Lãnh đạo các nước châu Âu: 10 sai lầm đe doạ xoá sổ Eurozone

Thứ Hai, 12/12/2011, 10:15

Giống như cuộc khủng hoảng tín dụng ba năm trước, khủng hoảng đồng euro không còn nghi ngờ gì nữa sẽ đèo bòng theo vô số các khoản kế toán cùng nhiều tình huống cần được các nhà kinh tế trên thế giới nghiêm khắc xem xét lại. Dù những bài học có được rút ra, một cuộc khủng hoảng mới có tránh được hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc con người có tin rằng lịch sử sẽ lặp lại? Đây là vấn đề gây ra rất nhiều mâu thuẫn như bản thân nội bộ của khu vực châu Âu hiện giờ.

Trung tâm Quốc tế học thuộc Trường Đại học Oxford đã nhận định 10 sai lầm lớn của các nhà lãnh đạo châu Âu trong cách họ đương đầu với cuộc khủng hoảng vừa qua. Phó ủy viên Ban giám đốc Trường Đại học Oxford, bà Kirsty Hughes, cho rằng sai lầm lớn nhất thuộc về bản chất của các chính sách chính trị, dân chủ và kinh tế.

1. Một châu Âu thiếu tầm nhìn và chiến lược chính trị

Bên cạnh việc phải cân đối ngân sách và tình trạng nợ công chồng chất luôn được nhắc đến, bà Hughes cho rằng điều mà EU cần lúc này là một tầm nhìn mới để chứng tỏ châu Âu có nhiều thứ hơn là chỉ một đồng tiền chung, rằng nơi đây có nền chính trị, xã hội đương thời, có tương lai, mục đích và một nền kinh tế năng động. Châu Âu sẽ khó mà thu hút đầu tư vào khu vực này trong vòng 10 hoặc 20 năm nữa nếu không có một chiến lược rõ ràng cho các mục tiêu chung. Đặc biệt với những đất nước đang oằn mình vì bất ổn chính trị, rất nhiều những hiệp định và các ký kết sẽ phải thay đổi. Sự thay đổi, theo Thủ tướng Đức - bà Angela Merkel, là rất cần thiết cho một tương lai hội nhập.

2. Quyền lực không chia đều - Căng thẳng quan hệ giữa các thành viên

Một câu hỏi được đặt ra là: Ai đóng vai trò quan trọng nhất ở liên minh châu Âu? Hai nền kinh tế lớn nhất: Pháp và Đức hay 17 quốc gia sử dụng đồng tiền chung hay tất cả 27 thành viên của liên minh? Câu trả lời có lẽ phụ thuộc vào vị trí của người được hỏi. Khi cuộc khủng hoảng ngày một nghiêm trọng hơn, Đức và Pháp với tiềm lực chính trị và một nguồn tài chính vững mạnh đã chiếm vị trí lèo lái các dự án của châu Âu từ đó đến nay. Theo bà Hughes, các quyết định quan trọng tập trung tại hai quốc gia này cùng một tá những quan chức không phận sự  đã thể hiện sự đi xuống của liên minh.

Tiến độ giải quyết khủng hoảng không chỉ diễn ra chậm chạp đến đau đớn mà còn tụt hậu so với thời thế. Rất hiếm khi các bên liên quan đều được triệu tập đầy đủ đến bàn đàm phán, và có tới 15 thành viên của khu vực đồng euro chịu chung số phận đứng ngoài lề. Với 10 nước EU mà không thuộc khu vực đồng tiền chung, sự chú ý thậm chí còn hạn chế hơn nữa.

Biểu tượng đồng EURO trước ngân  hàng Trung ương châu Âu.

3. Sao lãng vai trò của liên minh châu Âu trên trường quốc tế

Dù tiến độ giải quyết những rắc rối nội bộ EU có diễn ra chậm chạp, bà Hughes khẳng định rằng EU đã rời mắt khỏi chính sách đối ngoại ở thời điểm mấu chốt trong các cuộc biến động vùng Địa Trung Hải và Trung Đông. Sau cuộc bạo loạn "Mùa xuân Arập", cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu tiềm ẩn những đe dọa đến các nền kinh tế lân cận do những nước này đang quá phụ thuộc vào việc kinh doanh với châu Âu. Các nền kinh tế Arập sẽ suy sụp hơn nữa nếu châu Âu ngừng các hợp đồng mua hàng. EU lẽ ra nên nỗ lực và quyết đoán hơn nữa để khẳng định vị trí của mình trong một trật tự mới, nhân cơ hội đó đoạt lại và củng cố tầm ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, trong khi Mỹ đi đúng hướng thì ngược lại, EU tỏ ra khá do dự và chia rẽ bởi những đối lập nội bộ về cả hai vấn đề tiến trình hòa bình Israel-Palestin và bạo loạn ở Arập.

