thứ hai, vào lại Đức Phổ, đến tận nơi chị Đặng Thùy Trâm hy sinh mà lần trước chưa đến được. Trở về Mỹ, nhất là sau khi Rob tìm được thông tin về liệt sĩ Nguyễn Văn Bối, anh em Fred lại càng trăn trở với ý nghĩ phải làm sao tìm được thêm nhiều thông tin về các liệt sĩ Việt Nam hy sinh và tìm các di vật liệt sĩ Việt Nam hiện còn lưu lạc đâu đó trên đất Mỹ để trả về cho các gia đình.

Fred nảy ra ý định: làm cách nào đó để có thể đọc được những tài liệu bằng tiếng Việt trong kho lưu trữ về chiến tranh Việt Nam ở Mỹ, trong đó “đầy ắp thông tin về những người con Việt Nam đã mất trong chiến tranh - những người lính mà gia đình họ vẫn ngày ngày khóc chờ tin con em mình”.

Fred đã liên hệ với bà Jane Barton, người phụ trách tổ chức từ thiện Quaker của Mỹ ở tỉnh Quảng Ngãi từ 1967 đến 1969 để nhờ giúp đỡ và nảy ra ý định về một dự án thuê người biết tiếng Việt vào Trung tâm Lưu trữ Quốc gia của Mỹ để tìm đọc các hồ sơ đó.

Mới đây nhất, ngày 2/7/2007, Fred viết thư cho tôi: “Tôi hy vọng được nói chuyện với anh về dự án trao trả lại những kỷ vật đã bị binh lính Mỹ chiếm đoạt trong chiến tranh. Rob kể cho tôi nghe rất nhiều về những quyển nhật ký mà anh ấy đã tìm thấy ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia (Mỹ), nhưng tôi biết rằng bên cạnh những tài liệu còn lưu trữ đó, đã có rất nhiều binh lính cũng đã mang theo những tài liệu như vậy về Mỹ, như tôi đã từng làm.

Một người quen mới đây đã cho tôi biết về một người bạn sĩ quan (Mỹ) đang cố tìm cách trả lại một cuốn nhật ký còn giữ và đã không gặp may mắn trong việc tìm được gia đình của người lính giải phóng quân...

Làm thế nào để cuối cùng chúng tôi có thể đưa được những kỷ vật này về quê nhà ở Việt Nam? Có thể báo Tuổi trẻ hoặc Hãng phim tài liệu của Việt Nam (hai cơ quan báo chí đã giới thiệu Nhật ký Đặng Thùy Trâm và quay phim về chuyến trở lại Việt Nam vào tháng 8/2005 của anh em Fred để thăm gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Giá - DĐQ) hoặc ai đó có thể giúp chúng tôi.

Vì người quen này đã nói với tôi, những giấy tờ này nằm trong số tài sản cá nhân của những người ở cùng thời với chúng tôi, những người giờ đây đã chết và gia đình họ đang muốn vứt bỏ chúng đi do nỗi xấu hổ khi sở hữu chúng, những thứ nhắc họ nhớ đến một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tôi tin rằng chị Thùy Trâm đã muốn những giấy tờ và tài sản này được trao trả lại, vì vậy chị đang dẫn đường cho nỗ lực này của chúng tôi”.

Còn Rob lại có một ý định khác.

Đầu tháng 7/2007 ông viết thư cho tôi: “Fred vẫn muốn tiếp tục dự án của mình và vẫn đang tìm cách để thực hiện điều đó. Tôi có hướng không đồng tình với Fred về một số mặt. Cá nhân tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để đạt được kết quả là để cho các tài liệu (còn lưu trữ trong Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Mỹ) được số hóa và đưa lên Internet... Nếu các tài liệu được số hóa bằng phim ảnh và được đưa lên internet, lúc đó mọi người ở Việt Nam đều có thể truy cập và tìm kiếm chỉ với một máy tính”.

Rob cho biết, ở Trung tâm Việt Nam của Trường đại học Texas, nơi hiện đang lưu giữ nguyên bản cuốn Nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm đã số hóa hàng triệu trang tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu về chiến tranh Việt Nam.

“Mỗi một cuộn phim nhỏ dày 35mm chứa được 2.500 đến 3.000 trang tài liệu trên đó. Tôi đã xem khoảng 60 cuộn phim và hàng tá các tập san và nhật ký, một số quyển dài đến 400 trang, một số vẫn còn những vết máu dính và các lỗ đạn. Có hàng nghìn tên người được liệt kê nhưng không phải tất cả hay thậm chí đa số những gia đình có người thân bị mất tích sẽ tìm được họ trên những tư liệu đó...

Một điều mà tôi nghĩ ít nhất sẽ có ý nghĩa tượng trưng là nỗ lực của một cựu chiến binh hải quân Mỹ gần đây  thu thập các bài báo, ảnh, và các tài liệu mà những lính Mỹ đã mang về nhà từ Việt Nam. Nhiều thứ trong số này không có giá trị đối với gia đình của những cựu binh này và chúng đã bị vứt bỏ.

Người này muốn bắt đầu thu thập những thứ đó và cố gắng đem trả chúng về Việt Nam và về với gia đình của họ nếu có thể. Fred đã liên lạc với những người ở đó và một vài điều đã vượt quá nỗ lực ấy. Đó chắc chắn là một ý định tốt”.

Bất giác, tôi nhớ tới bài báo của Giáo sư Lori Andrews người Mỹ, thuộc Trường đại học Chicago - Kent College of Law, đăng trên tờ International Herald Trinbune ngày 23/6/2007 mà Đài BBC đã đưa lại, vào dịp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm Mỹ.

Bài báo viết về “một đề tài có lẽ ít người Việt Nam trong nước biết đến” và không mấy ai có thể tưởng tượng. Đó là xương và sọ của những liệt sĩ Việt Nam được một số quân nhân Hoa Kỳ đem trộm về Mỹ để “làm kỷ niệm thắng trận”. Các hộp sọ thường được vẽ graffiti và dùng làm khay gạt tàn thuốc lá hay giá nến.

Giáo sư Lori Andrews cho biết, có 6 hộp sọ như thế đã được Hải quân Mỹ tịch thu, “sau nhiều năm thất lạc, người ta tìm thấy chúng ở cơ sở của Trung tâm Walter Reed Army Medical Center tại thủ đô Wahsington”.

Giáo sư người Mỹ này nhắc chính quyền Mỹ rằng “trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã nói nước ông sẽ nỗ lực giúp Hoa Kỳ tìm thêm những hài cốt lính Mỹ mất tích ở các vùng biển. Nay là lúc Hoa Kỳ nên có hành động nhân đạo bằng cách trả lại chính quyền Việt Nam và thân nhân của những người đã hy sinh trong cuộc chiến bên phía cựu thù xương cốt của bộ đội Cộng sản”.

Đọc bài báo trên, tôi càng thấy, dù bằng cách nào, thuê người biết tiếng Việt để đọc thông tin còn đang lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ như dự tính của Fred, hay số hóa các thông tin như cách làm của Trường đại học Texas, như Rob đề nghị, thì anh em Fred người giữ gìn và trao trả Nhật ký Đặng Thùy Trâm cho gia đình, nay tiếp tục công việc đi tìm tin tức và kỷ vật của các liệt sĩ Việt Nam hiện còn đang lưu lạc trên đất Mỹ để trả về cho các gia đình liệt sĩ Việt Nam quả là một “dự án của lương tâm”

Dương Đức Quảng
.
.