Lễ nhậm chức của Tổng thống Barack Obama được bảo vệ nghiêm ngặt chưa từng có

Thứ Ba, 20/01/2009, 14:15
Sẽ có hàng trăm triệu người theo dõi qua sóng phát thanh và truyền hình trên khắp thế giới, chưa kể tới khoảng 2 triệu người (có tài liệu nói 4 triệu) tham dự lễ nhậm chức của ông Barack Obama, Tổng thống thứ 44 và là Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lễ nhậm chức của ông Barack Obama hôm 20/1, một khoản ngân sách lớn, cùng một lực lượng lớn nhân viên an ninh, cảnh sát và quân đội đã được huy động.

Chi phí tốn kém cho công tác an ninh...

Người ta đã chi hơn 50% trong tổng số 75 triệu USD được cấp cho công tác đảm bảo an ninh. Chỉ cần nhìn qua buổi tổng duyệt ngày 12/1 cũng đủ thấy mức độ cũng như quy mô của lễ nhậm chức chính thức diễn ra hoành tráng như thế nào. Cho tới nay, mọi công tác chuẩn bị, từ tổ chức đến bảo vệ, an ninh đều đã hoàn tất. Người ta đã lập 13 chốt kiểm soát tại tất cả các ngả đường tiến tới nơi tổ chức và mọi người đều phải đứng xếp hàng để kiểm tra an ninh. Ngoài ra, hơn 60 tuyến đường cũng bị cấm hoặc hạn chế các loại xe lưu thông nhằm đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Trừ xe cứu thương, xe buýt, xe ưu tiên, còn tất cả các phương tiện giao thông khác không được lưu thông trên hai con đường huyết mạch dẫn vào thủ đô. 4 cây cầu lớn từ bang Virginia vào thủ đô sẽ đóng cửa từ chiều tối 19/1. Riêng khu vực dành cho lễ nhậm chức bị phong tỏa hoàn toàn. Sân khấu của lễ tuyên thệ nhậm chức là các bậc thang của tòa nhà Quốc hội.

Sở Mật vụ Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ lễ nhậm chức đã huy động toàn bộ nhân viên của mình. Ngoài ra, hơn 10.000 sĩ quan an ninh khác thuộc hơn 100 đơn vị trung ương và địa phương cũng được tăng cường để hỗ trợ. Không chỉ có Sở Mật vụ, mà cả lực lượng an ninh, cảnh sát và FBI đều phải “vắt óc suy nghĩ” nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lễ nhậm chức kể từ khi ông Barack Obama đắc cử đến nay. Cảnh sát Washington đã cho lắp đặt thêm nhiều hệ thống camera an ninh mới. 5.265 camera giám sát được bố trí ở khắp nơi để theo dõi mọi di biến động xung quanh khán đài.

Vệ tinh cũng được sử dụng để bảo vệ an toàn tuyệt đối lễ nhậm chức của ông Barack Obama. Được biết, Ban tổ chức đã điều 8.000 cảnh sát (4.000 đến từ thủ đô Washington và 4.000 đến từ 96 đơn vị khác nhau trên toàn nước Mỹ) và 11.000 quân nhân, lực lượng dân sự (có tài liệu nói là 13.000 người) cùng 10.000 vệ binh quốc gia nhằm tăng cường bảo vệ an ninh xung quanh thành phố trong suốt thời gian diễn ra buổi lễ. Đó là chưa kể tới từ 15.000 đến 18.000 tình nguyện viên hỗ trợ Ban tổ chức. Riêng tại khu vực diễn ra buổi lễ nhậm chức, người ta bố trí khoảng 11.500 lính bảo vệ.

Bên cạnh đó, các lực lượng đặc biệt khác cũng đã và đang hoàn tất phần việc cuối cùng của mình trong việc đối phó trước một cuộc tấn công sinh học, hóa học và phóng xạ. Lực lượng kỹ thuật còn có nhiệm vụ gây nhiễu các loại điều khiển từ xa của bom tự chế. Cơ quan chức năng đã cho lắp 350.000 bộ loa phóng thanh đặc biệt có sử dụng công nghệ định vị siêu âm cùng các thiết bị phản ứng công nghệ cao khác. Các thiết bị phát hiện vũ khí hóa học và sinh học cũng được gài đặt khắp nơi. Những thiết bị hiện đại khác cũng được sử dụng nhằm bảo đảm không xảy ra bất cứ sự cố đáng tiếc nào. Các trung tâm và ga tàu điện ngầm cũng được tăng cường tối đa lực lượng an ninh. Có hơn 420 cảnh sát vũ trang và trên 100 nhân viên an ninh đặc biệt bố trí tại 86 ga tàu điện ngầm. Người ta cũng tiến hành kiểm tra từng tòa nhà dọc theo tuyến đường đoàn xe Tổng thống sẽ đi qua. Những tay súng bắn tỉa được bố trí dày đặc trên các mái nhà và ban công dọc đại lộ để cùng với camera giám sát xung quanh.

