Lương Văn Can và những hoạt động ở Cao Miên

Thứ Năm, 24/10/2019, 15:12
9 năm bị lưu đày và quản thúc bên Cao Miên, Lương Văn Can với một nghị lực phi thường đã vượt qua tất cả. Bằng con mắt tinh tường của một người am hiểu, ông đã nhìn ra một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho giới buôn bán người Việt Nam tại Campuchia.

Chính ông là người khai phá thị trường này để tìm nguồn tài chính đóng góp cho cách mạng và là người tiên phong mở đường cho những lớp thương nhân kế cận.

Mở đường cho giới thương nhân

Để chăm lo cho chồng trong những ngày nơi đất khách quê người trong khi tuổi già sức yếu, bà Lê Thị Lễ vợ Lương Văn Can đã cho người con trai thứ 8 là Lương Ngọc Môn, lúc đó đã 15 tuổi theo Lương Văn Can sang Campuchia. Trong chuyến đi này, ngoài hai cha con Lương Văn Can còn có 3 chí sĩ khác. 

Mười năm xa cách dài đằng đẵng, không biết sống chết ra sao, nhất là Nam Vang lúc này trong trí tưởng tượng của mọi người là nơi ma thiêng nước độc. Khi tiễn chồng lên đường, vợ Lương Văn Can tỏ ra rất bình tĩnh.

Sau này, trong tác phẩm "Hành trạng", Lương Văn Can đã viết những dòng như để tri ân sự cứng cỏi, tấm lòng thủy chung của người vợ hiền: "Đến lúc ta xuống tàu đi Nam Vang, phu nhân cùng theo ra tiễn, sắc mặt tịnh không có một tị nào là oán hận lo sợ, chỉ trông ta mà nói rằng: Ông chờ tôi với nhớ. Không chúc thọ mà ra chúc thọ, chí tình giai lão hiện ra nhời nói, lúc tạm phân ly, nói dẫu ngắn mà tình thì dài…".

Nam Vang thời bấy là trung tâm kinh tế - xã hội của đất nước Cao Miên, một vùng đất cũng nằm trong tầm kiểm soát của thực dân Pháp. Những người đi đày bị ném vào một thành phố xa lạ, khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và vẫn bị chính quyền thực dân quản thúc. 

Trong thời gian ở đây, Lương Văn Can phát hiện Nam Vang chính là một thị trường đầy tiềm năng trong việc buôn bán, giao thương nhưng lại đang bị bỏ ngỏ. Hàng hóa ở đây rất sơ sài và công việc buôn bán cũng không mấy phát triển. Vì thế, đầu tiên ông tìm cách làm kinh tế để hai cha con đủ sống và lo cho Lương Ngọc Môn có điều kiện ăn học. 

Khi nắm được quá trình buôn bán và hiểu được phong tục tập quán cũng như văn hóa của người dân nơi đây, Lương Văn Can quyết định thành lập một đường dây buôn bán xuyên biên giới Việt Nam - Cao Miên. Ông bí mật liên lạc với gia đình ở Hà Nội để nắm bắt được giá cả các mặt hàng đang khan hiếm tại Nam Vang và tìm những con đường thuận lợi để chuyển hàng hóa sang. 

Một góc Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20.

Ông thuê một căn nhà trên đường An Dương, lập hiệu buôn lấy tên là Đại Thanh, chuyên buôn bán các loại hàng hóa mang từ Việt Nam sang. Lúc này, người con gái thứ 7 của ông là Lương Thị Trí cũng sang Nam Vang để phụng dưỡng cha già và tham gia vào công việc kinh doanh. 

Không chỉ dừng lại ở hiệu buôn Đại Thanh, Lương Văn Can còn mở thêm hiệu buôn Hưng Thạnh và giao cho con dâu là Nguyễn Thị Hồng Đính quản lý. Công việc buôn bán ngày càng trở nên phát đạt.

