Kỷ vật mới tìm thấy của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm và dự án lương tâm của anh em Fred

Thứ Sáu, 03/08/2007, 11:00
Bài viết kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2007)

Cách đây hai năm, cuốn nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm sau hơn 30 năm lưu lạc trên đất Mỹ đã được một cựu binh Mỹ giữ gìn và đưa trở về với gia đình, trở thành một sự kiện nổi bật được dư luận trong và ngoài nước biết đến.

Qua báo chí và truyền hình, nhiều người đã biết chuyến trở lại Việt Nam vào tháng 8/2005 của Tiến sĩ Fred (Fredric Whitehurst) cùng người anh trai là Tiến sĩ Rob (Robert Whitehurst), cũng là một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, để thăm gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Giá - người phóng viên mặt trận trước khi hy sinh đã để lại 48 bức ảnh do anh chụp, mà Fred còn giữ được.

Nhưng có lẽ ít người biết, năm 2006, anh em Fred đã trở lại Việt Nam lần thứ hai và cho đến bây giờ vẫn nặng lòng với công việc tìm kiếm tin tức và các kỷ vật của các liệt sĩ Việt Nam còn lưu lạc trên đất Mỹ, để trả về cho gia đình, mong làm vợi đi nỗi đau của những người mẹ, người vợ liệt sĩ mà không dễ gì có thể bù đắp được. Trong số đó có những kỷ vật mới tìm thấy của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

CÂU CHUYỆN VỀ NẤM MỒ VÔ DANH GẦN NƠI CHỊ TRÂM HY SINH

Tháng 4/2006, Rob, anh trai Fred trở lại Việt Nam lần thứ hai và dành gần một tháng trong chuyến đi, như ông nói, để “tiếp tục làm sống lại Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.

Rob vào Quảng Ngãi tìm gặp những người mà chị Trâm đã nhắc đến trong nhật ký hiện vẫn còn sống; đến tận từng thôn, xóm ở Đức Phổ, Ba Tơ, nơi bàn chân chị đã đi qua mà trong lần sang Việt Nam tháng 8/2005 ông chưa đến được.

Rob muốn có những tài liệu thật xác thực, thật cụ thể về chị Thùy Trâm và về những gì chị viết trong nhật ký để khi về Mỹ, ông sẽ viết lại câu chuyện “Đi tìm Thùy Trâm” cho  người Mỹ đọc.

Hôm Rob cùng em gái chị Đặng Thùy Trâm vào được con dốc trong rừng Ba Tơ, nơi chị Thùy Trâm hy sinh năm xưa, thật bất ngờ, Rob cùng mọi người nhìn thấy nấm mộ chỉ nằm cách chỗ chị Thùy Trâm ngã xuống hơn 100 mét.

Nấm mộ này tìm thấy khi địa phương phát quang đoạn đường vào Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, để mở tuyến du lịch “Hành trình cùng Nhật ký Đặng Thùy Trâm” sau khi nhật ký của chị được xuất bản.

Rob lặng lẽ ghi chép vào sổ tay những chi tiết còn rất mơ hồ về nấm mộ mới tìm thấy này, như đã từng ghi chép tất cả những gì có liên quan đến chị Đặng Thùy Trâm và nhật ký của chị. Trở về Mỹ, Rob dành cả một tuần lễ, lái ôtô vượt quãng đường gần 2.000 km từ nhà lên Washington D.C, vào Trung tâm Lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ lục tìm hồ sơ, tài liệu mà quân đội Mỹ để lại, mong tìm được tên tuổi người nằm trong nấm mộ mới tìm thấy gần nơi chị Thùy Trâm hy sinh năm xưa.

Không biết có phải do chị Thùy Trâm mách bảo và dẫn dắt hay không mà trong đống hồ sơ, tài liệu khổng lồ về chiến tranh Việt Nam hiện đang còn lưu trữ, Rob đã tìm được bản báo cáo tối mật của quân đội Mỹ, xác định được tên tuổi của một người hy sinh như sau:

“Báo cáo thực địa, thời gian từ 1 giờ 00 ngày 22/6/1970 đến 24 giờ 00 ngày 22/6/1970: 17 giờ 20 phút Đại đội D, toán 24 trong khi tuần tra tại tọa độ 770.306 tại tỉnh Quảng Ngãi, phát hiện 4 người từ tọa độ 770.305 di chuyển dọc đường mòn về phía họ.