4. Thiếu những nước cờ chính trị khôn ngoan

Trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, phương thuốc thần kỳ nhất của hai trụ cột Đức-Pháp cũng trở nên vô vọng. Những "con bệnh" đã trót uống thuốc này như Hy Lạp và Bồ Đào Nha đã lên tiếng về những nghi ngờ của họ, rằng vết thương hằn sâu có thể sẽ cắt đứt mọi triển vọng phát triển sau này và dẫn đến một thế hệ gồm những thiệt thòi và mất mát. Trong khi đó, các nhà hoạch định của EU lại đưa ra một số lượng không thể ít hơn những chính sách thay thế mang tính triệt để.

5. Thất bại lớn nếu quyền lợi của công dân không được đặt trước tiên

Bà Hughes cho rằng, các thủ lĩnh châu Âu đã hành động như thể họ toàn là các nhà phân tích kinh tế bài bản nhất. Trái lại, họ đã không thể nhìn thấu và lường trước những mầm mống tuyệt vọng của nền kinh tế ấp ủ ở những đất nước như Tây Ban Nha, nơi tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ đã lên đến 40%. Bà Hughes nhấn mạnh rằng, những ai không mang lại hy vọng cho người dân của họ thì không xứng đáng với vai trò lãnh đạo.

6. Sự nổi lên của chế độ kỹ trị

Hai quốc gia trong khu vực đồng tiền chung là Hy Lạp và Italia đều đang là những đất nước với chế độ kỹ trị, nơi quyền lực tập trung  rất nhiều trong tay giới khoa học kỹ thuật. Được biết, nội các của Italia không hề có một chính trị gia nào, Bộ trưởng Bộ Phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông là giám đốc điều hành một tập đoàn ngân hàng. Ngay đến Tổng thống đương nhiệm Mario Moti cũng là người xuất thân từ ngành kinh tế tài chính. Chính điều này, theo bà Hughes góp phần gây nên sự sụp đổ trong chế độ dân chủ ở tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

7. Nền dân chủ ở châu Âu đang bị xói mòn

Những điểm yếu lớn nhất của EU đã bị bóc trần khá lâu trước khi khủng hoảng nợ công kết thành một tượng đài vững chắc. Các cử tri Pháp, Hà Lan và Ireland đã phản đối những nghị định mới của hiến pháp cho các đảng phái, bộc lộ rõ một sự thiếu liên kết đang lan rộng trong lòng châu Âu. Trong khi đó, một số người vẫn đang tranh cãi rằng chuyển đổi liên minh châu Âu sang hoạt động dưới hình thức liên hiệp sẽ là câu trả lời tốt nhất cho tình trạng khủng hoảng. Theo bà Hughes, kể cả có nói không với những thay đổi trong các hiệp định trước, mọi động thái lúc này đều là nóng vội.

Tin xấu về nợ công có thể nhấn chìm thị trường tài chính và ngân hàng.

8. Tiến thoái lưỡng nan trong nền kinh tế vĩ mô

Đức và Anh cùng chung quan điểm rằng cần phải siết chặt hơn nữa những chính sách cho ngân sách chính phủ tại các quốc gia như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, và Italia. Các quốc gia này đang phải đối mặt với những món nợ khổng lồ và hầu như không có hy vọng có thể trả cho chủ nợ trong một sớm một chiều.Nói như vậy nhưng các nhà kinh tế học đều đồng ý rằng, cắt giảm không phải là biện pháp tối ưu để giải quyết khủng hoảng. Những đất nước trên đều có tốc độ tăng trưởng chậm hơn cùng việc các công trình phúc lợi và lương hưu bị cắt giảm có thể sẽ dẫn đến việc một nhu cầu khổng lồ về hàng hóa và dịch vụ. Sự mất lòng tin nơi người tiêu dùng cũng như sự mất tự tin trong các doanh nghiệp, tựu chung lại tất cả sẽ dẫn đến thâm hụt lớn trong sản lượng sản xuất.

9. Đương đầu thất bại với thị trường tài chính lao đao

Khi các nhà lãnh đạo EU không thể nhanh chóng bình ổn thị trường tài chính ở Hy Lạp, thiệt hại và quy mô của sự rối loạn đó đã bị bành trướng tới cuộc khủng hoảng ngày nay. Hậu quả để lại đó là một EU bị đẩy vào tình thế khiến ngay cả những nền kinh tế lớn như Italia cũng không thể chi trả cho chính mình bằng việc mọi quốc gia bình thường vẫn làm: phát hành công trái. Bà Hughes nói rằng đây là thời điểm để vứt bỏ lề thói của chủ nghĩa tự do mới, trong cái mà quyền lực bị đưa từ xã hội chung đến các lĩnh vực cá nhân. Nếu không cải tổ, các chính trị gia châu Âu sẽ giẫm lên vết xe đổ của cuộc khủng hoảng 80 năm trước.