Cách buôn bán thời đó của gia đình Lương Văn Can cũng hết sức đặc biệt. Bởi vì đang sống trong sự kiểm soát của chính quyền thực dân, đang mang thân phận người đi đày nên việc buôn bán phải rất khôn khéo. Theo kế hoạch của ông, mọi người trong gia đình chia nhau đi nghiên cứu thị trường rồi kín đáo liên hệ với vợ ông tại Hà Nội và các thương gia trong nước, thiết lập một đường dây thương mại bí mật xuyên biên giới, dùng tiếng lóng đánh điện về Hà Nội và Sài Gòn để đặt hàng đưa sang. Việc buôn bán từ đó phát triển rất nhanh. 

Riêng Hưng Thạnh đã phát triển thành một hiệu buôn lớn, tầng trệt bán hàng tấm và tạp hóa, tầng trên đóng giày và làm mũ. Trong hiệu buôn thường xuyên có từ 13-14 công nhân là con cháu của các chí sĩ Cần vương, do Nguyễn Thị Hồng Đính đưa sang. Nhờ đó, Lương Văn Can và con gái, con dâu đã có một nguồn tài chính dồi dào để trợ giúp cho các phong trào yêu nước.

Từ sự thành công của Lương Văn Can, một phong trào buôn bán ở thị trường Campuchia dần dần được hình thành và phát triển rầm rộ. Sau này, khi Lương Văn Can qua đời, một thương nhân ở Sài Gòn đã viết bài báo nhan đề "Thương giới Việt Nam đối với lễ truy điệu Lương chí sĩ" đăng trên tờ "Đông Pháp thời báo" có đoạn như sau: "Ấy đương trong vòng đày ải đó, không còn cách sanh kế gì nữa, cụ mới lập nhà buôn. Thế là cụ đã mở đường cho nhiều người Việt Nam trước kia sợ Cao Miên "ma thiêng nước độc" bây giờ cũng bắt chước sang buôn bán, sau này trở nên rất giàu có. Coi đó thì biết công của cụ không riêng ở phần gốc mà có cả ở phần ngọn, không riêng ở chánh giới mà có ở thương giới nữa…".

Nỗi đau chồng chất

Trong số những người thân Lương Văn Can gặp ở đất Nam Vang có cả người con yêu quý mà ông rất trông đợi, đó là Lương Ngọc Quyến. Nhưng lần gặp gỡ ngắn ngủi ấy không ngờ là lần gặp gỡ cuối cùng của hai cha con.

Lương Ngọc Quyến sinh năm 1885, con thứ của Lương Văn Can, là một trong những du học sinh đầu tiên xuất dương sang Nhật, đã cùng với một số thanh niên yêu nước khác học tại trường quân sự Simbu Gakku, trong đó có người em ruột là Lương Nhị Khanh. Khi Nhật - Pháp bắt tay nhau trục xuất tất cả các du học sinh từ Việt Nam ra khỏi Nhật cũng là lúc Lương Ngọc Quyến vừa tốt nghiệp trường quân sự. 

Tháng 3-1909 Lương Ngọc Quyến đã phải cùng Phan Bội Châu và Lão Mại Bang sang Hương Cảng, Hồng Kông tạm trú. Từ Hương Cảng, nhóm người này trôi dạt sang Quảng Đông, Trung Quốc rồi sau đó sang Thái Lan để chờ đợi thời cơ. Sau đó, ông học trường Quân nhu Học hiệu tại Quảng Đông và trường Sĩ quan Học hiệu ở Bắc Kinh.

Tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội được Phan Bội Châu xây dựng tại Quảng Đông với đường lối đấu tranh mới. Lương Ngọc Quyến được cử làm Ủy viên quân vụ thuộc bộ chấp hành. Một trong những vấn đề gay go là làm sao có đủ kinh phí để duy trì Hội trong những ngày đầu thành lập. 

Để góp phần giải quyết khó khăn này, Lương Ngọc Quyến đã về nước vận động đánh Ty rượu Thanh Ba và dinh Tuần phủ Phú Thọ Chế Quang Ân, lấy kinh phí cho Hội. Năm 1914, ông về Sài Gòn, rồi xuống Long Xuyên gặp Dương Bá Trạc, một chí sĩ bị đưa đi an trí vì tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Ý định của Lương Ngọc Quyến là sẽ gây dựng cơ sở cách mạng ở Nam Kỳ, tuyển mộ người, đưa sang Thái Lan để đào tạo lực lượng, chuẩn bị khởi nghĩa.