Toán 24 nổ súng giết chết một phụ nữ, những người còn lại chạy thoát về phía đông nam, một người đàn ông bị giết cách xác người phụ nữ 150 mét. Hai người còn lại thoát khỏi đường mòn và mất hút.

Toán 24 kiểm tra khu vực vào thời điểm này. Người đàn ông khoảng 20 tuổi, tóc dài, quanh tai cạo trắng, đeo một khẩu súng ngắn của Bắc Việt, có chứng minh thư với dấu vân tay, nhật ký, vài tờ giấy có ghi chép cá nhân và nhận xét của đơn vị 403”.

Một bản báo cáo khác, cùng trong ngày 22/6/1970, do viên sĩ quan Mỹ Alvin W. Lotz ký, cho biết: sau khi khai thác các tài liệu thu được trên xác người phụ nữ và người đàn ông bị toán tuần tra 24 của Mỹ bắn chết trên đây, xác định người phụ nữ là bác sĩ Đặng Thùy Trâm và người đàn ông là Nguyễn Văn Bối, sinh năm 1950, tại làng Phú Yên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, nhập ngũ ngày 22/5/1969, chiến sĩ thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 403, bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ngãi.

Rob đã gửi thư báo tin cho gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, kèm theo bản sao các bản báo cáo tối mật có liên quan đến sự việc trên.

Thật là một điều trùng hợp kỳ lạ, trước ngày Rob gửi thư báo tin cho gia đình chị Đặng Thùy Trâm không lâu, có một chị phụ nữ đã đứng tuổi quê ở Phú Xuyên, Hà Tây tìm đến thăm gia đình liệt sĩ để hỏi tin tức về em trai mình. Chị cho biết em chị là Nguyễn Văn Bối, đi bộ đội từ năm 1969, hy sinh tại chiến trường miền Nam.

Sau khi đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, chị thấy ngày 16/6/1970, chị Trâm viết: "Đọc những dòng nhật ký của Bối một cậu học sinh trẻ quê ở Phú Xuyên, Hà Tây, mình cảm thấy xao xuyến trong lòng. Tâm sự của Bối cũng là tâm sự của mình. Chúng mình đang sống trong những ngày căng thẳng tột bậc. Bệnh xá đã bị địch đánh phá, tiếp tục uy hiếp dữ dội bằng nhiều loại máy bay. Nghe tiếng máy bay quần thảo trên đầu mình thấy thần kinh căng thẳng như  một sợi dây đàn căng hết cỡ...".

Chị phụ nữ tin chắc rằng Bối mà bác sĩ Đặng Thùy Trâm viết trong nhật ký là em trai mình sau khi bị thương được đưa vào điều trị tại Bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở Quảng Ngãi, sau đó hy sinh. Đến nay, gia đình vẫn chưa tìm được mộ của em trai chị, chưa thực hiện được nguyện vọng của bố chị trước khi mất là làm sao tìm được mộ để đưa hài cốt của em trai chị về quê.

Nhận được thư của Rob với những thông tin rất cụ thể nói trên, gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm vội báo tin cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Bối ở Phú Xuyên, Hà Tây biết. Người chị gái của anh Bối vô cùng vui mừng và xúc động.

Cuối năm 2006, anh Trần Văn Tố, anh rể của liệt sĩ Nguyễn Văn Bối cũng là một người lính cũ ở chiến trường đã thay mặt gia đình vào Quảng Ngãi để dự lễ khánh thành Bệnh xá Đặng Thùy Trâm và xác minh thông tin về ngôi mộ của người em vợ mình.

Anh Tố đã đến tận Khe nước lạnh trong khu rừng Ba Tơ nơi anh Nguyễn Văn Bối hy sinh, xác định đúng vị trí, nơi em vợ mình bị bắn chết cách chỗ bác sĩ Đặng Thùy Trâm ngã xuống đúng 143m, mà trong báo cáo của lính Mỹ nói 150m.