Lực lượng Phòng vệ bờ biển Mỹ cũng đã và đang tuần tra tuyến đường thủy, còn lực lượng không quân tăng cường khả năng giám sát không phận. Biên giới được bảo vệ nghiêm ngặt, các biện pháp chống khủng bố được tăng cường, máy bay chiến đấu tuần tiễu liên tục trên bầu trời Washington DC. Tư lệnh Bộ Chỉ huy miền Bắc, tướng Gene Renuart cho biết, tuy Sở Mật vụ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho lễ nhậm chức, nhưng họ luôn túc trực đề phòng mọi tình huống bất trắc. Các đội phản ứng nhanh đều ở vị trí sẵn sàng. Lễ diễu hành sẽ diễn ra sau khi ông Barack Obama tuyên thệ nhậm chức.

Chiếc “Cadillac One” chở Tổng thống cũng được kiểm soát kỹ lưỡng trước khi đưa ông Barack Obama tới lễ nhậm chức. Chiếc “Cadillac One” không những được bịt kín hoàn toàn để chống vũ khí hóa học, mà còn được lắp kính chống đạn cùng lớp vỏ bọc thép dày 20 li. “Cadillac One” được chế tạo bởi Hãng General Motors đã lắp nhiều trang thiết bị hiện đại có thể phát hiện nhanh mọi tình huống xấu như bị đặt bom, tấn công khủng bố...

Bộn bề với bao phiền toái

Cho đến nay vẫn chưa có bất cứ cảnh báo ám sát hay khủng bố nào được phát ra từ các quan chức tình báo và Bộ An ninh nội địa. Bộ trưởng An ninh nội địa Michael Chertoff cho biết, đây sẽ là sự kiện an ninh lớn nhất từ trước đến nay. Giới truyền thông coi mức độ bảo vệ an ninh cho ông Barack Obama là nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay. Người ta đề phòng khả năng bị tấn công bất ngờ theo kiểu tự phát nhiều hơn một kế hoạch được tổ chức từ trước.

Cảnh sát trưởng Cathy Lanier tiết lộ, họ đã lên kế hoạch cho việc rút lui khẩn cấp đối với ông Barack Obama khi xuất hiện tình huống nguy hiểm bất ngờ. Về phần mình, ông Barack Obama có thể sẽ phải mặc cả áo chống đạn cho dù đứng phát biểu sau một tấm kính chống đạn. Ngoài ông Barack Obama, vợ và con Tổng thống mới đắc cử đều được nhân viên mật vụ theo sát như hình với bóng. Nên nhớ ông Barack Obama từng bị mưu sát một vài lần, đó là chưa kể tới những tuyên bố quá khích của một số tổ chức và cá nhân khác ở trong và ngoài nước Mỹ.

Vì số lượng người tham dự lễ nhậm chức đông hơn dự kiến - từ 2 đến 4 triệu người nên cơ quan chức năng đã phải huy động một lực lượng nhân viên lớn chưa từng có. Được biết, lễ nhậm chức của cựu Tổng thống Lyndon Johnson cách đây 44 năm (1965) từng đạt kỷ lục: 1,2 triệu người và ông Barack Obama sẽ phá vỡ con số này. Tất cả mọi người tham dự buổi lễ nhậm chức đều không được mang theo những vật dụng sắc nhọn, súng ống, đạn dược, chai lọ đựng chất lỏng, bình phun, thùng làm lạnh, tranh cổ động, thùng kính, balô, vali, túi xách quá kích cỡ, thanh laser, động vật, chó dẫn đường, xe đạp, xe đẩy trẻ em, ô, áp phích...

Nhà chức trách cũng khuyến cáo, không nên đưa trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già và bất kỳ ai có hệ miễn dịch yếu tới dự lễ nhậm chức của tổng thống. Những người tham dự buổi lễ được yêu cầu có mặt sớm 180 phút trước khi buổi lễ chính thức bắt đầu. Tuy được phép mang theo điện thoại di động và máy ảnh, nhưng khách tham dự buổi lễ không được mang theo túi xách đựng máy ảnh và giá đỡ máy ảnh. Để hạn chế tối đa phiền phức, người ta chỉ cho phép 1.000 người bán hàng rong trong thành phố tại thời điểm diễn ra lễ nhậm chức.

Giới chuyên môn cho biết, lễ nhậm chức của ông Barack Obama được bảo vệ cẩn trọng, tỉ mỉ, chi tiết và bộn bề nhất trong vòng mấy chục năm qua. Lễ nhậm chức của ông Barack Obama là một sự kiện an ninh quốc gia đặc biệt. Do đó, các cơ quan chức năng cũng phải làm việc với tinh thần đó. Theo thống kê, hiện có 58 cơ quan chức năng tham gia bảo vệ an ninh cho buổi lễ kể trên. Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết, an ninh ở thủ đô Washington D.C sẽ được thắt chặt chưa từng có.

Đoàn xe diễu hành trên đại lộ Pennsylvania trong buổi tổng duyệt.