Thật không may, trong chuyến đi ấy ông đã bị một thành viên của Việt Nam Quang Phục Hội phản bội, chỉ điểm cho thực dân Pháp. Vì thế, ông đã bị lộ tung tích khi sang Nam Vang thăm cha. Ông lập tức quay về Sài Gòn rồi tìm đường sang Hương Cảng. Tại đây, ông bị cảnh sát Anh bắt giữ và giao cho Pháp. 

Tháng 3-1915, Lương Ngọc Quyến bị đưa về Hà Nội, phải trải qua rất nhiều nhà lao, chịu vô số những nhục hình tra tấn. Ngày 25-7-1916, ông bị kết án tù chung thân và bị đày đi Thái Nguyên. Tại đây, ông đã bị bọn giặc dùi bàn chân để tra xích sắt, khiến ông bị liệt một chân. 

Trong tù, Lương Ngọc Quyến đã kết bạn với Trịnh Văn Cấn, còn gọi là Đội Cấn. Là lính khố xanh, được tự do đi lại trong trại giam, Đội Cấn đã vận động rất nhiều tù nhân và binh lính, lập một ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Trong ngục, Lương Ngọc Quyến nhanh chóng thảo ra một bản Tuyên ngôn thứ nhất để kêu gọi anh em binh lính.

Chân dung Đội Cấn, người cùng Lương Ngọc Quyến tổ chức cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917.

Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra vào ngày 31-8-1917 đã gây chấn động dư luận, như một quả bom của lòng yêu nước khiến quân Pháp hoàn toàn bị bất ngờ. Nghĩa quân phá đề lao, giết giám ngục, giải phóng cho hơn 200 tù nhân, đánh chiếm các công sở, kho bạc, tòa án, kho vũ khí, bao vây trại lính, phất lên lá cờ năm sao trước cửa thành. 

Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, hơn 300 dân địa phương, 131 lính khố xanh cùng 180 tù nhân tình nguyện gia nhập nghĩa quân, tạo thành một lực lượng hơn 600 người. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên nghĩa quân chọn cách cố thủ trong thành, dựa vào thế hiểm trở của địa bàn để chống lại bọn lính Pháp.

Thực dân Pháp đã huy động một lực lượng hùng hậu về người và khí giới lên Thái Nguyên với quyết tâm phá tan cuộc khởi nghĩa. Hơn 600 nghĩa sĩ với số lương thực và khí giới cướp được không đáng kể, phải chống chọi lại 2.000 quân địch trang bị vũ khí tối tân, có cả pháo binh, tàu chiến. Lương Ngọc Quyến đã hy sinh anh dũng vào ngày 5-9-1917. 

Ông không chịu lên cáng để rút lui mà yêu cầu Đội Cấn bắn vào ngực mình để quyên sinh. Đội Cấn cùng các chiến sĩ cũng đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Hơn bốn tháng trời chống trả quyết liệt, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã bị dập tắt. Đội Cấn đã tự sát để không rơi vào tay giặc.

Cái chết của Lương Ngọc Quyến là nỗi đau quá lớn đối với người cha già trong những tháng ngày bị lưu đày biệt xứ.

Và một điều càng đau đớn hơn đối với Lương Văn Can là ông có 5 người con trai thì cả 5 người đều chết từ rất trẻ. Ngoài Lương Ngọc Quyến lưu danh sử sách, Lương Ngọc Nhiễm - du học sinh trong phong trào Đông Du cũng qua đời khi mới ở tuổi 28.

Như vậy, trong năm 1917, Lương Văn Can phải liên tiếp đương đầu với nỗi đau mất hai người con. Người con trai trưởng là Lương Trúc Đàm, một trong những người sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục, người tham gia giảng dạy, viết sách và diễn thuyết, cũng đã qua đời vào tháng 5-1908. Đến năm 1921, người con trai thứ 6 là Lương Ngọc Môn, người đi cùng ông sang Cao Miên cũng qua đời.