10. Nền kinh tế vi mô chịu nhiều sức ép

Dự án khu vực đồng tiền chung châu Âu được chứng minh rằng nếu không có cùng mức độ sản xuất, căng thẳng kinh tế mà các thành viên trong khu vực đồng Euro đang phải gánh chịu sẽ tiếp tục trở nên không thể chối cãi. Tiền lương, giá cả, nạn thất nghiệp và hàng tá vấn đề khác sẽ làm loãng mối quan hệ giữa các thành viên trong khu vực. Nếu sự cân đối là hợp lý thì thành viên đó vẫn sẽ duy trì được thế cạnh tranh của mình, còn không đó sẽ là cái giá đắt phải trả cho những thâm hụt vào các tòa nhà, đường sá, sân bay, nơi cung cấp việc làm cho người dân. Những khoản chi này sẽ dẫn đến các thâm hụt khổng lồ ngày một lan rộng trong một nền kinh tế đang bị chậm lại. 

CHÂU ÂU CỐ THOÁT KHỎI GUỒNG MÁY KHỦNG HOẢNG

Hai nguyên thủ của Pháp và Đức sẽ có cuộc gặp mặt vào ngày 8/12 tại Marseille trong hội nghị của đảng Nhân dân châu Âu.  Chỉ trong vài ngày, họ phải tìm ra tiếng nói chung để cứu vãn đồng euro và trình bày trong cuộc họp của Hội đồng châu Âu. Những khác biệt quan điểm của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Angela Merkel thì rất nhiều nhưng chúng ta có thể điểm qua vài nét chính:

Angela Merkel muốn có một sự cải cách các thỏa ước 27 thành viên. Tổng thống Pháp cho rằng thủ tục này sẽ lâu dài, phiêu lưu do vấn đề phê chuẩn hay vấp phải quyền phủ quyết của Anh hay Cộng hòa Séc vốn không muốn tranh luận về định chế. Pháp lại muốn có một thỏa ước chỉ gồm các thành viên trong khu vực đồng euro. Nước này cho rằng thực tế sẽ thúc đẩy một thỏa ước 17 bên, một nghi thức hay thỏa ước liên chính phủ đơn thuần, có thể được phê chuẩn bởi các quốc hội và được áp dụng mà không cần toàn thể nhất trí.

Không thể nhắc đến vấn đề Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE). Pháp muốn có một tuyên ngôn chung của các chính phủ và BCE để ấn định lộ trình cứu vãn đồng euro, nhưng điều này sẽ rất khó chấp nhận đối với Đức. Do vậy, mọi người mong muốn BCE sẽ tự quyết định việc cứu trợ các quốc gia đang gặp khó khăn. Muốn thế ngân hàng phải có những đảm bảo, tức phải tăng cường các nguyên tắc cứu trợ của châu Âu.

Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi thành lập một liên minh ngân sách bằng một thỏa ước ổn định. Thỏa ước sẽ được tăng cường bằng các chế tài đối với những quốc gia thâm hụt hơn 3% PIB hoặc không tuân thủ việc giảm nợ công xuống dưới 60% PIB trong vòng 20 năm. Thay vì chỉ kiểm tra ngân sách, EU sẽ chú ý đến mọi sự mất ổn định tiềm tàng (bong bóng địa ốc, suy thoái cán cân chi trả…) để có thể lên tiếng báo động từ gốc.

Pháp muốn những quyết định phải được phê chuẩn bởi đa số các bộ trưởng trong khu vực đồng euro. Tuy nhiên Tổng thống Nicolas Sarkozy không muốn những nước vi phạm thỏa ước phải bị truy tố trước Tòa án châu Âu như Thủ tướng Angela Merkel đề nghị. Tuy nhiên, cả Pháp cũng như Đức đều không muốn tăng cường vai trò của Quốc hội châu Âu.

Quỹ ổn định tài chính châu Âu (FESF) từ nay sẽ được giải ngân cho đa số những quốc gia đủ năng lực để một quốc gia nhỏ không thể ngăn cản việc cứu trợ một quốc gia khác, như Slovakia đã suýt làm đối với Hy Lạp vào mùa thu vừa qua.

Minh Luân (tổng hợp)

Hoàng Cúc - Hoàng Thy (theo CNN)
.
.