Mặc dù cảm thấy khó chịu trước sự bảo vệ quá nghiêm mật, nhưng ông Barack Obama buộc phải làm quen và thích nghi với hoàn cảnh sống mới bởi đó vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của ông chủ Nhà Trắng. Cho tới nay ông Barack Obama vẫn đang tiếp tục tranh đấu để giữ lại chiếc điện thoại di động Blackberry, phương tiện để liên lạc với những người bên ngoài Nhà Trắng.

Những cảnh báo khác

Sau sự cố “giày bay” tại buổi họp báo hôm 14/12/2008 ở Iraq xảy ra với Tổng thống Bush, Sở Mật vụ phải đối mặt với một loạt câu hỏi xoay quanh khả năng bảo vệ tổng thống trước những vụ tấn công tương tự, thậm chí nghiêm trọng hơn. Lực lượng bảo vệ từng một phen hú vía khi nơi ở của ông Barack Obama tại Honolulu bị mất điện. Thị trưởng Honolulu Mufi Hannemann đã ra lệnh cho cảnh sát phải tăng cường tuần tra canh gác ở phía bãi biển trước khu nghỉ của ông Barack Obama. Thống đốc Hawaii Linda Lingle cho biết, một đơn vị quân đội Mỹ đã cung cấp thiết bị thông tin cho lực lượng bảo vệ ông Barack Obama để giữ liên lạc với các nhà lãnh đạo địa phương trong suốt thời gian khu vực này bị mất điện.

Không chỉ có ông Barack Obama, mà vợ và 2 cô con gái cũng được hưởng những quyền lợi đặc biệt sau khi vào Nhà Trắng. Nhưng ông Barack Obama từng tỏ thái độ bực bội trước tình trạng luôn bị theo dõi một cách quá sát sao. Ông Barack Obama buộc phải từ bỏ một số thói quen như ra ngoài ăn tối và cắt tóc. Được biết, ông Zarif, người đã cắt tóc cho Tổng thống Barack Obama trong suốt 14 năm qua vẫn thỉnh thoảng được mời tới nhà để phục vụ.

Ông Ed Donovan, phát ngôn viên Sở Mật vụ từ chối tiết lộ chi tiết về cơ chế bảo vệ đối với ông Barack Obama. Được biết, Đội Band Box là đơn vị bảo vệ ông Barack Obama đều được huấn luyện và sử dụng thành thạo các loại vũ khí cũng như những trang thiết bị điện tử khác. Họ được trang bị súng lục Gig, súng Reminton, súng tiểu liên Uzi và súng MP5... và nhiệm vụ chính của Đội Band Box là bảo vệ an toàn, di tản nhanh đối tượng được bảo vệ thoát khỏi vòng nguy hiểm.

Sở Mật vụ từng nhận định: mối đe dọa đối với ông Barack Obama lớn hơn rất nhiều so với bất cứ tổng thống nào trong lịch sử. Trợ lý Giám đốc Sở Mật vụ Nick Trotta thừa nhận, đã xuất hiện những băng nhóm phân biệt chủng tộc và chúng rục rịch hành động kể từ khi ông Barack Obama đắc cử Tổng thống. Theo tiết lộ của Sở Mật vụ, họ đã điều khoảng 200 nhân viên để bảo vệ Tổng thống mới đắc cử Barack Obama cùng toàn bộ gia quyến. Ngoài ra, họ cũng đã đặt mật danh cho những nhân vật đặc biệt này, theo đó ông Barack Obama được gọi là “Renegade” bà Michelle là “Renaissance”  còn 2 cô con gái là “Rosebud” và “Radiance”.

Giới chuyên môn từng khuyến cáo, những thói quen và sở thích của ông Barack Obama như thích uống trà chiết xuất từ quả Blueberry hay thích ăn rau trộn với nước sốt Enchilada... có thể sẽ trở thành “dữ liệu quý” để bọn khủng bố cũng như những kẻ muốn ám sát nghiên cứu, phục vụ cho mục đích của họ. Ngay thói quen ăn uống của những người thân ông Barack Obama cũng sẽ bị “bọn người xấu” khai thác triệt để.

Mỹ là quốc gia từng có tới 4 tổng thống bị ám sát và 2 tổng thống bị thương khi đương nhiệm. Tuy nhiên, Tổng thống mới đắc cử Barack Obama vẫn tuyên bố, không lo lắng về an toàn cho bản thân dù có những lời đe dọa nhằm vào ông nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ. Có một chi tiết tuy nhỏ, nhưng cũng được dư luận quan tâm khi 2 hãng cá cược Sportsbet và Centrebet lớn nhất Australia không chịu trả tiền cho những người đặt cửa cho ông Barack Obama thắng cử Tổng thống bởi họ lo sợ ông có thể bị ám sát trước khi chính thức nhậm chức vào ngày 20/1. Họ tuyên bố, chỉ có thể trả tiền sau khi ông Barack Obama vào Nhà Trắng!

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.