Trong 9 năm xa nhà, 3 lần nhận được tin con mất, Lương Văn Can đã phải gồng mình để vượt qua nỗi đau riêng bằng tất cả nghị lực của mình. Kinh doanh, viết sách và tự học tập trau dồi kiến thức, đó là những gì Lương Văn Can đã làm trong thời gian sống lưu đày ở Nam Vang. 

Những cuốn sách tiêu biểu được ông viết trong thời gian này như "Gia huấn", "Hán học tiệp kính", "Hán tự quốc âm", "Hạnh đàn loại ngữ", "Châu thư loại ngữ"... Trong số đó, có hai cuốn sách rất quan trọng là "Thương học phương châm" và "Kim cổ cách ngôn" dành cho giới kinh doanh. Đây là hai cuốn sách mà theo các nhà nghiên cứu, cho dù được viết cách đây hơn 100 năm nhưng đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.

Vợ của Lương Ngọc Quyến là Nguyễn Thị Hồng Đính. Ngay từ thời thiếu nữ, bà đã là một phụ nữ lanh lợi hoạt bát, học hành chu đáo, từng là người đi tiên phong trong phong trào cắt tóc, để răng trắng. 

Năm 1915, bà tìm cách sang Nam Vang với Lương Văn Can, tham gia vào việc buôn bán. Ban đầu, Lương Văn Can giao cho con dâu trông nom hiệu buôn Hưng Thạnh. 

Chỉ sau một thời gian ngắn, nhờ sự khéo léo, nhanh nhẹn, bà mở thêm một hiệu buôn lấy tên là Nam Gia. Các hiệu buôn do bà trông coi là cơ sở kinh doanh nhằm mục đích đóng góp kinh phí cho các tổ chức yêu nước và là nơi liên lạc thông tin của chiến sĩ cách mạng. 

Khi Lương Văn Can về nước, bà vẫn tiếp tục những hoạt động mà Lương Văn Can đã gây dựng. Một số hoạt động đáng ghi nhận: năm 1925 bà vận động Việt kiều ở Nam Vang đấu tranh để yêu cầu Pháp thả chí sĩ Phan Bội Châu và vận động quyên tiền các kiều bào để gửi về ủng hộ Phan Bội Châu. Năm 1930, cơ sở của bà là địa điểm in sách báo tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Đông Dương. 

Khi về nước năm 1931, bà tiếp tục dùng số tiền tích cóp được để ủng hộ Cách mạng. Năm 1936 bà cùng em dâu Nguyễn Thị Vân Thiềm, vợ Lương Ngọc Bân hỗ trợ xuất bản tờ báo "Le Travail" của các chiến sĩ cách mạng, trợ giúp tài chính để Nguyễn Công Truyền được Đảng Cộng sản Đông Dương đưa ra tranh cử vào Viện Dân biểu Bắc Kỳ. Bà là một trong những người ủng hộ rất tích cực trong các phong trào Tuần lễ vàng, Tấm áo mùa đông binh sĩ… 

Ngày 20-1-1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thay mặt Chính phủ truy tặng bà tấm bằng "Có công với nước". Năm 2002, bà Nguyễn Thị Hồng Đính được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập.

Một người con dâu khác của Lương Văn Can cũng có nhiều đóng góp cho cách mạng là bà Nguyễn Thị Vân Thiềm như đã kể trên. Ngoài việc cùng với chị dâu Nguyễn Thị Hồng Đính đóng góp tài chính để xuất bản tờ "Le Travail", bà còn giúp nhiều nhà cách mạng về nơi ăn chốn ở, kinh phí… 

Ngôi nhà số 32 Hàng Ngang của bà trở thành một trong những địa chỉ lui tới của các chiến sĩ cách mạng. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, gia đình bà được Tổng bộ Việt Minh trao tặng Đồng tiền vàng và tấm bằng "Có công với nước".

Duy Tường
.
.