Ngày 24/1/2007, Đảng bộ, chính quyền và gia đình  liệt sĩ Nguyễn Văn Bối cùng bà con nhân dân xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và đón hài cốt của anh từ Quảng Ngãi về Nghĩa trang liệt sĩ xã nhà như ước nguyện của người cha trước khi ông cụ qua đời.

Cũng chính lần vào Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ để tìm các thông tin về liệt sĩ Nguyễn Văn Bối đó, Rob đã tìm được cuốn sổ công tác của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và một lá thư của chị viết vào năm 1969, chụp lại những kỷ vật đó để gửi về cho gia đình chị.

CUỐN SỔ TAY VÀ BỨC THƯ CỦA CHỊ TRÂM MỚI TÌM ĐƯỢC

Đó là cuốn sổ công tác của bác sĩ Đặng Thùy Trâm với những ghi chép cụ thể về hoạt động của Bệnh xá Đức Phổ do chị phụ trách mà lính Mỹ đã tìm thấy sau khi bắn chết chị và đã giữ lại như là một tài liệu mật, quan trọng, có giá trị thông tin tình báo phục vụ kế hoạch tác chiến của chúng.

Trong cuốn sổ tay này, chị Trâm ghi lại nhiều hoạt động cụ thể của Bệnh xá trong năm 1969 tại Đức Phổ, Quảng Ngãi; từ tình hình tư tưởng của cán bộ, nhân viên Bệnh xá đến việc tăng gia, sản xuất, đào hầm, làm nhà, cõng gạo, xây dựng cơ sở vật chất cho Bệnh xá; từ phác đồ điều trị đến cả số gạo dự trữ còn lại dành cho bữa ăn của anh em thương bệnh binh... Nghĩa là mọi việc lớn nhỏ đều được chị Trâm ghi chép cẩn thận, từng ly từng tý.

Một trang ghi chép của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm

Có mấy trang trong cuốn sổ chị ghi chép như một bản báo cáo toàn diện về hoạt động của Bệnh xá Đức Phổ trong năm 1969, trong đó thấy rõ tinh thần của cán bộ, nhân viên trong những ngày khó khăn Bệnh xá liên tục bị đánh phá, có đồng chí hy sinh ”nhưng vẫn giữ vững tinh thần kiên quyết vượt qua thực hiện nhiệm vụ của Đảng...”.

Ghi chép của bác sĩ Đặng Thùy Trâm cho biết Bệnh xá Đức Phổ trước đây biên chế có 11 người, sau tháng 5/1969 giảm chỉ còn 8 đồng chí, “thiếu một đồng chí dược và một chính trị viên...”. Chị ghi cụ thể tình hình cơ sở vật chất của Bệnh xá, “gồm 2 phòng nhân viên, 1 nhà bếp, 1 nhà mổ, 5 phòng bệnh nhân (thu dung 60 ca); 2 kho nổi, 1 kho chìm, nhà xác... Tất cả các nhà ở đều có hầm sâu 2m, không kể đất đổ dày trên 1 m”.

Trong cuốn sổ tay này, chị dành nhiều trang ghi “Theo dõi điều trị phân tán”, trong đó có đầy đủ tên tuổi các thương binh chị đang điều trị với từng phác đồ điều trị riêng, như: “1. Nguyễn Văn Xuyên, 20 tuổi; vào viện:10-7-69; Lý do: mìn nổ gây tổn thương nặng, giập 2 nhãn cầu 2 mắt; Xử lí: Pénicilline 400000 x 6 lọ; Vitamin C x 2 ống; B1 x 2 ống; Đ (Điều trị) 25 ngày, 10 ngày 25đ (đồng); 15 ngày 20đ (đồng); 2. Nguyễn Văn Phụng, Đơn vị 506; 27 tuổi; Vào viện 10-7; Lý do: vết thương phần mềm bàn tay; hỏng hai mắt do mìn; Xử lí: Pénicilline 400000 x 2 lọ...”.

Điều thú vị là trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt diễn ra từng giờ, từng phút trên chiến trường, bác sĩ Đặng Thùy Trâm vẫn dành thời gian để làm công tác nghiên cứu khoa học mà trong cuốn sổ tay để lại còn ghi rõ hai đề tài nghiên cứu của chị là: “Vấn đề vá da trong điều trị vết thương phần mềm” “Vấn đề chấn thương ổ bụng do sức ép của vũ khí”. 

Rõ ràng, khác với hai cuốn nhật ký của chị mà lúc đầu Fred định quẳng vào lửa vì cho rằng, không có giá trị tin tức tình báo thì cuốn sổ tay này đã được Fred hoặc một viên sĩ quan tình báo Mỹ nào đó giữ lại vì trong đó quả thật có nhiều tin tức và số liệu mà lính Mỹ rất cần cho kế hoạch tác chiến của họ. Chính vì thế nó đã không nằm trong số kỷ vật của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm do chính tay Fred giữ lại rồi sau hơn 30 năm trao trả lại cho gia đình, mà hiện nay vẫn còn nằm tại Kho Lưu trữ Liên bang Hoa Kỳ, trong đống hồ sơ khổng lồ về chiến tranh Việt Nam đã làm đau đầu bao nhiêu thế hệ người Mỹ.

Bức thư khá dài của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm mới tìm được là bức thư chị viết từ chiến trường Quảng Ngãi gửi cho một người anh nào đó ở miền Bắc, mà đến nay gia đình vẫn chưa biết người nhận là ai. Bức thư của chị không đề tên người nhận, đầu thư chỉ ghi “Lá thư ra Bắc” và được chị viết vào tháng 5/1969: “Thư này cho anh giữa những ngày tháng 5 rực lửa. Một mùa hè nữa lại đến , mùa hè thứ ba kể từ ngày em đặt chân lên mảnh đất anh hùng này...”.

Trong thư chị Đặng Thùy Trâm dành tình cảm kính trọng và thương yêu tha thiết đối với người dân Quảng Ngãi, nơi chị sống và chiến đấu.

Chị viết: “Em là một con bé từ nhỏ được sống giữa yêu thương, ba má gia đình đã nâng niu em từ nhỏ, bạn bè cũng đã từng chiều chuộng cái đứa em nhỏ tuổi nhất hay làm nũng nhất trong hội và anh, anh đã chẳng chiều em rất mực đó sao anh? Vậy mà chưa có một tình thương nào làm em cảm động bằng những ngày em sống ở đây. Tình thương trong cuộc chiến đấu này kỳ diệu quá anh, hình như  trên trái đất này chỉ có ở Việt Nam, chỉ có ở miền Nam mới có như vậy mà thôi. Kỳ diệu ở chỗ nó vô tư, rộng rãi nhưng lại thiết tha vô cùng...”.

Chị kể lại câu chuyện cảm động khi chị đang ở trong nhà của một bà mẹ thì bị lính Mỹ càn. Bà mẹ giấu chị xuống hầm bí mật, lính Mỹ vào nhà tra khảo bà, đánh bà bị thương nhưng bà vẫn một mực không khai ra hầm bí mật, kiên quyết bảo vệ chị. Khi bọn địch vừa đi, bà mở nắp hầm đón chị lên, tay run run nắm lấy tay chị; “Chu cha, tao lo cho mày quá chừng!”.

Và còn nhiều, nhiều nữa những câu chuyện cảm động của người dân Quảng Ngãi luôn dành phần khó khăn, hy sinh về mình còn dành mọi điều tốt đẹp và tình cảm yêu thương cho chị.

Có lẽ chính vì thế, mà trong lá thư này chị Đặng Thùy Trâm đã viết ra những lời cháy bỏng từ con tim yêu thương của mình dành cho người dân nơi đây: “Anh thương mến. Rất tiếc rằng không có anh ở đây. Sao anh lại không về đây trên mảnh đất quê anh trong những ngày này để ngòi bút anh viết cho hết về những con người bằng thép đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng. Nói vậy thôi chứ chắc anh cũng không thể nào viết hết đâu, viết làm sao cho hết vì mỗi người dân là một anh hùng..., những anh hùng kiên cường chiến đấu, gan góc vô bờ nhưng trái tim lại nặng tình thương...”.  

(Xem tiếp ANTG số 675, thứ Bảy ra ngày 28/7/2007)

Dương Đức Quảng
.
.